bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

Vy

Muốn mua sản phẩm

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 13
Trong ngày: 38
Trong tuần: 933
Lượt truy cập: 685092

VỀ TẬP THƠ VÀ THỢ CỦA LÊ TUẤN LỘC

Một giọng thơ, một tập thơ rất ý nghĩa cho hôm nay
     (Thế giới thơ và tập thơ Thơ và thợ của Lê Tuấn Lộc. Nxb Hội Nhà văn 2019)
                             PGS.TS Nguyễn Thanh Tú
          Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước nhà thì hình tượng trung tâm của xã hội cũng như của văn học phải là người công nhân. Bước vào cuộc Cách mạng 4.0, dù nhiều máy móc tinh vi cũng không thể thay thế được con người vì con người vẫn là chủ thể sử dụng, điều khiển máy móc. Qua khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu về đề tài văn học công nhân chúng tôi càng khẳng định hình tượng mỹ học cơ bản của văn học nghệ thuật hôm nay phải là người công nhân. Đây là hình tượng mang tính khái quát xã hội cao, mang tính phổ quát nghệ thuật lớn, vì trong hình tượng người công nhân có bóng dáng người nông dân cần cù chăm chỉ, có cái quyết liệt xả thân của người lính, có cái đằm sâu trí tuệ của trí thức,…
   Lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân. Đất nước tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá, không thể không dựa vào đội ngũ chủ lực là công nhân. Chỉ những điều chân lý ấy cũng cho thấy văn học nước nhà phải viết về hình tượng người công nhân nhiều hơn, đậm hơn, hay hơn!
         I.Thơ Lê Tuấn Lộc trên nền thơ Việt Nam hôm nay về người thợ
       Mỗi năm nước ta có khoảng 1000 tập thơ được in, thường viết về đề tài quê hương, tình yêu, đời tư…với những tâm trạng, những nỗi buồn, những triết lý, những nỗi mong manh của cuộc đời…Trong khi đó mảng viết về người lao động, lẽ ra phải có nhiều nhưng trên thực tế lại không như kỳ vọng. Ở ngày hôm nay cũng khó có thể gọi các nhà thơ viết về đề tài này là một “đội ngũ”. Thi phẩm hay lại càng ít. Điều này khác với trước 1975, các nhà thơ nổi tiếng như Chế Lan Viên trong Ánh sáng phù sa, Xuân Diệu trong Riêng Chung có nhiều bài thơ hay viết về lao động. Sau chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Quảng Ninh, Huy Cận có Đất nở hoa, Trời mỗi ngày lại sáng. Có lẽ ai cũng thuộc bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của ông…
     Chúng ta từng có nhiều nhà thơ viết về người lao động, với Thi Hoàng, Đào Cảng, Thanh Tùng, Anh Chi, Quang Khải, Nguyễn Thái Sơn, Chử Văn Long, Tạ Vũ, Long Chiểu, Phạm Doanh, Võ Thanh An, Yên Đức, Thanh Sỹ, Mai Phương, Hoàng Gia Điền, Phạm Cẩm Nguyên, Hoàng Việt Hằng, Đặng Bá Tiến, Trương Thiếu Huyền… Nhiều tác giả không sống ở vùng mỏ nhưng viết hay về vùng mỏ như Nguyễn Bùi Vợi, Nguyễn Tùng Linh, Thanh Tùng, Xuân Hoàng, Tạ Vũ… Họ đã tạo nên sức sống của mảng thơ công nhân với đặc trưng giàu triết lý về cuộc đời, về trách nhiệm và cống hiến, tài năng và đãi ngộ, về hưởng thụ thành quả lao động…
    Tiếng thơ về người công nhân mỏ vừa hiện thực, gân guốc vừa trữ tình lãng mạn, bay bổng. Vẻ đẹp của người thợ lò trong thơ Trần Đình Nhân như thách thức, tranh chấp với tạo hoá để toả sáng không chỉ trong bóng tối đường lò mà còn toả sáng trong đời: “Luôn phải ngược chiều gió/ Mở vách những đường lò/ Luôn phải ngược chiều gió/ Với tiếp tầm moong sâu/ Thợ mỏ/ Chưa bao giờ dừng bước/ Ngay giữa chiều bão giông...” (Tôi và than). Đó là thơ Trần Ngọc Tảo: “Bồng bềnh sương trắng đêm than/ Năm canh em thắp lửa đan ngang trời” (Ánh lửa) hay thơ Ngô Tiến Cảnh: “Nỗi nhớ đầm đìa áo thợ mồ hôi/ Lấp loá miệng cười chỉ than mới biết” (Ở Mông Dương nhớ Mông Dương). Thơ Trần Nhuận Minh có phần nghiêng về phía lý tưởng: “Em đứng trên khung nhà cao tầng/ Như chiếc lá xanh, nẩy trên cây sắt thép/ Từ tay em những tia lửa bay ra/ Em thành trung tâm muôn ngàn sao sa…” (Cô thợ hàn trên khung nhà cao tầng). Anh chàng lái xe ở tầng cao như đang ở trên trời: “Nhìn qua óng ánh mây trời / Vùng than điện sáng cũng dầy như sao…” (Thư cho em gái). Tình yêu nở hoa trong lao động, khoẻ khoắn: “Tay gạt núi, mở chân trời mơ mộng/ Anh yêu em lặng thầm và cháy bỏng/ Đến tận cùng năm tháng cuộc đời anh…” (Em về vùng mỏ). Như con chim bay trên đôi cánh hiện thực và trữ tình, thơ về thợ mỏ đưa bạn đọc bay vào bầu trời văn hoá tình yêu lao động.
