Thanh Ứng
Ý nghĩa nhân văn trong truyện ngắn “Nợ tình” của Vũ Thị Kim Liên.
Đó là truyện ngắn đầu tiên trong Tập truyện kí “Nụ cười của mẹ” của Vũ Thị
Kim Liên do nhà xuất bản Hội nhà văn cấp phép năm 2020. Đây cũng là truyện có độ dài lớn nhất trong 22 truyện ngắn của tác giả này ra mắt độc giả gần đây: 34 trang (trong khi đó bình quân truyện kí của Vũ Thị Kim Liên là gần 14 trang).
“Nợ tình” là câu chuyện của hai người bạn: Phong và Tùng.Hai người cùng quê, lại học cùng nhau cấp 2, đến lớp 9 của cấp 3 cả hai lên đường nhập ngũ một ngày, rồi xa nhau từ đó cho đến khi giải phóng miêng Nam thống nhất đất nước mới lại gặp nhau. Xuất ngũ, họ cùng về vùng mỏ làm việc. Phong làm bên kĩ thuật, Tùng làm ở bộ phận vật tư. Họ thân nhau, đi đâu cũng có nhau và dều mong muốn có được tình yêu để xây dựng gia đình hạnh phúc. Rồi Phong yêu Loan, người cùng cơ quan. Loan đưa Phong về nhà mình, bố mẹ Loan rất ưng .
Một đêm, trước khi nghỉ Tết, Loan và Phong gặp nhau, với sự tin yêu chân thành,
Loan đã trao “cái ngàn vàng” cho Phong và Phong cũng trao Loan mối tình đầu của người con trai. Phong hứa sẽ cưới Loan.Nhưng bố mẹ Phong ở quê đã dấm cho Phong một dám khác. Đó là Huệ, người cùng làng. Trong thời gian
Phong đi bộ đội, Huệ đã gần gũi quan tâm chăm sóc bố mẹ Phong. Cô hoạt động kinh doanh và đang ở nước ngoài, Têt này sẽ về. “Phong nghe mẹ nói thì giật thột cả người” thanh minh và nói rõ mối tình của mình với Loan. Mẹ Phong lu loa, vật vã rồi bất tỉnh nhân sự khiến Phong bối rối, chạnh lòng và phải vâng theo ý mẹ lấy Huệ. Hai người rời quê hương sang Nga sinh sống…Trên mỏ, Loan héo hon từng ngày, không thấy Phong trở lại… Tùng biết chuyện, đã xin nghỉ một ngày để về quê gặp và đón Phong lên mỏ gặp Loan. Trong đau khổ, Loan cho Phong biết mình có thai. Phong đưa tiền bắt Loan bỏ thai. Thấy Loan cự tuyệt, Phong nói những câu tàn nhẫn rồi chạy “như ma đuổi” về khu tập thể để Tùng đưa về quê…
Năm năm sau, vợ chồng Phong về nước và chưa có con, lúc này Tùng đã lấy Loan, ngoài hai đứa con sinh đôi với Phong, Loan cố vận động Tùng để đẻ thêm một đứa nữa với Tùng là ba. Thấy Phong quyến luyến hai đứa con của mình và có ý muốn nhận lại chúng,Tùng quyết định dấu Loan đưa hai đứa về quê thăm bố mẹ Phong và vợ chồng Phong. Tùng bảo hai con gọi Phong là ba và gọi bố mẹ Phong là ông bà nội. Khi mẹ Phong sắp mất, chúng chạy vào ôm lấy mẹ Phong và gọi lớn: “Bà nội ơi, chúng cháu yêu bà nội lắm”. Thật kì diệu, có tiếng cháu gọi, mẹ Phong thấy khỏe