Em đàn bà “tứ đức tam tòng công dung ngôn hạnh”
Heo hắt đêm dài
Gió thổi mùa trống trơn tình nghĩa
Và một ngày cận kề sống chết
Anh mới nhận ra bảy cộng bảy bằng mười bốn thì đã muộn rồi.
Nguyễn Minh Hiền
LỜI BÌNH CỦA MAI THỊ CHUNG
Tôi đọc và nghe thơ Minh Hiền đã nhiều năm. Thú thực ban đầu tôi không thích. Nó trúc trắc, gồ ghề như ngồi trên xe ngựa vượt quãng đường gập ghềnh đầy ổ gà, đá sỏi. Tôi quen với thể thơ truyền thống ngọt ngào, mượt mà vần điệu dễ nhớ, dễ thuộc. Nhưng khi nghe nhiều, nghe lâu có thời gian thẩm thấu, mới hiểu tại sao chị chọn phong cách này, một lối đi riêng, rất điển hình, rất cá tính.
Trong bài thơ “Phép cộng đúng sai”
"Mấy chục năm mình "Trói nhau " trong bản hôn thú thâm niên." Mở đầu bài thơ như là một câu hỏi tự vấn, hỏi để khẳng định, hỏi để tự trả lời . Có phải "trói nhau" chỉ vì tờ hôn thú thâm niên? Hay vì lẽ gì? Vì hai người yêu nhau , muốn sống cùng nhau, muốn xây tổ ấm?
" Người ra đề: bảy cộng bảy em trả lời là mười bốn
Còn anh mười lăm. Anh đúng
Quân lệnh khư khư anh giữ kết quả mười lăm
Thật vô lý, vợ ngớ ra ngạc nhiên rồi cũng phải công nhận anh nói là đúng. Chỉ một câu như thoại, như kể , tường thuật thôi, thủng thẳng, chậm rãi, nhưng vẫn là một câu hỏi hư chương, tự vấn, ẩn chứa hàm ý thật nhiều... Nó toát lên một mối quan hệ vợ chồng còn mang nặng tư tưởng phong kiến kiểu "chồng chúa vợ là tôi". Không có chút bình đẳng nào. Chồng bảo sao nghe vậy. Chồng bảo đúng là đúng, chồng bảo sai là sai . Chồng nói là " quân lệnh" rồi. Nếu như phản ứng rất dễ bị đánh đập, bị bạo lực. Mối quan hệ vợ chồng kiểu gia trưởng này chúng ta gặp nhiều ngay cả trong xã hội hiện đại văn minh.
Ý anh là "quân lệnh" quân lệnh như sơn, chị chỉ là "quân" là người vợ thì phải phục tùng, răm rắp nghe theo sự sắp đặt. Nhưng kiểu cam chịu này không phải vì sợ. Mà là nhịn đi khi "nước sôi lửa bỏng", cho người chồng đừng bùng lên, điên cuồng hơn trong cơn tức giận. Chồng thấy mình bị hạ thấp không còn uy quyền trước vợ con, sẽ đập phá, sẽ làm tổn thương, làm gia đình tan nát. Chị cam chịu nhận mình sai, chính là chị đang là người giữ lửa ấm căn nhà . Dân gian có câu "chồng giận thì vợ phải lui, cơm sôi nhỏ lửa chẳng rơi hạt nào" Câu thơ còn có nghĩa như vậy. Người vợ này rất khéo léo, tỉnh táo, nhân hậu vị tha. Chị mới nhường nhịn, mới cam chịu nhẫn nại vậy. Để cho êm cửa ấm nhà, chứ đâu phải đơn thuần là đầy tớ con ở, là không biết gì, là đần, là ngu, tự ti, yếm thế.
Bản thân chị là nhà khoa học, nghiên cứu tìm ra siêu vi trùng, tác nhân gây bệnh dịch để giúp bác sĩ chữa bệnh cứu người. Thế mà căn bệnh của chồng tìm mãi không ra.