          Trịnh Công Lộc là nhà thơ chịu khó tạo nghĩa mới: “Ka ba/ Lòng đất là bóng đêm/ Bàn tay là mặt trời...” (Ngày vào đêm...). Câu thơ tả người thợ làm ca ba đào than trong mỏ. Dĩ nhiên trong đó có điện sáng nhưng phải có bàn tay người thợ mới có những thỏi “vàng đen” ra lò nên so sánh “bàn tay” với “mặt trời” vừa nói về công việc đào than bằng tay vừa ca ngợi vị thế con người ngang tầm vũ trụ một cách thật tự nhiên. Anh có những so sánh liên tưởng nâng hình tượng lên một tầm cao mới, như câu “Mỗi trái dưa như một mặt trời” (Mở cõi biển Đông)...Câu thơ nằm trong mạch tái hiện câu chuyện An Tiêm trồng dưa hấu, trong hoàn cảnh tay trắng, không cái ăn, cái mặc, cả gia đình cô đơn trên đảo giữa biển mênh mông, thì đúng là mỗi quả dưa hấu lúc ấy thật “như một mặt trời”. Mặt trời của sự sống, của niềm hy vọng, của sự quyết tâm, của ý chí lao động... Tác giả có những câu thơ hay, gần gũi mà mới lạ, ấm áp, chân tình về biển: “Đêm xuống, biển thức dậy/ Giữa muôn trùng sao sa/ Sóng lên như thắp lửa/ Mang hơi ấm về nhà” (Biển đêm). Ta có thể hiểu thêm sóng lao động luôn miệt mài vỗ giữa biển cuộc đời. Sóng bập bùng, “ồn ào” và xôn xao như lửa. Sóng còn là nguồn ấm đem sức sống cho mỗi ngôi nhà Việt... “Sóng lên như thắp lửa” là một sáng tạo trong so sánh dựa trên sự gần gũi của hai hình tượng “sóng” và “lửa”, về âm thanh (sóng reo, lửa reo), về hình dáng (cùng có ngọn - ngọn lửa, ngọn sóng; về sự “bập bùng”; nhảy múa,)...Câu thơ giàu chất tạo hình và gợi cảm, nhận thức thẩm mỹ về “sóng” được nâng lên một bước, mới mẻ hơn.
      Việc gì, dù nhỏ cũng cần phải làm với thái độ tâm huyết, trách nhiệm. Với nghề kiểm lâm thì đòi hỏi cao hơn cả, vì chỉ biết làm bạn với rừng, với cây để chống lại bọn lâm tặc. Anh cán bộ kiểm lâm trong thơ Đặng Bá Tiến rất đáng ca ngợi vì anh hoàn thành trách nhiệm thật vẻ vang: “Giữa rừng Bản Đôn có căn gác đơn sơ/ vợ chồng người gác rừng sống với lá hoa, muông thú/ cổ thụ chín tầng cành, xòe ô che chở/ mỗi ban mai chim hát, múa quanh nhà/ Sẽ trở lại nơi này/ sống chết với đất này/ anh nguyện với lòng anh!” (Rừng cổ tích). Anh thực sự con người gấp nhiều lần một vị Bộ trưởng mà thiếu trách nhiệm lại ăn hối lộ. Diễn ngôn văn bản Rừng cổ tích giản dị nhưng thuyết phục được người đọc ở chỗ xây dựng thành công hình tượng anh kiểm lâm say nghề, yêu thương và thấu hiểu từng mảnh rừng. Đọc thi phẩm này ta thấy yêu hơn và cảm ơn rừng của ta hơn. Có nhiều những con người kiểm lâm như thế rừng sẽ trở về xanh hơn, giàu có hơn!
