bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 

nghiêm thị hằng 0948360597

Xin chân thành cảm ơn ban biên tập CLB Văn chương đã đăng bải chia sẻ thông tin về hành trinh tìm dấu tích phàn mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương như mò kim đáy biển

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TAC NHIỆT TÌNH CỦA NHÀ THƠ LÊ ANH PHONG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 12
Trong ngày: 74
Trong tuần: 844
Lượt truy cập: 756565

TRUYỆN NGẮN HỒ BÁ THƯỢC

K27


HỒ BÁ THƯỢC 

 

Thoạt nghe, thấy quen quen, nhưng mãi rồi cũng không biết K27, là cái gì. Có phải mật danh tình báo trong nước, hay ngoài nước, mà người ta thường đặt tên như thế? Cũng có thể, đó là khu vực quân sự, họ đặt K này, K kia để giữ bí mật? Hay, đất đai thuộc dự án nào đó, chưa kịp đặt tên trong hồ sơ? Bây giờ, khách sạn, nhà nghỉ, đang mọc lên như nấm, cũng hay đặt cái tên này?.

Thực tình, tôi cũng tò mò muốn biết K27, sự thể nó ra sao, chứ không phải, muốn mở mang thêm chút trí tuệ. Cái mà xưa nay, vốn dĩ trong đầu óc nhỏ hẹp của tôi, không có. Trong mớ hỗn độn đó, tôi chợt nhớ tới ông bạn bộ đội, khi xưa cùng làm việc ở Trường Sơn, may ra anh ta biết? Thực ra, tôi và ông bạn đều là cán bộ dân sự, được điều về Phòng Kỹ thuật mở đường 20. Làm xong đường, ông bạn tôi chuyển sang quân đội, nhưng lại biệt phái sang bên “dân sự”. Còn tôi, vẫn ở đơn vị “dân sự” nhưng hoạt động tuyến ngoài. Thành ra, tôi và ông bạn, thỉnh thoảng mới gặp nhau. Hết thời kỳ biệt phái, cậu ta về Bộ, còn tôi vẫn loanh quanh đơn vị cũ.

- Cậu có biết K27, là gì không?

- Sao thế? Bây giờ đi buôn “hàng nóng” à?

- Nóng, lạnh gì cơ chứ, tôi chỉ muốn biết, nó là cái gì thôi?

Hắn trừng mắt, nhìn tôi chằm chặp, rồi đập bồm bộp vào ngực mình:

- Đây! K27 ở chỗ này này.

 Tôi trố mắt nhìn, tưởng hắn đùa. Nhưng trong nháy mắt, hắn lôi trong túi áo ngực ra một khẩu súng ngắn, nhỏ, gọn, trần trụi, nước thép bóng loáng. Tôi lặng người vì bất ngờ. Hắn bảo:

- Đây là khẩu súng có tên gọi K27, do Rumani sản xuất, viện trợ cho quân đội ta, trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.

- Tại sao cậu lại có nó?

- Đó là một câu chuyện dài. “Hắn” theo tôi gần trọn cuộc đời. Có người bảo, nó là “thần hộ mệnh” của tôi. Từ từ, tôi kể cho nghe. Hắn kéo tôi vào quán nước bên vỉa hè, vắng khách. Chưa tợp xong ngụm nước, tôi sốt sắng giục, hắn rề rà kể.

Cuối mùa mưa. Mặc dù mưa chưa dứt hẳn, nhưng các đơn vị Vận tải chiến lược của Bộ, bắt đầu thăm dò đường sá, lập kho tàng, bến bãi, lập cung, lập chuyến, cho kế hoạch vận chuyển mùa khô.

Tôi là “lính” của Bộ, được biệt phái vào Binh trạm vận tải. Là công binh, đương nhiên phải bám đường, bám cầu, không lẽ bám hậu phương, kè kè bên vợ con? Nhập tuyến, mới thấy sự ngổn ngang mùa mưa tàn phá nặng nề, đến mức nào? Con đường dị dạng, méo mó, không dễ phân biệt được, đâu là nền đường, đâu là đất trên sườn núi đổ xuống? Xe qua được U Bò, sang ngầm Khe Tum, thì bị tắc nghẽn, vì bùn sụt quá dầy.

