bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 25
Trong ngày: 83
Trong tuần: 1457
Lượt truy cập: 774788

ĐI TÌM THỜI GIAN ĐÃ MẤT

Bùi Việt Thắng

bui-viet-thang

 
ĐI TÌM THỜI GIAN ĐÃ MẤT...
(Ấn tượng đọc Chuyện bắt chồng bên bờ sông Bé,
 tập truyện ký của Dương Thiên Lý, Nxb Hội Nhà văn, 2021)
                                                                       
 Tập truyện ký Chuyện bắt chồng bên bờ sông Bé là tác phẩm thứ mười lăm trên hành trình sáng tác văn chương của nhà văn Dương Thiên Lý. Tôi tự nhận mình là người đọc sát các tác phẩm của chị ngay từ khi còn là bản thảo, ít nhất được  ba phần tư, chủ yếu là sáng tác văn xuôi (Nước mắt đắng, Chiều vụn, Đất mạ anh hùng, Đắng đót một kiếp người, Người trên đảo vắng, Vị Tướng thành Nam, Người rừng, Những người họ Dương, Điểu Ông huyền thoại một người anh hùng,Cô giáo và nụ hoa, Giọt tình trong mưa.... và nay là Chuyện bắt chồng bên bờ sông Bé). Nhiều lúc tôi tự đặt câu hỏi và tìm câu trả lời: nguyên cớ nào tạo nhiệt hứng và công sức để chị vừa bươn chải sống vừa đầu tư dài hạn cho sáng tác văn chương, đôi khi như thể tranh đua với thời gian vốn vô tình không cần chờ đợi ai. Nhưng cuối cùng, dường như, thời gian ủng hộ chị, bù đắp những thiệt thòi mà không phải ai cũng phải gánh chịu. Nhà văn Dương Thiên Lý, tôi thấy, trải bút lực cả trên thơ, nhạc, nhưng có lẽ văn xuôi mới thể hiện hết được khí vị và công lực của ngòi bút lúc nào cũng ào ạt xốc tới, dốc toàn lực viết như thể mỗi tác phẩm là một trận đánh ngôn từ cuối cùng, không còn cơ hội khác nên càng cần phải gắng gỏi, không thành công cũng thành nhân như người xưa nói.
Tập truyện ký Chuyện bắt chồng bên bờ sông Bé được hợp thành từ ba thể văn khác nhau: Năm truyện ngắn (Gốc bần già bến sống xưa, Chuyện tình trong hang đá, Mùi hương hoa thiên lý, Chuyện bắt chồng bên bờ sông Bé, Bộ hài cốt thừa một chân), mười sáu truyện ký (Bông hồng vàng, Thư gửi bố ở cõi vô cùng, Sâu kín một ân tình, Một giấc mơ, Đất lành chim xây tổ, Phúc ấm đời người, Chuyện cổ tích thời trận mạc, Những mảnh ký ức trận mạc, Trở về Tổ quốc, Ấm tình đồng đội….), bốn ký (Cao su tình đất tình người, Mẹ già như chuối ba hương, Tình nghĩa láng giềng, Chuyện người giữ mộ). Phải nói ngay, phần ký (4 bài) trong tập này chưa trội bằng phần truyện ngắn và truyện ký. Chúng chỉ mới là nguyên liệu, dẫu vàng ròng thì cũng cần đến bàn tay tinh xảo của người thợ chế tác công phu. Cũng là chuyện bình thường trong nghề viết, vì trong một tập sách gồm 25 tác phẩm của ba thể văn, nếu thể ký có hụt một ít thì đã có đến ba phần tư truyện ngắn (5) và truyện ký (16) bù đắp. Theo tôi, như thế  đã là một thành công với người viết ở độ tuổi không còn trẻ, sức lực không còn căng, nhưng may mắn nhiệt huyết với văn chương chưa thì chưa vơi.
Sở dĩ tôi đặt nhan đề bài viết “Đi tìm thời gian đã mất”  tựa như một sợi chỉ đỏ, cái rường cột cho tác phẩm mới của nhà văn Dương Thiên Lý là bởi dù trong thể văn nào, viết về sự kiện gì, con người nào, thuộc không gian nào thì cuối cùng vẫn hiện lên sáng rõ một ký ức lương thiện về một quá khứ hào hùng và đau khổ của con người Việt Nam trên dải đất hình chữ S, đã nếm trải lửa đỏ và nước lạnh của chiến tranh lâu dài và tàn khốc chưa từng thấy trên thế giới thế kỷ XX. Chiến tranh không phải là trò đùa, cũng không phải là ngày hội. Nó là điều con người không mong muốn nhưng buộc phải chấp nhận trong một hoàn cảnh bất khả kháng. Chiến tranh vốn gây chia lìa