BỐ
Hà Hoàng Kiệm (Sưu tầm)
Bố vốn chẳng nói nhiều như mẹ
Chẳng ríu rít lên mỗi buổi con về
Chẳng bao giờ nói nhớ con nhiều lắm
Chỉ cuối tuần nào cũng hỏi có về quê?
Bố ít khi mắng con sai này nọ
Toàn bênh con những khi mẹ bực mình
Khi con ốm bố chẳng cưng, chẳng nịnh
Nhưng suốt đêm dài bố ngồi đó lặng thinh.
Lần bố ốm dù rất đau rất mệt
Con nằm bên... trông bố... ngủ ngon lành
Bố chẳng đành nếu thấy con mất giấc
Nên một mình chịu đựng suốt năm canh.
Bố lạ lắm chỉ thích ăn thịt mỡ
Bao nạc, da, bố không thích, không ăn
Con sung sướng ăn hết phần bố gắp
Mà ngây thơ không hỏi lại một lần.
Bố là thế như siêu nhân, người máy
Làm cả đời, da cháy sạm, vai xương
Bố là bố người bằng da bằng thịt
Nhưng con sao thấy bố thật phi thường.
Nguồn: mạng xã hội
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN
“NHƯNG CON SAO THẤY BỐ THẬT PHI THƯỜNG”
Lời dạy của Phật có câu nói hay về cha mẹ nhiều người biết đó là: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha/ Vất vả bao năm nuôi con khôn lớn/ Đem cả tấm thân gầy che chở đời con”. Tiến sĩ Hà Hoàng Kiệm (sinh 1954 - Vĩnh Phúc) làm nghề y nhưng yêu thích thơ, nhất là những bài viết về người cha. Ông sưu tầm được chùm thơ hay về chủ đề này, trong đó có bài "Bố". Thi phẩm tái hiện chân dung người bố chân thật, bình dị và đáng kính vô cùng, qua đó người con nói lên lòng kính yêu và cảm phục bố khiến ai đã đọc cũng rưng rưng xúc động, càng thêm trân quý, cảm phục người giữ trách nhiệm trụ cột của gia đình.
Người bố ấy hiện lên qua bài thơ thật điềm đạm, trầm tĩnh, nói ít làm nhiều. Bố không bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài rõ rệt: "Bố vốn chẳng nói nhiều như mẹ/ Chẳng ríu rít lên mỗi buổi con về/ Chẳng bao giờ nói nhớ con nhiều lắm/ Chỉ cuối tuần nào cũng hỏi có về quê?" Bố cùng với mẹ là những người thầy đầu tiên dạy cho con biết điều hay, lẽ phải ở đời. Bố thấu hiểu, cảm thông với những sai lầm con lỡ mắc nên không nỡ mắng, có khi còn bênh vực khi con bị mẹ rầy la nhiều. Trong bài, cảm động nhất là lần người con bị ốm mệt: "Khi con ốm bố chẳng cưng, chẳng nịnh/ Nhưng suốt đêm dài bố ngồi đó lặng thinh". Dù không nói những lời dịu dàng, âu yếm nhưng bố đã thức suốt đêm, ngồi bên con, lo lắng dõi theo từng hơi thở và nhịp đập trái tim con, canh cho con được ngủ yên. Ngược lại, "Lần bố ốm dù rất đau rất mệt/ Con nằm bên... trông bố... ngủ ngon lành/ Bố chẳng đành nếu thấy con mất giấc/ Nên một mình chịu đựng suốt năm canh". Ngược lại khi con chăm sóc bố ốm, đang tuổi ăn tuổi lớn, con cứ vô tư ngủ ngon. Bố một mình chịu đựng, vật vã với cơn đau, không nỡ gọi sợ àm con thức giấc. Rõ ràng cùng một sự việc nhưng hai cách hành xử đối lập giữa bố và con cho thấy đức tính đáng quý và tình thương yêu con ở bố sâu nặng đến chừng nào. Lúc con ốm bố chăm lo, còn ngày thường bố quan tâm mọi mặt, nhường cho con từng miếng ăn, thấu hiểu cả sở thích khoái khẩu của con. Rất hồn nhiên, người con chỉ thấy "bố lạ lắm" những thức ăn ngon "không thích, không ăn" nên cứ "sung sướng ăn hết phần bố gắp" mà chẳng chút phân vân hay hỏi lại bao giờ. Khép lại bài thơ là lời khẳng định và nghệ thuật so sánh rất độc đáo đã nhấn mạnh tầm vóc lớn lao phi thường ở người cha: "Bố là thế như siêu nhân, người máy/ Làm cả đời, da cháy sạm, vai xương/ Bố là bố người bằng da bằng thịt/ Nhưng con sao thấy bố thật phi thường". Đây là lời đánh giá, ngợi ca cao nhất, thể hiện lòng yêu thương, kính phục đối với bố rõ nhất: bố chỉ là một người lao động bình dị nhưng cũng thật "phi thường". Bố gánh vác hết thảy những công việc nặng nhọc, nhẫn nại, hy sinh thầm lặng, giành về mình những vất vả lo toan để con và gia đình được bình an, hạnh phúc. Bờ vai bố luôn là điểm tựa cho cuộc đời con và cả gia đình. Dẫu người gầy lưng mỏi nhưng bố vẫn sẵn sàng đón nhận mọi giông tố cuộc đời để che chở, bảo vệ cho tổ ấm gia đình được bình yên, các con được lớn lên. Bố tuy không phải là người hoàn hảo nhưng bố đã yêu thương con theo cách hoàn hảo nhất.
Nếu không yêu thương, cảm phục và tri ân bố sâu nặng, không phải là người con hiếu nghĩa, tác giả bài thơ không thể viết được những vần thơ dung dị mà dễ lay động lòng người đến như vậy.
Người gửi / điện thoại