bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Cầm Sơn đã đưa videoclip này!

 

VŨ NHO 085 589 0003

NHÀ MẠNG THÔNG BÁO HỌ BỊ HACK NÊN ĐỂ XẢY RA SỰ CỐ ĐÁNG TIẾC ĐÓ!RẤT MONG CÁC TÁC GIẢ BỊ MẤT BÀI ĐĂNG THÔNG CẢM. TÍNH SƠ MỖI NGÀY TBT ĐĂNG 2 BÀI, CHÚNG TA MẤT NỬA THÁNG 5, NỬA THÁNG 7, TRỌNG VẸN THÁNG 6...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 33
Trong ngày: 100
Trong tuần: 1237
Lượt truy cập: 665067

ĐI TÌM NGƯỜI DŨNG SĨ THỨ TƯ

Kỳ 2
ĐI TÌM NGƯỜI DŨNG SĨ THỨ TƯ

bui_quang_thanh

NHÀ THƠ NHÀ BÁO BÙI QUANG THANH


Sau khi báo Bảo vệ pháp luật (số 49+50 ra ngày 17.6 và
20.6.2008) đăng bài ký sự “Xe tăng 377 và những anh hùng
chưa được tôn vinh” của tôi, nhiều phản hồi của bạn đọc và
các đồng đội tôi ở mặt trận B3 cũ và các cựu binh xe tăng đã
gửi thư, điện thoại về tỏ sự đồng tình và mong mỏi Đảng, Nhà
nước, Quân đội có sự đáp ứng xứng đáng với chiến công và sự
hy sinh lẫm liệt của tập thể xe tăng 377. Cũng từ những nguồn
tin này, một phát hiện bất ngờ từ Trung đoàn xe tăng 273: một
trong bốn người hy sinh trong xe có thể có sự nhầm lẫn(?). Và
để làm sáng tỏ hơn danh tính của liệt sĩ, tác giả bài viết lại lao
vào một cuộc điều tra đầy xúc động...
Dấu hỏi lớn
Khoảng mươi ngày sau khi bài ký sự được in trên báo
Bảo vệ pháp luật, từ thành phố Pleiku, Thượng tá Đỗ Văn
Ngọc - Chính uỷ Trung đoàn xe tăng 273 - điện thoại cho
tôi biết, đơn vị đã rà soát lại tên tuổi từng người trong xe,
có một điều đáng lưu ý là trên tấm bia ở tượng đài Đăk Tô
có khắc ghi tên 4 Dũng sĩ: Thiếu uý Nguyễn Nhân Triển,
lái xe Cao Trần Vịnh, pháo thủ Vũ Đức Lượng và xạ thủ
12,7mm Nguyễn Đức Toàn. Tuy nhiên trong danh sách
các liệt sĩ của đơn vị hy sinh tại Đăk Tô - Tân Cảnh ngày
24.4.1972 lại không có Nguyễn Đức Toàn mà lại có liệt
sĩ Hoàng Văn Ái. Anh Ngọc cũng cho biết có thông tin
Hoàng Văn Ái là pháo thủ số 2 trong xe 377, đồng thời
nhờ tôi nếu ra Bắc thì tìm đến bố liệt sĩ Ái (tên là Tựu ở
ngách 42, ngõ Vạn Ứng, khu chợ Khâm Thiên, Hà Nội).
Một dấu hỏi lớn đặt ra: liệt sĩ Ái hay liệt sĩ Toàn là người
đã chiến đấu và hy sinh cùng tập thể xe tăng 377? Hay là
trên xe có 5 người? Tại sao chỉ có 4 tro cốt tìm thấy sau
trận đánh và vì sao lại có tấm bia sừng sững mấy chục
năm rồi bên tượng đài ghi tên tuổi, quê quán 4 liệt sĩ mà
không ai phản ánh thông tin trên…?
Tôi nhớ hình như ai đó từng nói với tôi là nhà thơ Hữu
Thỉnh đã lấy cảm hứng từ tập thể chiếc tăng 377 mà viết
bài thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” sau này
nhạc sĩ Doãn Nho phổ thành bài hát nổi tiếng; bèn điện
hỏi anh Hữu Thỉnh. Nhà thơ - cựu binh của Binh chủng
tăng - thiết giáp trả lời rằng, anh có nghe kể về chiến công
và sự hy sinh của tổ xe này nhưng không biết rõ xe 377
trước khi vào trận có mấy người. Quyết làm sáng tỏ vấn
đề, ngày 12 tháng 8 năm 2008, tôi bay ra Hà Nội.
Lần theo dòng địa chỉ
Được Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Định ở Báo Ảnh Việt
Nam làm xe ôm, tôi lỉnh kỉnh máy ảnh, túi xách, áo mưa,
mũ bảo hiểm len lỏi trong khu ngõ chợ Khâm Thiên chật
hẹp, lầy lội một sáng mưa đi tìm nhà cụ Tựu. Tôi nghĩ,
thông tin Chính uỷ Ngọc cung cấp chắc lấy từ trích ngang

