bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 27
Trong ngày: 434
Trong tuần: 1558
Lượt truy cập: 775741

VĂN HỌC PHÁP QUA NGHIÊN CỨU CỦA LỘC PHƯƠNG THỦY

Văn học Pháp trong các nghiên cứu của Lộc Phương Thủy

 lc_p._thy
            GS.TS. LỘC PHƯƠNG THỦY

Vanvn- Tiếp cận các công trình nghiên cứu của Lộc Phương Thủy, chúng ta có thể hình dung được bức tranh toàn cảnh, phong phú, đa dạng, có “điểm” có “diện” về văn học Pháp từ cuối thế kỷ XIX xuyên suốt thế kỷ XX, ở nhiều thể loại, trên cả phương diện sáng tác và phê bình văn học.

Tựu trung, có thể thấy nhà nghiên cứu tập trung giới thiệu, luận giải những nội dung cơ bản sau: a/Văn học Công xã Paris; b/ Tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX; c/ Quan niệm văn chương và đặc biệt là phê bình văn học Pháp thế kỷ XX. Tìm hiểu Văn học Pháp trong các nghiên cứu của Lộc Phương Thủy (từ 1986 đến nay)  chúng tôi hướng đến luận giải một số nội dung cơ bản trên,  từ đó thấy rõ hơn giá trị các nghiên cứu, giới thiệu văn học Pháp của Lộc Phương Thủy đối với văn học ở Việt Nam (thời kỳ đổi mới và hội nhập). Qua đây, chúng tôi cũng muốn khẳng định: Ở mỗi giai đoạn lịch sử, việc tiếp nhận – giới thiệu văn học Pháp ở nước ta có những đặc thù  khác nhau, song ở thời kỳ đổi mới và hội nhập, thành tựu của các nhà nghiên cứu Việt Nam (trong đó có Lộc Phương Thủy) thêm một lần nữa cho thấy việc tiếp thu tinh hoa văn học Pháp để làm giàu vốn văn hóa dân tộc nói chung và văn chương nói riêng là một vấn đề mang tính quy luật tất yếu. Chính vì vậy, đặt trong bối cảnh giao lưu văn hóa hiện nay, đổi mới tư duy về việc tiếp nhận, truyền bá văn học Pháp như thế nào để tạo nên sức lan tỏa sâu rộng, ngày càng mang lại hiệu ứng tích cực đối với công chúng Việt Nam, điều này cần được coi như một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn học, văn hóa nước nhà.

Nhà phê bình văn học Cao Thị Hồng – tác giả bài viết

I.

Thời kỳ đổi mới và hội nhập (từ 1986 đến nay), với nhiều cơ hội thuận lợi do thời đại mang lại, tinh thần tiếp thu tinh hoa của văn học nước ngoài (trong đó có văn học Pháp) để làm giàu thêm vốn văn hóa của dân tộc đã được nhiều dịch giả và các nhà nghiên cứu quan tâm. Có thể kể đến các tác giả: Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Văn Chính, Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Phùng Văn Tửu, Đào Duy Hiệp, Hoàng Nhân, Thái Thu Lan, Liễu Trương, Đào Trọng Thức… và Lộc Phương Thủy cũng là một trong những nhà nghiên cứu đã dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu, giới thiệu văn học Pháp ở Việt Nam. Các công trình do Lộc Phương Thủy nghiên cứu (hoặc chủ biên, đồng chủ biên) về văn học Pháp như: Từ một góc nhìn về giao lưu văn học Việt-Pháp(1999), André Gide – Đời văn và tác phẩm (2002), Lịch sử văn học Pháp – Thế kỷ XIX (1990), Lịch sử văn học Pháp – Thế kỷ XX (1992), Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX (chủ biên,1995), Quan niệm văn chương Pháp thế kỷ XX (chủ biên, 2005), Lý luận – phê bình văn học thế giới thế kỷ XX, 2 tập (chủ biên, 2007), Văn học hậu hiện đại – Diễn giải và tiếp nhận (2013), Tiếp nhận văn học nghệ thuật (2013), Xã hội học văn học (Đồng tác giả, 2014), Tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài – Kinh nghiệm Việt Nam thời hiện đại (Đồng chủ biên, 2015)…tất cả đều cho thấy một tinh thần nỗ lực đóng góp cho việc truyền bá, lan tỏa văn học Pháp ở Việt Nam ở thời kỳ đổi mới và hội nhập thế giới trên mọi phương diện (trong đó có hội nhập văn hóa).

Tiếp cận tác phẩm của Lộc Phương Thủy, chúng ta có thể hình dung được bức tranh toàn cảnh, phong phú, đa dạng, có “điểm” có “diện” về văn học Pháp từ cuối thế kỷ XIX xuyên suốt thế kỷ XX ở nhiều thể loại trên cả phương diện sáng tác và phê bình văn học. Tựu trung, có thể thấy nhà nghiên cứu tập trung giới thiệu, luận giải những nội dung cơ bản sau đây: a/Văn học Công xã Paris; b/ Tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX; c/ Quan niệm văn chương và đặc biệt là phê bình văn học Pháp thế kỷ XX. Trên cơ sở nghiên cứu văn học Pháp từ nhiều góc nhìn khách quan, khoa học  “hết sức bền bỉ và một tinh thần khiêm tốn học hỏi” (Hồ Tôn Trinh) Lộc Phương Thủy đã có nhiều đúc kết, đánh giá xác đáng về sự nghiệp của các nhà văn Pháp và vai trò quan trọng,  sự ảnh hưởng không nhỏ của văn học Pháp đối với văn học hiện đại Việt Nam.

Tìm hiểu Văn học Pháp trong các nghiên cứu của Lộc Phương Thủy (từ 1986 đến nay)  chúng tôi hướng đến luận giải một số nội dung cơ bản trên,  từ đó thấy rõ hơn giá trị các nghiên cứu, giới thiệu văn học Pháp của Lộc Phương Thủy đối với văn học ở Việt Nam (thời kỳ đổi mới và hội nhập). Qua đây, chúng tôi cũng muốn khẳng định: Ở mỗi giai đoạn lịch sử, việc tiếp nhận – giới thiệu văn học Pháp ở nước ta có những đặc thù  khác nhau, song ở thời kỳ đổi mới và hội nhập, thành tựu của các nhà nghiên cứu Việt Nam (trong đó có Lộc Phương Thủy) thêm một lần nữa cho thấy việc tiếp thu tinh hoa văn học Pháp để làm giàu vốn văn hóa dân tộc nói chung và văn chương nói riêng là một vấn đề mang tính quy luật tất yếu. Chính vì vậy, đặt trong bối cảnh giao lưu văn hóa hiện nay, đổi mới tư duy về việc tiếp nhận, truyền bá văn học Pháp như thế nào để tạo nên sức lan tỏa sâu rộng, ngày càng mang lại hiệu ứng tích cực đối với công chúng Việt Nam, điều này cần được coi như một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn học, văn hóa nước nhà.

II

Thành tựu văn học Pháp qua nhiều thế kỷ gắn liền với những tên tuổi quen thuộc với bạn đọc trên khắp thế giới. Nếu như ở những thế kỷ XIX, tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ Pháp như : Hugo, Baudelaire, Balzac, Maupassant , France, Zola, Rabelais, Ronsard, Montaigne, Mon – tesquieu, Voltaire, Diderot, Rousseau, Lamartine, France v.v… đã từng làm xao xuyến bao tâm hồn của nhiều thế hệ độc giả, thì đến thế kỷ XX văn học Pháp càng bí ẩn, quyến rũ, ấn tượng hơn với bạn đọc. Nhiều trào lưu, trường phái văn chương xuất hiện với các tác giả lừng danh: chủ nghĩa Dada và Tzara, B.Cendrarsa, phong trào Siêu thực và A. Breton, G. Apollinaire, thơ ca kháng chiến và L. Aragon, P. Eluard… chủ nghĩa Hiện sinh và J.P.Sartre, A.Camus, S. de Beauvoir, Kịch mới (kịch phi lý, phản kịch…) với E.Jonesco, S. Beckett… Tiểu thuyết Mới với N. Sarraute, A. Robbe – Grillet, M.Butor, C. Simon… phê bình Mới với R. Barthes, G.Genette, G. Poulet, Ch. Mauron, L. Goldman, JKristéva… các nhà thơ P.Valéry, P.Claudel, Sait John Perse, R. Char, J.Prévert, H.Michaux, F. Ponge, Y.Bonnefoy…, các nhà văn M. Proust, A. Gide, R.Martin du Gard, A. Malraux, F. Mauriac, A. de Saint-Exupéry, M. Yourcenar, M.Duras, G. Simenon…, các nhà viết kịch J. Giraudoux, J.Anouilh, H.de Montherland v. v…và điều này phần nào lý giải vì sao nước Pháp có số nhà văn đã vinh dự được nhận giải Nobel về văn học nhiều nhất thế giới. Đó là: Sully Prudhomme (1901), F. Mistral (1904), R. Rol- land (1915), A.France (1921), H. Bergson (1927), R. Mar- tin du Gard (1937), A. Gide (1947), F. Mauriac (1952), A. Camus (1957), Saint John Perse (1960), J.P. Sartre (1964, không nhận), S. Beckett (1969), C. Simon (1985)… Nghiên cứu, giới thiệu một nền văn học kỳ vĩ như vậy là một việc không dễ dàng. Tuy vậy, Lộc Phương Thủy, với sự thấu hiểu và tình yêu sâu sắc với văn chương Pháp đã tìm ra con đường để dẫn dắt bạn đọc khám phá “mê cung” văn chương Pháp: bắt đầu từ những nội dung mà ở đó dấu ấn thành công của nó mãi mãi là hằng số văn hóa – là niềm tự hào của người Pháp nói riêng và nhân loại nói chung.