Đúng là “kẻ cắp” gặp “bà già”. Ta muốn cướp thời gian nhập tuyến, sớm một chút. Thằng địch, hắn cũng muốn đón lõng ta, tung máy bay trinh sát lùng sục suốt ngày đêm. Hai bên gặp nhau. Đương nhiên, thiệt hại phần nhiều thuộc về ta. Hắn tự do trên trời, ta chui lủi dưới đất.

Trong ánh sáng đèn dù, tôi đi xe tiền trạm, trúng loạt đạn rốc két đầu tiên. Xe bốc cháy dữ dội, lác đác có đạn nổ. Tôi bị văng xuống hố bom đầy nước. Khi ngoi lên được miệng hố, đã thấy cậu lái xe ngất lịm, cánh tay trái máu chảy xối xả, tay phải nắm chắc khẩu súng ngắn.

 - Làm sao đã bị thương, mà cậu ta mò được khẩu súng khi xe bị bắn cháy?

  Chỉ nghĩ vậy thôi, chứ thật ra cậu lái xe máu chảy quá nhiều, gần như kiệt sức. Có hỏi, cũng bằng thừa. Tôi nhanh chóng, lấy lại súng của cậu, đút vào túi áo ngực của mình, cài cúc cẩn thận, rồi băng bó, dìu cậu lái xe đi ngược về phía sau. Máy bay vẫn lùng sục, tiếp tục rải bom. Tôi và cậu lái xe, lại một lần nữa ngập ngụa trong ánh chớp ma quái của bom bi, bom vướng các loại.

Khi về được đội hình xe đang giấu phía sau, đồng đội tách được chúng tôi ra, cậu lái xe đã chết, trên người găm nhiều viên bi. Mọi người sờ nắn, bảo tôi không việc gì, chỉ hai tai đầy máu, điếc đặc…

Đấy, từ ngày xa nhau ở Tiền phương phía Nam, cậu đi theo Ban 67, vào tận Khe Gát, Chó Rọ, còn mình về đơn vị Vận tải chiến lược, chuyên đời đi biệt phái các chiến dịch.

Khi hết thời chinh chiến, cơ quan điều tôi về xây dựng âu tàu A137, trên sông Cấm, cùng với sếp hồi ở Bộ tư lệnh Tiền phương. Lúc hai thầy trò, đang mò mẫm kéo dây cáp dưới bùn nước, được tin có một đại úy đặc công nước Đặng Duy Loát, mới được bổ sung về đơn vị. Là thủ trưởng, lẽ ra phải điềm đạm, trước một việc cho dù việc nhỏ hay to, tốt hay xấu. Nhưng khi nghe tin có “lính” mới bổ sung, ông không ghìm được nỗi sung sướng, kéo tôi cùng chạy về, mặc cho bùn đất, bê bết từ ngực áo xuống đôi giày cao cổ.

Vừa bước vào nhà chỉ huy, gặp ngay tay “đặc công nước”. Hắn có dáng người thấp, to bè, ngực rộng, giọng oang oang:

- Chào thủ trưởng, em vừa được cấp trên điều về. Có phải ba đời cụ kỵ nhà thủ trưởng làm quan lại, bố lính khố xanh, khố đỏ? Có ngày sếp sẽ dính vào vòng lao lý đấy, mặc cho sếp xứng đáng là anh hùng… Cuối cùng sếp cũng có người phù trợ giúp đỡ.

Tôi chợt nghĩ, không có thằng cha nào lại mạnh mồm, bạo miệng đến thế. Chưa gặp lần nào, dám phanh phui, chuyện gia đình người ta. Hơn nữa, đây là thủ trưởng của mình. Tôi đang tự biện hộ cho sếp, thầm trách cậu trợ lý mạnh mồm. Nhưng thật bất ngờ, sếp nhảy phắt lên giường mặc kệ bùn nước vung vãi, quì gối, vái ông trợ lý đặc công nước như tế sao:

- Tôi lạy ông, tôi lạy ông. Ông là thánh sống
của tôi…

Tôi sợ xanh mắt, dạt ra một bên cửa, đứng lấp ló. Tay đặc công nước nhìn thấy, liền chỉ vào mặt:

- Còn cậu này nữa, - hắn chỉ vào tôi - luôn có quí nhân phù trợ, nhờ chút sắt thép trong người, mà không chết, nhưng đường công danh của cậu, sau này lận
đận lắm…

