bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 

nghiêm thị hằng 0948360597

Xin chân thành cảm ơn ban biên tập CLB Văn chương đã đăng bải chia sẻ thông tin về hành trinh tìm dấu tích phàn mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương như mò kim đáy biển

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TAC NHIỆT TÌNH CỦA NHÀ THƠ LÊ ANH PHONG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!CHÚC BÁC VUI KHỎE!

 

nghiêm thị hằng 0948360597

rất cảm ơn PGS-TS Vũ Nho về những ý kiến khách quan

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!CHÚC BÁC VUI KHỎE!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 96
Trong tuần: 954
Lượt truy cập: 748431

GIỚI THIỆU TẬP BÌNH THƠ TÌNH CHA CON

"CON LÀ CÁNH BUỒM CHA GỬI ĐẾN MAI SAU"

(Giới thiệu Tình cha con - Tuyển và bình thơ của Nguyễn Thị Thiện)

                                        NGUYỄN XUÂN LẠC

ba_tnh_cha_con

1 - Cái tên Nguyễn Thị Thiện - vốn là cô giáo dạy văn Xứ Đoài, Phó hiệu trưởng trường THPT Thạch Thất, Hà Nội - đã thành quen thuộc với độc giả qua những bài bình thơ xinh xắn, ngọt ngào trên các báo và càng được chú ý hơn qua năm tập bình thơ của chị (1).

Năm tập bình thơ được viết gần như liên tục trong ba năm 2018, 2019, 2020 và đều là những tập bình thơ khá đầy đặn. Một sức viết thật đáng nể, nhất là ở một người phụ nữ đã lên chức "bà" như chị. Nếu không yêu đời, yêu người, yêu thơ nồng nàn, say đắm, quyết không thể viết được như thế. Và điều đáng ghi nhận là các tập bình thơ này đều có độc giả, nhiều nhất là giáo viên, học sinh phổ thông và sinh viên các trường đại học. Lần này chị lại có tập bình thơ thứ sáu: TÌNH CHA CON – Tuyển và bình thơ. Lý do nào khiến chị viết tiếp tập bình thơ này? Chị tâm sự: Một lần con trai chị thắc mắc: “Sao mẹ chỉ viết nhiều về Người Mẹ mà không viết về Người Cha? Như thế là không công bằng”. Chị suy nghĩ về điều này và thấy con chị nói đúng. Được bạn bè đồng nghiệp khích lệ, chị viết tập bình thơ nữa để bù đắp khoảng trống này. Và thế là trên tay bạn đọc đã có thêm tập bình thơ TÌNH CHA CON - một tập bình thơ rất đáng được ghi nhận khi thơ viết về người cha còn chưa nhiều trên thi đàn và những bài bình thơ về tình cha cũng còn hiếm gặp.

2 - Điều đáng được ghi nhận trước tiên ở tập bình thơ này là sưu tầm và tuyển chọn các bài thơ hay về Người Cha trong khi thơ viết về cha còn ít trên thi đàn. Tác giả cuốn sách đã bỏ ra khá nhiều công sức để sưu tầm, tuyển chọn để có được 35 bài thơ cho cuốn sách mà chị hằng mong muốn được chia sẻ cùng bạn đọc như chị đã từng ca ngợi tình quê hương đất nước và người mẹ trong các tập bình thơ trước. Con số 35 bài tuy chưa phải là nhiều nhưng với chủ đề người cha thì đó là một cố gắng rất lớn, một sự đóng góp có ý nghĩa, trong đó có đủ hai loại bài về tình cha con: 14 bài về tình con đối với cha và 21 bài về tình cha đối với con. Để tập bình thơ có được tiếng nói tri ân sâu nặng của người con đối với người cha và nhất là tiếng lòng thiết tha của người cha luôn mong con lớn khôn, nên người tử tế. Trong số các bài thơ được tuyển chọn, có đến quá một nửa là của các nhà thơ đã thành danh như: Tố Hữu, Hoàng Trung Thông, Vũ Quần Phương, Nguyễn Duy, Thu Bồn, Lê Thành Nghị, Lưu Quang Vũ, Đồng Đức Bốn, Đỗ Trung Quân, Y Phương, Vương Trọng, Nguyễn Quang Thiều, Mã Giang Lân, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Sĩ Đại, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Thị Mai. Điều này đã góp phần quan trọng làm nên chất lượng của tập bình thơ. Nhưng bên cạnh những tên tuổi ấy, tác giả còn chú ý phát hiện "những hạt vàng thơ" ở các nhà thơ nghiệp dư để đưa được nhiều tiếng nói của quần chúng vào tập bình thơ này như: “Con sẽ khá hơn... " của Đào Ngọc Chung, "Nước mắt bố" của Nguyễn Văn Thu và "Bố ở đâu" của Vũ Ý Nhi…Và chính những bài như thế lại rất "ăn khách", đặc biệt là những độc giả thuộc tầng lớp trung chúng và đại chúng (2). Phải chăng đây là một quan niệm tuyển thơ dân chủ khá mới mẻ trong xu thế thơ ca phát triển hiện nay?