Trong Từ một góc nhìn về giao lưu văn học Việt – Pháp (Nxb.Khoa học xã hội, 1999) bạn đọc gặp lại ở đây những gương mặt rất quen thuộc, gần gũi qua các nghiên cứu: Nhà văn Julles Valles, Nhà thơ chiến sĩ Eugène Pottier, Léon Cladel – Nhà văn xuất sắc của Công xã Paris, Đề tài Công xã Paris trong vở kịch “Mùa xuân năm 71” của Arthur Adamov, Công xã Paris qua vở kịch “Phát súng ở Satory”, Về tác phẩm thơ kịch trữ tình “Công xã Paris” của Henri Bassis, Trẻ thơ trong sáng tác của V.Hugo, Jean – Richard Bloch và tập bút ký “Tây ban nha! Tây ban nha!, Về nhà văn Henri Barbusse, Cuộc đời sáng tạo của Romain Rolland, Quá trình sáng tác của nhà văn Roger Martin du Gard, Vấn đề đạo đức trong sáng tác của Hervé Bazin.

Tên tuổi và tác phẩm của các nhà văn tiêu biểu cho văn học Công xã Paris thế kỷ XIX tuy không còn xa lạ với nhiều bạn đọc nhưng lại được Lộc Phương Thủy giới thiệu một cách cô đọng, ấn tượng từ những góc nhìn khác cùng nhiều phát hiện mới mà trước đây bạn đọc Việt Nam chưa có dịp tiếp xúc; Từ “cây đại thụ” Victor Hugo đến các nhà văn, nhà thơ – chiến sĩ khác như Julles Valles, Eugène Pottier, Léon Cladel, Arthur Adamov, Henri Bassis,  Jean – Richard Bloch, Henri Barbusse,  Romain Rolland, Roger Martin du Gard, Hervé Bazin…tất cả đều trở lại trong các trang viết của Lộc Phương Thủy với một “thần thái” mới. Chẳng hạn, Lộc Phương Thủy đã khẳng định: “Victor Hugo không phải là nhà văn chuyên viết về thiếu nhi, nhưng rõ ràng là không ai phủ nhận được tài năng của ông khi ông đề cập đến mảng đề tài này. Nhớ tới Hugo biết ơn nhà văn vĩ đại đã từng để lại bao tác phẩm kiệt xuất cho nhân loại, chúng ta không thể không nhắc tới những gương mặt trẻ thơ trong sáng tác của ông” [1, tr.94].  Phân tích những bài thơ viết cho trẻ em của Hugo trong tập Nghệ thuật làm ông và làm sáng rõ những đặc điểm nhân vật trẻ em trong văn xuôi của ông, (đặc biệt nhân vật Gavroche trong bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ – chú bé được coi là vị thần hộ mệnh cho những người nghèo khổ), Lộc Phương Thủy nhận thấy: “So với các nhà văn Pháp cùng thời thì  chỉ có Hugo để khá nhiều tâm trí cho sáng tác về trẻ em và viết hay hơn cả. Mảng đề tài tưởng như quá nhỏ bé và khiêm tốn so với sự nghiệp đồ sộ của Hugo, nhưng nó vẫn có vai trò vị trí nhất định của nó [1, tr.107].

Những luận giải của Lộc Phương Thủy cho chúng ta có dịp hiểu V. Hugo sâu sắc và đầy đủ hơn. Nhiều hình tượng trẻ em sinh động trong sáng tác của V. Hugo đã để lại cho những người làm văn học thiếu nhi hôm nay cả một kho kinh nghiệm vô giá, Lộc Phương Thủy khẳng định: “Trước hết, đó là lòng yêu thương, lòng nhân đạo cao cả của một người cầm bút và sau đó là óc quan sát tinh tế, là sự học hỏi không ngừng ở đối tượng (trẻ em các lứa tuổi), là sự hiểu biết sâu sắc tâm sinh lý, sở thích của chúng kết hợp với quá trình hồi tưởng và sống lại với chính tuổi thơ của mình” [1, tr.108].

Bên cạnh đó, phân tích những tác phẩm xuất sắc Địa ngục, Lửa  của H. Barbusse, Lộc Phương Thủy đã giúp bạn đọc nhận thức rõ lòng căm ghét, thái độ phản đối chiến tranh toát lên từ tác phẩm, dẫn dắt bạn đọc đến những suy nghĩ tích cực về nghệ thuật, cuộc sống, chiến tranh và con người…Tác giả Hervé Bazin – người kế tiếp xuất sắc truyền thống của chủ nghĩa hiện thực phê phán Pháp thế kỷ XIX – có số lượng tác phẩm đồ sộ, nhưng qua bài viết Vấn đề đạo đức trong sáng tác của Hervé Bazin,  Lộc Phương Thuỷ đã chỉ ra H.Bazin là một người cầm bút mang tinh thần “xây” tích cực hơn chống, một nhà văn đầy lòng nhân ái có thể làm đối trọng với nhiều nhà văn hiện thực phê phán cùng thời. Trong sự nhìn nhận của Lộc Phương Thủy: “Cladel cũng như các nhà văn khác của Công xã Paris, đã cố gắng phấn đấu cho một nền văn học hiện thực mới, viết về nhân dân và đấu tranh vì nhân dân. Ông đã dùng sáng tác của mình như một vũ khí đắc lực trong cuộc đấu tranh với giai cấp thống trị. Sự nghiệp sáng tác của ông là một mắt xích quan trọng trong lịch sử văn học tiên tiến ở Pháp cuối thế kỷ XIX nói chung và trong quá trình phát triển của văn học Công xã Paris nói riêng”[1, tr.43].

Có thể nói, những nghiên cứu Văn học Công xã Paris của Lộc Phương Thủy đọng lại cho bạn đọc Việt Nam ấn tượng sâu đậm về một trào lưu văn học ra đời trong bão táp cách mạng năm 1871, nhiều nghệ sĩ tham gia vào dòng thác cách mạng này tuy tài năng, thiên hướng chính trị khác nhau, nhưng giống nhau ở hành động: trung thành, nhiệt huyết với nhân dân, tích cực bảo vệ Công xã Paris. Họ “tuy không để lại di sản văn học nghệ thuật đồ sộ, nhưng chiếm một vị trí quan trọng trong văn học Pháp và văn học thế giới” [1, tr.34].

Sau văn học Công xã Paris, mảng nghiên cứu thứ hai Lộc Phương Thủy quan tâm giới thiệu với bạn đọc Việt Nam là tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX. Trong André Gide – Đời văn và tác phẩm (Nxb. Khoa học xã hội, 2002),  Tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX – Truyền thống và cách tân (Nxb.Văn học, 2005), Quan niệm văn chương Pháp (Nxb.Văn học, 2005) chúng ta có thể thấy tác giả tập trung tái hiện phần nào bức tranh sống động của tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX. Trong những công trình này, nội dung cơ bản là giới thiệu một số gương mặt tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX, đó là các nhà tiểu thuyết dường như vẫn còn có mối dây liên hệ với tiểu thuyết hiện thực truyền thống như R. Rolland (1866-1944), M.du Gard (1881-1958), Henri Barbusse (1873-1935), H. Bazin (1911-1996), nhà “hiện thực kiểu mới” Le Clézio (1940), đến các nhà tiểu thuyết Hiện sinh như Jean – Paul Sartre (1905-1980), Anbert Camu (1913-1906), và các nhà Tiểu thuyết Mới như N.Sarraute, A.Robbe – Grillet, M.Butor, CL.Simon mỗi người đều thể hiện trong sáng tác của mình những trăn trở tìm tòi, hướng tới những cách tân đổi mới; đặc biệt qua việc giới thiệu một cách cụ thể, hệ thống cuộc đời  – sự nghiệp, tác phẩm tiêu biểu nhà văn André Gide cả phương diện sáng tác và lý luận,  độc giả có dịp làm quen với sự nghiệp đa dạng của một nhà văn luôn luôn khát khao say mê tìm hiểu và khám phá, luôn phát hiện và hướng tới những chân trời mới, một đại diện xuất sắc của tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX.