Năm ấy, Sếp đang làm Chủ nhiệm Hậu cần cơ quan cấp Cục, được điều về xây dựng, sửa chữa tàu, xà lan cho quân đội. Thực ra, công việc này không thuộc chuyên môn của ông, nhưng vì ông có năng lực tổ chức, được cấp trên tin tưởng giao cho. Chẳng bao lâu, ông cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Theo đà ấy, ông lại được điều động về xây dựng nhà máy xi măng X300. Do thiếu vốn, ông linh hoạt ký hợp đồng với các Sở, ban ngành của Tỉnh để mượn vốn ban đầu của họ, sau đó trả nợ bằng xi măng. Nhờ tài vận động khéo léo, và linh hoạt, sếp hoàn thành xuất sắc xây dựng nhà máy xi măng đầu tiên của Quân đội.

Ngày cấp trên rầm rộ kéo nhau xuống khánh thành, chỉ thấy sân nhà máy rộng mênh mông, không một bóng người. Tay trợ lý báo cáo với Chủ nhiệm chính trị:

- Có lẽ ta nghe nhầm ngày cắt băng khánh thành nhà máy hay sao ấy. Bây giờ, chả thấy tý gì chuẩn bị cho ngày trọng đại ấy cả.

Vừa dứt lời, thấy một toán người lật đật từ văn phòng nhà máy chạy ra đón đoàn. Cùng lúc, ngoài đường tỉnh lộ, có mấy xe ô tô tiến vào bãi hạ hàng, dựng lều, căng bạt, bầy cỗ. Chưa đầy một giờ sau, “khánh phòng” lộng lẫy cờ hoa, thơm nức tiệc tùng… (đây là kiểu liên doanh của nhà máy với ty Thương nghiệp tỉnh, họ chịu trách nhiệm lo ăn uống, tiệc tùng ngày khánh thành, cũng được hứa trả tiền bằng mẻ xi măng đầu tiên???…).

Khi ngồi vào bàn tiệc, quan chức mới giật mình, hỏi, tại sao nhà máy hoàn thành trước thời hạn, chất lượng xi măng kiểm định vượt yêu cầu. Tiền ở đâu ra? Thế là, người ta kiểm tra, xem xét, điều tra, chuẩn bị truy tố sếp về tội cố ý “đi trước thời đại”, chưa có ai liều lĩnh, dám làm chuyện động trời như thế?

Không biết sau này, số phận sếp tôi thế nào nhưng quả đúng như tay đặc công nước cảnh báo. Đôi khi tôi nghĩ, hay thằng cha này có thâm thù, âm mưu để hãm hại, đưa sếp tôi vào tròng?

Tôi sốt ruột, hỏi: “Thế còn K27 thì sao?”. Hắn thong thả kể tiếp:

- Tay đại úy đặc công nước “phán” tôi thoát nạn, quả không sai. Cuối cùng, cũng phải công nhận, hắn có cái nhìn tướng số, quá “siêu việt”. Sau vụ bị thương, xe đi tiền trạm, họ đưa tôi về binh trạm kiểm tra sức khỏe, nghỉ ngơi. Có thời gian rỗi rãi, tôi mang khẩu súng ra xem. Quả thật khẩu súng nhỏ gọn, rất đẹp, nhưng có một viên bi dính chặt trên báng nhựa. Tôi ngờ ngợ, lấy áo sơ mi ra, lần túi áo thấy một lỗ thủng, trùng với vị trí súng trên túi áo ngực. Mặt tôi tái đi, nếu không có báng súng làm cản hướng đi của viên bi, chắc chắn tôi đã bị xuyên ngực, ra đi cùng với cậu lái xe. Tôi giấu kín khẩu súng dưới đáy ba lô, cho đến ngày tay đặc công nước “phán”. Từ lúc ấy, tôi mới thấy sự linh nghiệm đến tột độ, cho rằng, nó là thần hộ mệnh của tôi. Nếu tôi rời xa nó, không biết số phận tôi sẽ ra sao, ai phù trợ, mỗi khi số phận tôi bị đe dọa?

