Nguyễn Hiền Lương
TIỂU THUYẾT “CÁNH CUNG ĐỎ” CỦA HÀ LÂM KỲ
Tiểu thuyết Cánh cung đỏ của nhà văn Hà Lâm Kỳ đã được Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam- Hội VHNT các DTTSVN, in trong Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị VHNT các DTTS VN, do NXB Hội NV, xuất bản tháng 12 năm 2018, dài 632 trang in khổ 14,5 x 20,5, gồm 2 phần: phần Cách mạng: 381 trang, phần Kháng chiến: 241 trang.
Tác phẩm "Cánh cung đỏ" cũng được NXB QĐND xuất bản năm 2019, phần Cách mạng chia làm 2 quyển, quyển 1: 202 trang, quyển 2: 150 trang , quyển 3 là toàn bộ phần kháng chiến: 223 trang.
Bối cảnh: Cách mạng và kháng chiến trong giai đoạn 1942 đến 1952 khu vực tỉnh Yên Bái.
Bố cục: Tiểu thuyết chia làm 2 phần, tương ứng với 2 giai đoạn lịch sử: Cánh mạng tháng Tám và Kháng chiến chống Pháp. Mỗi phần được chia thành các mục, tổng số có 17 mục (phần Cách mạng có 9 mục, phần Kháng chiến có 8 mục, mỗi mục tương đương với chương), ngoài ra còn có mục "Thay cho lời kết" và "Chương không số". Mỗi mục có một hay vài sự kiện được kết cấu theo trục thời gian tuyến tính, sự kiện trước nảy sinh ra sự kiện sau. Tuy nhiên có một vài trường đoạn quá khứ được thể hiện qua hồi tưởng hay lời kể của nhân vật nên có kết cấu đan xen hiện tại - quá khứ - hiện tại.
Phần cách mạng: sau những lần đi trực tiếp khảo sát địa hình, khu vực Bắc Hạ Hòa và Nam Trấn Yên của đồng chí Hoàng Quốc Việt - thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ vào các năm 1943 và 1944. Đầu năm 1945, đồng chí Ngô Minh Loan được Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Trần Quốc Hoàn thời điểm đó cử lên Phú Thọ- Yên Bái, gây dựng tổ chức Đảng để lãnh đạo Mặt trận Việt Minh và nhân dân phát triển cách mạng từ Hiền Lương, lên Bách Lẫm, thị xã tỉnh lỵ, vào Lương Ca, Đại Lịch, Thượng Bằng La, Nghĩa Lộ... sẵn sàng đón thời cơ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Phần "Cách mạng" tập trung phản ánh các sự kiện lớn của Yên Bái trước và trong Cách mạng tháng Tám, gồm các sự kiện chính sau:
Xây dựng các cơ sở Việt Minh ở tổng Động Lâm, Bách Lẫm, Lương Ca và thị trấn Yên Bái. Trong đó, có thể kể đến các cuộc làm quan trọng:
Buổi gặp gỡ ở nhà Chánh hội Nang Sa Đặng Bá Lâu, khi Ngô Minh Loan vừa đặt chân tới Động Lâm, với sự có mặt của Nguyễn Duy Thân, Trần Quang Bình, Hoàng Mẫn Tuệ, Đặng Bá Lâu... Từ đó các cơ sở Việt Minh, tổ chức Đảng, các đội du kích vũ trang lần lượt ra đời, từng bước hình thành nên một "Cánh cung đỏ".
Cuộc gặp kín ngày 7/5/ 1945, tại thị trấn Yên Bái, Ngô Minh Loan chủ trì, tuyên bố kết nạp Mai Văn Ty, Nguyễn Chí Dũng vào Đảng và quyết định thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Yên Bái gồm 3 đảng viên, cử Mai Văn Ty phụ trách Chi bộ. Đây là hạt nhân lãnh đạo đầu tiên của Đảng tại tại thị xã Yên Bái sau này.