Nhìn toàn cảnh về thể loại tiểu thuyết, Lộc Phương Thủy khẳng định rằng tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX là một lĩnh vực sáng tạo rộng lớn, hơn thế nữa, mặc cho các lời kêu ca tiểu thuyết đang “ngắc ngoải” hay đã “chết”, nó vẫn là thể loại thành công trong văn học Pháp thế kỷ XX – một thế kỷ đầy biến động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn học. “Suốt chiều dài trăm năm của thế kỷ, các nhà tiểu thuyết Pháp đã thể hiện sự nỗ lực thường xuyên của mình, tìm đến những lối đi mới, thích hợp với thực tiễn xã hội đã có những thay đổi với tốc độ chóng mặt”[2, tr.7].

Đáng chú ý là khái niệm Tiểu thuyết dòng sông (roman-fleuve) được Lộc Phương Thủy giới thiệu kỹ lưỡng. Loại tiểu thuyết này xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ XX đã góp phần vào sự đa dạng và phong phú của tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX. Theo Lộc Phương Thủy, một số nhà nghiên cứu người Pháp cho rằng: “Tiểu thuyết dòng sông xuất hiện từ thời Trung cổ và tiếp tục tồn tại qua nhiều thế kỷ trong văn chương Pháp. Hiểu một cách đơn giản nhất, tiểu thuyết dòng sông được thể hiện qua độ dài nhiều tập của nó, cho phép chứa đựng những nội dung có tính chất hoành tráng, trải dài, bao quát cuộc đời của một con người, một gia đình, một nhóm người với các biến cố lịch sử xã hội rộng lớn. Độ dài như dòng sông của tiểu thuyết sẽ cuốn theo nó nhiều sự kiện, nhiều câu chuyện, với nhiều thăng trầm, biến đổi”[2, tr.11].

Tiểu thuyết dòng sông trong văn học Pháp ở thế kỷ XX một mặt kế thừa các thành tựu của tiểu thuyết nhiều tập ở các thế kỷ trước, đặc biệt là tiểu thuyết thế kỷ XIX với các tác giả Balzac và Tấn trò đời, Hugo và Những người khốn khổ, Zola và Gia đình Rougon- Marquart; Mặt khác, “nó thể hiện hơi thở, nhịp sống của những năm đầu thế kỷ XX với các biến chuyển lớn mạnh trong chính trị, kinh tế, kỹ thuật và văn hóa chỉ có vào thời gian này, tạo nên điểm đặc thù của tiểu thuyết nói riêng, văn học Pháp nói chung ở nửa đầu thế kỷ XX [2, tr.11]. Thông tin về những bộ tiểu thuyết dòng sông tiêu biểu (có lẽ lần đầu tiên được Lộc Phương Thủy giới thiệu cụ thể ở Việt Nam) mang lại cho bạn đọc nhiều bất ngờ thú vị và sự ngưỡng mộ tài năng, cảm phục kết quả của quá trình làm việc kiên trì và hăng say sáng tạo của các nhà văn Pháp. Đó là M. du Gard với bộ Gia đình Thibault gồm 8 tập (1922-1940), R. Roland với bộ Jean-Christophe gồm 10 tập (1904-1912), J. Romains với bộ Những người thiện chí gồm 27 tập (1932-1947),  G. Duhamel với bộ Gia đình Pasquier gồm 10 tập (1933-1945).

Trong số các tác gia của loại tiểu thuyết dòng sông, R.Rolland và M.du Gard đã vinh dự nhận giải Nobel văn học bởi những cống hiến trong sự nghiệp sáng tạo của mình. Có thể nhận thấy rõ sự trân trọng đặc biệt của Lộc Phương Thủy dành cho những nhà văn Pháp kiệt xuất bởi những sáng tác của họ đều “ghi dấu ấn quan trọng có tính chất mở đầu thế kỷ XX đầy biến động”[2, tr.17].

Luận giải về vấn đề xây dựng nhân vật trong các tác phẩm của R.Rolland, Lộc Phương Thủy phát hiện nét đặc sắc: “Một trong những đặc điểm rõ nét trong sáng tác của R.Rolland là sự hướng tới những tư tưởng cao cả, những nhân vật nổi tiếng. Cuộc đời hoạt động của họ như những ngọn hải đăng soi sáng cho loài người đang khát khao Chân, Thiện, Mĩ”[2, tr.14]. Độc giả Việt Nam cũng nhận thấy tài năng và sự tinh tế của nhà văn Pháp trong kiến tạo nghệ thuật tiểu thuyết: “Tiểu thuyết Tâm hồn đắm say” (1922) cũng là một tác phẩm thuộc loại tiểu thuyết-dòng sông. Nữ nhân vật chính của tác phẩm Annette Rivière được khắc họa rõ nét với tính cách cương nghị, dám chọn cho mình một cuộc đời độc lập, chống lại những thành kiến đầy ác ý. Ở đây chúng ta thấy lặp lại môtip dòng sông quen thuộc trong sáng tác của Rolland: nhân vật chính có họ Rivière (dòng sông). Còn trong tác phẩm, Rolland viết: “dòng sông vẫn chảy về biển cả…Không có gì ngăn cản được… Cuộc sống vẫn tiến về phía trước! Thậm chí cả trong cảnh chết chóc, sóng nước vẫn nâng đỡ chúng ta! Thậm chí trong cảnh chết chóc chúng ta vẫn đi lên phía trước” [2, tr.15]. Trong Lời tựa của lần xuất bản thứ nhất tác phẩm Tâm hồn đắm say vào năm 1922, Rolland đã bộc lộ quan niệm sáng tác của mình: “Khi tôi viết một cuốn tiểu thuyết, tôi lựa chọn một nhân vật mà tôi cảm thấy hợp; (hay nói đúng hơn, chính là nhân vật đã chọn tôi). Một khi nhân vật đã được lựa chọn, tôi để cho nhân vật được tự do, tôi tránh không can thiệp (…) Vậy nên, khi tôi lựa chọn Jean- Christophe, hay Colas, Annette Rivière, tôi không phải là thư ký ghi chép những suy nghĩ của họ nữa. Tôi lắng nghe họ, tôi nhìn họ hành động và tôi nhìn bằng đôi mắt của họ…”. Lộc Phương Thủy đã giúp bạn đọc nhận thấy R.Rolland đã cố gắng vượt lên cái quyền lực gần như tuyệt đối của kiểu tác giả-toàn năng của tiểu thuyết truyền thống và tuân theo tính khách quan của quá trình sáng tạo”[2, tr.15].

Sau R.Rolland là  R. M. du Gard – một trong những nhà văn xuất sắc của văn học hiện đại Pháp. Sáng tác của ông kế tục xứng đáng những truyền thống của văn học Pháp thế kỉ trước, đồng thời có những cách tân trong kỹ thuật tiểu thuyết, tạo nên những đổi mới trong văn học Pháp đầu thế kỷ XX. Theo R. M. du Gard: “người viết tiểu thuyết cần phải lui về phía sau, nhường chỗ cho nhân vật của mình; anh ta cần phải miêu tả những nhân vật ấy một cách thật sinh động để họ hiện lên trước mặt người đọc rõ ràng như những con người thực mà khán giả nhìn thấy và nghe thấy trên sân khấu”[2, tr.23]. Giới thiệu, kiến giải những sáng tạo của R. M. du Gard đối với thể loại  tiểu thuyết qua tác phẩm Jean Barois (1913) và đặc biệt là tám tập của bộ tiểu thuyết Gia đình Thibault (được đánh giá là “tuyệt đỉnh của tiểu thuyết hậu Balzac”) trên nhiều phương diện: xây dựng nhân vật, đối thoại, chỉ dẫn kỹ thuật, lối trần thuật “kể gián tiếp”… Lộc Phương Thủy khẳng định với những nỗ lực sáng tạo, cách tân tiểu thuyết của mình nhà văn R. M. du Gard đã: “có dịp thể hiện con người mình, bản lĩnh sáng tác cũng như quan niệm nghệ thuật của mình” [2, tr.25].