3- Mang tựa đề TÌNH CHA CON, cuốn sách được kết cấu thành hai phần. Phần I: Tình con với cha và phần II: Tình cha với con.

Bạn đọc sẽ đặt câu hỏi: vì sao tác giả lại mở đầu phần I (tình con với cha) bằng bài thơ "Gởi lòng con đến cùng Cha" của Thu Bồn khi nghe tin Bác từ trần? Bởi đây là cái tình của đứa con Thu Bồn gửi đến người Cha già dân tộc Hồ Chí Minh trong nỗi đau thương vô hạn và lòng biết ơn không cùng khi Bác qua đời. Đây là tình cha con mới mẻ xuất hiện từ Cách mạng tháng Tám 1945 và chỉ ở Việt Nam mới có tình cha con đặc biệt này: "Bác Hồ là vị cha chung" (ca dao) của dân tộc, còn mỗi người dân nước Việt đều là con của Bác "Người không con mà có triệu con" (Nguyễn Đình Thi). Như vậy ở Việt Nam, ngoài tình cha con trong gia đình còn có tình cha còn rộng lớn hơn trong cả nước. Vì thế cái tình của Thu Bồn gửi đến Bác trong bài thơ này là biểu hiện đẹp nhất của tình con với cha ở nước ta trong thời đại ngày nay. Tác giả chọn bài thơ đó là hợp lý, hợp tình. 

Từ  tình con với Cha trong phạm vi cả nước, ta hiểu thêm tình con với cha trong mỗi gia đình Việt Nam: "cha con nghĩa nặng"; "phụ tử tình thâm"- tình con với cha là tình sâu nặng. Người con có thể không có những biểu hiện vồ vập bên ngoài nhưng trong lòng thì luôn kính yêu, nghe theo lời cha dạy bảo và biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục của  cha, luôn coi người cha là chỗ dựa tinh thần, người dẫn dắt đường đi nước bước cho mình trong suốt cuộc đời. Cha là tấm gương cho con noi theo và đứa con luôn giữ trong ký ức mình những hình ảnh và kỷ niệm đẹp nhất về cha. Với Lê Thành Nghị, đó là những đêm bão giật "cha vẫn ngồi soạn bài đèn mờ nước mắt", những ngày mưa dầm "Cha chống gậy lội bùn đi dạy học" và nhất là khi "Mẹ mất rồi... cha một mình lặn lội nuôi con" (Cha tôi). Với Tân Quảng là hình ảnh người cha nông dân - cựu chiến binh lam lũ, vất vả "Bốn mùa chai cộm bàn tay/ Nón mê chân đất người gầy chắc đanh" (Cha tôi).  Với Nguyễn Văn Thu là kỷ niệm không thể nào quên về một lần trốn học bị bố đánh một roi, nhưng "đánh con xong về nhà bố khóc" và giọt nước mắt đó của bố đã theo anh trong suốt cuộc đời (Nước mắt bố). Với Vũ Ý Nhi thì những kỷ niệm về người bố kính yêu đã ùa về trong ngày giỗ bố để nhiều lần cô phải thảng thốt gọi lên "Bố ở đâu" rồi tự trả lời trong niềm tiếc thương sâu sắc của tình phụ tử: "Bố của con đã là của ngàn năm" (Bố ở đâu?).