quân nhân Hoàng Văn Ái trước khi vào chiến trường,
nghĩa là ít nhất phải trước năm 1972. Sau trận rải thảm
B52 của Mỹ tàn sát Khâm Thiên, sau bao nhiêu biến động
của thành phố ngót 36 năm trời, các cụ bố mẹ anh Ái tuổi
cao, sức yếu, lại thương đau vì mất mát hy sinh, như lá
vàng trước gió... liệu có phải tôi đang mò kim đáy bể?
Nhưng thật lạ, tôi vẫn có một quyết tâm sắt đá sẽ tìm ra
tung tích gia đình để làm rõ nhân thân người liệt sĩ đã hy
sinh bí ẩn.
Qua khỏi những quầy thịt, rau, cá, gạo... của ngõ chợ
Khâm Thiên chừng trăm mét, Trần Định đưa tôi rẽ vào
ngõ Vạn Ứng, tìm đến ngách 42. Nhìn ngách phố nhỏ và
cũ xưa như trái đất, tôi mừng thầm và hy vọng sẽ không
có sự thay đổi gì lớn ở đây, nghĩa là có thể lần ra tung
tích gia đình cụ Tựu. Dăm bảy lần quay ra, trở vào, hết
ngách đến kiệt, đến ngõ cụt, hỏi khá nhiều người, không
ai biết có cụ Tựu nào ở ngách này. Nhiều người đập trán
rồi khẳng định là không có. Bỗng một bà cụ từ một ngõ
hẻm đi ra bảo tôi: “Cụ Tựu không ở ngách này mà ở ngách
12. Ông cụ mất lâu rồi. Cụ Tựu bà ở với con trai bên đó”.
Mừng quá, chúng tôi cám ơn bà cụ rồi quay xe trở ra tìm
ngách 12.
Căn nhà nhỏ cuối cùng bên phải cái ngách 12 ấy nền
rất thấp, ẩm, càng ẩm ướt hơn bởi cơn mưa. Ngoài cửa
dựng một rào gỗ cao cỡ 0,4 mét để ngăn mấy đứa trẻ tuổi
mẫu giáo đang tròn mắt nhìn khách lạ. Người phụ nữ
trông lũ trẻ đã luống tuổi gật đầu chào tôi rồi quay vào
gọi ông chồng ra tiếp khách khi nghe tôi hỏi tên bà cụ Tựu
mẹ Liệt sĩ Hoàng Văn Ái. Bác Toản - người đàn ông ra đón
chúng tôi luýnh quýnh gọi: “Có bạn chú Ái về, mẹ ơi!” rồi
nắm tay kéo tôi vào nhà. Bên trái cửa, trên chiếc giường

