NGÔI NHÀ ẤY
Quang Khải
Ngôi nhà ấy khuất vào nẻo gió
đầu này cha khục khặc ho
giường bên mẹ già rên rẩm
từng đêm hôm khuya khoắt
trái gió trở trời
chỉ gió thở dài mái rạ
chíp chíu đầu hồi côi cút
con ở xa, chưa về chăm chút
Đất nước thêm dằng dặc
vòng vo bao nẻo đường...
Góc vườn nhà quả chát rồi chín nẫu
Cây cao vói mà lưng mẹ còng
Cây cao vói mà tay cha mỏi
Trái rụng thầm lòng già héo hon
Gió trở muà thảng thốt lòng con
Vơ vẩn nghĩ...ngón tay lần sợi bạc
Thời trẻ đi qua vui buồn đã khác
Duy miền quê xa ngái chẳng nguôi
Nơi đó ngôi nhà bình lặng nhỏ nhoi
Người nuôi tôi sắp trọn đời lam lũ
...Cứ nghĩ thế, thốt giật mình giấc ngủ
Cha lại ho sặc sụa khói thuốc lào
Vị nồng cay ấm nơi mẹ miếng trầu
Se sẻ ơi, góc đầu hồi thiếp giấc
Se sẻ ơi, chút an ủi đời tôi.
Trình Phố,1988.
Ngôi nhà ấy-Trong Thơ chọn của Quang Khải-Nxb Hội nhà văn 2004.
LỜI BÌNH CỦA TRẦN TRUNG
NGÔI NHÀ ẤY-HOÀI NIỆM VUI BUỒN
Tôi thích và quí cái chất riêng,tạo nên giọng điệu thơ Quang Khải, chính là
Cái tình, Cái nghĩa với quê hương xứ sở, nơi in dấu ai hoài về những người
thân yêu ruột thịt, quá đỗi gần gũi với nhà thơ.
Đặt tên cho thi phẩm- “Ngôi nhà ấy”, nhà thơ đã chiu chắt và gửi thầm vào
đó một không gian riêng của lòng mình, lại chất chứa bao kỉ niệm của một
thời xa ngái, mà ám ảnh. Bởi, “Ngôi nhà ấy” đầy ắp những dấu ấn hoài cảm
về mẹ cha xưa; Dấu ấn lo buồn, từ không gian “khuất vào nẻo gió” của ngôi
nhà; Rồi, từ chính nơi ấy, chợt vọng lên trong tâm tưởng những thanh âm-
những tiếng buồn từ cha, từ mẹ...một thuở nào:
“đầu này cha khục khặc ho
giường bên mẹ già rên rẩm”
Những tiếng buồn và nhớ ấy, sao mà yếu già tội nghiệp! Cũng thật buồn,
thật xót làm sao, khi những thanh âm ấy lại như hòa vào không gian quạnh
hiu của “đêm hôm khuya khoắt” với ngày “trái gió trở trời” cùng cảm nhận
mơ hồ mà thấm thía “gió thở dài mái rạ”...
Cũng chính từ không gian vật chất ảm đạm buồn lo,ái ngại , nhà thơ thương
quê, nhớ quê, chợt cất lên tiếng thở than, thành thực trong những lời thơ khái
quát thời cuộc mà cũng đau đến tận lòng; ân hận đến tận lòng:
“con ở xa, chưa về chăm chút
Đất nước thêm dằng dặc
vòng vo bao nẻo đường...”
Những tiếng “dằng dặc”, “vòng vo bao nẻo đường” cùng cả dấu ba chấm
(...) đâu phải là đổ lỗi cho hoàn cảnh, tình thế, mà dường như còn chất chứa
bao nỗi niềm, bao tâm trạng của người con đi xa!?
Bài thơ đẫm màu hoài niệm của Quang Khải, từ không gian của “Ngôi nhà
ấy” lại nới rộng ra không gian vườn tược, mà thêm buồn, thêm nhớ... Có gì
đó như gợi sự hoang tàn héo hắt.Đọc lên cứ rưng rưng niềm hoài cảm lẫn
xót xa! Những con chữ của Quang khải hiện hữu và sóng đôi bởi những cái
nhìn thấy và những cái cảm thấy, thật lòng và cũng thật lạ, thật gợi:
“Góc vườn quả chát rồi chín nẫu
Cây cao vói mà lưng Mẹ còng
Cây cao vói mà tay Cha mỏi
Trái rụng thầm lòng già héo hon”
Cảnh ngộ và tâm trạng của mẹ cha nơi quê nhà như hòa lại và đồng cảm,
đồng điệu với người con đi xa mà luôn hướng về quê hương, hướng về cha
mẹ, là khi: “Gió trở mùa thảng thốt lòng con /Vơ vẩn nghĩ... ngón tay lần sợi
bạc/ Duy miền quê xa ngái chẳng nguôi/Nơi đó ngôi nhà bình lặng nhỏ nhoi/
Người nuôi tôi sắp trọn đời lam lũ”...
Mà, làm sao nguôi quên được “Ngôi nhà ấy”! Những lời thơ cuối của
Quang Khải, chợt như quẫy lên những đợt sóng tâm tư trong hoài cảm vui
buồn, lại chập chờn như thực, như mơ, khi nhớ về “Cha lại ho sặc sụa khói
thuốc lào/Vị nồng cay ấm nơi mẹ miếng trầu”. Để rồi, bài thơ hoài cảm quê,
khép lại trong những lời tự cảm, tự vỗ về lòng người, chấp chới trong da diết
buồn vui:
“Se sẻ ơi, góc đầu hồi thiếp giấc
Se sẻ ơi, chút an ủi đời tôi”
HÀ NỘI, 23/11/2018.
Người gửi / điện thoại