đau thương như sự chia lìa của chiến sỹ Thắng và cô thôn nữ Hòa trong truyện ngắn Gốc bần già bến sông xưa mở đầu tập sách. Theo tôi, đây là tác phẩm hay nhất trong bộ sưu tập 25 tác phẩm tạo nên cảm hứng ở người đọc muốn theo dõi (đọc) tiếp. Đây là điều hết sức quan trọng trong tiếp nhận nghệ thuật, ở đây là văn chương - nghệ thuật ngôn từ. Chiến sỹ Thắng trở về vùng đất cũ, cách đó mười năm anh gặp cô thôn nữ Hòa. Họ thuộc về nhau và tượng hình bằng giọt máu, sau này là bé Hải. Sau mười năm gió bụi trở về, với Thắng là một cuộc chiến đấu mới khi anh là một “dị nhân” (trong một trận ác chiến, anh bị thương bởi lửa bom Na –pan, con người tráng kiện đẹp đẽ xưa giờ dị dạng và dúm dó ngoại hình). Ở trong Trại thương binh nặng anh mặc cảm về sự tàn phế của mình nên không muốn tìm gặp Hòa – mối tình đầu đời vẫn còn cháy sáng niềm hy vọng trong anh, đặc biệt anh mơ hồ cảm nhận mình hạnh phúc khi được làm bố cách nay mười năm. Cuối cùng anh đã vượt qua được mặc cảm trở về gặp vợ (Hòa) và con trai (Hải). Một cái kết có hậu đẹp không thể đẹp hơn theo truyền thống tâm lý và đạo lý của người Việt Nam. Gia đình chiến sỹ Thắng đoàn tụ sau bao nhiêu máu xương đã đổ của hàng triệu người, trong đó có phần của chính anh. Có một tình tiết, theo tôi rất đáng quan tâm: vị Phó chủ tịch huyện vợ chết, có tình cảm và theo đuổi chị Hòa  đã lâu, nhưng khi thấy chiến sỹ Thắng trở về đoàn tụ gia đình thì anh ta im lặng rút lui trong danh dự. Đó cũng là một người đàn ông chân chính và cao thượng. Hơn thế anh còn tạo điều kiện giúp đỡ gia đình thuộc diện chính sách như gia đình chị Hòa. Ở trên tôi có nhận xét, truyện của Dương Thiên Lý không phải là một khám phá bất ngờ đầu tiên về chủ đề này. Nhưng đọc truyện của chị, ta thấy cái tình, cái nghĩa rất lớn, nó bao phủ, ẩn náu, lan tỏa trong từng câu chữ. Sự trở về đoàn tụ ngoạn mục của chiến sỹ Thắng, mầm hạnh phúc nảy nở chính là một sự tìm thấy thời gian đã mất. Mất vì bị chiến tranh tước đoạt, mất vì cả một quãng đời thanh xuân của chiến sỹ Thắng đã ném vào trận mạc. Cả mười năm trăng rằm đời người con gái của Hòa cũng theo đó bị nhấn chìm trong sóng bể dư luận (không chồng mà chửa). Truyện có dư vị, dư ba và tạo liên tưởng về vấn đề nhân cách con người đang có nguy cơ bị xói mòn trong đời sống hiện nay khi bước vào cơ chế thị trường đầy rẫy cạnh tranh vì lợi nhuận.
Truyện ngắn Chuyện bắt chồng bên bờ sống Bé cũng có mô típ chủ đề “đi tìm thời gian đã mất”. Vũ Hải là bác sỹ Quân y trong chiến tranh. Anh đã có gia đình ở miền Bắc. Trong thời gian công tác ở Tây Nguyên, anh gặp và có tình cảm với cô Hồng, y tá người dân tộc S’Tieng, kết quả cô mang giọt máu của Vũ Hải, sinh con trai.  Do lo sợ bị kỷ luật nên Vũ Hải đã chạy sang vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn trong vai kẻ chiêu hồi. Anh ta được Chính phủ Quốc gia Sài Gòn thu nạp, được cha Tuyên úy  giúp đỡ và sử dụng, thậm chí dựng vợ gả chồng giúp. Nhưng đến ngày 30-4-1975 thì cô vợ của Vũ Hải di tản theo ngài Tuyên úy mang theo đứa con không phải của Hải, mà của ngài Tuyên úy. Thật là một tấn bi hài kịch cõi nhân gian. Sau chiến tranh, Vũ Hải không dám về quê Bắc, người vợ đầu làm giấy ly hôn vắng mặt chồng. Anh ta  đành vào Sài Gòn tìm việc làm, ở một phòng khám tư nhân. Tại đây anh ta gặp lại Hồng và đứa con trai của mình đã 19 tuổi. Hồng bị thương trong chiến tranh. Nay là Trạm trưởng Y tế xã, chị kéo anh về với mẹ con mình và mở ra trước mắt anh một tương lai tươi sáng: “Trước đây anh là chỉ huy của Hồng, bây giờ Hồng là lãnh đạo của anh, thế thôi. Rồi khi em nghỉ hưu, anh là Trạm trưởng....Mấy năm nữa, con trai anh, thằng Hiển, tốt nghiệp bác sỹ, nó sẽ thay anh”.