      Cái bản lĩnh đời thường của người thợ được nhà thơ Trần Tâm  đưa vào thơ có thể còn thô như than quặng nhưng giàu có nhiệt năng của thứ than quý: “Người thợ gặp khó khăn không muốn nói/ Bận rộn cùng nhau bàn chuyện làm ăn/ Nhường nhịn sẻ chia chấp nhận gian nan/ Như đã cùng đất đai sống chết/ Như đã cùng hòn than máu thịt/ Yêu kiệt cùng từng hộc đá rễ cây/ Cho con đường rầm rập sắc than bay” (Trên điểm cao 431).
     Ở “khu vực” những người thợ mặc áo lính xứng đáng có một tiểu luận dài nghiên cứu riêng. Đây là thơ cũng là tiếng lòng của một vị tướng - Trung tướng Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Chính trị viết về những người lính thợ xây dựng ngôi trường mới: “Lăn lộn công trường tạo dựng lòng tin/ Dẫu gian truân không phai màu thợ lính/ Trường mới hôm nay nồng nàn xuân ấm/ Chờ anh thêm dấu ấn nơi này” (Dấu ấn người lính thợ). Không “trau” câu “gọt” chữ nhưng chân thành như vậy cũng đáng đọc. Có những câu thơ thật thơ của các nhà thơ không chuyên: “Đường dây vượt thác qua ngàn/ Vươn xa như những cung đàn mùa xuân”. Hai câu ấy trong bài Những người lính thợ âm thầm của tác giả Thanh Thu hiện công tác tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT).
     Hầu hết các tác giả đều khắc hoạ nhân vật trữ tình là nữ giới với những ấn tượng riêng. Có thể là lao động mỏ là một công việc nặng, với phụ nữ chân yếu tay mềm càng khó khăn vất vả hơn. Hơn nữa trong cuộc chuyển đổi thị trường sự bấp bênh càng chênh chao bao nhiêu thì người phụ nữ càng vất vả bấy nhiêu…Do vậy mà nhân vật nữ đi vào trang viết với nhiều suy tư của thời thế và nhân thế. Cái tâm thế, cái hoàn cảnh “thiên tính nữ” được nhà thơ Hoàng Việt Hằng triết lý trong tập Xóa đi và không xóa: “Ai đó sống suốt đời vì người khác/ đã tàn tro mà thời gian không tro tàn”. Quả thật, ai đã xuống vỉa than sâu sẽ có cảm giác cuộc đời trần thế thật mong manh. Đã từng có những tai nạn. Người ra đi thì mãi mãi ra đi. Nỗi đau dồn vào người ở lại: “Ra Đảo Dấu trước biển cả mênh mông/ tôi chỉ một lần cúi xuống/ ra đây xin được thảnh thơi. Gặp vợ người thợ lò mất chồng/ chị trẻ tới nỗi/ bế con đeo khăn xô/ tôi phải quay mặt đi…”. Nhiều người đã nói cảm động về sự mất mát, nhưng ở đây, trong thơ Hoàng Việt Hằng, bằng sự nhạy cảm của trái tim nữ giới nói về nỗi đau nữ giới nên có gì đấy xót xa và nhức buốt hơn.
    Tất cả những điều trên cho thấy thơ về người thợ có nhiều những tín hiệu vui, lạc quan, còn nhiều những vỉa tầng cần khám phá.
     Trên cái nền ấy Lê Tuấn Lộc có một lối đi riêng để có một giọng thơ riêng!