Bàn về truyền thống và cách tân tiểu thuyết Pháp, Lộc Phương Thủy đã dành riêng cho Andre Gide (1869-1951) – nhà văn có vị trí quan trọng trên văn đàn nước Pháp thế kỷ XX với nhiều sự tôn vinh “Bậc thầy của tư tưởng”, “nhân vật hàng đầu” – chuyên luận Andre Gide đời văn và tác phẩm (2002), bên cạnh đó trong Tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX – truyền thống và hiện đại (2005) tác giả cũng dành toàn bộ phần hai của công trình cho mục Truyền thống và cách tân qua sáng tác của Andre Gide.

Đây là những nghiên cứu công phu, với nhiều điểm nhìn về sự nghiệp đa dạng, phong phú của A.Gide. Từ kiến giải về điều kiện chính trị, xã hội, kinh tế, những biến chuyển và thành công trong khoa học kỹ thuật của thời đại mà nhà văn được “đắm mình trong không khí chung của một giai đoạn yêu cầu phải đổi mới tiểu thuyết”[2, tr.50], đến luận giải chuyển biến tư duy nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn qua những tác phẩm tiêu biểu, Lộc Phương Thủy cho chúng ta thấy về mặt phong cách Gide đã khắc phục lối viết phức tạp, cầu kì, đến với một ngôn ngữ trong sáng, giản dị rõ ràng. Tiểu thuyết châm biếm Les Caves du Vatican (Những động ngầm dưới Vatican, 1914) đặt vấn đề về sự chấp nhận một cách mê muội những tín ngưỡng và lý tưởng. Năm 1926, tiểu thuyết Les Faux-monnayeurs (Bọn làm bạc giả) ra đời mang lại nhiều thành công cho ông, đó là một đóng góp thực sự vào sự phát triển thể loại tiểu thuyết. Lộc Phương Thủy khẳng định A. Gide luôn quan tâm đến tính khách quan của tác giả trong quá trình sáng tác, việc làm đa dạng các điểm nhìn trong tiểu thuyết, mô hình kiến tạo “tiểu thuyết trong thuyết” đã giúp độc giả nhận ra sự phong phú và phức tạp của đời sống được thể hiện qua tác phẩm. Chính điều đó đã giúp ông tránh được đường mòn của tiểu thuyết truyền thống thường có một điểm nhìn. A.Gide đã tạo ra sự cách tân hết sức quan trọng về kỹ thuật, mà “quan tâm đến kỹ thuật sẽ là vấn đề cốt tử trong tiểu thuyết thế kỷ XX, vì vậy, tiểu thuyết của ông đã trở thành một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX”[2, tr.93].  Qua phần giới thiệu của Lộc Phương Thủy về A.Gide, chúng ta có thể cảm nhận từ nhà văn mang phong cách độc đáo này của văn học Pháp một tinh thần đổi mới triệt để, luôn đấu tranh với chính mình để đi đến tận cùng chân ái và chân lý, luôn khát khao say mê khám phá và sáng tạo, mà trước hết là khám phá, phát hiện chính con người thực của mình, vì sự thực mà chẳng tiếc đến thân mình, để từ đó mới có thể thực hiện những mục tiêu lý tưởng, cống hiến cả của cuộc đời cho nghệ thuật.  Qua việc nghiên cứu sự nghiệp của nhà văn này, Lộc Phương Thủy giúp bạn đọc có thể thức nhận nhiều điều liên quan đến những chuẩn mực đánh giá văn chương, đánh giá người nghệ sỹ, những vấn đề đã, đang và sẽ cần được nhìn nhận, đánh giá lại, liên quan không chỉ đến văn học Pháp mà còn cả đến văn học Việt Nam hiện đại.

Sau Tiểu thuyết dòng sông, vấn đề Tiểu thuyết Hiện sinh  Tiểu thuyết Mới của văn học Pháp cũng được Lộc Phương Thủy luận giải và bày tỏ rõ quan điểm, đánh giá của bà về thành tựu của những loại tiểu thuyết này.

Từ một số những nội dung cơ bản của triết học Hiện sinh như: Quan tâm đến vấn đề thân phận con người,  Khẳng định tồn tại có trước bản chất…Lộc Phương Thủy chỉ rõ Quan tâm đến vấn đề thân phận con người các nhà Hiện sinh có cái nhìn tiêu cực về con người. “Họ cho rằng nỗi đau khổ là tiền kiếp của con người. Lỗi lầm căn bản của con người, nằm ngay trong sự giới hạn và yếu hèn của chính cuộc đời. Con người luôn muôn hướng về hoàn thiện, toàn mỹ, về những cõi vô cùng, nhưng lại thấy mình đầy hạn chế và thiếu sót. Vì vậy, con người luôn bị các mâu thuẫn ấy dày vò và bị mắc kẹt ở đó. Mặt khác, con người sống ở cõi đời như những kẻ bị bỏ rơi, những kẻ bị lưu đầy. Con người chỉ biết tồn tại ở trần gian, không biết mình từ đâu tới và mình sẽ đi về đâu” [2, tr.57]. Khẳng định tồn tại có trước bản chất – đây là một quan điểm quan trọng, từ đó liên quan trực tiếp đến tên gọi của triết học Hiện sinh. Các nhà Hiện sinh cho rằng sự tồn tại của con người có trước bản chất, trong một hoàn cảnh, con người có thể chọn một trong nhiều giả thiết. “Sự lựa chọn sẽ tạo ra con người, tức bản chất của anh ta vào hoàn cảnh đó. Con người sẽ phải lựa chọn nhiều lần trong cuộc đời, phải dấn thân vào nhiều cảnh ngộ, nhiều tình huống, vì vậy, trong thực tế, tuy anh ta tồn tại đấy, nhưng bản chất của anh ta chưa thể xác định một cách chắc chắn được” [2, tr.58]; Mặt tích cực của triết học Hiện sinh cũng được khẳng định, ngay cả tâm trạng kinh hoàng, lo âu của con người cũng không hẳn là tiêu cực, bởi những điều đó gây ra sự bận rộn, khiến mọi người phải cố gắng. Trạng thái “bận rộn” đó là động cơ thúc đẩy hoạt động của con người. Như vậy, qua tiếp nhận của Lộc Phương Thủy triết học Hiện sinh là “triết học hành động, nhấn mạnh đến sự hoạt động tích cực của con người. Nó không coi sự tồn tại của con người là cái gì đó bất biến, đã được xác định, đã bị đóng khung. Con người không đứng yên, anh ta phải liên tục lựa chọn và phải chịu trách nhiệm về bản thân mình”[2, tr.59].

Tiếp đó, trên cơ sở nội dung của triết học Hiện sinh, tập trung kiến giải một số tiểu thuyết Hiện sinh tiêu biểu như Buồn nôn (1938  của J.-P. Sartre), Người xa lạ (1942) Dịch hạch (1947) của A.Camus,  Lộc Phương Thủy đã có nhiều đánh giá xác đáng: “Với tác phẩm Buồn nôn J.-P. Sartre không chỉ có những đóng góp quan trọng đối với tiểu thuyết Hiện sinh nói riêng. Ông đã vượt qua lối kể truyện truyền thống vốn dựa trên cơ sở người kể truyện biết hết mọi việc. Ông chọn cách kể truyện qua cái nhìn chủ quan của nhân vật để người đọc có dịp hoà đồng trong câu chuyện. Với việc dùng ngôi thứ nhất số ít “tôi” và động từ hiện tại trong tác phẩm Buồn nôn, J-P. Sartre đã báo trước một khuynh hướng mới trong tiểu thuyết Pháp hiện đại với những tìm tòi, đổi mới về kỹ thuật tiểu thuyết”[2, tr.66]. Hoặc Người xa lạ – tiểu thuyết thể hiện rõ rệt nhất các sắc thái của chủ nghĩa Hiện sinh theo kiểu Camus, tác phẩm “vẫn giữ những đặc điểm của tiểu thuyết truyền thống như truyện kể theo đơn tuyến, có nhân vật và cốt truyện. Nhưng, đồng thời tác phẩm chứa trong mình nó những kỹ thuật tiểu thuyết hiện đại: phần hai của tác phẩm với không gian chủ yếu là nhà tù, một không gian hẹp, thích hợp cho độc thoại nội tâm xuất hiện. Cấu trúc không đơn giản của cốt truyện đã tạo nên tính “đa âm” cho tác phẩm và khiến nó được xếp vào danh sách những cuốn sách quan trọng của thế kỷ XX” [2, tr.74].