Sau ngày giải phóng Sài Gòn, ngoài khẩu súng, tôi may mắn mua được chiếc xe máy nữ Suzuki, màu đỏ cờ rất đẹp. Từ ngày có xe, tâm tính của tôi cũng thay đổi theo. Người ta nhìn con xe đẹp, tán thưởng, thì tôi lại nghĩ, họ đang có âm mưu gì khác? Thậm chí, có hôm đang đi trên đê vắng, mấy cậu thanh niên chạy xồ ra, khoa chân múa tay, như muốn tôi dừng xe. Tôi đồ, đây là bọn cướp, liền quay đầu xe, chạy tháo thân. Có một lần từ đơn vị về nhà quá khuya, chỉ mình tôi với ông chủ đò. Sau khi đẩy xe lên con đò nhỏ hẹp, tay chủ đò không cho rời bến ngay, ông ta thong thả ngồi tát nước, khiến tôi nghi có điều gì khuất tất?

- Không lẽ hắn cho đánh chìm đò, giết người, cướp xe?

Thoáng nghĩ đến điều đó, tôi thấy sợ, liền nói dối để quên giấy tờ ở đơn vị, không đi nữa, quay lại. Từ ngày tôi có chút tài sản, nhìn người ngay, tưởng kẻ gian. Đi đằng trước, giật mình quay lại phía sau, tưởng có ai bám đuổi. Cuối cùng, tôi như con người bệnh hoạn, lúc nào cũng lo nghĩ, an toàn bản thân, Được tay đặc công nước phán, có quí nhân “phù trợ”, thế là tôi mê súng hơn cả vợ con, đi đâu cũng giắt súng theo.

Sự tự tin trở lại, từ khi tôi xin được mấy viên đạn. Tôi không ngại va chạm, đi đứng, có vẻ ngông nghênh hơn. Nếu cần kín đáo, tôi để súng trên túi áo ngực, cài cúc cẩn thận. Nếu muốn khoe khoang, giắt súng vào bụng quần, cốt để cho họ biết, tôi có súng, liệu mà giữ mình.

Về hưu, đi buôn than trên biển, tôi cũng mang theo súng. Mấy anh em thủy thủ trên tàu, có vẻ yên tâm khi neo đậu tại các bến lạ. Dù không hăm dọa, đe nẹt ai, nhưng có súng, khiến nhiều người cũng phải gờm.

Một lần, con tàu MIC 300 tấn chở đầy than từ Hòn Gai qua kênh Kiến An về Hà Nội. Con tàu đi ngược nước nặng nề. Bỗng thấy, gần chục người chạy trên bờ theo hướng con tàu. Đến khúc sông cong, cả bọn như cướp biển tay gậy, tay dao, nhảy ào ào lên tàu, khống chế thuyền trưởng, bắt tàu cập bờ. Lý do chúng đưa ra, tàu than húc đổ cọc đáy của chúng, phải nộp tiền chuộc.

Sau khi chúng “dong” thuyền trưởng đi, tôi bàn với anh em thủy thủ còn lại, kéo nhau đi cứu người. Tôi mặc bộ quân phục, tay lăm lăm khẩu súng K27, bốn thủy thủy lóp ngóp chạy theo sau. Đến nơi, thấy bọn chúng trói thuyền trưởng, tôi tức giận, đập mạnh báng súng xuống mặt ghế, quát to đến mức chối tai:

- Tôi đại úy đặc công nước Đặng Duy Loát, đi trên con tàu này. Tôi sẽ ra hiện trường, lặn xuống kiểm tra. Nếu quả thực cọc đáy bị gãy, chúng tôi sẽ đền tiền. Còn không, các ông phạm tội dựng hiện trưởng giả, bắt người, cướp tài sản bất hợp pháp. Tôi sẽ mời công an huyện xuống, lập biên bản…

Sau khi “cứu” được thuyền trưởng, không phải nộp tiền, chúng tôi chạy về tàu, rồ máy đi luôn. Bọn thủy thủ xúm lại nhao nhao hỏi:

- Đại úy đặc công nước Đặng Duy Loát là ai, mới nghe danh, bọn hắn đã sợ?

- Đó là thầy tướng số, cùng làm việc với tôi trước đây ở cảng DN.