II.Tập thơ Thơ và thợ trên nền phong cách đa dạng Lê Tuấn Lộc
Lê Tuấn Lộc làm thơ từ sớm (1986), anh bước vào ngôi nhà Hội Nhà văn Việt Nam qua cửa thể loại Thơ cũng đã lâu (2002). Thơ Lê Tuấn Lộc đa dạng về cách viết nhưng chung một giọng da diết đầy nỗi niềm thì được hình thành sớm. Bắt đầu từ tập in chung Với quê hương (1986) đã phần nào hé lộ điều ấy. Đến Hát lúc trăng lên (1990) đã phần nào khẳng định. Từ Đường xa (1995) thì bắt đầu hình thành phong cách và chín dần. Từ đó những tập thơ cứ gọi nhau: Dưới bóng đa Tân Trào (1998), Thợ mỏ gặp nhau (2000), Như thuở ban đầu (2001), Cây mỗi hoa mỗi quả (2002, in chung), Thân phận (2004), Người núi – Người phố (2005), Tôi người xứ Thanh (2007), Không tin về Hà Nội mà coi (2009), Ngày Xuân đi viếng cảnh chùa(2010), Đi tìm vàng (2011), Người đi đã trở về (2015), Ngàn Nưa ta ơi (2016), Như rừng hoa Tà Phình (2017), Thơ và thợ (2019).
          Anh viết thơ tình, chưa có chất riêng nhưng vẫn đọng ở bạn đọc cái tứ: “Ước gì trở lại ngày xưa/ Để anh đi sớm về trưa với tình (câu này ảnh hưởng rõ từ Đi hát mất ô của Tú Xương)/ Câu thơ đổ quán xiêu đình/ Để anh lại chép thơ mình cho em/...Bao giờ cho đến ngày mai/ Đi tìm vàng đá trong vài câu thơ...” (Ước gì-1998). Cả bài âm hưởng ca dao rất rõ. Nhưng câu cuối cùng lại nói rõ về nghề nghiệp (Tiến sỹ Mỏ) của anh và công việc làm thơ, cũng là phần nào nói về thơ anh: “Đi tìm vàng đá trong vài câu thơ”. Thơ anh luôn động, cựa quậy. Hình như tư duy năng động luôn bắt anh phải nghĩ, phải liên tưởng, phái khám phá, phải trăn trở...Hình như đấy là nghề cũng là nghiệp cứ bám vào anh rồi thể hiện ra trên câu chữ. Anh viết hay về quê xứ Thanh. Anh đắm đuối tự hào về quê mình, thân anh xứ khác nhưng hồn vẫn neo ở quê: “Buồn tênh như kẻ vô hồn/ Điệu hò sông Mã biết còn mai sau” (Chia tay ở bến xe Giáp Bát). Anh viết về miền núi đúng với chất miền núi chứ không nói dựa: “Bây giờ đến mùa kéo vợ/ Lại nhớ người tình năm xưa/ Yêu nhau ma không cho lấy/ Lâu lâu gặp nhau lại buồn” (Mùa kéo vợ). Có người đọc “ma” (danh từ) thành “mà” (liên từ) thì tức chưa hiểu về miền núi, càng chưa hiểu về phong tục ‘cướp/kéo vợ” của người H’Mông.
    Anh còn viết về tâm linh. Tập Ngày xuân đi viếng cảnh chùa là sự tập hợp những bài về chủ đề này. Hẳn nhiên tâm linh không phải là mê tín mà là niềm tin, sự trao gửi, trút bỏ nỗi lòng vào một cõi thiêng liêng. Thế nên không hẳn cứ nói về Phật, về Chúa, về ông bà tổ tiên, về cái chết, sự hy sinh... mới là tâm linh. Thực ra khái niệm này thế giới vẫn chưa có một định nghĩa thỏa đáng, nhưng theo lối chiết tự (cũng là sự hiểu chung của thế giới hôm nay) thì hiểu đó là một thứ niềm tin thiêng liêng, tuyệt đối. Ngày nay thế giới coi tâm linh là một trong ba thế giới con người tồn tại (tinh thần, vật chất, tâm linh). Nói thế để anh có hẳn một tập thơ cũng là điều không lạ, ngược lại đáng khuyến khích. Đặc điểm thơ tâm linh của anh lại rất đời, không tĩnh lặng chất thiền mà lại có cái xôn xao của cuộc đời: “Suối Tiên thiền viện thì thanh/ Hoa lau thì trắng đá ghềnh thì nâu/ Chiều buông thanh tịnh về đâu/ Tăng ni xuống núi áo màu lam lam/ Trắc bách diệp xanh lá chàm/ Mình ta xuống núi chiều tan mất rồi/ Nam mô con gọi thầy ơi/ Suối trên Tam Đảo độ này còn trong...” (Chiều Trúc Lâm thiền viện). Cái dùng dằng của chủ thể trữ tình “chiều tan mất rồi” như nói rõ hơn vừa muốn sự “vô thường” nhưng vẫn còn nặng nghiệp tục lụy ở đời!
