DẶM DÀI ĐOÁ SEN XANH TRÊN NẺO ĐƯỜNG ĐẤT NƯỚC VỚI TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG VÀ LÝ TƯỞNG SỐNG
TỐNG THỊ THANH
“Búp sen xanh” là tác phẩm văn học vừa thỏa mãn được chất văn vừa là góc nhìn về cuộc đời, ước mơ và tình yêu của Nguyễn Tất Thành (chủ tịch Hồ Chí Minh). Tiểu thuyết “Búp sen xanh” qua ngòi bút của Sơn Tùng, gây mến yêu cùng đồng cảm cho nhiều thế hệ độc giả. Câu ví dặm mãi êm đềm như nước Hương Giang và không ngừng rì rầm như cửa biển Nam Trung Bộ tiễn Người lên con tàu lịch sử vào 6/1911.
Như chúng tôi có đề cập, chủ tịch Hồ Chí Minh hay sinh thời là Nguyễn Tất Thành mang ý nghĩa và tình cảm riêng trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Không ai trong chúng ta không yêu quý và thần tượng Người. “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng cũng nói lên cái ý đó. Bác Hồ là hồn dân tộc, là khát vọng tự do, là điều thiêng liêng, cao quý. Bác là cậu bé Cung (Coong), là thày giáo Nguyễn Tất Thành, là anh Ba đầu bếp.
Để đi đến một chặng đường như vậy, chủ tịch Hồ Chí Minh đã được rèn giũa trong cái nôi gia đình nho học, khí tiết kiên trung của người cha (Nguyễn Sinh Sắc), vốn học vấn truyền thống và tây học, thực tiễn bất công đói nghèo của dân tộc dưới ách nô lệ thực dân, niềm tin vào cái tốt và tình yêu trong trẻo.
Nhà văn Sơn Tùng đã giúp người đọc ngày hôm nay, nhìn lại tuổi thơ, gian khó, lòng yêu nước, hoài bão của Người cũng như nguồn cội, những yếu tố ảnh hưởng, tác động đến Bác trên đường đời, lòng hướng thiện trong con người Bác, tình yêu thanh xuân, chí hướng vượt ra khỏi những tư tưởng bế tắc đương thời.
“Búp sen xanh” của Sơn Tùng, là cuốn sách đậm chất văn, trữ tình, giàu tình cảm, chân thật và gần gũi. Tính văn chương không tách rời lịch sử. Lịch sử được ghi nhận qua mỗi câu văn, trăng văn. Nói như vậy, để thấy rằng, nhà văn Sơn Tùng đã thành công khi viết về một nhân vật lịch sử, viết về lãnh tụ, đời thường, đi sâu vào điệu tâm hồn nước Việt nhưng vẫn đảm bảo niềm kính yêu, sức lay động, sức nặng của đề tài.
Viết về Bác thì rất nhiều người đã viết, họ viết bằng nhiều thể loại, không chỉ có văn học mà lịch sử, âm nhạc… Tiểu thuyết “Búp sen xanh”, mang tiếng nói riêng, cách nhìn riêng, niềm kính yêu riêng, và cả sự đồng cảm của chính tác giả về lãnh tụ, về bác Hồ của chúng ta. Lối văn thuần Việt, nhà văn Sơn Tùng, đã đưa lời ăn tiếng nói của các bà, các mệ vào văn xuôi, đưa hồn dân ca và dân gian vào việc biểu hiện cốt lõi của văn hoá và truyền thống dân tộc, tình thần hiếu học, không chịu làm nô lệ, ý thức vượt lên cái hạn chế của thời đại.
Trong tác phẩm này, nhà văn Sơn Tùng đã cho thấy thiên tư, phẩm chất hơn người của Nguyễn Tất Thành từ thưở ấu thơ, hoài bão bay ra biển lớn, nỗi yêu nước thương dân, sống như một người lao động, đầy ước mơ và mong ước về tình yêu. Lãnh tụ hiện lên không phải xa vời, lý thuyết, chịu sự tác động của quan điểm nào, cũng không mang tính nôm na, kể lể. “Búp sen xanh” của Sơn Tùng là hồn dân tộc, là chủ nghĩa yêu nước, là tuổi trẻ, là cánh chim bãi bằng. Bác trở nên gần gũi, chân thật, thực tế, nhiều boăn khoăn, nhưng giàu tình cảm, sâu sắc, như búp sen xanh giữa hồn dân tộc. Nhận thức như thế, để chúng ta thấy rằng, Bác là cốt cách dân tộc, là trí tuệ thời đại, là ý chí nước Nam.
Từ cuộc đời bác Hồ, “Búp sen xanh” cho độc giả thấy được cả lịch sử dân tộc, tiếng lòng người Việt Nam, khí tiết của bậc chí nhân, quân tử, vẻ đẹp của quê hương, đất nước, của thuần hậu và mãnh liệt. Chính những lý do đó, mà người Việt mới đoàn kết, thống nhất và bền bỉ để giữ truyền thống và vươn lên tự do. Điều này là ước mơ, mong mỏi, niềm tin, mà họ, những con người Việt Nam muốn khẳng định, giữ gìn và bảo lưu.
Đọc “Búp sen xanh” như hiểu thêm về dân tộc, như hiểu thêm về chủ tịch Hồ Chí Minh, như hiểu thêm về nguồn cội cha ông, như hiểu thêm về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, như hiểu thêm về giá trị cuộc đời. Ngày hôm qua đã lùi vào dĩ vãng và quá xa nhưng lòng của chúng ta thì khôn nguôi và không thể quên quá khứ. “Búp sen xanh” để thêm niềm tin về chân, thiện, mỹ, về ý nghĩa cuộc đời, về tình yêu và đất nước.
Búp sen xanh là bông hoa non trẻ, có thực trên đồng mênh mông khi vừa chớm nở, mỗi ban mai còn lấm tấm đầy sương, hoà mình cùng lá và nhiều đóa sen khác. Có sen hồng, sen trắng, rồi ta lại được biết đến “Búp sen xanh” trong văn Sơn Tùng. Đấy là đóa sen của tiềm thức, của lòng người, của cao cả.
Tác giả Tống Thị Thanh
Email: thanhdasonhabac@gmail.com
Người gửi / điện thoại