một là một bà cụ già như không thể già hơn được nữa, da
dăn deo, mắt đờ đẫn, thất thần ngồi như tượng. Tôi bối rối
ngồi thụp bên giường mẹ: “Dạ! Con là nhà báo, đã từng
là bộ đội ở chiến trường Tây Nguyên với anh Ái về thăm
mẹ”. Bà cụ giơ cả hai bàn tay về phía tôi, phều phào: “Vậy
à? Anh có gặp Ái không? Lâu lắm không thấy nó về?”. Tôi
mếu máo, nhìn sang bác Toản: “Vậy mẹ không biết anh
Ái hy sinh?”. Bác Toản mắt cũng đỏ hoe, nhòe nhoẹt nước
mắt: “Biết chứ. Nhưng bà lẫn mất rồi. Không nhớ được gì
đâu. Kém vài tuổi là tròn trăm rồi, chú!”.
Tôi nhìn lên bàn thờ, trên tường, ngay trước mặt: một
bức chân dung chiến sĩ dù đã rất cũ và nét phục chế vụng
về vẫn lộ vẻ măng tơ, kiêu hãnh; một tấm Bằng Tổ quốc
ghi công; một tấm Huân chương Chiến công. Tấm bằng
ghi rõ: “Liệt sĩ Hoàng Văn Ái hy sinh ngày 24 tháng 4 năm
1972”. Vậy là ngày ấy - ngày xảy ra trận đấu tăng một chọi
mười lịch sử ở Đăk Tô - Tân Cảnh, anh Ái đã chiến đấu
và hy sinh đúng ngày ấy, và dĩ nhiên - trong chiếc xe tăng
này, tôi thầm nghĩ vậy. Nghệ sĩ Trần Định xin được thắp
một nén nhang cho anh Ái và chụp lại tấm hình anh. Tôi
thưa chuyện cùng mẹ Tựu và vợ chồng bác Toản sự việc
liên quan đến chiếc xe tăng, các liệt sĩ và lý do đưa chúng
tôi tìm về đây. Mẹ Tựu dù tai không còn tỏ vẫn biết được
những điều tôi trình bày. Mẹ xúc động cầm tay tôi, chỉ bác
Toản rồi lắc lắc cái đầu có mái tóc ngắn bạc phơ. Từ hai
khoé mắt đục mờ của mẹ, những giọt nước mắt lăn qua
gò má nhăn nheo.
Bác Vũ Trọng Toản và anh Ái là anh em cùng mẹ khác
bố, hai người sinh cách nhau đúng một con giáp, đều tuổi
Thìn. Từ khi Hoàng Văn Ái nhập ngũ rồi vào chiến trường
cho đến lúc nghe tin hy sinh, anh em không gặp nhau.

Gia đình cũng không biết nhiều về việc hy sinh của anh
Ái. Bác Toản cho biết thỉnh thoảng các bạn bộ đội cùng
thời chú Ái có về thăm mẹ Tựu và thắp hương cho chú ấy.
Họ là những người trong Ban liên lạc bộ đội xe tăng Hà
Nội. Bác Toản cho tôi điện thoại và địa chỉ của anh Thái
ở Thanh Xuân Nam để tìm hiểu thêm. Tôi điện thoại cho
anh Thái, anh cho biết anh không ở cùng đơn vị Hoàng
Văn Ái nhưng có anh Quang trong ban liên lạc có thể biết
rõ hơn. Bác Toản nhớ ra, bảo tôi: “Đúng rồi! Chú Quang là
người cùng đơn vị với chú Ái và cũng tham gia trận đánh
ấy”. Tôi để lại chút quà nhỏ cho mẹ Tựu rồi tạm biệt gia
đình bác Toản, hẹn sẽ có lúc quay về.
Cuộc hội ngộ bất ngờ
Chiều ấy, tôi nhận được điện của anh Vũ Đức Thái
- Trưởng ban liên lạc cựu binh xe tăng khu vực Hà Nội.
Anh sốt sắng đề nghị tôi đến nhà anh Trần Vân Quang ở
đường Lê Trọng Tấn để gặp một số đồng đội của các anh.
Tôi và Trần Định đi ngay, rủ thêm nữ nhà báo Thu Huyền
ở Phòng Biên tập báo Bảo vệ pháp luật.
Có đến gần chục người ngồi nhà đợi chúng tôi. Ai cũng
tỏ ra thân thiết, tay bắt mặt mừng. Ngoài chị chủ nhà vợ
anh Quang, trong họ còn một phụ nữ luống tuổi nhưng
nét mặt dịu hiền, tươi tắn. Anh Quang, một cựu binh xe
tăng rất điển trai, dáng thư sinh bởi nước da trắng và cặp
kính cận, giới thiệu với chúng tôi thành phần “phía chủ”:
ngoài anh Thái, anh Quang, còn có anh Nguyễn Quốc Lập
từng lái tăng ở C7 (Đại đội có xe tăng 377) ở Tây Nguyên;
anh Lê Xuân Sinh - lái tăng ở Lữ đoàn 203; anh Nguyễn
Đăng Châu, anh Đỗ Viết Thắng và chị Phùng Thị Đức
đều là sĩ quan xe tăng một thời nay đã nghỉ hưu. Trên bàn
trà có mấy số báo Bảo vệ pháp luật in bài “Xe tăng 377 và