Cuộc họp “vườn ngô” của Chi bộ thị trấn Yên Bái bên ngoài khu đền Tuần Quán, do Bí thư Mai Văn Ty chủ trì, xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, phát động các tổ chức Hội, tổng đình công và biểu dương lực lượng vào ngày sinh nhật Bác 19/ 5/ 1945; Thứ hai, vận động các tàn binh Pháp, bảo an Nhật, vệ binh bản xứ, tuần dõng, trị phủ, các chánh tổng, lý trưởng, chức dịch ở địa phương ủng hộ cách mạng, thành lực lượng hỗ trợ khi Việt Minh dành chính quyền; Thứ ba, thu thập các loại binh khí để chuẩn bị lập đội võ trang cách mạng: Thứ tư, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên. Sau cuộc họp này diễn biến của phong trào cách mạng ở thị trấn Yên Bái, chuyển biến nhanh và đúng hướng.
Cuộc họp tại làng Đức Quân do Ngô Minh Loan chủ trì, với sự tham gia của Trần Quang Bình, Xứ ủy Bắc Kỳ; Mai Văn Ty Chi bộ thị trấn, Đào Đình Bảng, Đào Xuân Phái (Việt Minh tổng Động Lâm), Nguyễn Hữu Minh, (Việt Minh tổng Bách Lẫm), Trần Đình Lợi (Việt Minh Tổng Lương Ca). Ngô Minh Loan xác định 4 nhiệm vụ cấp bách: Thành lập chiến khu cách mạng; Thành lập cơ sở Đảng ở địa phương; Giải thoát cho tù chính trị ở nhà giam Yên Bái; Phát động quần chúng nổi dậy dành chính quyền. Thống nhất giao nhiệm vụ: Chi bộ thị trấn Yên Bái giải thoát cho tù chính trị ở nhà giam Yên Bái; các ông Ngô Minh Loan và Trần Quang Bình tìm chọn địa điểm làm thủ phủ chiến khu; Đào Đình Bảng, Đào Xuân Phái dự kiến danh sách các thành viên của Đội du kích Âu Cơ. Ngay sau đó Ngô Minh Loan nhận được lá thư của Xứ ủy, trong đó có đoạn: “...Xứ ủy quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng Phú Thọ- Yên Bái, gọi tắt là Phú - Yên, chỉ định đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư Ban cán sự, các đồng chí Bình Phương và Trần Quang Bình làm ủy viên. Ban cán sự sớm thành lập Đội du kích võ trang, và thành lập UBQSCM, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa... Ngày 30/6/1945. Thay mặt Xứ ủy: Lê Thanh Nghị”. Sau khi nhận quyết định, Ngô Minh Loan và Trần Quang Bình hội ý việc thành lập Đội du kích võ trang mang tên Âu Cơ, Ngô Minh Loan tạm thời làm đội trưởng. Đây là một sự kiện quan trọng, sau này, ngày 30/6/1945 được lấy làm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái.
Cuộc họp đầu tiên của Ban cán sự Đảng tại nhà Chánh hội Đặng Bá Lâu. Một số thành phần ngoài Ban cán sự được mời họp lĩnh hội nhiệm vụ mà không tham gia biểu quyết, gồm: Mai Văn Ty, Nguyễn Hữu Minh, Vũ Dương, Đặng Bá Lâu, Đào Đình Bảng, Trần Đình Trọng, Đinh văn Hàm, Trần Văn Huệ, Đào Văn Súy. Cuộc họp Quyết định thành lập UBQCCM, do đồng chí Bình Phương làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Ngô Minh Loan làm Chính ủy. chọn làng Vần làm thủ phủ của Chiến khu. Trụ sở Ủy ban Quân sự cách mạng và Ban chỉ huy Đội du kich đặt tại nhà ông Trần Đình Khánh, Chánh tổng Lương Ca. Sau cuộc họp này những diễn biến chính của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Yên Bái lần lượt diễn ra:
Trong phần Cách mạng, tác giả còn phản ánh việc Pháp đưa tù chính trị từ Căng Bá Vân về Căng Nghĩa Lộ. Hoạt động của Chi bộ nhà tù Nghĩa Lộ, do Trần Huy Liệu làm bí thư, sự ra đời tờ báo “Đường nghĩa” mà Trần Huy Liệu là chủ bút; mối liên hệ giũa chi bộ nhà tù với tổ chức Việt Minh ở Nghĩa Lộ, Yên Bái; cuộc bạo động phá Căng vượt ngục của tù chính trị ngày 17/3/1945, 9 đồng chí đã anh dũng hy sinh...