    Nhưng anh viết về người thợ và lao động thì mới đúng là anh, đúng với sở trường, tâm huyết, cảm hứng, thi pháp...và có lẽ cả tính cách nữa.Tập thơ Thợ mỏ gặp nhau và trường ca Người đi đã trở về là những tập hay hiếm hoi về chủ đề người lao động của thơ ca Việt Nam đương đại. Thợ mỏ gặp nhau có cái gân guốc bề bộn mà đầy phóng túng, bộc trực, ngang tàng, tình nghĩa của cuộc sống lao động vùng mỏ, Người đi đã trở về thực sự là một trường ca với âm hưởng hùng tráng, vang vọng khí thế hừng hực của những con người xây những cây cầu nối hai bờ thời đại. Chỉ tiếc anh khiêm tốn mà lại chua “tùy bút thơ”. Cũng chẳng sao. Nhưng nếu có ai hờ hững mới chỉ đọc ba chữ này mà bỏ qua thì thật tiếc cho họ.
 III. Thơ và thợ - tập thơ quý về người thợ
Thơ Việt Nam đương đại thật vô cùng đa dạng, phong phú, riêng mảng thơ về người thợ thì còn chưa khởi sắc. Nhưng có một tiếng thơ khoẻ khoắn mà đầy ắp nỗi niềm về người thợ rõ một bút pháp riêng, là thơ Lê Tuấn Lộc. Vốn là người thợ rồi trưởng thành là nhà khoa học về mỏ, yêu thơ rồi trở thành nhà thơ. Bài thơ Giao thừa sao chưa về tiêu biểu cho thơ anh: “Chuông đồng hồ đã điểm/ Người ơi sao chưa về/ Đã giao thừa rồi đấy/ Người ơi thắp hương chưa/ Người là mẹ của cháu/ Giao thừa sao chưa về/ Người là bà của cháu/ Giờ ai mừng tuổi ai/ Pháo hoa tung lên trời/ Xe rác đi lầm lũi/ Người ơi kìa năm mới/ Mùa xuân tươi như hoa”. Cái tứ thời khắc giao thừa mà có người chưa về nhà gợi vào sự băn khoăn của độc giả. Vì đó là giờ phút thiêng liêng nhất trong năm, là sự đoàn tụ của gia đình, gia tiên, gia thần. Người chủ gia đình thắp nén hương mời tiên tổ về ăn Tết và phù hộ độ trì cho con cháu. Người lớn chúc nhau và mừng tuổi con trẻ trong hạnh phúc ấm áp. Thế mà người lao công quét rác, thời điểm ấy vẫn đang lặng lẽ làm việc. Sự hy sinh của chị thật đáng ngợi ca. Những người như chị góp phần làm “mùa xuân tươi như hoa”. Bài thơ ngắn, hàm súc, tạo được dư âm: hỡi những người đang sum vầy viên mãn hãy nhớ về những người lẻ loi đang âm thầm cống hiến để cuộc sống này đẹp hơn. Không nói về đạo lý nhưng ta hiểu đấy là đạo lý!
          Nhà thơ dựng lại bức tranh người tuần đường tiễn người yêu, buồn nhưng đầy tin yêu: “Đời anh - Người tuần đường/ Đứng cuối ga nhìn em xa dần/ Nỗi buồn hun hút/ Đung đưa cây đèn vàng trên tay/ Anh đang dõi theo em/ Thượng lộ bình an mãi” (Em ơi, ga Hà Nội). Lời thơ giản dị, thật thà, nhưng đậm tình, cái tình đã nâng hình tượng lên một cấp độ mới: không còn là đường tàu mà là đường đời. Anh là người “tuần đường” chăm chút, dõi theo và mong em “bình an mãi” trên cuộc đời. Hôm nay rất khó tìm trên báo thấy có những câu mộc mạc mà đầy trách nhiệm của người thợ như những câu này: “Chúng tôi đội quân đường ống/ Hành trang chỉ có cờ lê/ Quặng thông như là thông máu/ Vỡ đâu cờ lê đến ngay” (Đi trên đường ống). Bạn đọc nên tìm đọc những câu thơ khoẻ khoắn ấy, để hiểu và thêm yêu lao động. “Quặng” thì khô rắn sao lại “thông” trong đường ống? Thì ra khai thác quặng bằng sức nước, nên nói thế là rất “đúng nghề”. Dùng chữ “thông máu” rất đắt: quặng quý như máu, “quặng” chảy như máu thì “cơ thể” nhà máy mới khoẻ mạnh!
