bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 33
Trong ngày: 592
Trong tuần: 1336
Lượt truy cập: 774240

TRẦN ĐĂNG KHOA GIỚI THIỆU

THÊM MỘT NGƯỜI LÀM THƠ LÀ THÊM MỘT SỰ LƯƠNG THIỆN 

                                     TRẦN ĐĂNG KHOA 

trn_ng_khoa_1

I Sự lương thiện ấy có tên là Nguyễn Sỹ Bình. Có lẽ trong bạn đọc của anh, cái tên Nguyễn Sỹ Bình không còn xa lạ nữa. Anh đã là tác giả của ba tập thơ khá dày: BỐN MÙA THƯƠNG NHỚ (2022), CÒN LẠI YÊU THƯƠNG (2023). Và năm nay, năm 2024, tập thơ mới nhất đang có trên tay các quý vị và các bạn: THƯƠNG CHI LẠ. Như thế, trong ba năm liền, vào đúng dịp sinh nhật của mình, anh lại có thơ tặng bạn bè, người thân. Đấy là một thú chơi tao nhã mà không phải ai cũng làm được. Vậy Nguyễn Sỹ Bình là ai? 

 


Đó là một người Hà Nội. Nguyễn Sỹ Bình sinh ngày 13 - 12 - 1963, tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Tuổi thơ anh trải qua trong chiến tranh. Những năm ấy, đặc biệt là từ năm 1968 đến năm 1972, giặc Mỹ ném bom miền Bắc cực kỳ tàn bạo. Chúng muốn đẩy Thủ đô của chúng ta về thời kỳ đồ đá. Hà Nội thành trọng điểm tàn phá của giặc. Đỉnh điểm là tháng 12 năm 1972, giặc Mỹ dùng B52 hủy diệt  Đông Anh, Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai và cả khu vực ngoại thành Mễ Trì. Nguyễn Sỹ Bình theo bà nội sơ tán về quê ngoại Bình Lục, Hà Nam. Chính cái vùng quê nghèo khó, lam lũ, nhưng đầy ắp tình người này đã in đậm trong tâm trí tuổi thơ của anh. Rồi cũng như nhiều thanh niên thời ấy, Nguyễn Sỹ Bình lên đường nhập ngũ. Cuộc sống gian khổ, hiểm nguy nhưng trong vắt cao đẹp của đời lính đã đưa anh đến với thơ ca. Anh làm thơ vì yêu thơ chứ không nghĩ rồi mình sẽ thành nhà thơ. Ngoài giờ huấn luyện, lao động, anh dành hết thời gian còn lại vùi đầu đọc sách. Anh lần lượt đọc hết những cuốn sách mà mình yêu thích, cả những cuốn sách có trong thư viện của Viện Quân y 48, Sư đoàn 470, Binh đoàn 12 Tây Nguyên cho đến ngày ra quân... Xuất ngũ về địa phương, đi làm thời bao cấp, nghèo khó, vất vả với đồng lương còi cọc, không đủ chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu, nhưng tháng nào anh cũng dành một phần tiền để mua tờ báo Văn nghệ của Hội Nhà văn, và cuốn Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hai tờ báo chí uy tín đã trở thành hành trang giúp anh có sức bền bỉ để đi vào cõi văn chương. Nhà thơ Phùng Quán có câu thơ đắng đót: Những lúc ngã lòng Tôi đã vịn câu thơ mà đứng dậy… Sức mạnh thần kỳ của thơ ca, không phải chỉ dành riêng cho Phùng Quán, mà còn nâng đỡ rất nhiều người. Trong đó có cả Nguyễn Sỹ Bình. Cuộc sống của anh cũng đã trải qua đủ cung bậc, với bao thăng trầm, cay đắng. Có những lúc đã tưởng rằng không gượng dậy nổi, nhưng rồi nhờ sự động  viên giúp đỡ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là thơ ca ở trong cõi tinh thần đã giúp anh vượt lên tất cả để trở lại với chính mình. Bây giờ, Nguyễn Sỹ Bình là Cử nhân Luật, Cử nhân Kinh tế, Đội trưởng Đội Quản lý Thị trường số 16, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội. Một công việc rất vất vả và phức tạp, chẳng có liên quan gì đến thi ca. Nhưng anh lại làm thơ, làm rất nhiều. Thơ không chỉ là thế tựa giúp anh vượt qua khó khăn, thơ còn tạo cho anh có những phút giây thăng hoa, thư giãn để tịnh hóa tâm hồn. Tôi đã nói ở đâu đó, và không phải chỉ nói một lần rằng, thêm một người làm thơ là thêm một sự lương thiện. Tôi không tin những nhà thơ, nhà văn đích thực lại làm điều ác. Sự ác độc bất nhẫn không thể có trong tâm hồn nhà thơ, nhà văn. Nếu ai cũng như nhà thơ, đến với nhau bằng lòng hòa ái, nói với nhau bằng ngôn ngữ yêu thương, thì trái đất sẽ không có chiến tranh, không có máu chảy, không có những kiếp người bị đọa đày. Không phải ngẫu nhiên, nhà văn vĩ đại Nga F. Dostoyevsky đã phải khẳng định: Chỉ có cái đẹp mới cứu được thế giới. 