những Anh hùng chưa được tôn vinh.”. Hình như đã hiểu
ý định của tôi, anh Quang khẩn trương như những người
lính ra trận, vào đề ngay: “Anh em chúng tôi rất mừng khi
bài báo của anh đề cập đến chiến công của kíp tăng 377.
Sự hy sinh anh dũng của họ đã cổ vũ chúng tôi rất nhiều
trong những lần xung trận và thú thực ai cũng bất ngờ
khi biết họ chưa hề là Anh hùng Lực lượng vũ trang dù
họ đã mấy chục năm sừng sững là biểu tượng anh hùng
cho trận đánh lịch sử ở Đăk Tô - Tân Cảnh, cho cả mặt
trận Tây Nguyên, cho Binh chủng Tăng -Thiết giáp chúng
tôi. Chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi tôi nghe tin anh
Hoàng Văn Ái, bạn tôi không có tên trong kíp xe 377 ấy”.
Như bắt được vàng, tôi hỏi nhanh: “Anh Quang và anh
Hoàng Văn Ái biết nhau không ạ?”. “Tôi và anh Ái thân
với nhau, ở cùng một đại đội. Chúng tôi đã có một lời thề
trước khi vào chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh”. “Lời thề gì
vậy anh?”. Nét mặt anh Quang chợt chùng xuống. Một
nỗi buồn thoáng qua trên gương mặt. Anh nhìn lướt các
bạn chiến đấu một thời rồi lắc đầu: “Mà thôi! Chuyện cũ
xa rồi. Dù sao tôi cũng đã thực hiện được lời hứa với Ái”.
Mọi người ngẩn ngơ. Không ai dám động vào một ký ức
của một thời thiêng liêng, mà ký ức đó chắc chắn gắn với
người đã khuất. Nguyễn Quốc Lập rít một hơi thuốc lá rồi
nói: “Việc anh Ái chiến đấu và hy sinh trong xe 377, theo
tôi không còn gì phải nghi ngờ. Anh Quang cùng đại đội,
cùng quê hương, cùng chiến đấu, là một căn cứ; đơn vị ghi
vào danh sách liệt sĩ hy sinh ngày 24.4 là một căn cứ. Vấn đề
là có mấy người tham chiến trong chiếc xe này? Bốn người
nằm lại trong xe khi xe bị bắn cháy là những ai?”. Tôi xin
phép trình bày lại việc tấm bia ở tượng đài ghi tên 4 liệt sĩ
mà không có liệt sĩ Hoàng Văn Ái và trong danh sách lưu
lại của Trung đoàn xe tăng 273 lại không có Nguyễn Đức

Toàn? Trần Vân Quang bóp trán rồi đưa ra giả thuyết: “Ái
là pháo thủ số 2, bắn súng 12,7 mm đặt trên tháp tăng.
Khi chiến đấu, xạ thủ này phải nhô người lên trên tháp
tăng để bắn. Nếu xe bị bắn cháy, có thể Ái thoát ra ngoài
xe và hy sinh đâu đó nên người ta không tìm được”. Anh
Đỗ Việt Thắng phân tích: “Tăng T-54 của Liên Xô thông
thường phiên chế 5 người: một trưởng xe, một lái xe, pháo
thủ số 1, số 2 (nạp đạn) và xạ thủ 12,7 ly. Vậy có thể anh Ái
kịp thoát ra khỏi xe khi xe bị bắn cháy”. Một ý kiến khác:
“Đối đầu với T-54 mang số hiệu 377 là 10 xe tăng M-41
của Mỹ. M-41 là loại xe có khả năng cơ động cao nhưng
hỏa lực yếu, chủ yếu đánh bộ binh, vì vậy pháo trên M-41
khó bắn thủng vỏ thép T-54 trong khi chiếc tăng này lại bị
cháy trụi phía trong, các chiến sĩ đều cháy thành tro. Vậy
súng gì đã bắn cháy tăng 377?”. Anh Quang: “Chi khu
Đăk Tô - Tân Cảnh là cứ điểm đồn trú rất mạnh của địch.
Ngoài xe tăng là hỏa lực cơ động, chúng còn nhiều loại
vũ khí đặt trong công sự như pháo chống tăng, DKZ...”.
Vũ Đức Thái hỏi tôi có tấm ảnh nào phóng to chiếc tăng
của kíp xe Nguyễn Nhân Triển không? Tôi mở máy tính
xách tay, phóng to chiếc xe tăng 377 mà tôi chụp ở Đăk
Tô. Mọi người xúm lại xem. Lê Xuân Sinh - người lái chiếc
tăng mang số hiệu 886 của C3 (D1 Lữ đoàn 203) - cùng
đại đội Bùi Quang Thận, người đã cắm cờ giải phóng trên
nóc Dinh Độc Lập trưa ngày 30.4.1975 lịch sử - phát hiện:
“Đây là tăng T-59 của Trung Quốc chứ không phải là T-54
của Liên Xô!”. Những người lính gật gù: “Đúng vậy! Bầu
hút khói đầu nòng pháo dài thế này khẳng định chiếc xe
này là T-59 do Trung Quốc chế tạo. Sao lại có thể gọi là
T-54?”. Tôi bối rối: “Bên tượng đài, ngay dưới bệ chiếc xe
có ghi rõ là T-54 mà. Trong cuốn “Lữ đoàn xe tăng 273”
do Cục chính trị Quân đoàn 3 xuất bản cũng nói rõ là đêm