lại sau mấy ngày ốm thập tử nhất sinh… “Phong và ba bố con Tùng đều chung một bí mật là không cho mẹ Loan biết. Nghéo tay giữ bí mật mãi mãi…” Đó là một cốt truyện khá hấp dẫn. Tác giả đưa người đọc hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Phong, Loan yêu nhau. Hai người đã trao thân cho nhau, thề thốt sẽ cưới nhau. Cứ ngỡ là không có một trở lực nào ngăn cản được đôi lứa. Thế rồi, vì thương mẹ mà Phong phải dứt tình Loan, lấy Huệ. Người đọc cũng bất ngờ khi Phong nói những câu tàn nhẫn lúc Loan báo tin mình có thai “Nạo bỏ nó ngay, anh không thể chấp nhận nó”... Tưởng là tất cả sẽ “tan đàn xẻ nghé”. Nhưng có Tùng, người bạn, đồng đội, người cùng làng với Phong đã đến với Loan bằng một câu nói thật dứt khoát, cao thượng khi Tùng thuyết phục Phong không được: “Thôi được, cậu về trả nghĩa thầy mẹ cho trọn đạo hiếu, tôi sẽ lo cho Loan…”. Đoạn sau của câu chuyện thật đẹp: Vợ chồng Tùng Loan có 3 đưa con. Tùng đã đưa hai con của Phong về gặp Phong và bảo hai đứa gọi Phong là ba và gọi bổ mẹ Phong là ông bà nội. Tình cảm Tùng, Phong lại như xưa. Vợ chồng Phong, không có con, về nước “tu nhân, hướng thiện đầu tư cho trại trẻ mồ côi, ủng hộ xã làm nhiều việc thiện nguyện”. Vợ chồng Tùng Loan “đón mẹ ở quê ra, được cấp đất xây nhà khang trang không phải ở nhà tập thể chật chội như trước nữa”.
Cái kết của truyện tuy chưa được viên mãn song hợp lí khi Loan vẫn chưa gặp Phong. Tùng cùng mọi người vẫn dấu Loan chuyện đưa hai con về nhà Phong. Cả ba bố con Tùng nghéo tay giữ bí mật này với mẹ Loan mãi mãi…Truyện hết, nhưng câu chuyện vẫn còn dang dở mở ra cho người đọc nhiều hướng suy nghĩ khác nhau: Sau này Loan có biết chuyện đó không? Nếu biết thì thái độ của Loan thế nào? Có tiếp tục cho hai con gặp Phong và bố mẹ Phong nữa không?...Cái kết này chứng tỏ tác giả Vũ Thị Kim Liên rất hiểu đời sống tâm hồn người phụ nữ: Một khi họ đã bị phản bội thì thật khó mà trở lại trạng thái bình thường với đối tượng đã gây ra đau khổ cho họ. Trong 22 truyện ngắn Kim Liên trình làng đợt này, người phụ nữ chiếm vị trí quan trọng trong những trang viết của chị. Hầu hết các truyện nhân vật phụ nữ thường có tâm hồn đẹp, luôn hy sinh vì người khác, gắng gỏi chịu đựng những khổ đau, thiệt thòi trong cuộc sống. Cao hơn tất cả trái tim họ luôn tỏa sáng lòng bao dung, vị tha…Người đọc tin rằng: Loan sẽ biết chuyện đó và cũng sẽ tha thứ cho Phong. Câu chuyện trong đời thực của họ chắc chắn sẽ có một cái kết trên cả sự mong đợi của mọi người.
