BẢO TÀNG NHỮNG TRÁI TIM NHƯ NGỌC SÁNG NGỜI
Tập truyện kí Người lang thang không cô đơn của Minh Chuyên, nhà xuất bản Văn Học, 2016
Vũ Nho
Nhà văn Minh Chuyên là người có bảo tàng tác phẩm văn học hậu chiến tranh rất nổi tiếng ở Vũ Thư, Thái Bình. Ông đã viết và in 39 tác phẩm văn chương về chiến tranh và hậu quả chiến tranh, đồng thời viết kịch bản và thực hiện 255 tập phim tài liệu về đề tài chiến tranh. Có thể nói riêng tập truyện kí Người lang thang không cô đơn của Minh Chuyên, được in tới 4 lần cũng là một Bảo tàng quý giá về những con người bình dị mà vĩ đại, “những trái tim như ngọc sáng ngời” ( Tố Hữu) của những người lính, những người mẹ, người cha, người vợ, người con, người dân bình thường của đất nước trong hai cuộc chiến tranh.
Tác phẩm “ Người lang thang không cô đơn” đã đạt kỉ lục giải thưởng cao nhất của các tổ chức danh tiếng như: Giải A, Báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam; Giải A, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Giải A của Bộ quốc phòng; Giải A của Bộ Lao Động thương binh xã hội và Hội nhà Văn Việt Nam; Giải A Giải thưởng Lê Quý Đôn của UBND tỉnh Thái Bình. Khi chuyển thành kịch bản, có 7 đoàn nghệ thuật đã dựng vở diễn và đã đoạt 9 huy chương vàng, bạc. Năm 1993, Chính phủ thành lập quỹ mang tên tác phẩm “Quỹ người không cô đơn”, sau đổi thành quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Quỹ đã được bạn đọc và nhân dân cả nước ủng hộ hàng trăm tỉ đồng và vẫn hoạt động đến bây giờ.
Rất nhiều người đọc đã không cầm được nước mắt khi đọc về số phận người lính, người thương binh Nguyễn Đình Thúc, sau bao nhiêu biến cố bị thương, bị bắt, mất trí nhớ, lưu lạc lang thang cuối cùng đã tìm về được quê hương. Rồi cuối cùng tình thương của mọi người đã giúp anh dần khỏi bệnh tật, dần hồi phục trí nhớ, rồi xây dựng tổ ấm gia đình, trở thành một người bình thường. Có thể nói rằng kết thúc của câu chuyện người chiến binh Nguyễn Đình Thúc là một kết thúc có hậu, vô cùng có hậu. Đó là một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Trong truyện Người lang thang không cô đơn, Nguyễn Đình Thúc là một chiến binh có trái tim như ngọc, một chiến sĩ bị địch bắt, tù đầy đã lấy một cái tên khác, một quê quán khác và kiên quyết không khai báo. Mất trí nhớ, lang thang, nhưng vẫn hiền lành, chăm chỉ giúp đỡ người xung quanh, nên được mọi người yêu thương, đùm bọc.
Những tấm lòng vàng, những con người có trái tim như ngọc ấy là vợ chồng ông bà Châu và con gái là y sĩ Dung đã đón Thúc về nhà chăm sóc, thuốc men, lại gửi thư đi khắp nơi để tìm người thân và gia đình cho anh. Mọi người coi gia đình ông bà Lê Minh Châu đã làm việc “ đại nhân, đại nghĩa”.
Bố Thúc và cô Phạm Thị Học, người yêu của Thúc đã lặn lội đón anh về. Dù anh không nhận ra người thân. Nhưng người mẹ đã có suy nghĩ rất nhân văn đầy tình mẫu tử : “Mà giả sử không phải thằng Thúc, thì cứ coi như con mình. Ông bà Châu, người dưng nước lã người ta còn cưu mang bao nhiêu năm trời!” ( tr.13). Vấn đề là hoàn cảnh bố mẹ Thúc rất khó khăn, như ông tộc trưởng phân tích : “ Ông bà tưởng nuôi chú ấy dễ đấy hả. Người ta tàn tật, bệnh hoạn như thế, lấy gì mà thuốc thang. Chế độ chính sách không có, hai cái thân già làm sao cáng đáng được!” ( Tr. 13). Thế nhưng gia đình đã quyết giữ anh lại. Và người mẹ khi cho anh xem hai bức ảnh cũ, trong giây phút khi Thúc tỉnh táo, anh đã nhận được Phô, và nhận ra Học, người yêu. Giây phút ấy đã làm người mẹ khóc òa, chấm dứt tất cả mọi sự nửa tin nửa ngờ. Và người đọc cũng khó cầm được nước mắt vì thương cảm lẫn vui mừng.
Chị Liên, người phụ nữ có chồng là Đô mất tích, khi được mời đến xem ảnh Nguyễn Đình Thúc đã nói với mẹ chồng : “Nếu đúng là anh ấy, dù anh ấy có tàn phế, con có phải hầu hạ suốt đời cũng là hạnh phúc lắm, mẹ ạ” ( tr.30). Đó chẳng phải là người phụ nữ có trái tim như ngọc hay sao?