Kết thúc phần “Cách mạng” là “Lời kết”, mục này tác giả kể về cuộc gặp mặt các nhân chứng lịch sử tổ chức vào năm 1995, tại Yên Bái nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày tổng khởi nghĩa với sự tham dự của các ông Ngô Minh Loan, Nguyễn Đức Vũ, Phạm Văn Côn, Đào Đình Bảng, Đinh Văn Hàm, Trần Văn Huệ, Nguyễn Đức Quỳ, Đào Tiến Lộc, Bùi Lạc, Đào Xuân Phái... Qua lời kể của ông Nguyễn Đức Vũ tại cuộc gặp này, cuộc nổi dậy dành chính quyền ở thị xã Yên Bái đã được tái hiện lại.
Phần Kháng chiến bắt đầu từ tháng 10/ 1947, khi Pháp từ Sơn La sang tái chiếm Văn Chấn, Nghĩa Lộ. Chúng lập các đồn, lập phân khu Văn Chấn, tiểu khu Nghĩa Lộ, Ba Khe, Gia Hội, tổ chức càn quét mở rộng địa bàn chiếm đóng nhằm tiêu diệt lực lượng du kích. Cuộc kháng chiến của nhân dân Văn Chấn bắt đầu. Nội dung chính của phần “Kháng chiến” tập trung phản ánh các trận càn của Pháp vào Đại Lịch và tổ chức chống càn của du kích Đại Lịch và bộ đội địa phương Văn Chấn, và một số chiến dịch lớn tại địa bàn Văn Chấn, Nghĩa Lộ.
Mở đầu phần “Kháng chiến” tác giả trần thuật việc Pháp tái chiếm Văn Chấn, Nghĩa Lộ. Bí thư Huyện ủy Văn Chấn đang đi tập huấn ở Thái Nguyên, Hà Thiết Hùng nhận nhiệm vụ của Thường trực Huyện ủy Văn Chấn ra Tỉnh ủy Yên Bái báo cáo và xin chỉ thị, ông cũng đề xuất đưa Đội dân quân huyện Văn Chấn thành Trung đội bộ đội địa phương huyện (sau này là Trung đội 76, rồi phát triển thành Đại đội 86, do Hà Thiết Hùng là Đại đội trưởng). Sau đó Nguyễn Tấn Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái vào Văn Chấn kiểm tra tình hình, chỉ đạo rút toàn bộ cơ quan huyện Văn Chấn về Đại Lịch, củng cố lại Huyện ủy Văn Chấn, xây dựng Đại Lịch thành căn cứ kháng chiến mang mật danh “Nguyễn Huệ”. Tỉnh ủy cũng chỉ đạo trong bối cảnh hiện tại chỉ có tổ chức Việt Minh hoạt động trực tiếp, công khai. Đại Lịch trở thành nơi phát động phong trào chiến tranh du kích vùng hậu địch của tỉnh Yên Bái năm 1947.
Thời điểm này, Đội du kích võ trang Đại Lich vừa ra đời đã tổ chức đánh chặn đoàn tải lương của địch từ Chấn Thịnh ra đồn Dọc tại Đèo Cuồng (trận Đèo Cuồng), giải thoát cho đoàn dân phu và thu lại toàn bộ lương thực của địch. Đây là trận đầu tiên ra quân thắng lợi của du kích Đại Lịch. Bị thua du kích, bọn Pháp ở Đồng Bồ tổ chức càn vào Đại Lịch. Nhận được mật báo của điệp viên - phó lý Hoàng Văn Vinh, du kích tổ chức mai phục diệt địch tại Đèo Din. Trận đánh thắng lợi diệt được Pháp và lính bảo an nhưng Hoàng Văn Thọ, Đội trưởng đội du kích thiếu niên, liên lạc xã bộ Việt Minh đã anh dũng hy sinh khi nhảy xuống đường cướp súng giặc.