 Cầm súng, là tôi nhớ đến hắn và, xưng tên hắn cho oai. Hơn nữa, một thời hắn nổi tiếng ở An Lão, với cú đấm xoáy mạng mỡ. Hắn bảo, muốn cho đối thủ sau ba ngày, hoặc năm ngày thổ huyết ra mà chết, tùy theo công năng khi ra đòn. Hắn đấm vào bụng lợn. Sau ba ngày mổ ra, thấy năm đầu ngón tay xoáy sâu vào mạng mỡ, huyết bầm tím, mọi người sợ chết khiếp. Dân tình trong vùng đồn thổi, từ Đại úy trở thành Đại ca, lừng lẫy một thời ở đất cảng.   

Nhiều người hỏi tôi:

- Tại sao ông mê súng đạn đến vậy? Lúc nào, cũng thấy ông kè kè bên mình là sao?

Tôi không thể giải thích cho các người biết được, vì sao, tôi lại “dại dột”, dính vào loại vũ khí chết người ấy. Nếu có ra tòa, họ tuyên án, “chẻ” đôi người tôi ra, mọi người sẽ thấy, một bên là súng đạn. Phần còn lại, mới là máu thịt của tôi. Nhưng tòa tuyên án, đã là quá muộn! Bởi thời chiến tranh, chúng tôi được cấp trên cho ăn ngon, để đi vào chỗ bom đạn nguy hiểm. Thậm chí, họ còn làm lễ truy điệu, coi như tế sống chúng tôi, trước khi vào cõi chết. Bây giờ vì súng đạn, nếu có “án tử” thêm một lần nữa, cũng là cái chết sau, chẳng thú vị gì?

Nhưng, phiền phức nhất, bị vợ con chì chiết, nếu sự việc không may xảy ra, không chỉ thiệt mình đã đành, lại còn thiệt thòi cho vợ con. Vì thế, nhiều lần vợ chồng lục đục với nhau. Có lần, xuýt nữa “đường ai nấy đi”, cũng vì chuyện súng đạn.

Một lần khác, chuyện hết sức vô tình thôi, nhưng lại xảy ra có vẻ rất “hình sự”, khiến tôi khiếp vía. Một lần ở cơ quan về nhà, trời cũng vừa tối. Hình như, mọi người đang ăn cơm, vui vẻ lắm. Ghé mắt nhìn vào, ngoài mẹ, vợ, và hai đứa con, còn thêm một người đàn ông nữa. Vì ngược sáng, không nhìn rõ mặt. Vào trong nhà mới nhận ra ông Sa, thủ quĩ kiêm thủ kho của cơ quan vợ. Mọi người mời ăn cơm. Tôi bảo:

   - Cả nhà ăn cơm trước đi, tắm xong, tôi ăn sau.

   Ông Sa nói luôn:

   - Tôi cũng nấu nồi cơm riêng, nhưng bà cụ, và cô Liên bảo mang sang cùng ăn cho vui, không có gì đâu, chú nhé!

Tôi chưa kịp trả lời, ông đã đứng lên, bê nồi cơm đi vội về phía phòng ngủ của mình, ở cuối dãy.

Sáng hôm sau, nhân lúc vợ đi chợ, tôi thong thả mang súng ra lau chùi, tra dầu mỡ. Khẩu súng vẫn đẹp, bóng loáng. Viên bi gắn chặt vào báng súng, như số phận đã được an bài. Băng đạn tháo ra, chỉ còn hai viên. Tháo đạn khỏi nòng, lên qui lát, nhằm vào lỗ tròn trên cánh cửa, nheo mắt bóp cò. Cò mổ, đập vào kim hỏa, nghe tanh tách, vui tai đáo để. Thuận tay bấm luôn mấy cái liền. Bỗng, thấy một bóng người lướt qua, tôi mở tròn hai mắt, nhận ra ông Sa, vội bảo:

- Ông Sa đấy à, mời ông vào trong này uống  nước, nói chuyện cho vui?

- Không dám, tôi đang bận lắm, chú à!

Chiều hôm ấy, và cả ngày hôm sau, không thấy ông Sa đâu cả. Tàu bè đến giờ nhổ neo, vẫn chưa nhận được tiền ăn, dầu mỡ. Ông đi vắng, không ai thay thế được. Cơ quan cho người đi tìm khắp nơi, nhưng ông vẫn biệt tăm. Nhớ lại tối hôm trước, vợ nghi tôi là người gây ra chuyện, liền cấm cảu:

- Rõ ràng, anh đưa súng ra lau chùi là cố ý đe dọa ông ấy?