Người cha được xem là trụ cột trong gia đình - "Con có cha như nhà có nóc"- là chỗ dựa, niềm tin của đứa con và đây chính là điều tri ân sâu sắc nhất của những đứa con đối với cha mình. Nếu trong cuộc đời nhiều sóng gió phải "vượt qua nỗi buồn vượt qua nước mắt",  Lê Thành Nghị "biết có cha đợi cuối mỗi con đường"  thì giọt nước mắt bố khóc khi đánh con trốn học năm xưa đã thành giọt nước mắt thanh lọc tâm hồn của Nguyễn Văn Thu khi anh đã trải nghiệm cuộc đời để nhận ra một điều sâu sắc "giọt nước mắt Bố thật là giọt trong".

Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến "Nhà không có bố" của nhà thơ nữ Nguyễn Thị Mai, một bài thơ xinh xắn dễ thương, một bức tranh đời thường hóm hình nhưng cái ý nghĩa nhân văn của nó thật đáng để ta suy nghĩ. Trong bài thơ lục bát 14 câu này không hề có nhân vật bố (đúng như tên bài thơ) nhưng thật lạ chỗ nào cũng thấy có bố thấp thoáng bởi cái gì, ở đâu cũng cần có bố. Đúng bố là trụ cột trong gia đình, bố cần thiết biết bao và nhà thơ đã từ vị trí người mẹ của những đứa con trong gia đình để nói lên thật thấm thía điều đó "Nước đun sôi để nguội hoài/ Nhà không có bố biết ai pha trà". Tình con với cha ở đây không được nói trực tiếp mà chỉ âm thầm bộc lộ qua mong ước thiết tha của những đứa con (và cả người mẹ) về một "ngôi nhà có bố" như bao nhà khác trong cuộc sống đời thường. Hơn cả tình con với cha, đây chính là nhu cầu của những đứa con cần có bố trong cuộc đời mình.

4- Nếu tình con với cha là lòng kính yêu tin tưởng và biết ơn sâu sắc đấng sinh thành thì  tình cha với con là lòng yêu thương và niềm mong ước thiết tha đứa con mau lớn khôn để thành người tử tế. Chính vì thế, tác giả đã chọn bài "Tiếng ru" của nhà thơ Tố Hữu để mở đầu cho phần II của cuốn sách. Đây là tiếng ru của người cha cho những đứa con. Nó không đậm sắc thái tình cảm như của người mẹ mà thiên về lý trí để chuẩn bị cho đứa con bước vào cuộc sống. Trong tư cách người cha, nhà thơ muốn gửi đến những đứa con, đến thế hệ trẻ lẽ sống mới của thời đại để họ rèn luyện, trưởng thành và đặt niềm tin sắt son vào họ: "Mai sau con lớn hơn thày/ Các con ôm cả hai tay đất tròn". Từ bài thơ về tình cha với con mang ý nghĩa khái quát này để đi vào các bài thơ về tình cha với con cụ thể là bước đi hợp lý của người bình thơ. Ta thấy được nỗi lòng sung sướng tự hào của Hoàng Trung Thông khi "lần đầu tiên trước biển khơi vô tận/ cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con" (Những cánh buồm); ta cảm thông sâu sắc với lòng người cha thương con đang chiến đấu chống quân thù nơi biên giới: "Tay con gái mười ngón mềm thon nhỏ/ Thúc xà ben toé lửa xẻ chiến hào" ("Thơ cho con" - Nguyễn Bùi Vợi); Ta suy nghĩ nhiều về một điệu hát "Ru con sau trận lụt" của Vũ quần Phương thật êm ả, yêu đời để rồi ta cùng chia sẻ với niềm vui lớn của người bố trẻ Lưu Quang Vũ trong hai thời điểm đáng ghi nhớ: khi con sắp chào đời anh đã thấy "Con là cánh buồm cha gửi đến mai sau" (Gửi em và con); còn khi con đi lớp mầm non thì "Sau mỗi ngày bận rộn/ Bố có niềm vui lớn/ Buổi chiều đi đón con" (Buổi chiều đón con). Và ta không thể nào quên được cái niềm vui cực kỳ lớn lao của Nguyễn Duy khi đứa con sinh ra ngay trong lòng đất và từng ngày lớn lên giữa bom đạn chiến tranh vô cùng khốc liệt của đất lửa Vĩnh Linh "Khi đất và cha cùng nghe con gọi "Mẹ!"/ Soi mắt con cười cha thấy đó trời xanh". (Bài thơ tặng con).