Với Tiểu thuyết Mới, đọc nghiên cứu của Lộc Phương Thủy bạn đọc có thể tìm được lời giải đáp thấu đáo cho những vấn đề như:  Quan niệm về Tiểu thuyết Mới, thành tựu và giới hạn của loại tiểu thuyết Mới.

Tiểu thuyết Mới là một cái tên quen gọi trong giới văn chương Pháp thế kỷ XX, cũng như ở nước ngoài. Nhưng đó không phải tên gọi một trường phái, trào lưu, có chỉ đạo, có thủ lĩnh, có tạp chí riêng và tuyên ngôn riêng của mình như một số trường phái ở thế kỷ XX. Lộc Phương Thủy đồng thuận ý kiến cho rằng Tiểu thuyết Mới chỉ là bước tiếp theo trong sự vận động không ngừng của thể loại tiểu thuyết Pháp, tác giả quan tâm ý kiến của Alain Robbe – Grillet (1922-2008) – “lãnh tụ của trào lưu Tiểu thuyết Mới”, “giáo hoàng Tiểu thuyết Mới” khi ông khẳng định sự đổi mới của tiểu thuyết đã có từ thời Balzac và thể loại tiểu thuyết trong thực tế đã phát triển liên tục với những nhà văn bậc thầy xuất sắc như: Flaubert, Dostoievsky, Proust, Kafka, Joyce, Faulkner,… “Với những cách tân của mình (có tính chất “đảo lộn”, khi không chấp nhận kiểu nhân vật truyền thống, các tính cách, trật tự niên biểu, các tình tiết có tính xã hội học trong tiểu thuyết), Tiểu thuyết Mới đã giúp cho công chúng có ý thức về sự vận động không ngừng của thể loại (và đó cũng là ý nghĩa tích cực của hành động “kiếm tìm”). Đó chính là điều quan trọng nhất, đáng để chúng ta lưu tâm”[2, tr.83].

Qua kiến giải của Lộc Phương Thủy, chúng ta thấy xét về tổng thể, Tiểu thuyết Mới là một cuộc kiếm tìm, là sự từ chối những thói quen dễ dãi, những đường mòn và sự trì trệ. Tiểu thuyết Mới thể hiện khuynh hướng chung của tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX: không ngừng vận động, không ngừng đổi mới. “Nó đã đạt được một số thành tựu như tìm đến những phương tiện mới trong miêu tả, mời gọi người đọc đến một hành động đọc tích cực hơn trước…”[2, tr.93]. Tuy nhiên, cùng với thành tựu, những giới hạn của Tiểu thuyết Mới cũng được xem xét trên tinh thần khoa học, khách quan. Lộc Phương Thủy nhận thấy: “Trong khi mải mê tìm kiếm những cách tân, đổi mới, tiểu thuyết Mới chưa hắn đã thành công một cách triệt để Các nhà tiểu thuyết mới hộ hào “tiêu diệt” nhân vật và phá vỡ cốt truyện, nhưng trên thực tế không dễ gì tiêu diệt được nhân vật. Có thể có thay đổi một số kỹ thuật xây dựng nhân vật, nhưng về cơ bản nhân vật vẫn không thể bị xóa bỏ. Tiểu thuyết Mới trao quyền tự do cho người đọc, nhưng thực ra nhiều tác phẩm lại trở thành văn bản khó tiếp cận, dẫn đến việc người đọc ngại đọc tiểu thuyết Mới. Ngay trong giới nhà văn Pháp, kể cả những người chủ trương đổi mới, cách tân tiểu thuyết nói riêng, văn học nói chung, cũng không tán thành với những “phát minh” nhiều khi khá là cực đoan của tiểu thuyết Mới [2, tr.94].

Những nghiên cứu của Lộc Phương Thủy cho chúng ta thấy trên hành trình sáng tạo, những nhà tiểu thuyết hiện đại Pháp luôn không hài lòng với những chuẩn mực sáng tác đã có, họ luôn khát vọng kiếm tìm, đổi mới, hướng tới những chân trời mới. Họ thường không tuân theo một hiện thực duy nhất, một cách thể hiện duy nhất. Họ không muốn trở thành “thư ký trung thành của thời đại”, hay là nhà ghi chép lịch sử, nhà xã hội học. Họ cố gắng tìm cách thoát khỏi lối viết mòn cũ, tránh bị “trùm” dưới bóng khổng lồ của các đại văn hào Balzac, Hugo, …của thế kỷ trước. Họ tham khảo, học hỏi kinh nghiệm sáng tác của các nhà văn nước ngoài, đồng thời thể nghiệm và áp dụng những thành tựu xuất sắc của các ngành nghiên cứu khoa học xã hội để có những đổi mới, cách tân trong sáng tác. Kết quả của các cuộc tìm tòi đã tạo nên sự đa dạng, phong phú của bức tranh toàn cảnh tiểu thuyết thế kỷ XX. Và phải chăng đây chính là những bài học kinh nghiệm quý báu để các nhà văn Việt Nam đã, đang và tiếp tục tham khảo, suy ngẫm, đổi mới tư duy trong sáng tạo nghệ thuật, phát triển nền văn học nước nhà trong sự vận động của từng giai đoạn lịch sử?!

Tiếp cận nghiên cứu của Lộc Phương Thủy, bạn đọc có thể thấy rất rõ bên cạnh việc quan tâm đến sự cách tân của Tiểu thuyết Pháp, tác giả còn dành nhiều tâm huyết tới mảng phê bình văn học Pháp. Từ cuốn sách giới thiệu sơ lược Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX (1995), tiếp theo bổ sung những kiến thức mới, mở rộng đến Lý luận phê bình văn học thế giới thế kỷ XX (2007). Lộc Phương Thủy hướng tới những vấn đề liên quan đến lý luận phê bình : André Gide – Nhà phê bình văn học, Phê bình của người sáng tạo, J-.P. Sartre và vấn đề trách nhiệm của nhà văn, Jean-Paul Sartre và phê bình hiện sinh, Xã hội học văn học ở Pháp, Phê bình macxit Pháp trong thế kỷ XX v.v… Năm 2014, với tư cách đồng tác giả Lộc Phương Thủy tiếp tục cùng cộng sự ra mắt cuốn sách nhan đề Xã hội học văn học với mục đích bổ sung thêm những kiến thức cũng như cách tiếp cận khác trong toàn cảnh phê bình Pháp thế kỷ XX.

Nếu như ở thế kỷ XVIII và XIX phê bình văn học dễ có sự thống nhất trong cách lý giải, bình xét thì qua các công trình của Lộc Phương Thủy chúng ta thấy Phê văn học Pháp thế kỷ XX hiện diện là một nền phê bình đa dạng, phong phú, luôn diễn ra xung đột giữa hai khuynh hướng Cũ và Mới,  một nền phê bình hội tụ nhiều nhà phê bình nổi tiếng, đại diện cho các trường phái phê bình  khác nhau… Sự đa dạng này phải chăng đã đánh dấu sự cáo chung của khuynh hướng phê bình có tính chuẩn mực từ các thế kỷ trước?!

Lộc Phương Thủy cho rằng:  “Nói đến phê bình văn học Pháp ở thế kỷ XX không thể không nói đến cuộc xung đột giữa hai khuynh hướng Cũ – Mới – sự kiện tầm cỡ thế kỷ, sự kiện kéo theo hàng loạt đổ vỡ, xáo trộn, tranh luận, xuất hiện hàng loạt khái niệm mới, cách thức tiếp cận mới. Cuộc xung đột đó “là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của Phê bình Mới, hay sự Đổi mới phê bình”[3, tr.25]. Như vậy, ở đây tác giả đánh giá cao vai trò Phê bình Mới trong việc thay đổi diện mạo của Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX. Có lẽ chính vì vậy, Lộc Phương Thủy đã dành một dung lượng không nhỏ để luận giải về Phê bình Mới.