          Thơ anh đầy nỗi niềm, bao trăn trở, bao băn khoăn về người lao động trong những hoàn cảnh éo le. Nhà thơ nhập thân vào người giám đốc lo lắng đến “mất hồn”: “Phá sản nghĩa là nợ đìa/ Nghĩa là công nhân mất việc/ Nghĩa là không còn nhà xưởng…” (Nỗi niềm…phá sản). Nhà thơ lo lắng, phấp phỏng cùng người vợ có chồng là thợ đang còn kẹt trong lò: “Mẹ con em vẫn chờ/ Biết đâu anh may mắn/ Đêm nay em lo lắm/ Ca đêm…vẫn chưa về” (Mẹ con em vẫn chờ).
     Nỗi niềm là tâm trạng nhưng được gửi vào đấy nỗi đau nhân thế và những nghĩ suy trăn trở về phận người thì dễ trở thành triết lý: “Những người thợ xây giờ đây về đâu/ Xây tiếp những căn nhà chọc trời/ Tiệc khánh thành cũng tan rồi/ Không ai nhắc đến họ/ Những thợ xây tài nghệ/ Khắc nên vời vợi những công trình/ Những thợ xây tài nghệ/ Hết việc anh về đâu!” (Viết ở toà nhà Keangnam). Vượt ra khỏi câu chữ thơ là những chất vấn về đạo lý: cống hiến và hưởng thụ, tài năng và đãi ngộ, nhớ ơn và biết ơn…“Hết việc anh về đâu!” rất tình người, đậm tinh thần cảm thương nhân văn.
          Nhưng thơ anh cũng đậm một phẩm chất thi sỹ: “Sông đầy trăng, rừng cũng đầy trăng/ Anh đắm đuối trời non nước Bằng Giang/ Nước trôi ngược hay anh trôi ngược/ Sông nào cao bằng sông Cao Bằng” (Ánh trăng trên sông Bằng Giang). Không kể phép tu từ chơi chữ khá sắc sảo, ý thơ, tình thơ cho thấy người thơ yêu và có sự phát hiện, đồng cảm giữa con người và thiên nhiên Cao Bằng.
    Thơ Lê Tuấn Lộc là thơ của người thợ-thi sỹ, vừa thợ vừa thơ, có một chút tinh nghịch, hóm hỉnh, đáng yêu: “Dừng chân nghỉ tạm đường xa/ Chăng lều nổi lửa ta pha chè rừng/ Thả ba lô quặng trên lưng/ Chất thêm hương cỏ hương rừng mang theo” (Lục bát cỏ mùa xuân). Tứ thơ tươi tắn này đang là “của hiếm” của thơ Việt hôm nay!
Một bài thơ ngắn về câu chữ nhưng rộng dài về nghĩa có tên Viết ở toà nhà Keangnam của Lê Tuấn Lộc: “Những người thợ xây giờ đây về đâu/ Xây tiếp những căn nhà chọc trời/ Tiệc khánh thành cũng tan rồi/ Không ai nhắc đến họ/ Những thợ xây tài nghệ/ Khắc nên vời vợi những công trình/ Những thợ xây tài nghệ/ Hết việc anh về đâu!”. Tuy ngắn nhưng nêu lên được mối quan tâm của thời đại: kế sinh nhai, công ăn việc làm, thu nhập, an sinh xã hội, thói đời, quan hệ đạo lý “biết ơn kẻ cấy cày”…
          Điều rất đáng chú ý ở tập thơ là khuynh hướng kiến tạo con người văn hoá.
