bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI THƠ TÌNH ĐỘC ĐÁO!CÁM ƠN NHÀ THƠ ĐỖ TRUNG LAI!

 

Vy

Muốn mua sản phẩm

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 21
Trong ngày: 236
Trong tuần: 767
Lượt truy cập: 719822

SAO ANH KHÔNG VỀ VỚI LỜI BÌNH

CẢM NHẬN VỀ MỘT BÀI THƠ HAY

Tác giả: Nguyễn Thanh Tùng


Bài Thơ “ Sao anh không về” (trang 104 trích trong Thi tập "Trái Cấm" – NXB Hội NV – 2023) của tác giả Đặng Thành Tô viết theo thể lục bát có 4 khổ với 8 cặp lục bát chuẩn chỉnh gọn gàng, sâu lắng.
Nhan đề bài thơ " Sao anh không về" là một câu hỏi, câu hỏi không có dấu hỏi, một câu hỏi tu từ, câu hỏi đã được tự trả lời…
“Em ngồi vá áo cho anh
Rút từ những sợi ngày xanh đời mình
Xe niềm hi vọng mong manh
Vá niềm tin một ngày anh sẽ về”
Tác giả Đặng Thành Tô đã hoá thân vào nhân vật trữ tình “Em… Anh”. Sự cách xa dằng dặc được khắc hoạ ngay câu thơ đầu. Hai nhân vật như một cặp đôi, nhưng cặp đôi ấy cách trở đầu và cuối câu thơ. Một nghịch lý, lẽ ra cặp đôi phải được cùng nhau chung sống, luôn sát cánh bên nhau để tạo nên hạnh phúc lứa đôi. Chuyện muôn đời vẫn vậy mà sao họ xa cách nhau, họ chờ đợi nhau. Câu thơ như một bức hoạ, bức hoạ hoàn hảo về người đàn bà, người vợ cô đơn trong khắc khoải chờ chồng với niềm hi vọng mong manh nhưng chị vẫn níu vào hy vọng ấy. Chồng chị là anh bộ đội Cụ Hồ đã cùng bao lớp cha anh xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Tác giả với vai trò của nghệ sỹ vẽ, đắp một tượng đài bằng ngôn ngữ “Em ngồi vá áo cho anh”. Những động từ đứng đầu những câu thơ “ Rút”, “Xe”. “ Vá”, chỉ công việc vá may thông thường của người đàn bà tằn tiện chu toàn. Tác giả có sự quan sát tỷ mỷ, tinh tế về hành vi của nhân vật trữ tình, những động từ chỉ động tác thân quen dung dị, bỗng nhiên được nâng bổng cảm xúc bằng những khái niệm trừu tượng quá bất ngờ, quá thú vị. Những động từ thực được ghép với những khái niệm đẹp mang tính hình tượng cao “Rút từ những sợi ngày xanh đời mình” đâu phải rút những sợi chỉ thông thường. "Sợi ngày xanh đời mình" quả thật một nét đẹp hoàn hảo của tâm hồn, có cả một thời thanh xuân của cuộc đời dồn chắt tình yêu và hạnh phúc vào nỗi nhớ mong. Thế rồi người vợ ấy, người yêu ấy “xe niềm hy vọng", "vá niềm tin”. Cứ mỗi động từ thực đi với một khái niệm kỳ vĩ, tạo nên sự mới lạ cho thơ lục bát, tạo sự bất ngờ xen lẫn xót xa cho nhân vật của mình. Phải chăng đây là tấm chân tình của người lính, của anh bộ đội Cụ Hồ dành cho những người yêu, người vợ của đồng đội mình.
Tác giả đã thật sự đồng điệu cảm xúc, hoá thân với nhân vật trữ tình của mình. Cảm xúc của nhà thơ dâng trào sự cảm phục, như mắc nợ những người đàn bà chờ đợi người yêu thương dằng dặc đến tê tái lòng. Từ láy tăng nghĩa “ tê tái lạnh lùng” nói lên tất cả không những chỉ sự vò võ cô đơn của nhân vật trữ tình mà còn chứa đựng cung bậc cảm xúc tột cùng được bật ra bởi một từ thương "Thương cho thân gái lạnh lùng năm canh".
Mở đầu khổ thơ thứ 3 được lặp lại hình tượng ban đầu “Em ngồi vá áo cho anh”. Câu thơ như một điệp khúc tô cho tượng đài, một sự khẳng định về lòng thuỷ
chung son sắt của người phụ nữ chờ đợi người yêu, chờ đợi người chồng trong
cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Thời gian đằng đẵng dài không lấy