Để có thể làm sáng tỏ những vấn đề về Phê bình Mới, Lộc Phương Thủy đã dẫn dắt bạn đọc bắt đầu từ những tranh luận Mới – Cũ của các học giả đương thời. Bà viện dẫn đến cuốn sách nhỏ của R. Barthes nhan đề Phê bình và Sự thật (1966)  và cho đây là “câu trả lời đanh thép những lời buộc tội của Picard và trình bày các luận điểm của phê bình Mới. Theo ông, cần phải có một khoa học về khoa học. Nhắc lại từ đã dùng của Rimbaud cho rằng tác phẩm có nghĩa “một cách văn học và một cách đa nghĩa”, Barthes nhấn mạnh rằng chính tính đa nghĩa đã tạo nên cơ sở của tác phẩm văn học. Trong sự khủng hoảng chung của cách lý giải truyền thống, Barthes đã nhìn thấy bước đầu của một cuộc cải cách mới. Chính nhờ cấu trúc mà tác phẩm mới trở thành tác phẩm mở và chứa đựng khả năng đa nghĩa”[3, tr.27]. Lộc Phương Thủy chỉ rõ trong tác phẩm Phê bình và Sự thật, “Barthes đã phát hiện những gốc rễ sâu xa của phê bình Mới. Nó không những chỉ có tham vọng trở thành một khoa học như đã nói ở trên, mà còn vì nó mong muốn trở thành một hành động hoàn toàn có tính sáng tạo. Trong phê bình có sự soạn lại. Toàn bộ họat động phê bình là sự sáng tạo và toàn bộ quá trình sáng tạo chứa đựng một phần công việc của phê bình”[3, tr.28]. Như vậy, ngay từ khởi đầu của cuộc tranh luận, quan điểm của R. Barthes và các nhà phê bình Pháp đã nhấn mạnh hoạt động phê bình là một hoạt động không những chỉ mang tính “khoa học” mà còn thể hiện rõ tính “sáng tạo”. Đây là một quan điểm đúng đắn, chỉ ra được bản chất đích thực của phê bình – phê bình thực sự cũng là một hành trình “sáng tạo trên nền sáng tạo” chứ không đơn thuần chỉ là việc “ăn theo nói leo”, bình tán những vấn đề ngoài văn bản.  Cuộc tranh luận Cũ – Mới của các nhà khoa học Pháp đã trở thành quá khứ, nhưng đúng như Lộc Phương Thủy khẳng định: “Kết quả quan trọng sau những cuộc tranh luận là phê bình Mới đã tồn tại, phát huy tác dụng của nó và thực sự góp phần tích cực vào quá trình đổi mới tư duy, đổi mới phê bình Pháp”[3, tr.28]. Và thực tế đã chứng minh, đổi mới tư duy phê bình của nền văn học Pháp không dừng lại ở biên giới nước Pháp mà còn lan tỏa sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thời kỳ đổi mới, việc tiếp nhận tinh thần phê bình Mới của Pháp trở thành một trong những nhân tố quan trọng để làm mới, nâng cao chất lượng học thuật  nền phê bình văn học Việt Nam.

Lộc Phương Thủy đã tập trung kiến giải, làm sáng tỏ các đặc điểm chung cơ bản của Phê bình Mới. Theo bà: “Mối quan tâm đầu tiên, trực tiếp và rõ ràng nhất của phê bình Mới là quyết định trở về với văn bản”. Phân tích trường hợp Lanson –  cây đại thụ của phê bình văn học Pháp nửa đầu thế kỷ XX, người đã từng làm cách mạng với khẩu hiệu: “Văn bản, văn bản, văn bản” Lộc Phương Thủy nhận định: “Ông coi tiểu sử nhà văn chỉ là một phần để tham khảo trong công việc nghiên cứu phê bình và chú trọng hơn đến tác phẩm (…) Con đường khám phá được phê bình Mới mở rộng thêm với những khả năng nhận thức mới. Các nhà phê bình Mới thích tác phẩm hơn là tác giả. Với các cách tiếp cận mới, họ hiểu thấu ý nghĩa nhiều chiều của tác phẩm, và chỉ sau đó, họ mới cho phép quay lại với tác giả”[3, tr.29].

Phê bình Mới chú trọng phân tích những tầng sâu của tác phẩm. Người phê bình theo xu hướng này không chỉ quan tâm đến những ý nghĩa nằm trên bề mặt, dễ nhận thấy ở tác phẩm. “Chủ yếu, anh ta quan tâm đến những điều mà nhiều khi chính tác giả cũng không để ý đến. Các nhà phê bình Mới có tham vọng thám hiểm vào chiều sâu, phát hiện ra những ý tiềm ẩn”. Và có lẽ vì vậy nên chúng ta thấy các nhà Phê bình mới đã tìm đến sự giúp đỡ của phân tâm học.”[3, tr.29].

Đặc điểm thứ hai của phê bình Mới đó là kiểu phê bình nhằm hiểu thấu tác phẩm trong tổng thể của nó. “Có sự phụ thuộc lẫn nhau và quan hệ tương hỗ giữa bộ phận và toàn thể, giữa từng đoạn, từng câu, thậm chí từng từ của tác phẩm và ý nghĩa chung của tác phẩm”[3, tr.29]. Để “thấu hiểu” tác phẩm từ các đơn vị cấu thành tác phẩm, các nhà phê bình Mới cần phải theo nguyên tắc mở tác phẩm ra thế giới, soi sáng những điểm tối, khơi lại những yếu tố nhỏ bé nhất làm sao khai thác được nhiều ý nghĩa nhất mà tác phẩm có thể có. Để làm được điều đó, phê bình Mới dùng phương pháp của cấu trúc luận; Và đặc điểm cuối cùng của phê bình Mới được đề cập là nó có quan hệ chặt chẽ với một số ngành khoa học nhân văn như ngôn ngữ, triết học, xã hội học, tâm lý học.

Bàn về phê bình văn học Pháp thế kỷ XX, tác giả Lộc Phương Thủy đã xem xét nhiều phương diện khách quan và chủ quan có ảnh hưởng, tác động đến nó.  Đó là những ảnh hưởng tác động từ bên trong và từ bên ngoài.

Với những tác động từ bên trong, tác giả cho rằng phê bình văn học Mới có gốc rễ ngay từ trong cuộc sống văn học của nước Pháp. Trên cơ sở luận giải, lật đi lật lại vấn đề trong tác phẩm các tác giả đại diện như Baudelaire, Marcel Proust, Lộc Phương Thủy phát hiện:  “Khác với lối phê bình cổ điển và lối phê bình tượng trưng, phê bình kiểu Baudelaire là sự mơ mộng nhằm tới khái quát, đồng thời quan tâm tới chi tiết. Từ đây nảy sinh hành trình của văn học so sánh nhằm thấu hiểu bản chất bên trong của mỗi sản phẩm văn học. (…) Quá trình sáng tác thơ tuân theo các qui luật của Ngôn từ sáng tạo. Nhà thơ là bậc thầy về kỹ thuật, là nhà ảo thuật của ngôn từ”[3, tr.31]. Còn với trường hợp của Marcel Proust, thông qua quan điểm của ông bày tỏ trong tác phẩm Chống Sainte-Beuve (1953). Lộc Phương Thủy cho rằng ở một mức độ nào đấy có thể coi đây là cơ sở cho phê bình Mới. Proust chê trách Sainte-Beuve đã không hiểu đặc thù của hành động sáng tạo, của cảm hứng, ông cho phương pháp luận của Sainte-Beuve đã lỗi thời và đề xuất một phương pháp khác: thăm dò nội tâm, xây dựng lại hành động sáng tạo. Trong sự logic của vấn đề, Lộc Phương Thủy khẳng định: “Từ sự phát hiện ra cái tôi bị che dấu, cái tôi sáng tạo trong lý luận của Proust đã kéo theo một hệ quả khác: báo trước sự xuất hiện khuynh hướng phê bình phân tâm học”[3, tr.32]. Ngoài ra, Lộc Phương Thủy còn đề cập đến một số quan điểm đổi mới phê bình khác của Proust như mục đích của tác phẩm nghệ thuật là sáng tạo ra thế giới – có nghĩa là tái tạo thế giới theo cảm thụ riêng của người nghệ sĩ, phát hiện ra tầm quan trọng của không gian…

