I. Dẫn nhập
I.1. Thời gian là một đại lượng khách quan dùng để xác định hiệu quả các hoạt động sống của con người. Chỉ từ khi loài người xuất hiện trên trái đất, khái niệm/ phạm trù thời gian mới ra đời.
Nhưng đối với quá trình sáng tạo văn chương - nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng, thời gian là một đại lượng mang đầy tính chất chủ quan và rất khó xác định. Nó vừa cụ thể, sáng tỏ, đến từng giây, từng phút, hoàn toàn có thể cân đo đong đếm được, lại vừa vô cùng, vô tận, vô thủy, vô chung, không có khởi đầu cũng không có kết thúc, rất mơ hồ, hỗn độn, thậm chí lộn tùng phèo, khiến nhiều khi người ta chỉ có thể nắm bắt được nó bằng cảm thức, nên đã gây không ít khó khăn làm ách tắc quá trình tiếp nhận văn bản thơ đối với người đọc. Tuy nhiên, ai cảm thức được thời gian chắc chắn sẽ có trong tay một thứ vũ khí lợi hại trong quá trình sáng tạo cũng như tiếp nhận văn bản thơ.
Cảm thức được thời gian thực/ vật chất trong các hoạt động sống hàng ngày đã là một việc khó, thậm chí là rất khó đối với không ít người. Cảm thức được thời gian không có thực/ ảo trong quá trình vận động của tâm lý sáng tạo còn muôn vàn lần khó, nhiều khi tưởng như không thể. Với hầu hết chúng ta, có lẽ ông Trời chỉ phú cho một số ít người nào đấy khả dĩ có thể cảm thức được một cách tương đối thời gian tâm lý sáng tạo, để họ đem đến cho đời một trong những báu vật mà chúng ta quen gọi là thơ.
Theo tôi, thời gian trong thi ca nói riêng và trong nghệ thuật nói chung thường tồn tại dưới hai dạng thức khác nhau.
Thứ nhất, đấy là thời gian thực, hay còn được gọi là thời gian vật chất được biểu hiện bằng các các thước đo thông qua các giác quan bình thường của con người. Chẳng hạn như giây, phút, giờ, sáng, trưa, chiều, tối, đêm, ngày, tháng năm, thập kỷ, thế kỷ, thiên kỷ, mùa vụ...
Thứ hai, đấy là thời gian không có thực/ ảo, còn được gọi là thời gian tâm lý sáng tạo rất khó xác định, nên không thể dùng giác quan bình thường của con người để đo đếm. Thời gian tâm lý sáng tạo chỉ có thể cảm thức được bằng sự đồng điệu của quá trình vận động tâm lý sáng tạo bên trong của chủ thể thẩm mỹ với các mối liên hệ chằng chịt, chồng chéo và hết sức mơ hồ của khách thể thẩm mỹ. Chẳng hạn như: ký ức, cõi đời, kiếp người, thiên thu,...
Phải chăng Dương Kiều Minh là một trong số ít những người được ông Trời ban cho bảo bối cảm thức thời gian để tạo nên những mặc khải thi ca linh diệu (!?)
I.2. Dương Kiều Minh nguyên là một công nhân kỹ thuật thuộc Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà, khoảng từ cuối những năm 70 đến hết những năm 80 của thế kỷ trước và thuộc thế hệ nhà thơ hậu đánh Mỹ. Bởi lẽ, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước kết thúc (1975) ông mới 15 tuổi. Ông không phải là người trực tiếp tham gia cuộc chiến, lại được sinh ra ở Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội), một vùng quê khá yên bình, xa với đạn bom của chiến tranh, thuộc vùng phi chiến địa, nên những dấu ấn về chiến tranh trong ông không nhiều và rất nhạt nhòa. Nếu có một chút hương vị nào đấy của chiến tranh, đối với ông chỉ được cảm nhận một cách gián tiếp qua lời kể của người khác hoặc qua sách vở.