gì đo đếm, thời gian khắc nghiệt không được tính băng năm tháng mà tính bằng
chính người phụ nữ đánh đổi bằng thanh xuân cuộc đời, từ lúc xanh mái đầu cho
tới khi tóc ngả theo màu của năm tháng, của nắng mưa, của vời vợi nhớ thương.
Niềm thương nỗi nhớ được đo đếm bằng tận cùng những giọt nước mắt mặn chát, sự sầu muộn lặng lẽ nén chịu không một lời than trách làm cho ta càng đọc càng
đau…
Tình yêu là gì mà thiêng liêng đến thế? Tình yêu tạc dạ ghi lòng, tình yêu nam nữ, tình nghĩa vợ chồng không còn là cái riêng nữa mà đã nâng lên bằng tình yêu tổ quốc, ý thức dân tộc, trách nhiệm gìn giữ sự bình yên cho nhân dân, bảo vệ chủ quyền độc lập của nước nhà. Tất cả chúng ta mắc nợ, mắc nợ sự hi sinh của người lính, sự hi sinh của người phụ nữ.
"Thề yêu nhau đến trọn đời
Chờ anh dạ vẫn tạc lời đinh ninh
Giặc tan nước đã yên bình
Em thì vẫn đợi, sao anh không về?"
Khổ thơ cuối như cao trào về tình yêu, về sự mong mỏi đợi chờ của nhân vật trữ
tình đến phút cuối vẫn nhất nhất thuỷ chung, cũng là cung bậc cảm xúc dâng trào đến tận cùng sự đau đớn sự day dứt . Câu hỏi lặp lại nguyên vẹn tạo nên giá trị
đầu cuối tương ứng sự chặt chẽ và cân đối cho một bài lục bát trữ tình sâu lắng. Có điều dấu hỏi chấm cuối bài xoáy vào lòng tác giả, lan toả đến độc giả một trường liên tưởng mới. Dấu hỏi chấm như giọt nước mắt mặn chát của tác giả, lăn dài trên khoé mắt buồn của nhân vật trữ tình. Bỗng dưng đâu đó sự đồng cảm dội về ( Mưa cứ rơi dầm dề / ngày cứ dài lê thê/ thì em ơi cứ đợi / Đợi anh anh lại về…).
Đã từng là người lính vào sinh ra tử, nhà thơ Đặng Thành Tô may mắn trở về nhưng còn bao người bạn, đồng đội của anh vĩnh viễn nằm lại nơi thung sâu, rừng rậm với tuổi 20, để lại một nửa cô đơn trên cõi đời này. Có lẽ anh nghẹn ngào không muốn nhắc tới hai từ chiến tranh, tuy nhiên hình ảnh “ Em ngồi vá áo cho anh” chính là một bản án cao nhất tố cáo tội ác của chiến tranh. Trong cuộc chiến thì phụ nữ là người chịu đau khổ nhất, kể từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim không thể nào kể xiết những cuộc chia li đẫm nước mắt mà ca dao còn lưu giữ.
Thật xót xa cho tới tận hôm nay trên trái đất này tiếng súng còn vang đâu đó, máu còn đổ đâu đó, nỗi đau khổ chia ly vẫn còn đâu đó? Thông điệp này xin gửi cho cả những kẻ gây tội ác chiến tranh…
Thơ của tác giả Đặng Thành Tô hay, xúc động bao trái tim người đọc, bởi vì anh có tấm lòng bao dung nhân hậu, vị tha, bởi vì anh là người lính. Tác giả đã hoá thân, thấu hiểu, cảm thông với số phận của nhân vật trữ tình.Bài thơ lục bát đã dựng lên một tượng đài để cho độc giả mãi mãi tri ân các chị các mẹ, những con người bình dị mà vĩ đại.

Mời độc giả đón đọc thơ của tác giả Đặng Thành Tô.

SAO ANH KHÔNG VỀ
Em ngồi vá áo cho anh
Rút từ những sợi ngày xanh đời mình
Xe niềm hy vọng mong manh
Vá niềm tin một ngày anh sẽ về!
Bao đêm đem những hẹn thề
Gửi vào tấm vá mà tê tái lòng
Vẳng câu “con nhện giăng mùng…”
Thương cho thân gái lạnh lùng năm canh!
Em ngồi vá áo cho anh
Đợi anh từ thuở còn xanh mái đầu
Bây giờ tóc đã ngả màu
Lệ kia đã cạn mà sầu chẳng vơi!
Thề yêu nhau đến trọn đời
Chờ anh, dạ vẫn tạc lời đinh ninh!
Giặc tan, nước đã yên bình
Em thì vẫn đợi, sao anh không về?
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)