Và người nữ bí thư đảng ủy xã Phạm Thị Học, “người yêu của liệt sĩ” đã linh cảm, đã đón anh, đã trăn trở gây dựng cho người yêu với cô bạn gái thân là Nguyễn Thị Mận chẳng phải là người có tấm lòng vàng, có trái tim như ngọc hay sao?
Những truyện kí khác đều là những câu chuyện cảm động về sự hi sinh của người chiến sĩ quân đội nhân dân anh hùng trong chiến tranh. Chiến sĩ Bùi Văn Kệch thì lưu lạc nửa thế kỉ trên đất nước mình ở tỉnh Bình Định ( Nửa thế kỉ lưu lạc). Chiến sĩ Lò Văn Cân thì cũng sau 43 năm lưu lạc trên đất Lào mới tìm về được quê quán ( Trở về đất mẹ). Các anh đều có điểm chung với Nguyễn Đình Thúc là do bị thương nặng, mất trí nhớ nên không thể tìm về được quê hương.
Người chiến sĩ hoạt động tình báo như bà Nguyễn Thị Kền, hi sinh oanh liệt thì gặp “ Nỗi oan trần thế” cũng gần nửa thế kỉ mới được tẩy oan ( Nỗi Oan trần thế). Rồi ông Vũ Ngọc Nhạ, một cán bộ thị đội Thái Bình chui sâu, leo cao trong hàng ngũ địch, hoạt động hết sức nguy hiểm. Chỉ đến khi thắng lợi hoàn toàn thì người dân quê hương mới hiểu cho ông và gia đình ông ( Câu chuyện trong phủ Tổng thống Sài Gòn). Ngay cả khi được phong Thiếu tướng, ông vẫn dằn vặt vì “một số người vẫn nghi hoặc, bảo ông ăn ở hai lòng” ( tr. 350).
Những chiến sĩ làm người đọc vô cùng cảm động trong câu chuyện “ Ba người ở lại Trường Sơn”. Người thứ nhất là một người lính vô danh, bị thương được dân bản Keo Mun cứu, rồi anh lại hi sinh khi cứu dân bản trong cơn giông. Anh chỉ có tên là “chú bộ đội”. Người thứ hai là một chiến sĩ chết trên võng mà Dũng và Trang tìm thấy khi hai người đi tìm Thắng. Cuốn sổ ghi chép của người lính đã nhòe mờ hết, nên anh chỉ là một người lính vô danh. Người thứ ba là một chú bộ đội bị thương nặng, được bầy vượn cứu và đi theo bầy vượn. Người chiến sĩ ấy chính là Thắng mà Dũng cùng đơn vị đã tìm thấy dòng chữ khắc trên gốc sấu xác định Thắng “mất tích tại gốc cây này ngày 25-11-1972”. Với sự dày công tìm kiếm của Đỗ Hòa, Dũng, Trang và già bản, cả với mẹ Thắng với lời hát ru để Thắng tĩnh tâm, cuối cùng mọi người đã tách Thắng khỏi bầy vượn, đưa về làng kinh tế mới của mẹ và của người yêu.
Không thể không nhắc đến tấm lòng một người phụ nữ với chồng và với các liệt sĩ đồng đội của chồng là chị Hạnh Dung ( Hành trình đi tìm những linh hồn). Chỉ sống với chồng là liệt sĩ Trần Quang một tuần trăng, nhưng khi anh hy sinh, Hạnh Dung kiên trì tìm hài cốt của anh và những người đồng đội anh. Chị đã tìm được 135 hài cốt các chiến sĩ. Trong chuyện tìm hài cốt, có câu chuyện cảm động về sự hiểu lầm giữa Phạm Tường và Hoàng Thao, câu chuyện li kì về Trần Quang bị thương nặng, bị mối xông, khi Phạm Tường tìm thấy, tách ổ mối, “chừng hơn mười phút sau, trái tim Quang ngừng hẳn” ( tr. 280).
Ba người chiến sĩ khác cũng rất đáng cho mọi người ngưỡng mộ. Đó là anh bộ đội Hoàng Cầm phát minh ra “bếp Hoàng Cầm” ( Chuyện ông Hoàng Cầm). Đó là người mẹ huyền thoại Trần Quang Mẫn giả trai đi đánh giặc ( Người mẹ huyền thoại). Đó là Nguyễn Đình Chính mà kì tích từng làm rúng động Sài Gòn những năm 1945 -1949 ( Lá huyết thư).
Hai người chiến sĩ khác cũng làm người đọc cảm phục. Một người hi sinh trước mũi súng của một lính Mĩ ( Linh hồn Việt Cộng). Một người băng bó cho người lính Mĩ bị thương ( Hai người lính ở hai phía đối mặt). Hành động của các anh đã làm cho những người lính của phía bên kia cảm phục, Họ đã giữ những chiếc ba lô của hai người và tìm về tận quê hương để trao trả.