Vì thế, so với các nhà thơ thuộc thế hệ chống Pháp và chống Mỹ, thơ Dương Kiều Minh khá mới ở cả hai phương diện: cảm quan thế giới, cuộc đời và con người và thể hiện bằng giọng điệu, ngôn từ, vần nhịp,... khá mới mẻ. Cùng thế hệ với Dương Kiều Minh còn có các nhà thơ như Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Mai Văn Phấn, Ngô Tự Lập,... Hầu hết trong số họ đều được đánh giá là những nhà thơ có xu hướng cách tân và là những người đại diện cho dòng Thơ cách tân thời kỳ hậu đánh Mỹ.
Điều này được lý giải từ hai khía cạnh:
Về khách quan, thế hệ Dương Kiều Minh là những nhà thơ ngoài cuộc chiến, nên thời thế, hoàn cảnh khách quan cũng như cuộc sống thường nhật những năm tháng chiến tranh không còn là áp lực trực tiếp quá lớn đến đời sống cũng như tâm lý như các nhà thơ sâu rễ bền gốc trong các cuộc chiến chống quân xâm lược trước đây.
Khi cuộc chiến dần mãi lùi xa vào quá vãng, thay vào đấy là cuộc sống thời hậu chiến với những lo toan thường nhật, cùng những mối liên hệ vô cùng phức tạp, xoắn quyện vào nhau, khiến họ không dễ gì có thể lý giải một cách sáng tỏ được ngay tức thì. Nhưng biết đâu, sự bối rối, cuống cuồng kiểu như gà mắc tóc ấy, về khía cạnh tâm cảm lại là mảnh đất phù sa mầu mỡ cho thi ca hậu đánh Mỹ đâm chồi nẩy lộc và phát triển theo một chiều hướng khác (!?).
Về chủ quan, những nhà thơ thuộc thế hệ hậu đánh Mỹ không bao giờ có thể nhập cuộc lại được những năm tháng chiến tranh đã từng xảy ra trước đó đối với các thế hệ cha ông, nên buộc lòng họ phải đi tìm tiếng nói riêng cho thế hệ mình và cũng là để khẳng định chính cái tôi của mỗi người, nếu họ không muốn làm một cái bóng nhạt nhòa như một bản photocopy thiếu mực, lẽo đẽo theo sau thế hệ trước trên diễn đàn thi ca Việt thời hậu chiến.
Đối với các nhà thơ bước ra từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đổi mới là một cơn vật lộn hóa sinh đầy gian nan và cực nhọc, là sự nỗ lực cá nhân phi thường của chủ thể sáng tạo, vì họ sinh ra và lớn lên được trẫm mình một cách bền vững trong tâm thế đối kháng giữa ta và địch, thì các nhà thơ thế hệ hậu chiến, những người được coi là ngoài cuộc ấy, đổi mới là nhu cầu đến từ cả hai phía chủ quan và khách quan. Họ không thể ca mãi bản anh hùng ca chiến trận với âm hưởng chủ đạo ta thắng, địch thua như các thế hệ cha anh họ đã từng làm rất thành công trong các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc ta trước đây. Thay vào đấy, lịch sử cần các người thơ thời hậu chiến nói lên một cách thẳng thắn, chân thực nhất những vấn đề mà xã hội thời hậu chiến quan tâm, những tâm tư, nguyện vọng cá nhân của con người đang sống và dựng xây đất nước hôm nay. Do vậy, đổi mới thơ trở thành lẽ đương nhiên, khó có thể cưỡng lại được với hầu hết các nhà thơ hậu chiến. Vấn đề là đổi mới cái gì và đổi mới như thế nào để thơ vẫn mãi là món ăn tinh thần thường trực của công chúng dân tộc Việt, góp phần bồi đắp cho tâm hồn người Việt ngày càng trong sáng và thánh thiện hơn lại là một câu chuyện dài, khiến không ít người nhầm tưởng.
( CÒN NỮA)