Chẳng cớ gì thế giới lại có ngày tôn vinh phụ nữ. Phụ nữ là hoa của đất trời ban tặng cho trần gian, Họ không chỉ đẹp về hình thức mà còn có vẻ đẹp tâm hồn. Đọc bài thơ thơ tôi hiểu tới tâm hồn người làm vợ. Họ là người giữ lửa, sưởi ấm căn nhà. Giữ gìn hạnh phúc. Họ luôn có tấm lòng độ lượng, bao dung, vị tha. Chồng là giỏ vợ là hom. chồng là trụ cột vợ phải là tấm lá lợp che chắn, bao bọc, ủ ấm. Thế chị mới cam chịu, nhịn đi. Công nhận cái sai của chồng là đúng, để gia đình trọn vẹn, để những đứa con có tròn hơi ấm.
Cái gì cũng có giá của nó, chẳng phải dễ dàng đạt được. Ngoài xã hội hay trong gia đình cũng vậy. Nhiều khi cần phải có sự nhường nhịn, hy sinh. Hy sinh đó không phải là mù quáng mà là sự đánh đổi. Mất cái này để được cái kia, cho thành quả lớn hơn, có ích hơn, giá trị hơn.
Chị vẫn giữ được ngôi nhà của mình cho những đứa con. Chắc hẳn họ đã có giai đoạn được yêu thương, hạnh phúc. Một bài học có ý nghĩa nhân sinh, cách đối nhân xử thế trước mọi vấn đề. Ai cũng tự soi mình vào đó mà nhìn nhận ra mình. Đừng vì cái "tôi" to quá. Cái đúng, cái sai, cái được, cái mất khó thể nhận ra ngay một sớm, một chiều, mà có khi phải trả giá bằng cả một sự mất mát, đau đớn. Nào là thời gian công sức. Nào là vật chất, tinh thần, thậm chí còn bằng cả tính mạng.
"Một ngày gần chết anh mới nhận ra bảy cộng bảy là mười bốn thì đã muộn rồi."
Câu chốt bài thơ là thế.
Đến đây tôi càng hiểu thêm cách diễn đạt phong phú trong thơ ca. Để chuyển tải một thông điệp, một nội dung, mục đích ý tưởng, người ta có rất nhiều cách biểu hiện, lựa chọn. Chỉ riêng thơ thôi đã nhiều lắm. Có thể là êm dịu ngọt ngào, cũng có thể là gập ghềnh sỏi đá. Ta chẳng cần phải ép buộc khuôn mẫu như thơ Đường luật hay lục bát… gò ép quá nó lại tức nước vỡ bờ. Định hướng mục đích ý tưởng, nội dung này nhưng do không chọn đúng phong cách sẽ hạn chế khả năng chuyển tải mà lạc đề không đúng ý.
Ngoài cuộc sống đời thường cũng vậy. Con đường ta đi cũng lắm sắc màu. Cũng thác ghềnh sỏi đá. Chỗ cua, chỗ gấp. Khúc quặt, khúc cong. Đoạn thì lội suối dò sông, đoạn thì vượt núi băng rừng. Cuộc sống gia đình cũng vậy thôi, đâu phải lúc nào cũng ngọt ngào êm ấm ... Vì vậy muốn di chuyển, muốn giải quyết vấn đề cho hiệu quả nhất, phải lựa chọn phương tiện gì cho phù hợp nhất. Phong cách thơ của Nguyễn Minh Hiền là vậy. Chị lựa chọn cách viết tự do, như kiểu thơ văn xuôi, ít vần điệu để thể hiện nội dung ý tưởng. Người đọc phải chậm rãi mà thẩm thấu thì mới thấm được.
Lựa chọn phong cách biểu đạt rất quan trọng, làm sao chuyển tải được nội dung, mục đích . Khi diễn đạt bằng thơ, có nghĩa là nó đã được nâng tầm cảm xúc. Cái hay là người viết, biết cách gieo vấn đề cuốn hút bạn đọc. Suy và cảm theo mình. Gồ ghề đấy nhưng thơ đấy.
Tuy vậy tính nghệ thuật trong bài thơ chưa cao, dềnh dàng quá, thiếu liên kết vần điệu. Hình thức cần phải được chắt lọc hơn, gọn gàng, cô đọng hơn. Có chất thơ hơn. Bài thơ càng có giá trị biểu đạt cao hơn. Sẽ ấn tượng hơn, lắng đọng hơn, trong lòng độc giả.
Người đọc không chỉ cảm nhận nó bằng cái đầu mà bằng cả trái tim.
Mai Thị Chung