Tình cha thương yêu con như vậy thật là sâu nặng và chính vì thương yêu con nên người cha nào cũng đều mong con khôn lớn, trưởng thành. Ở góc độ này, tình cha với con được thể hiện sâu sắc trong những lời khuyên răn tâm huyết và những lời dạy bảo chí tình. Khi con nhỏ đó là "Bài học đầu cho con" - bài học về tình yêu quê hương mà nhà thơ Đỗ Trung Quân trong tư cách "người cha" đã viết tặng bé Quỳnh Anh (con của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) khi đó mới tròn một tuổi (bài thơ được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc với nhan đề là "Quê hương"). Lúc lớn lên, nhất là khi sắp bước vào đời, đó là những chỉ dẫn cần thiết của người cha. Có cả một loạt bài thơ như thế: ba bài thơ cùng mang tên "Nói với con" của Y Phương,  Mã Giang Lân, Nguyễn Huy Hoàng; bài thơ "Dặn con" của Trần Nhuận Minh và "Thơ viết cho con ngày mười bảy tuổi" của Nguyễn Sĩ Đại. Cùng "Nói với con" những lời tâm huyết nhất nhưng ở mỗi người cha lại có cách nói riêng, điểm nhấn riêng. Nếu nhà thơ dân tộc Tày Y Phương với lối nói chắc nịch đã nhắc nhở con phải biết yêu quý và tự hào về "người đồng mình" để không bao giờ nhỏ bé được; thì nhà giáo Mã Giang Lân, với giọng thơ trầm tư đã thầm nói với đứa con mười hai tuổi đang ngủ say trong đêm: "Con cứ lớn lên, cứ lực lưỡng ở giữa đời/ ... những nhọc nhằn khổ đau đối với con không cần thiết/ thì để lại cho cha". Còn Tiến sĩ văn học Nguyễn Huy Hoàng, bằng lời thơ hàm chứa ý nghĩa triết lý, đã chia sẻ với con những chiêm nghiệm suy nghĩ vô cùng sâu sắc về cuộc sống để rút ra những bài học bổ ích về nhân sinh và xử thế trong cuộc đời. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại trong "Thơ viết cho con ngày mười bảy tuổi" lại có một cách nhìn mới mẻ về đứa con trai của mình: "Thứ con biết thứ gì cha cũng lạ/  thứ cha hay con cũng biết hơn rồi", vì thế mà "Thời cha sống dẫu vô cùng tốt đẹp/ Chẳng thể là khuôn thước của đời con!" Và đây là một cách nhìn đúng đắn tiến bộ. Có hai bài thơ viết cho con gái đều đáng đọc vì những xúc cảm đẹp và những suy nghĩ sâu xa của người cha về đứa con gái của mình. Với Nguyễn Quang Thiều đó là "niềm xúc động trong cha dâng lên đến tận cùng" khi được đứa con chạy ra đón và niềm khát khao luôn được chở che, bao bọc cho đứa con gái bé bỏng, yêu thương (Con gái ơi); với Tiểu Thơ là "Lời thì thầm của cha" cùng con gái như lời tâm sự để sẻ chia cho con những hiểu biết về cuộc sống, những trải nghiệm khi vào đời và tin rằng con sẽ lớn và đi xa "Sẽ có một người đàn ông khác thay cha yêu thương con hết phần đời còn lại". Hai bài thơ "Nhớ con" đều rất xúc động vì đây là nỗi nhớ của những người cha - lính nhớ về những đứa con còn bé nhỏ ở quê nhà. Nếu nhà thơ quân đội Vương Trọng phát hiện ra một điều lý thú "Nhớ thương là hạnh phúc những ngày xa" thì người lính đảo Nguyễn Văn Hoa đã cho ta thấy cái hạnh phúc ấy trong một bức tranh đẹp: "Đêm nay ngoài đảo vắng/ Ba đứng gác dưới trăng/ Để lòng như sóng nước/ Nghiêng nhớ về bên con". Tình cha con đẹp biết bao và cũng sâu nặng biết mấy! Và thơ đã làm đẹp thêm cái tình ấy trong mỗi chúng ta.