 Không phải là văn chương hôm nay từ chối lối viết xây dựng nhân vật điển hình mà chịu sự quy định của thời đại phải đối mặt với bao sự đổ vỡ, bao nỗi bất an từ thiên nhiên và cũng từ chính con người đã tạo ra nền ở văn học thế giới đương đại một khuynh hướng viết đi vào những chiều kích hẹp, những đơn diện, những khía cạnh tế vi của con người và đời sống. Cũng là sự phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật đi sâu vào thế giới vi mô, kiến tạo những đơn vị, tổ chức nhỏ bé nhất có thể. Với văn chương thì luôn là sự mở ra một cửa sổ để thấy cả một thế giới, có khi miêu tả một mảnh nhỏ đời người nhưng cho người đọc thấy bóng dáng một thời đại. Triết học văn hoá gọi đó là lối tạo mã (văn hoá) theo chiều sâu, mã nhỏ nhưng chuyên chở nhiều tầng nghĩa. Một chi tiết nhưng được bọc nhiều lớp mã, người đọc phải dày công bóc các lớp mã để đi tìm hạt nhân của nghĩa (trường hợp tác phẩm lớn thì nghĩa ở vô cùng).
          Viết ở toà nhà Keangnam thật sâu sắc triết lý, cũng thật day dứt tình đời, tình người: “Những người thợ xây giờ đây về đâu/ Xây tiếp những căn nhà chọc trời/ Tiệc khánh thành cũng tan rồi/ Không ai nhắc đến họ.../ Những thợ xây tài nghệ/ Hết việc anh về đâu!” (7/6/2012). Đọc lên ai cũng thấy những mối quan tâm của thời đại: kế sinh nhai, công ăn việc làm, thu nhập, an sinh xã hội, thói đời, quan hệ đạo lý “biết ơn kẻ cấy cày”…Nếu nhận được sự cộng hưởng của “thời tiết xã hội” thì bài thơ sẽ càng được tiếp nhận rộng rãi hơn.
     Bài Giao thừa sao chưa về qua hình tượng người quét rác đêm giao thừa cũng là một sự nhắc nhở con người “biết ơn kẻ cấy cày”. Bài Ôsin nhà tôi như một câu chuyện có nhân vật (bố, mẹ, vợ, con, tôi, ôsin), sự kiện (nhà nhiều việc phải thuê ô sin), tình huống (cuối năm ô sin về quê, việc nhà ùn lại) nhưng khép lại làm người đọc day dứt: “Bao giờ nó xuôi nhỉ/ Bao giờ, mẹ hỏi ai/ Ôsin là người ở/ Mẹ tôi lại thở dài”. Chỉ một chữ “xuôi” (động từ cũng là danh từ) cho biết cô bé đi ở người miền núi. Chỉ một tiếng thở dài của người mẹ mà trở thành tiếng thở dài của một thời hôm nay: những số phận còn nghèo, những cảnh đời còn khó khăn...Nhưng cái nhân văn sâu thẳm trong tiếng thờ dài ấy là tình người: sự quan tâm người với người. Sự biết ơn vơi con người, dù chỉ là một ôsin kiếm sống...
     Kiến tạo con người trong văn chương thực chất là kiến tạo con người văn hoá.  Dù trong môi trường nào thì người lao động cũng là con người văn hóa theo nghĩa đầy đủ nhất. Người công nhân/lao động trong thơ Việt nói chung, thơ Lê Tuấn Lộc nói riêng xứng đáng được nghiên cứu để khái quát đưa ra một mẫu người văn hóa cho hôm nay tham khảo, làm mẫu.
IV.Khuyến nghị của một người đọc.
   Từ trường hợp nhà thơ Lê Tuấn Lộc xin khái quát để có những khuyến nghị sau:
Một là, nên có kế hoạch đưa các nhà văn, nhà thơ thâm nhập thực tế lao động của công nhân càng nhiều càng tốt, càng sâu càng hay (như 60 năm trước). Điều này chắc phải có sự kết hợp đồng bộ giữa Hội Nhà văn và Tổng Liên đoàn Lao động.
      Hai là, nên mở nhiều trại viết tại vùng mỏ trọng điểm để các nhà văn trao đổi, học hỏi lẫn nhau và bạn đọc, nguyên mẫu trao đổi với tác giả. Khuyến khích và mời gọi những công nhân đang trực tiếp sản xuất viết về chính họ, về cuộc đời nơi họ đang sống. Nhận thức, tri thức của độc giả ngày một nâng cao cũng đồng nghĩa cái thật trong văn chương càng được coi trọng. Vấn đề này chắc nhờ nhiều vào các đơn vị chủ quản (như Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam…).
      Ba là, nên đầu tư chiều sâu có trọng điểm vào mảng đề tài quan trọng này. Nên có giải thưởng thường niên và giai đoạn (5 năm) do Tổng Liên đoàn Lao động phát động!
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)