II Nguyễn Sỹ Bình đã có lần thật thà tâm sự: “Tôi không định làm thơ đâu. Nhưng những vần thơ cứ theo cảm xúc mà ùa về… Và tôi viết. Khi viết, tôi cũng dồn hết tâm trí, tình cảm để viết. Viết với tất cả tình yêu, sự biết ơn; viết như một sự tri ân dẫu có muộn mằn với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.  Trong cuộc sống tôi đã dành phần lớn thời gian cho gia đình và công việc chuyên môn, song trong sâu thẳm tâm hồn tôi luôn có chỗ dành cho văn học, dành cho thi ca. Nhất là bây giờ khi tuổi nhiều thêm, nhiều trải nghiệm hơn tôi càng khao khát viết. Thơ tôi viết từ thẳm sâu tâm hồn, tôi luôn đặt mình vào vô vàn hoàn cảnh, số phận khác nhau để bày tỏ cảm xúc ở mọi cung bậc, từ thiên nhiên đến con người, cũng như tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa tự nhiên, mộc mạc. Càng viết tôi càng thấu hiểu: Văn là người, dù những bài thơ theo cảm xúc viết ra hay con chữ dẫn ta theo lối mới, cả những lúc mộng mị, thì bài thơ, câu thơ vẫn là khí chất của người viết. Tôi yêu từ bông hoa, từ con người, mảnh đất, từ thiên nhiên cây cỏ, từ quê hương tôi cho đến các vùng miền tôi đi qua trên đất nước này. Chính vì vậy tôi cứ viết, viết để giải toả những tích tụ trong mình, viết để cân bằng sinh thái tâm hồn, cuộc sống. Viết còn để bày tỏ lòng biết ơn với cha mẹ, gia đình và những người cùng tôi chia sẻ mọi ngọt bùi cay đắng ở trong cõi đời vất vả này”… 

III Thơ Nguyễn Sỹ Bình là vậy. Anh viết rất nhiều. Mỗi năm một tập. Bắt đầu từ năm 2022. Thơ anh chân thành, mộc mạc, tự nhiên và hồn nhiên như trẻ thơ. Anh không quan tâm đến cấu trúc, bố cục, hay xây dựng tứ thơ, hình tượng thơ. Anh không viết lục bát. Chủ yếu là thơ tự do có vần. Câu trước vần câu sau. Thi thoảng mới có vần cách. Anh không  ngại sự đơn điệu, nhạt tẻ. Nhiều lúc tôi có cảm giác hình như anh không làm thơ. Anh cứ hồn nhiên để lòng mình tràn ra trang giấy. Bài thơ hết thì tự nó kết thúc chứ anh cũng không cố tình can thiệp. Ta gặp trong thơ anh rất nhiều tình huống. Nhiều cảnh sắc. Nhiều con người. Từ vị tư lệnh ngành, cố nhân, cho đến những con người bình dị. Rồi làng quê. Góc phố. Cho đến những vùng đảo xa, như Trường Sa, Sinh Tồn Đông, Song Tử Tây, Gạc Ma, Nhà Giàn. Và thơ tình… Mời quý vị và bạn đọc hãy cùng tôi khảo sát một bài cụ thể. Tôi cứ làm gã thày bói nhà quê đi xóc quẻ. Đây rồi. Một bài thơ tình:

                                             EM NHƯ LỬA ẤM

                                     Rét ngọt như mía nướng 

                                     Thẩm thấu tận đáy lòng 

                                     Gió như là tủ lạnh 

                                     Vừa mở cánh cửa xong 

                                      Nhìn qua ô cửa sổ 

                                      Giàn hoa giấy bên hồ 

                                     Mặt nước lăn tăn gợn 

                                     Như được họa sỹ tô 

                                     Cái rét như lười biếng 

                                     Cản bước chân ra đường 

                                      Công việc tạm gác lại 

                                     Ôm gối nhớ người thương 

                                       Chợt một dòng tin nhắn 

                                      Em đang đến với anh 

                                      Vung chăn anh đứng dậy 

                                     Dù áo mặc phong phanh 

                                     Giữa trời đông buốt giá 

                                      Một dòng tin tốt lành 

                                       Em như ngọn lửa ấm 

                                      Sưởi tâm hồn mong manh… 

Đây là một bài thơ tiêu biểu cho cách viết của Nguyễn Sỹ Bình. Thơ anh như con người anh: Thật thà. Chân thực. Không cầu kỳ, mới mẻ, nhưng chân tình, đầm ấm. Chính sự thật thà đầm ấm làm cho người ta thương. Thương rồi yêu. Có phải thế không?... 

                                                       Hà Nội, 12-2024 TĐK

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)