23.4.1972, Đại đội 7 xuất kích cùng bộ binh Trung đoàn 66
đánh Căn cứ 42 ở Đăk Tô - Tân Cảnh gồm 9 chiếc T-54”.
Chị Phùng Thị Đức: “Hồi đó tôi ở cơ yếu Binh chủng nên
tôi biết tăng T-59 được đưa vào Tây Nguyên cuối năm
1971”. Anh Nguyễn Quang Lập: “Sau giải phóng, khi tôi
đang ở Lữ 201 đóng ở Xuân Mai (Hà Tây), chúng tôi được
giao sửa chữa phục hồi chiếc tăng số 377 từ trong Nam
đưa ra. Chiếc xe bị cháy đen thui. Chúng tôi được lệnh
chỉ phục hồi phần vỏ, không trang bị vũ khí chiến đấu”.
Trần Vân Quang: “Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, đơn
vị tôi được trang bị chủ yếu là T-54. số xe này bị tổn thất,
bị hư hỏng khá nhiều trong chiến đấu nên trước khi vào
Tây Nguyên, ngoài số T-54 còn lại, chúng tôi được trang
bị hỗn hợp nhiều loại xe như T-59, cao xạ tự hành CY-57-
2... Chẳng hiểu chiếc tăng anh chụp ở tượng đài có còn là
chiếc 377 nữa hay không nên cần tìm hiểu kỹ. Vấn đề là tại
sao không phải là anh Hoàng Văn Ái mà là anh Nguyễn
Đức Toàn được ghi tên cùng kíp xe 377 ở tượng đài Đăk
Tô? Căn cứ nào để thay tên đổi họ như vậy. Là bạn anh Ái,
cùng ở một đơn vị, tôi khẳng định Hoàng Văn Ái hy sinh
cùng xe tăng 377 ngày 24.4.1972.”
Cũng tại cuộc “họp” bất thường này, anh Thái, anh
Quang và mọi người đề nghị tôi thông tin lại cho Trung
đoàn xe tăng 273 và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ý kiến đóng
góp của anh em trong Ban liên lạc bộ đội xe tăng Hà Nội
để đơn vị có cơ sở tìm hiểu và điều chỉnh tên tuổi các liệt
sĩ. Anh Trần Vân Quang hứa sẽ gửi đóng góp này bằng
văn bản cho trung đoàn cũ của mình. Anh chốt lại: “Ngày
trước, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt có thể cảm thông
những sai sót. Bây giờ có điều kiện rồi, tại sao chúng ta
không tôn vinh danh dự và công lao của các dũng sĩ? Mà
nhân chứng đang sống rành rành đây cả, việc điều tra,

làm rõ cũng có khó chi. Mong các nhà báo cùng chúng
tôi phối hợp tìm ra sự thật này”. Vũ Đức Thái cầm tay
tôi: “Có 4 vấn đề cần giải quyết xung quanh bài báo về
chiếc tăng 377 của anh. Một là, xe 377 không phải là tăng
T-54 mà là T-59; hai là, đồng chí Hoàng Văn Ái là người
đã hy sinh cùng chiếc xe ở Đăk Tô; ba là, liệt sĩ Nguyễn
Đức Toàn được ghi tên trên bia cạnh tượng đài là ai, tung
tích anh ấy ra sao? Bốn là, phải tích cực đề nghị để tập thể
chiếc xe anh hùng được vinh danh như chính chiến công
của họ. Mong rằng chúng ta còn gặp nhau để góp phần
sáng tỏ vấn đề”.
Tôi điện thoại cho Thượng tá Vũ Văn Ngọc - Chính ủy
Trung đoàn tăng 273 thông báo việc đã tìm và gặp được
mẹ của liệt sĩ Hoàng Văn Ái ở ngách 12 ngõ Vạn Ứng,
Khâm Thiên (chứ không phải ngách 42 như địa chỉ của
đơn vị cung cấp) và những ý kiến mà các cựu binh xe tăng
đã tham gia rồi chuyển máy để anh Trần Vân Quang trao
đổi sơ bộ cùng anh Ngọc.
Hồi âm từ những người lính
Chia tay với những người lính tăng Hà Nội, tôi về lại
Đà Nẵng với một tâm trạng lẫn lộn vui buồn. Vui là đã
manh nha tìm được thông tin về liệt sĩ Hoàng Văn Ái và
qua cuộc điều tra này tôi có thêm những người bạn mới
là đồng đội cùng thời; buồn vì nếu anh Ái hy sinh trong
xe 377 thì liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn là ai, hy sinh ở đâu và
những việc thực ra không phải chúng ta không làm được
cho các liệt sĩ cùng thân nhân của họ, những góp sức làm
sáng tỏ sự thật lịch sử một thời oanh liệt thì chính thế hệ
chúng tôi trong đó có rất nhiều đồng đội một thời sống
chết sẻ chia cũng đang bỏ qua nhiều cơ hội, để thưa dần
những nhân chứng.