- Anh không có ý ấy, chuyện lau súng là hết sức tình cờ. Ông ta đi ngang qua, nhìn thấy, không chừng nhạy cảm quá, “có tật giật mình” mà thôi.

- Anh nói thế là có ý gì? Anh thử hỏi mẹ xem, ở nhà đã xảy ra chuyện gì?

Nói xong, ấm ức rồi lăn đùng ra khóc. Ông Dật, sếp của vợ đi ngang qua, thấy thế hỏi:

- Chuyện gì, mà cô chú cãi nhau?

- Chẳng có chuyện gì đâu bác ạ. Sáng qua, tôi mang súng ra lau chùi như mọi khi, ông Sa đi qua nhìn thấy, tưởng tượng ra thôi.

Ông Dật nhẹ nhàng bảo:

- Tôi biết chú là sĩ quan, không bao giờ làm chuyện như thế. Có thể, ông Sa chưa quen súng đạn, ngại quá, muốn xa lánh đâu đó cho an toàn? Hay là đêm nay, chú về tàu than của chú đi, mọi việc sẽ ổn thôi mà.

Không còn cách nào khác, chiều hôm ấy, tôi lặng lẽ trèo lên xe đạp, chuồn thẳng. Tàu dỡ than xong, tối hôm sau, tôi lại mò về. Không dám vào thẳng nhà như mọi khi, tôi nấp vào tường rào cơ quan, nghe ngóng. Trong phòng Giám đốc, mọi người đang uống nước, cười nói vui vẻ. Tiếng ông Sa oang oang:

- Tôi sợ gì súng đạn của chú ấy cơ chứ? Chẳng qua, tôi đi thăm bà con dưới Hà Nam, quên báo cáo với lãnh đạo. Còn sáng nay tôi về, tình cờ thấy chú ấy đi rồi, không có chuyện gì né tránh ở đây cả.

  Sáng hôm sau, vợ lên văn phòng làm việc sớm. Thằng con trai, thấy tôi ngủ dậy, dúi vào tay bố tờ giấy gấp tư, nói thư của mẹ, gửi cho bố:

“Anh có một trong hai sự lựa chọn:

Một là chối bỏ vợ con, hai là từ bỏ súng đạn.

                              Liên”

Tôi tự nhủ, sẽ không còn cãi cọ nữa đâu. Đây là “tối hậu thư” của bà xã. Đành phải tự đào huyệt chôn “quí nhân phù trợ” vào quá khứ thôi. Từ biệt nó, không biết lòng tôi có yên tâm hơn, hạnh phúc hơn không? Nhưng điều gì đến, cũng phải đến. Ôi, vĩnh biệt K27 thân yêu.

Suýt nữa tôi phát khóc, nhưng thật bất ngờ, sếp cũ đột ngột xuất hiện trước cửa phòng với khuôn mặt hốc hác, giọng không còn ra hơi:

- Chú còn khẩu K27 không?

- Còn.

- Cho anh mượn. Nếu qua được tai ương này, anh sẽ trả lại chú. Thần hộ mệnh của chú cũng là thần hộ mệnh của anh mà.

Sau đó, không biết K27 của tôi có giúp được gì cho anh, vượt qua nạn tù đày hay không? Nhưng cấp trên xét lại, việc cống hiến của anh lớn hơn rất nhiều so với tội “đi trước thời đại”. Việc truy tố anh ra tòa, sau đó được dỡ bỏ.

Riêng lý lịch bố anh là lính “khố xanh khố đỏ”, cũng được minh oan. Năm 1945 người chết đói ngoài phố Huế nằm la liệt, không có người đi chôn, chính quyền sở tại phải vào ấp TC lấy người. Bố anh, cũng được điều động đi làm việc đó. Để phân biệt người sống với người chết, người đi chôn được mặc quần áo màu đỏ. Vì suốt ngày chôn người trong ao chuôm tù đọng, nên quần áo từ màu đỏ, chuyển sang màu xanh.

Bố anh, “được” mang danh lính “khố xanh, khố đỏ” từ ngày đó.

                                      12/6/2017

                

 

        

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)