Như vậy, chúng ta thấy sự vận động đổi mới tư duy phê bình văn học Pháp xuất phát ngay từ nội tại phát triển của đời sống văn học dân tộc. Tranh luận học thuật của các học giả – nhà văn Pháp trên tinh thần khách quan, khoa học, kế thừa tinh hoa và phủ định những quan điểm lỗi thời đã mang lại cho phê bình văn học Mới những thành tựu quan trọng, có ảnh hưởng, lan tỏa trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Đối với việc ảnh hưởng từ bên ngoài, Lộc Phương Thủy xem xét mối quan hệ ảnh hưởng giữa phê bình Mới ở Pháp và trường phái nghiên cứu hình thức Nga. Chính các bản dịch từ tiếng Nga ra tiếng Pháp đã góp phần tích cực vào quá trình ảnh hưởng này ví dụ như tác phẩm của V.Propp: Hình thái học truyện cổ tích(1958), tập Lý luận văn học (1965) và các chuyên khảo của Chkloski, Eikenbaum, Tynianov… Các nhà phê bình Pháp đã tiếp thu nhiều phương diện theo tinh thần phê bình của các nhà hình thức Nga như:  nghiên cứu nội tại tác phẩm được hiểu như một thực thể, đối tượng của khoa học văn học không phải là văn học, mà là tính văn học (thuật ngữ này chỉ rõ tính đặc thù của tác phẩm văn học), nghiên cứu hình thức chủ yếu dựa trên hệ thống ký hiệu ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ thơ, chú tâm vào phát hiện những qui luật nội tại chi phối tác phẩm, văn học là một hệ thống hàm nghĩa, tác phẩm văn học là một hệ thống hợp thành từ những yếu tố có giá trị chức năng, các yếu tố có liên quan với nhau. Sự quan hệ của một yếu tố này với yếu tố khác tạo thành chức năng của nó so với toàn bộ hệ thống. Chức năng của mỗi tác phẩm lại được này sinh trong mối tương quan với các tác phẩm khác… Lộc Phương Thủy cũng cho thấy các nhà phê bình Pháp còn quan tâm đến phương pháp phân tích cấu trúc mà V.Propp  là người có công mở đầu với cuốn Hình thái học truyện cổ tích, trong tác phẩm ông đã phân tích các truyện cổ thành các bộ phận và chức năng.

Như vậy trong cái nhìn của Lộc Phương Thủy, Phê bình văn học Mới của Pháp đã nỗ lực phát huy nội lực và cầu thị, sẵn sàng tiếp thu ảnh hưởng bên ngoài để xây dựng nền tảng phát triển nền Phê bình văn học, và có lẽ chính vì vậy nên Phê bình Mới của Pháp cũng mở ra với nhiều khuynh hướng linh hoạt, phong phú, đa dạng.

Tiếp nhận phê bình văn học Pháp hiện đại, Lộc Phương Thủy nhận thấy phê bình văn học Pháp gắn bó chặt chẽ với khoa học nhân văn khác như triết học, ngôn ngữ học tâm lý học, dân tộc học, nhân chủng học, xã hội học. Đó là chưa kể đến xu hướng “toán học hoá” trong phê bình văn học nói riêng và trong các ngành khoa học xã hội nói chung. Cho nên, khi bàn về Khuynh hướng phê bình văn học Pháp, Lộc Phương Thủy nhận xét: “Phê bình Mới có những đặc điểm chung tương đồng, nhưng nó lại có cách tiếp cận riêng tạo ra “các phê bình Mới”: phê bình phân tâm học, phê bình chủ đề, phê bình ngôn ngữ học và phê bình lịch sử – xã hội học. Chính điều đó đã tạo nên bức tranh đa dạng sống động của phê bình văn học Pháp thế kỷ XX”[3, tr.54].

Tiếp đó, Lộc Phương Thủy đã chứng minh tính linh hoạt, đa dạng, sống động,  của phê bình văn học Pháp thế kỷ XX một cách hệ thống qua các khuynh hướng: phê bình phân tâm học, phê bình ngôn ngữ học, phương pháp phê bình cấu trúc, phê bình xã hội học… Chẳng hạn từ lý thuyết phân tâm học, với con đường đi từ tác phẩm để phát hiện con người vô thức của tác giả, từ xung đột nội tâm của các nhân vật, nhận ra xung đột cá nhân nhà văn, xuất hiện trong phê bình Mới khái niệm “liên văn bản”…Hoặc từ chủ trương gắn khoa học (phân tâm học) vào nghệ thuật (phê bình văn học) của Charles Mauron dẫn đến sự xuất hiện khái niệm “xếp chồng văn bản” ; “Ngôn ngữ học ở thế kỷ XX đóng góp hết sức tích cực vào quá trình đổi mới văn học nói chung và đổi mới phê bình văn học nói riêng. F. de Saussure là người đặt nền móng cho ngành phê bình cấu trúc và ngành ký hiệu học (…) từ đó lý thuyết mới về ký hiệu ngôn ngữ xuất hiện [3, tr.54]; Quá trình hoạt động của Roland Barthes – người đi tiên phong của trường phái coi phê bình là khoa học về văn học với những tác phẩm Độ không của cách viết (1935), đến các tác phẩm Sade, Fournier, Loyola (1971), hoặc Ham thích văn bản (1973) đã làm nổi bật sự năng động của phương pháp phê bình cấu trúc. “Cái viết, theo ông, được quan niệm như chức năng, như mối liên hệ giữa xã hội và quá trình sáng tạo, được tạo ra từ sức mạnh đặc biệt mang dấu ấn cá nhân”[3, tr.55]; Lộc Phương Thủy xác quyết rằng các khuynh hướng phê bình Mới ở Pháp phong phú thêm bởi những đóng góp của phê bình xã hội học, trong đó L. Goldmann chiếm một vị trí quan trọng. Sở dĩ như vậy bởi “Goldmann quan tâm đến xã hội học sáng tạo, ông kết hợp hài hòa những khái niệm thuộc cấu trúc và lịch sử, tính lịch đại và đồng đại…Tác phẩm văn học là một đối tượng thẩm mỹ có cội nguồn trong đời sống xã hội. Nó biểu thị thái độ của con người hoặc của một nhóm xã hội. Vì vậy cần phải sáp nhập tác phẩm vào tổng thể cuộc đời và xã hội. Đây chính là điểm gặp giữa khía cạnh cấu trúc và khía cạnh xã hội học trong phê bình của Goldmann [3, tr.60].

 Có thể thấy lần đầu tiên ở Việt Nam, qua giới thiệu của Lộc Phương Thủy bức tranh đa dạng của phê bình văn học Pháp đã phần nào được phác họa với những nét sinh động, hấp dẫn nhất. Diện mạo cơ bản của phê bình văn học Pháp thế kỷ XX đã chứng tỏ đây là nền phê bình thực sự gắn bó với đời sống văn học hiện đại Pháp, nó mang trong mình những đặc điểm tiêu biểu của thời đại: liên tục mở rộng mối giao lưu với bên ngoài, phát huy tối đa sức mạnh nội lực, trăn trở, tìm kiếm không ngừng để “đoạn tuyệt” tư duy phê bình lạc hậu, hướng đến cái mới, tiến bộ, hiện đại. Nền phê bình văn học Pháp thế kỷ XX một mặt hướng đến chuyên môn hoá, trở về với văn bản văn học, với đặc thù của kiến tạo văn chương, mặt khác nó vẫn gắn bó chặt chẽ với các ngành khoa học xã hội, ảnh hưởng qua lại, bổ sung làm phong phú thêm những con đường sáng tạo để khám phá thông điệp nhân văn, lớp lớp hàm ẩn trong các tác phẩm văn chương đích thực. Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX không những thúc đẩy sự phát triển văn học Pháp, mà còn được ghi nhận cả trong nền văn học của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Chính vì có sự phát triển vượt bậc của phê bình văn học Pháp, “lần đầu tiên, ở thế kỷ XX, phê bình văn học được xếp ngang với những tác phẩm mà nó phân tích. Trong số các nhà phê bình, nhiều người đồng thời cũng là nhà văn nổi tiếng, từ Charles Du Bos đến Rolland Barthes, tù Jacqué Rivière đến Maurice Blanchot”[1, tr.251].