Anh Trần Vân Quang vẫn thường xuyên liên lạc với
tôi trao đổi nhiều ý kiến đóng góp của các bạn anh, anh
cho tôi một địa chỉ đáng tin cậy nữa là anh Phong ở Quân
khu 4 là lính tăng Quân đoàn 3 cũ. Nghe đâu anh Phong
đang tổ chức lấy tư liệu để làm phim về xe tăng 377. Liên
lạc với anh Phong qua điện thoại, tôi lần ra địa chỉ của
người bạn thân của tôi là Nguyễn Trọng Thanh. Hồi ấy,
tôi và Trọng Thanh cùng học Khoa Cơ khí ô tô ở Trường
Giao thông, cùng nhập ngũ một lần. Tiểu đoàn 2B Sư 304B
nơi chúng tôi nhập ngũ tháng 12.1969 lúc ấy toàn là sinh
viên các trường chuyên nghiệp được đưa về huấn luyện ở
khu vực cầu K huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Vài tháng
sau, Tiểu đoàn phân tán về các đơn vị. Tôi và 49 bạn về
Cục Quản lý xe Tổng cục Hậu cần, Trọng Thanh đi cùng
trung đội 50 người về Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp. Tháng
3.1972, trong một lần tháp tùng một sĩ quan là trợ lý Ban
Xăng - Xe của mặt trận B3 đi công tác vào Cánh Trung
(một mật danh của Mặt trận B3 lúc đó, thuộc tỉnh Gia Lai
bây giờ), tình cờ tôi gặp Nguyễn Trọng Thanh cùng một
bạn học nữa tên là Trình người Hà Nam đang mang ba
lô đi ngược đường giao liên. Tôi vồ lấy thằng bạn đồng
hương Cẩm Xuyên, hỏi han tíu tít. Tôi biết đơn vị xe tăng
của nó cũng vừa vào và đang chuẩn bị xuất kích (chính
là Tiểu đoàn tăng 297 duy nhất ở Tây Nguyên lúc ấy).
Quấn quýt được mươi phút thì phải chia tay nhau. Tôi
móc túi cóc ba lô lấy gói lương khô tặng bạn. Mấy tháng
sau, tôi thoát chết trong trận bom B52 ở kho Đ27 rồi bị
dính thương gần Đăk Tô, vào Bệnh viện 211 của mặt trận,
tôi gặp lại Trình - người cùng đi với Trọng Thanh hôm
gặp nhau giữa đường, biết xe tăng của Trọng Thanh bị
cháy ở Kon Tum và nó bị thương. Cho đến bây giờ, đã 36
năm chúng tôi chưa gặp lại nhau, chưa biết tin nhau. Vớ