5 - Nguyễn Thị Thiện có duyên bình thơ. Những bài bình thơ của chị ban đầu được đăng trên tuần san Đời sống gia đình của báo Phụ nữ Thủ đô, báo Người Hà Nội hay trên tuần san Hạnh phúc gia đình của báo Phụ nữ Việt Nam; sau đăng cả trên Tạp chí Thơ và tuần báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam... Chị biết chọn bài và biết cách bình phù hợp với tâm lý thưởng thức của độc giả, nhất là các độc giả thuộc lứa tuổi thanh niên, học sinh, sinh viên,  đặc biệt là với giới nữ. Những bài bình thơ của chị gọn gàng, nhẹ nhàng, đọc dễ tiếp nhận bởi chị không thiên về lý luận cao siêu hoặc cách phân tích cầu kỳ. Rất đời thường, chị đưa ngay người đọc vào tác phẩm bằng những mở đầu khá hấp dẫn, không chỉ giới thiệu xuất xứ mà còn tóm tắt thật khéo chủ đề của bài thơ. Như khi bình bài thơ của Nguyễn Quang Thiều chị đã viết: "Trong sổ nhiều sáng tác đã đọc của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi rất ấn tượng với bài "Con gái ơi" viết cho con gái Tuyết Ngân, rút từ tập thơ "Sự mất ngủ của lửa" (1992). Bài thơ là những cảm xúc dâng trào, tâm trạng vui sướng tột cùng ở người cha khi được con gái chạy ra đón mình và niềm khao khát chở che bao bọc được con nhỏ bé". Hay ở một bài khác: "Tình cảm của cha mẹ dành cho con cái bao giờ cũng rộng lớn, khó lòng có thể cân đong đo đếm được. Điều này thể hiện rõ qua “Lời thì thầm của cha” do Tiểu Thơ sáng tác. Đây là lời tâm sự, cũng là lời khuyên dạy chí tình chí nghĩa của người cha đối với cô con gái yêu đang đứng trước ngưỡng cửa tình yêu, hôn nhân và cuộc đời". Rồi chị dẫn dắt người đọc đi vào từng khía cạnh giá trị của bài thơ với lối bình nhẹ nhàng đầy nữ tính như lời trò chuyện, lời tâm sự, lời sẻ chia giữa chị với độc giả của mình. Có cảm giác chị không làm văn chương mà chị thủ thỉ tâm tình cùng bạn đọc về những nhân vật và cảnh huống trong bài thơ. Như khi bình bài thơ "Bố ở đâu?", chị đã có những lời đồng cảm sâu sắc với người bạn cùng Khoa Văn thời đại học trong ngày giỗ bố khi nhìn cảnh vườn nhà:  "Cây và hoa ấy chính là một phần của người bố để lại, giờ đây trở thành nhịp cầu kết nối rữa người đã khuất và người còn sống khi cô hỏi về những món ăn mà "chẳng thấy bố ăn", "những câu hỏi và hình ảnh ấy còn tươi nguyên trong tâm trí giờ đây chỉ còn là hoài niệm..."  Ở đây, tác giả, người bình thơ, độc giả đều có sự đồng cảm qua những vần thơ.  Nét riêng của chị là giọng bình tâm tình, dễ đi vào lòng người, nhất là đối với giới nữ. Nhưng tâm tình mà không mộc mạc, mà vẫn có sắc thái văn chương. Chị vốn là cô giáo dạy văn THPT, lại yêu thơ, hiểu biết về luật thơ và thi pháp nghệ thuật thơ nên các bài bình của chị đều bài bản và có sự hài hòa giữa việc khai thác nội dung và bình nghệ thuật thơ. Đọc các lời bình của chị trong tập này (cũng như 5 tập trước đây) thấy chị đi khá kỹ về nghệ thuật đến từng hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ cũng như các biện pháp tu từ trong thơ. Điều này là đáng quý nhưng ở một số bài, khi đi quá tỉ mỉ vào bình diện nghệ thuật thì lời bình có chỗ thiếu liền mạch, chưa trong sáng. Phải chăng đây là ảnh hưởng còn sót lại của một người dạy văn đã từng đứng trên bục giảng hơn ba mươi năm qua?