Kết thúc cuộc chiến tranh, những người sống đã trở về, những người chết đã được báo tử. Nhưng vẫn còn những người mất tích. Những người về thì thương tật, hoặc nguyên lành nhưng lại nhiễm chất độc da cam. Và vết thương chiến tranh, nỗi đau chiến tranh vẫn tiếp tục âm ỉ. Câu chuyện đau xót về 3 thế hệ nhiễm chất độc da cam của người lính Trần Văn Ngô ( Cha con người lính) làm bao người xót thương. Những đứa con dị dạng, những đứa cháu tâm thần, ngẩn ngơ. Và người lính cũng bị tâm thần, bị lòa cả hai mắt. Người đọc xót thương, kính phục người cựu chiến binh vì “ Cha con ông, cha con người lính trong ông đang phải nén chịu nỗi bất hạnh đến tận cùng, nén nỗi đau của một nhà, để cho muôn nhà được sống trong hòa bình, yên vui” ( tr.107).
Câu chuyện các chị em sau khi chiến tranh kết thúc, vì nhiễm chất độc da cam, không muốn xây dựng gia đình để rồi sinh ra những đứa trẻ tật nguyền như ông Trần Văn Ngô, vì là thương binh nặng đã quy y cửa Phật cũng thật xúc động ( Vào chùa gặp lại). 29, sư thầy, sư bác từng là những người giàu thành tích chiến đấu, bị thương, bị nhiễm chất độc da cam. Sư bác Trương Thị Minh nuôi dưỡng chín trẻ mồ côi và một cụ già ăn xin hơn 80 tuổi. Người gây ấn tượng mạnh nhất là sư thầy Đàm Thân tục danh là Lương Thị Thân. Sư thầy là người quen của tác giả nơi chiến trường. Cô đã thoát chết nhờ 2 chiến sĩ cùng đơn vị khiêng đi cấp cứu và hiến máu, nhưng hai chiến sĩ cũng đã hi sinh vì trúng pháo bầy của địch khi quay về. Giờ tu hành, sư nhận nuôi 5 đứa trẻ tàn tật, con cháu của đồng đội bị nhiễm chất độc da cam đã qua đời. Và rồi người yêu của Đàm Thân là Hồng Quân sống sót trở về, cứ ngỡ Thân đã hy sinh. Trong lúc tình yêu cũ bỏng cháy trỗi dậy, Quân đã nài nỉ Thân hoàn tục. Rồi sau chính Quân cũng đi tu để chung thủy với mối tình của mình, nhưng cái chính là không muốn gây khổ đau cho những người thân yêu vì anh cũng nhiễm chất độc da cam.
Câu chuyện “ Thủ tục làm người còn sống” của liệt sĩ Trần Quyết Định lại cho người đọc thấy sự “kiên nại” của một người lính thoát chết trở về từ sự nhầm lẫn của đơn vị. Anh đã kiên trì đi tìm đơn vị, tìm người xác minh là “đã hoàn thành nhiệm vụ”, chỉ mong được chứng nhận là một người bình thường. Ròng rã 19 năm trời đi đủ các “cửa” mới hoàn thành “thủ tục chuyển đổi”. Chi tiết này cho thấy sự thận trọng của những người làm chính sách, nhưng cũng cho thấy sự quan liêu, cứng nhắc, bất cận nhân tình của các cơ quan có thẩm quyền.
Tất cả những người mà bạn đọc gặp trong sách, từ người chiến sĩ, người thanh niên xung phong, người cán bộ, người vợ, người mẹ, người con, người cháu, đến những người dân bình thường ở thành phố hay nông thôn, nơi cưu mang các chiến sĩ,…đều có tấm lòng vàng, đều có trái tim yêu nước, yêu đồng chí, yêu đồng bào thật đáng ngưỡng mộ. Đúng là giở mỗi trang sách, đọc mỗi câu chuyện đều gặp những con người thực, nhưng là những tấm gương sáng, “những trái tim như ngọc sáng ngời”.
Cũng cần phải nói đôi lời về tác giả, nhà văn mặc áo lính Minh Chuyên. Anh đã tập trung bút lực, công sức để theo dõi và viết lại cho bạn đọc những câu chuyện vô cùng xúc động. Không tính những chuyến ra Bắc, vào Nam, đến miền Trung, đến hiện trường, gặp gỡ các nhân chứng, Minh Chuyên còn trực tiếp tham gia vào các sự kiện và các biến cố như một nhân chứng sống. Chỉ riêng gần 20 năm cùng với Trần Quyết Định lặn lội làm thủ tục, có lần bị mất sạch tiền nong, phải “nhẫn nhục hành khất để lấy tiền mua vé” ( tr.65) cũng cho thấy tấm lòng của Minh Chuyên với đồng đội của mình.
Những con người đáng tự hào, khâm phục, lại được thuật và kể lại bởi một nhà văn có tài, có tâm, có tầm làm cho tập sách có sức cuốn hút mạnh mẽ.
Tác phẩm “ Người lang thang không cô đơn” đã được in đến lần thứ tư. Thiết nghĩ rằng cần phải in lại nhiều lần nữa để những thế hệ người Việt có thể tiếp cận và tự hào về “ Bảo tàng NHỮNG TRÁI TIM NHƯ NGỌC SÁNG NGỜI”!
Hà Nội, tháng 10 năm 2019