Trong các nhân vật của “Nợ tình”, Tùng là nhân vật tác giả gửi gắm vào đó nhiều ý tưởng nhân văn cao cả.Sau khi ra quân, anh về mỏ làm việc và “ được phân về bộ phận vật tư cấp nhiên liệu cho đoàn xe của mỏ.” Một công việc quan trọng có thể có nhiều người cần nhờ cậy nhưng anh vẫn chơi thân với Phong như hồi nào hai đứa cùng làng cùng lớp, cùng đi chiến đấu “tình cảm giữa hai người như ruột thịt, đi đâu Tùng cũng rủ Phong đi cùng”. Biết Phong yêu Loan, Tùng tôn trọng tình yêu của họ. Nhưng khí biết Phong bội bạc với Loan, Tùng đã lên án kẻ bạc tình một cách mạnh mẽ: “Phong, không ngờ cậu lại là người thiếu nhân cách thế này…Tôi luôn nhường cậu tất. Kể cả tình yêu cậu biết không?” Tùng đã thuyết phục Phong về thưa với bố mẹ là Loan đã có thai, bố mẹ Loan vui mừng vì có cháu nội mà cho lấy Loan…
Nhưng không được…Trong lúc Loan đang đau khổ tột cùng , Tùng đã đến với Loan. Bằng một tình thương yêu thực sự, anh kiên trì thuyết phục Loan. Lời anh thật thấu tình, nặng nghĩa, chân thành… cuối cùng Loan đã nghe theo lời anh. “Vậy là họ làm đám cưới nên duyên chồng vợ. Trong căn nhà tập thể luôn đầy ắp tiếng cười”. Anh sung sướng thật sự khi đón hai đứa con của Phong chào đời. Rồi anh lại nghe lời thuyết phục của Loan và vợ chồng Tùng – Loan sinh thêm đứa con thứ 3 chung của hai người và đặt tên là “Hạnh phúc”. Thật là trọn vẹn đôi bề. Vũ Thị Kim Liên kể về nhân vật Tùng một cách chân thật như nó đã diễn ra trong đời sống. Tất cả những suy nghĩ, hành động của anh đều xuất phát từ bản chất tốt đẹp của người lính, của một người vùng mỏ. Anh đến với tình bạn, tình yêu, tình vợ chồng, tình gia đình…một cách tự nhiên không có gì khiên cưỡng. Việc anh cưới Loan và đem lại hạnh phúc cho Loan không chỉ là lòng vị tha mà còn là một tình yêu thực sự, một đạo lý mà trong anh luôn ẩn chứa từ những ngày xa xưa. Đó thực sự là một nhân vật lý tưởng. Ta thường gặp trong các truyện kí của Vũ Thị Kim Liên kiểu nhân vật thuận chiều như thế. Cách xây dựng nhân vật của chị có thể chưa thỏa mãn nhiều bạn đọc hiện nay.Họ muốn gặp trong tác phẩm những nhân vật đa chiều, những nội tâm có nhiều góc cạnh như con người của thời kì hội nhập,kĩ thuật số, kinh tế thị trường. Vũ Thị Kim Liên là cây bút tôn trọng truyền thống: truyền thống trong cách kể chuyện: thường là đơn tuyến, theo thứ tự thời gian giúp người đọc dễ theo dõi, dễ nhớ. Nhân vật có tính cách rõ ràng và chị nghiêng về miêu tả những con người tốt, những người luôn biết quan tâm đến người khác, mong muốn đem hạnh phúc đến với những người thân yêu trong gia đình và ngoài cộng đồng.
Đọc tác phẩm của Vũ Thị Kim Liên, ta nhận rõ cái Tâm của người cầm bút. Nhà văn muốn đem đến người đọc những ý tưởng mà mình nung nấu qua những mảnh ghép của cuộc đời thực mà mình nghe kể hoặc chứng kiến, qua những hồi ức của chính bản thân.Từ đó người đọc có thế nhận ra chân dung người viết: Một phụ nữ chân thành, đôn hậu, giàu tình yêu thương. Tuy nhiên với tư cách nhà văn, người đọc còn đòi hỏi chị nhiều hơn thế trong việc hư cấu xây dựng cốt truyện (hoặc có thể không cần cốt truyện ) để có thể là những truyện ngắn thực sự.Cách viết cũngg cần chọn lọc, gia công nhiều hơn vào các mạch văn để giọng kể được đa dạng, phong phú góp phần vào những trang văn hay của thiên truyện. Tôi tin chị sẽ thành công.
Hà Đông, mùa thu 2020
T.Ư