Ở trên đã nói cách mở đầu hấp dẫn của chị. Bây giờ xin nói đến những cái kết tạo dư vang cho lời bình thơ. Đúng là tập bình thơ này đã có những cái kết hay để lại nhiều dư âm trong lòng người đọc, chứng tỏ một bản lĩnh vững vàng của người bình thơ. Bài "Nước mắt bố" của Nguyễn Văn Thu có câu thơ kết "Giọt nước mắt bố thật là giọt trong" thì người bình thơ đã hạ câu kết thật hay: "Trong câu cuối từ "Bố" được viết hoa với hàm ý ngợi ca và kính trọng. Giọt nước mắt của bố quả là thánh thiện bởi đó là giọt nước mắt của tình phụ tử không gì có thể làm vẩn đục". Cái kết lời bình bài dặn con của Trần Nhuận Minh có thể xem là một cái kết mẫu mực: "Bài thơ hàm súc với những lời dặn con giản dị nhưng hàm chứa những triết lý sâu sa của đạo làm người. Người bố không chỉ dặn riêng con mình mà qua đó còn đánh thức lòng trắc ẩn, tình yêu thương, sự sẻ chia và khơi dậy lòng tốt của tất cả mọi người. Giá trị nhân văn sâu sắc đó đã khiến thi phẩm được bình chọn là một trong số "100 bài thơ hay thế kỷ XX". Có cái kết chỉ vẹn vẹn một câu nhưng lại đạt được dư vang sâu sắc trong lòng độc giả: "Bài “Những cánh buồm” của Hoàng Trung Thông là thi phẩm giàu chất suy tư về tình cha con với những hoài bão trong sáng làm xúc động lòng người". Có nắm chắc tác phẩm mới có thể viết được câu kết như vậy.

Tập bình thơ còn có nét mới khác đáng ghi nhận. Tác giả bỏ ra khá nhiều công sức để sưu tầm thêm những tư liệu cần thiết nhằm hiểu rõ xuất xứ cũng như hoàn cảnh sáng tác thi phẩm, giúp cho lời bình chuẩn xác và dễ hiểu. Tiêu biểu là hoàn cảnh sáng tác của bài thơ "Gởi lòng con đến cùng Cha" của Thu Bồn khi nghe tin Bác từ trần. Hoặc bài thơ "Bài học đầu cho con" của Đỗ Trung Quân. Và để gợi cảm hứng cho người đọc đến với bài thơ, đồng thời lưu giữ lại ấn tượng sâu sắc về tác phẩm trong lòng họ, người bình đã khéo chọn một hoặc hai câu thơ hay nhất trong bài để làm tựa để cho bài bình thơ của mình. Người viết bài này cũng xin được lấy một trong những tựa đề đó để làm nhan đề cho bài viết: "CON LÀ CÁNH BUỒM CHA GỬI ĐẾN MAI SAU" (Lưu Quang Vũ). Chúc mừng TÌNH CHA CON, tập bình thơ thứ sáu của Nguyễn Thị Thiện - một tập bình thơ không hề dễ chọn bài và dễ viết - nhưng đã tiếp nối được với năm tập bình thơ trước và vẫn giữ được cái duyên đằm thắm của một ngòi bút nữ bình thơ. Đến tập thứ sáu này, phong cách bình thơ của chị đã định hình và dần ổn định. Tin rằng chị sẽ còn đi xa hơn nữa.

Hà Nội - 15 tháng 3 năm 2021.

                                    NXL

  dao

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)