Tiếp đó là các trận đánh đồn Bĩu Thượng Bằng La, trận đánh chặn địch ở Khe Hán, trận chống càn vào Đại Lịch tại Lũng Bũm, có sự phối hợp giữa lục lượng du kích xã, bộ đội địa phương huyện và bộ đội chủ lực Kim Tiến. Trận đánh tiêu diệt toán quân địch từ Ca Vịnh vào tăng cường cho Ngòi Nhì, Trung đội 76 bộ đội địa phương Văn Chấn do Hà Thiết Hùng chỉ huy ém trên đồi cọ làng Mỵ, du kích Đại Lịch do Hoàng Văn Quang chỉ huy chặn đường lui của chúng về Hưng Khánh. Đại đội chủ lực do Kim Tiến chỉ huy khống chế đồn Mỵ. Trận này tiêu điệt được 2 tên Pháp và một số ngụy quân. Đặc biệt, trận đánh địch càn vào khu "Nguyễn Huệ", mang tên là chiến dịch "Vòng tay ôm", có quy mô lớn và chỉ điểm dẫn đường. Trận càn này bị ta bẻ gẫy, song ta cũng tổn thất nặng: Làng Khe Liền, trung tâm của căn cứ kháng chiến huyện bị đốt cháy 29 nóc nhà và cả đình làng. Chủ nhiệm Huyện bộ Dũng Tiến, xã đội trưởng Hoàng Văn Quang bị thương, 2 chiến sỹ quân chủ lực Đại đội Kim Tiến, 6 chiến sỹ Đại đội 86 Văn Chấn và du kích Đại Lịch hy sinh, 4 người dân thiệt mạng.
Trước tình hình đó, tháng 10/1949, Tỉnh ủy Yên Bái chủ trương cho nhân dân Đại Lịch tản cư ra vùng tự do, chỉ để lại bộ phận lãnh đạo và Đội du kích võ trang bám trụ.
Trong phần Kháng chiến, ngoài những trận đánh của lực lượng du kích và bộ đội địa phương Văn Chấn cùng quân chủ lực Kim Tiến, tác giả cũng đề cập đến 2 chiến dịch lớn trên địa bàn Yên Bái:
Chiến dịch Lý Thường Kiệt từ 25/ 9 đến 10/10/ 1951 nhằm tiêu diệt đồn Pú Chạng, giải phóng Văn Chấn - Nghĩa Lộ và Chiến dịch Tây Bắc.
Phần Kháng chiến kết thúc bằng chương "Không số", tường thuật cuộc gặp gỡ giữa tác giả và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng Đại tướng 30 Hoàng Diệu. Thông qua cuộc trò chuyện đã tái hiện một phần Chiến dịch Tây Bắc từ 14/10 đến 10/ 12/ 2952 với sự tham gia của các Đại đoàn 308, 321, 316 giải phóng hoàn toàn Nghĩa Lộ ngay từ đợt 1 của Chiến dịch, mở đường tiến lên giải phóng Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc.
Qua những nội dung của 2 phần trên, có thể nói tiểu thuyết "Cánh cung đỏ" của Hà Lâm Kỳ đã phản ánh khá đầy đủ các sự kiện chính trị- quân sự lớn của Yên Bái trong Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp. Thành công của tiểu thuyết là rất nhiều. Trước hết, tác giả đã dựng lại bối cảnh lịch sử, trần thuật được các diễn biến chính của Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp tại Yên Bái với khá nhiều nhân vật, chi tiết, hoàn cảnh, diễn biến sinh động. Về mặt nghệ thuật có thể nói tiểu thuyết đã văn học hóa lịch sử làm sinh động hiện thực lịch sử cách mạng và kháng chiến ở Yên Bái. Tác giả đã có rất nhiều sáng tạo, từ những việc tạo ra cuộc trò chuyện, trao đổi giữa các nhân vật bằng ngôn ngũ hội thoại, tới miêu tả không gian, cảnh vật, diễn biến của sự kiện. Trong tiểu thuyết có không ít trường đoạn miêu tả, hội thoại sinh động, đều là sản phẩm của sự tưởng tượng, sáng tạo của nhà văn. Viết tiểu thuyết đã khó, viết tiểu thuyết lịch sử lại càng khó hơn rất nhiều vì đòi hỏi phải hết sức công phu trong sưu tầm tư liệu lịch sử, lại phải biết chắt lọc, lựa chọn, phải kết hợp hài hòa giữa tính chân thực lịch sử với hư cấu, sáng tạo của tiểu thuyết. Nếu không có sự sáng tạo của nhà văn sẽ rất dễ sa vào ghi chép, nhại lại lịch sử hoặc làm sai lệch sự kiện, nhân vật lịch sử.