Trong cuộc chiến tranh, có những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên nhưng đôi khi như định mệnh. Thời gian là nhân chứng cho những cuộc bể dâu. Chuyện cổ tích thời trận mạc (Truyện ký) kể lại cuộc trở về vùng đất cũ năm xưa ở chiến trường của ông Hải nhân dịp ông vào dự đám cưới con trai, lấy vợ người dân tộc S’Tieng, vùng Bà Rá – Phước Long. Ông Sáng (thông gia của ông Hải) trong câu chuyện tâm tình đã nhận ra ông ông Hải - người lính Giải phóng năm xưa. Trong chiến tranh may rủi đã khiến họ gặp nhau từ hai bên Quân Giải phóng  (ông Hải) và Quân lực Sài Gòn (ông Sáng). Ngày ấy cả hai gặp nhau trong tình huống gây cấn: ông Hải bị thương nặng may mắn đã gặp được người lính Cộng hòa Sáng có tâm, đã cứu giúp người lính Giải phóng. Thời hậu chiến, họ ngồi bên nhau trong vai thông gia. Thật là quả đất tròn đã tạo cớ đoàn viên. Cuộc hội ngộ này sẽ không có nếu ngày trước một trong hai người say máu...Câu chuyện đoàn viên này thấm nhuần tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc như một truyền thống văn hóa – đạo lý của người Việt Nam. Đi tìm thời gian đã mất, với những người tham gia trận mạc như ông Sáng và ông Hải, là tìm ra để rồi xóa đi hận thù, lấp hố ngăn cách giữa những người chung dòng máu đỏ Lạc Hồng, san lấp cái hố định kiến vô lý và dai dẳng giữa “bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc”.
Mô típ chủ đề “đi tìm thời gian đã mất”, theo tôi, còn thấm đậm trong các truyện ngắn và truyện ký khác như Đất lành chim xây tổ, Phúc ấm đời người, Chuyện tình trong hang đá,...
Cổ nhân nói “Văn là người”, tôi nghĩ, rất sát hợp với nhà văn Dương Thiên Lý. Có thể nói, qua nhiều tác phẩm văn xuôi của nhà văn Dương thiên Lý mà tôi đã có dịp đọc kỹ (một số đọc từ bản thảo), thấy rõ ràng một chất văn, giọng văn đặc biệt – chân thành, cởi mở, thấu triệt sự thật đời sống. Dương Thiên Lý có lối viết thẳng băng như cách chị ứng xử với đời, với người. Không rào đón, đưa đẩy, lúc nào cũng trực diện, đi thẳng vào trung tâm vấn đề. Nên có thể  ai đó còn phân vân, văn người này ít mềm mại, ít trau chuốt, ít gia vị màu mè nên có vẻ “khô khan”. Tôi nghĩ khác, mỗi người viết văn đều có cái “tạng” riêng, không giống ai. Tôi cũng đã hơn một lần chia sẻ với tác giả điều này và đều nhận được câu trả lời “Con người em thế nào thì văn em thế ấy”. Đúng thế, non sông có thể thay đổi, còn bản tính con người khó lắm thay. Tôi đang nói về “giọng” của Dương Thiên Lý trong văn, một vấn đề được coi là cốt lõi của cá tính sáng tạo của một nhà văn.
Đọc văn xuôi Dương thiên Lý, tôi quý cái nhiệt hứng của nhà văn, lúc nào cũng như một núi lửa chực phun trào ra bằng câu chữ. Hình như lúc nào ngưng viết là con người sáng tác trong chị bức bách, băn khoăn, day dứt một đòi hỏi lại phải tiếp tục cầm bút viết. Viết một cái gì mới, dù hay hay chưa hay, chưa tính đến. Cứ viết như một nhu cầu thường trực của nội tâm – viết để phóng chiếu mình, để giãi bày và mong tìm tiếng nói tri âm tri kỷ từ người đọc./.
                                                                        Hà Nội, tháng 3 - 2021
 
                                                                                     B.V.T

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)