Từ việc nghiên cứu, thấu hiểu về văn học Pháp và đối chiếu để thấy những ảnh hưởng không nhỏ của nó đối với văn học nhiều dân tộc trong đó có Việt Nam, Lộc Phương Thủy luôn trăn trở về vấn đề đổi mới nền văn học, đặc biệt đổi mới nền phê bình văn học Việt Nam.  Điều này được thể hiện rõ ở phần hai của cuốn sách  Từ một góc nhìn về giao lưu văn học Việt – Pháp (1999). Ở đây, Lộc Phương Thủy đã tập trung làm sáng rõ các nội dung: Văn học Pháp thế kỷ XVIII và văn học Việt Nam, Văn học Pháp hiện đại và Việt Nam, Phê bình văn học Pháp và đổi mới văn học ở Việt Nam, Về việc dịch văn học Pháp thế kỷ XX, Văn học Pháp và Tạp chí văn học, Thạch Lam trong sự giao tiếp với văn học Pháp, Bản lĩnh ngòi bút Hải Triều…Trong các nghiên cứu trên, chúng ta gặp nhiều đúc kết, khuyến nghị hướng đến mong muốn làm “nhịp cầu kết nối”, góp tiếng nói thúc đẩy phát triển sự giao lưu văn học hai dân tộc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Tác giả khẳng định: “Cho đến hôm nay dù trên phương diện lịch sử, số phận có trớ trêu đến đâu, thì cuộc gặp gỡ với nền văn học Pháp ngay từ đầu thế kỷ đã để lại những dấu ấn sâu sắc” [1, tr.240].  Quả thực, văn học Pháp hiện đại với những áng thơ, văn tiềm tàng giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc, có sức cảm hóa lòng người lớn lao đã và đang là món ăn tinh thần chiếm vị trí xứng đáng của trong công chúng Việt Nam ở mọi lứa tuổi, tầng lớp… Cuộc đời và sự nghiệp của nhiều nhà văn Pháp xứng đáng là những kinh nghiệm quý báu cho các nhà văn Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên trong công cuộc Đổi mới và Hội nhập mấy chục năm qua, giới nghiên cứu phê bình văn học ở Việt Nam đã cố gắng kéo gần thêm khoảng cách giữa văn học Việt Nam và thế giới, đặc biệt là văn học Pháp,  Lộc Phương Thủy khẳng định: “Trong thế so sánh, một bên là nhu cầu “mở cửa” ra ngoài để “biết người biết ta”, một bên là một thực thể phê bình văn học đã và đang tồn tại trong suốt mấy chục năm qua, chúng ta thấy rằng phê bình văn học Pháp thực sự có thể là những kinh nghiệm gợi ý nhiều điều cho văn học và phê bình văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới hiện nay” [1, tr.250].

Vài chục năm qua (từ 1986 đến nay), nhờ có sự tiếp nhận và giới thiệu của các nhà khoa học trong đó có Lộc Phương Thủy, các khuynh hướng Phê bình Mới ở Pháp đã và đang tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển, đổi mới tư duy lý luận – phê bình văn học ở Việt Nam, bổ sung cho văn học Việt Nam nhiều khái niệm mới: văn bản, liên văn bản, trường ngữ nghĩa, tính văn học (littéralité)…[12]. Lộc Phương Thủy cũng đã rất cẩn trọng khi đúc rút bài học: “Trong khi tìm đến các cách tiếp cận mới, các khái niệm mới, các tri thức mới, chúng ta vừa có thể học hỏi kinh nghiệm của phê bình văn học Pháp, vừa có thể tránh được những khiếm khuyết có thể có” [1, tr.249].

Bạn đọc chia sẻ sâu sắc với Lộc Phương Thủy nỗi niềm đau đáu, sự nhiệt thành của bà về công tác dịch thuật, truyền bá văn học Pháp ở Việt Nam: “Muốn hiện đại hoá nền văn học dân tộc, muốn hoà nhập trong tư thế bình đẳng với quốc tế, chúng ta phải nâng cao trình độ nhận thức và lý luận, để có thể “đối thoại” với các đồng nghiệp nước ngoài” [1, tr. 258]; Và khát vọng về “một không khí cởi mở để những người làm công tác này tránh được những quan điểm cứng nhắc, những thành kiến hẹp hòi của một thời, để có thể tiến hành công việc của mình một cách khách quan hơn, khoa học hơn” [1, tr.245]. Những nghiên cứu của Lộc Phương Thủy về phê bình văn học Pháp là cơ sở khoa học đáng tin cậy để chúng ta tiếp tục khám phá, cầu thị học hỏi trên hành trình vượt qua các giới hạn, hướng đến đổi mới mạnh mẽ nền phê bình văn học dân tộc, lấp đầy nhiều khoảng trống còn tồn tại trong đời sống văn học nước nhà để nhằm đến mục tiêu: Đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp, tâm huyết làm nghiên cứu phê bình; Khẳng định vai trò then chốt của các cơ sở lý thuyết khoa học, ứng dụng trong phê bìnhđánh giá thẩm định các hiện tượng văn học và đặc biệt đổi mới tư duy quản lý nền văn học nghệ thuật dân tộc theo xu hướng khách quan, khoa học.

III.

Không phải ngẫu nhiên, trong Quan niệm văn chương Pháp thế kỷ XX, Lộc Phương Thủy đã trân trọng dẫn lời của J-P.Sartre, trong bài phát biểu nổi tiếng của ông Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản: “Khi nói con người tự lựa chọn, chúng tôi muốn nói rằng mỗi người trong chúng ta tự lựa chọn bản thân mình, nhưng đồng thời điều đó có nghĩa là trong khi tự lựa chọn, mỗi cá nhân tự lựa chọn toàn thể loài người. (…) Lựa chọn cũng có nghĩa là khẳng định giá trị của cái mà ta lựa chọn, bởi ta không bao giờ có thể chọn điều ác; điều mà chúng ta chọn bao giờ cũng là điều thiện, và không có điều nào tốt cho chúng ta mà lại không tốt cho tất cả mọi người” [4, tr.6]. Suốt cuộc đời bền bỉ, hết lòng gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu văn chương Pháp là sự lựa chọn “dấn thân” của Lộc Phương Thủy.  Lộc Phương Thủy đã từng bộc bạch rất khiêm nhường về nghiên cứu của mình: “Chúng tôi chỉ mong bước đầu cung cấp những thông tin có thể hữu ích cho bạn đọc yêu mến văn học Pháp và quan tâm đến vấn đề đổi mới cách tân trong văn học nói chung [4, tr.9]. Tuy nhiên, nghiên cứu của Lộc Phương Thủy về văn học Pháp đã vượt khỏi khuôn khổ của việc “cung cấp thông tin” thông thường, giá trị học thuật mà nó mang lại đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần làm phong phú nền văn học nước nhà. Những thành tựu trong sự nghiệp nghiên cứu văn chương Pháp của Lộc Phương Thủy cũng là minh chứng sinh động đồng thời cho thấy: thời kỳ đổi mới, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam, trong đó có Lộc Phương Thủy đã thấm nhuần tinh thần sáng tạo, nghị lực lao động trí tuệ phi thường của các nhà văn Pháp thế kỷ XX:  “nhập cuộc” hết mình cùng hành trình tìm kiếm không ngừng những giá trị nhân văn, tiến bộ để quyết liệt đổi mới, phát triển văn học dân tộc trong thời đại lịch sử mới.

PGS-TS CAO THỊ HỒNG

_____________________

Tài liệu tham khảo:

[1]. L. P. Thủy,  Từ một góc nhìn về giao lưu văn học Việt-Pháp, Nxb. Khoa học xã hội, H.1999.

[2]. L. P. Thủy, (Chủ biên), Tiểu thuyết Pháp thế kỷ XX, Truyền thống và cách tân, Nxb. Văn học, H.2005

[3]. L. P. Thủy (Chủ biên), Phê bình văn học Pháp thế kỷ XX, Nxb Văn học, H.1995.

[4]. L. P.Thủy,  (Chủ biên),  Quan niệm văn chương Pháp thế kỷ XX, Nxb. Văn học, H. 2005.

[5].T. T. Đạo, Từ chủ nghĩa hiện sinh tới thuyết cấu trúc, Nxb. Tri thức, H. 2008.

[6]. L. Nguyên (Chủ biên), Tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài – Kinh nghiệm Việt Nam thời hiện đại, Nxb. Đại học SP Hà Nội, H. 2015.

[7]. L.Nguyên (Chủ biên), Việt Nam một thế kỷ tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài, Nxb.Đại học SP Hà Nội, 2020.

[8]. Nhiều tác giả, Nghiên cứu văn học Việt Nam những khả năng và thách thức, Nxb. Thế giới, H. 2009.

[9]. H.N. Phương, Trường phái hình thức Nga, Nxb. Đại học Quốc gia, Tp. HCM, 2007.

[10]. L.P.Thủy, Lịch sử văn học Pháp – Thế kỷ XIX, Nxb. Ngoại văn, H.1990.

[11]. L.P.Thủy, Lịch sử văn học Pháp – Thế kỷ XX, Nxb. Ngoại văn, H.1992.

[12]. L.P. Thủy,  André Gide – Đời văn và tác phẩm, Nxb. Khoa học xã hội, 2002.

[13]. L.P.Thủy, (Chủ biên),  Lý luận – phê bình văn học thế giới thế kỷ XX, 2 tập, Nxb. Giáo dục, H. 2007.

[14]. L.P. Thủy, N.P. Ngọc, P.N. Kiên,  Xã hội học văn học, Nxb. ĐH Quốc gia, H. 2014.

[15]. H.Trinh, Ký hiệu nghĩa và phê bình văn học, Nxb.Văn học, H. 1979.

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)