Về giá trị của tiểu thuyết, tôi nghĩ, thể hiện trên cả 2 bình diện: Lịch sử và văn học. Qua tiểu thuyết bạn đọc có thể hình dung được một giai đoạn lịch sử đâu thương nhưng cũng vô cùng anh dũng, qua những sự kiện, con người cụ thể. Vì vậy nó có hiệu ứng xã hội tích cực. Song, bởi được thể hiện bằng con đường văn học nên nó cũng tạo nên những cảm xúc thẩm mỹ ở bạn đọc.
Về hệ thống nhân vật của tiểu thuyết:
Trong tiểu tiểu thuyết "Cánh cung đỏ" đa số nhân vật là nguyên mẫu ngoài đời. Họ là những nhà cách mạng thế hệ đỏ, nguyện thực hiện tư tưởng giành độ lập tự do của Bác Hồ. Là nhân dân các dân tộc Tây Bắc. Là chiến sỹ “Bộ đội Cụ Hồ” chín năm kháng chiến. Theo tác giả chỉ có số ít nhân vật hư cấu ở cả hai tuyến chính điện, phản diện... Các nhân vật này làm trung gian để xâu chuỗi các sự kiện. Trong hệ thống nhân vật của tiểu thuyết, nhân vật Ngô Minh Loan, Bí thư Ban cán sự Đảng liên tỉnh trong phần Cách mạng, nhân vật Đào Tiến Lộc Chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh Văn Chấn trong phần Kháng chiến xuất hiện nhiều với vai trò người lãnh đạo, quyết định, có thể coi đó là những nhân vật chính. Nói về tác phẩm, tôi cũng xin có mấy mấy ý kiến muốn trao đổi về cách xây dựng nhân vật của tác giả:
Các nhân vật có khi xuất hiện bằng tên thật, có khi xuất hiện bằng bí danh, có khi lại xuất hiện cả bằng bằng bí danh và được mở đóng ngoặc đơn thêm tên thật, chưa rõ ý đồ của tác giả nhưng quả thực là khó theo dõi.
Tôi cũng băn khoăn về một số sự kiện lịch sử được tác giả phản ánh trong tiểu thuyết với các tài liệu lịch sử của tỉnh Yên Bái, như:
- Sự kiện thành lập Chi bộ thị trấn Yên Bái, đặc biệt là địa điểm thành lập Chi bộ.
- Sự kiện tổ chức ra mắt thành lập Đội du kích Âu Cơ, và Ban cán sự Đảng liên tỉnh.
- Cuộc họp của Ủy ban quân sự cách mạng, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.
- Lễ xuất quân của Đội du kích Âu Cơ vào giải phóng Văn Chấn.
Tôi cũng nghĩ giữa sự kiện lịch sử ngoài thực tiễn và sự kiện lịch sử trong tác phẩm nghệ thuật không phải 1/1, song, vì xác định là tiểu thuyết lịch sử thì cũng cần bảo đảm yêu cầu chính xác lịch sử.
Theo cảm nhận của tôi, dù còn có một số hạn chế, Cánh cung đỏ vẫn là cuốn sách dày dặn, hệ thống, đầy đủ nhất viết về Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp ở Yên Bái và một nhân vật Tây Bắc cho đến thời điểm hiện tại, cũng là cuốn sách tâm huyết của tác giả, được tác giả công phu sưu tầm tài liệu, ấp ủ suốt hơn 20 năm mới hoàn thiện và ra mắt bạn đọc.
Tháng 8 năm 2019
N.H.L
Tác phẩm được trao giải A - Giải thưởng sáng tạo và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách hồ Chí Minh lần thứ VI (Năm 2020).
Người gửi / điện thoại