được điện thoại của hắn, tôi gọi liền. Sau những thông tin
sơ bộ về nhau, tôi đi ngay vào “vụ” tăng 377. Sau khi đọc
kỹ bài viết của tôi trên báo Bảo vệ pháp luật, Thiếu tá xe
tăng Nguyễn Trọng Thanh - nguyên là lái xe tăng của Đại
đội 2 D297 - fax cho tôi những thông tin sau:
- C7 do Bùi Đình Đột (sau này là Đại tá, Anh hùng Lực
lượng vũ trang) chỉ huy có 11 xe loại T54 và T59. Tăng 377
là loại T59. Những người hy sinh trong xe gồm: Nguyễn
Nhân Triển, Cao Trần Vịnh, Vũ Đức Lượng và Hoàng Văn
Ái (anh Ái là pháo thủ số 2).- Đồng chí Nguyễn Đức Toàn
chiến sĩ của C7 hy sinh (mất tích) trong trận đánh vào thị xã
Kon Tum chứ không phải hy sinh ở Đăk Tô. (lược trích - TG)
Nguyễn Trọng Thanh ghi chú thêm: Trên đây là ý kiến của
tôi (chính xác - có tham khảo ý kiến bạn bè).
Sau khi tôi điện báo cho anh Đỗ Văn Ngọc để xâu chuỗi
sự kiện đặng tìm ra kết luận chính xác nhất thì Chính uỷ
Trung đoàn xe tăng 273 cho biết: căn cứ vào các luồng thông
tin đã có, đơn vị thống nhất kết luận đồng chí Hoàng Văn Ái là
người đã chiến đấu và hy sinh cùng xe tăng 377. Riêng đồng chí
Nguyễn Đức Toàn thì không rõ tăm tích vì đã cho người về điều
tra tại xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ nhưng địa
phương này không có ai tên họ như vậy mà đi lính xe tăng và
hy sinh(?). Tôi đề nghị anh Ngọc gửi cho tôi nội dung kết
luận của đơn vị về trường hợp của Hoàng Văn Ái và xác
nhận của xã Phù Ninh về đồng chí Toàn nhưng anh Ngọc
bảo đã gửi lên Quân đoàn 3 để xin ý kiến và theo quy
định, Trung đoàn không được phép cung cấp thông tin.
Vậy là sắp tới, nếu liệt sĩ Ái có tên trong danh sách các
dũng sĩ xe 377 thì Nguyễn Đức Toàn sẽ bị xóa tên và có
thể coi như không hề có thân phận trong cuộc chiến?. Ai
sẽ làm sáng tỏ vấn đề này để lại trả tên cho anh Toàn

nếu như có anh bằng thịt, bằng xương trong thời trận mạc
vinh quang đó?
Đồng đội vẫn nhớ về anh
Trao đổi với tôi qua điện thoại, Trung tướng Đoàn
Sinh Hưởng nguyên Tư lệnh Bộ đội Tăng - Thiết giáp,
hiện nay là Tư lệnh Quân khu 4 cho biết: Nhà nước đã có
chủ trương điều chỉnh quy định phong tặng danh hiệu Anh
hùng Lực lượng vũ trang cho các đơn vị cấp dưới đại đội, vì vậy
kíp xe tăng 377 chắc chắn sẽ được truy phong danh hiệu cao quý
này. Ngày đó chắc không xa nữa. Ngày đó chắc đơn vị cũ
của các anh, bạn bè đồng chí và thân nhân của các anh sẽ
họp mặt; ký ức cũ về mất mát, hy sinh, thất lạc, lãng quên
sẽ vơi đi nhiều bởi niềm vui về sự mong mỏi được bù đắp.
Nhưng... lẽ nào lại không có một liệt sĩ mang tên Nguyễn
Đức Toàn từng chiến đấu và hy sinh như tên anh đã hiện
diện trên Tượng đài Đăk Tô - Tân Cảnh, như thông tin mà
bạn tôi - Thiếu tá Nguyễn Trọng Thanh đã cung cấp?
Tôi lại gọi điện thoại cho anh Quang, anh Phong Quân
khu 4 và Nguyễn Trọng Thanh. Một địa chỉ mới toanh lại
xuất hiện và tôi nhận được một thông tin vô cùng quý giá
từ Đại tá Đỗ Quang Thành (số điện thoại 032195007...).
Đại tá Thành nguyên Chánh Thanh tra Bộ Tư lệnh Tăng -
Thiết giáp, bây giờ là Trưởng ban liên lạc C7 Lữ tăng 273,
đang nghỉ hưu ở Mỹ Hào, Hưng Yên. Sau đây là nội dung
thông tin đại tá Đỗ Quang Thành cung cấp cho tác giả qua
điện thoại: “Khi chúng tôi vào Tây Nguyên, hầu như xe nào
cũng phiên chế 5 người; tôi nhớ rất rõ 3 người trong xe 377 là
Nguyễn Nhân Triển, Cao Trần Vịnh và đồng chí Ái. Tôi không
thân lắm với Ái nhưng biết rất rõ vì sau trận đánh của xe 377,
anh Kiện - Phái viên của Bộ Tư lệnh tăng đi cùng D297 cử tôi
đi tìm xem xe 377 hy sinh như thế nào? Anh dặn tôi nhớ tìm
xem Hoàng Văn Ái bắn 12,7 ly có thoát ra ngoài được không?

Tôi tìm được 377, chui vào trong xe thấy cháy rụi cả nhưng
không phát hiện ra xác các liệt sĩ, không thấy ai chết bên ngoài
xe. Tiếp tục đi tìm, tôi gặp xe tăng 354 của Trung đội trưởng
Tình (C12 bổ sung sang) và thấy lái xe Quân, pháo thủ Duyên
đang sửa xe bị hỏng. Tôi cùng các đồng chí này sửa xe, sau đó
anh Dư lên thay để tôi về nhận lệnh đi đánh Kon Tum. Sau khi
đánh Kon Tum về, nghe tin xe 354 chữa xong quay về Đăk Tô
đã tìm kiếm và phát hiện 4 thi thể của các đồng chí trong xe 377
bị cháy thành tro. Cũng có tin hy sinh trong xe 377 có cả Lượng
và Toàn. Tuy nhiên, tôi lại biết Nguyễn Đức Toàn. Hình như
quê Toàn ở Phú Thọ, là lính công binh của thiết giáp, có học qua
trường xe tăng. Khi đơn vị chuẩn bị đánh Kon Tum, Toàn ở bộ
phận dự bị. Vào gần đến Kon Tum thì đồng chí Phượng xạ thủ
12,7 ly của xe 376 không đi chiến đấu được nên tôi (lúc này là
quyền C trưởng) quyết định đưa Toàn vào thay Phượng. Cũng
chiến dịch này, tôi 2 lần được làm Đại đội trưởng Đại đội 7; lần
thứ nhất thay đồng chí Bùi Đình Đột bị thương ở Đăk Tô, lần
thứ 2 chỉ huy C7 đánh Kon Tum. Chúng tôi đánh thị xã Kon
Tum đến 2 “đỏ’, cả 4 tăng của bọn tôi đều bị bắn cháy. Đồng chí
Toàn mất tích trong ‘đỏ” 2”.
Anh Thành cũng cho tôi biết điều bí mật của Trần Vân
Quang và Hoàng Văn Ái mà anh Quang hé lộ buổi gặp
lần đầu ở Hà Nội. Số là họ đã hứa với nhau nếu một trong
hai người sống được trở về sau chiến tranh thì phải báo
cho gia đình người nằm lại biết sự thật để đỡ trông mong
mòn mỏi. Và Trần Vân Quang đã thực hiện lời thề ấy khi
trở lại hậu phương, gia đình anh Ái hết sức đau xót khi
hay hung tin, ông bà Tựu khóc lóc vật vã một thời gian
dài. Mỗi lần anh Quang đến thăm là một lần ông bà suy
sụp tinh thần và sức khỏe vì nhớ thương con. Tuy vậy, vì
mãi không có giấy báo tử, cả nhà vẫn nửa tin nửa ngờ làm
Quang hết sức bối rối và ân hận.

Sau khi nhận thông tin của Đại tá Đỗ Quang Thành, tôi
thấy anh Toàn và anh Quang cùng ở xe 376 nên điện hỏi
Trần Vân Quang xem có nhớ Nguyễn Đức Toàn không.
Anh Quang cho biết sau trận Đăk Tô - Tân Cảnh, xe 376 bị
hỏng phải dừng lại sửa chữa, anh được điều sang xe khác
và nhận chức B trưởng nên không biết anh Toàn về xe cũ
của mình. Chiếc tăng 376 bị bắn cháy ở thị xã Kon Tum là
chính xác.
Như vậy, từ thông tin của Nguyễn Trọng Thanh và
Đại tá Đỗ Quang Thành, rõ ràng có một liệt sĩ Nguyễn
Đức Toàn đã từng chiến đấu và hy sinh (mất tích) ở Kon
Tum trong đội hình của Tiểu đoàn xe tăng 297. Dù mất
tích hay hy sinh, anh vẫn đang sống trong trí nhớ của
đồng đội. Lẽ nào chúng ta không tìm ra thân thế, gốc tích
của anh để trả tên anh về nơi anh đã ra đi và khắc tên anh
- dù chỉ là một dòng tên ngắn ngủi vào tấm bia lịch sử của
cuộc kháng chiến hào hùng.

bia_bui_q._thanh


Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)