bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 66
Trong tuần: 1451
Lượt truy cập: 774770

GIỚI THIỆU TẬP PHỐ NINH CỐ SỰ CỦA VŨ THIỆN KHÁI

Vũ Thiện Khái & Mạch ngầm con chữ chảy mãi sông nguồn

                                                  ĐỖ XUÂN THU

Bạn đọc trang  Tác phẩm & Bạn đọc đã đọc nhiều truyện ngắn của nhà văn Vũ Thiện Khái trích từ tập PHỐ NINH CỐ SỰ.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của Đỗ Xuân Thu đăng trên vanvn.vn ( trang Website của Hội nhà văn Việt nam).

BAN BIÊN TẬP TÁC PHẨM & BẠN ĐỌC

 

Vanvn- Tác giả Vũ Thiện Khái ở Hội Văn học nghệ thuật Tây Ninh vừa trình làng tập truyện ngắn thứ 5 và là tập sách thứ 6 trong nghiệp viết của ông. Đó là tập “Phố Ninh cố sự”. Cuốn sách này tập hợp 17 truyện ngắn mà ông sáng tác trong những năm gần đây. Sách do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 10.2020. 

Vẫn nối tiếp mạch nguồn con chữ trong tập “Sông nguồn”, Vũ Thiện Khái đưa độc giả vào một thế giới vừa thực vừa ảo, đầy hấp dẫn. Từng trang, từng truyện như có ma lực cuốn hút người đọc ngược lại theo sông Nguồn, qua bến Phù Vân để về làng Kỳ Lân nào đó với những núi Chúa, thung lũng Cô Hồn, vụng Đức Ông… để gặp bao nhiêu nhân vật vừa thực vừa ảo, không rõ từ năm nảo năm nào, cứ hiện lên sờ sờ trước mặt. Hầu như tất cả các truyện trong tập sách này đều có yếu tố tâm linh. Bập vào những dòng đầu tiên của mỗi truyện, tôi không thể nào rời được trang sách. Nhiều đoạn, nhiều truyện tôi phải đọc đi đọc lại mấy lần vì bị lạc giữa bến Mê của tác giả. Ông đã dẫn dụ tôi đi tới những con chữ cuối cùng của truyện, cuối cùng của tập sách.

“Phố Ninh cố sự” – tập truyện ngắn của Vũ Thiện Khái 

Ngay câu đầu tiên, đoạn đầu tiên của truyện đầu tiên, Vũ Thiện Khái đã dụ: “Thuở tạo thiên lập địa, ở chỗ này có hai ngọn núi trôi dạt suýt đâm vào nhau. Nhưng rồi chả biết tại sao cả hai kịp dừng lại. Bây giờ giữa hai đầu núi vẫn còn hở ra một khoảng trống rộng chừng vài trăm mét. Đồng bào Khmer sở tại đặt cho cái tên Khe Đon”. Rồi cứ thế tác giả nhẩn nha kể những câu chuyện, vẽ những nhân vật rất điển hình nơi đây và ở cố hương xa xôi ngoài miền Bắc nữa.

“Hun hút gió Khe Đon” kể lại một câu chuyện đau lòng của một gia đình lên vùng kinh tế mới. Gia đình nhân vật “tôi” từ “tít tận miền Tây Sơn, Bình Định có nhiều núi cao, rừng rậm” tới đây “cô độc một ngọn núi Bà”, gặp chủ quán “Bốn Làng” (nói lái) với những tệ nạn xã hội hoành hành. Em gái nhân vật đã thành nạn nhân, bị tạt a xít nhầm, bị xe củi đè chết; gia đình “tôi” bị “con mụ bất nhân” lừa ẵm trọn số tiền xương máu của em gái trốn biệt. “Tôi” đã chạy như bay ra bến xe đầu xã, mang theo trong lòng ngọn lửa căm hận ngùn ngụt cháy, bỏ ngoài tai mấy tiếng gọi của ba tôi sau lưng: Dừng lại con ơi! Quay đầu lại con ơi!”. Đúng là cái ác dồn người ta đến tận cùng. Tuy vậy, lòng vị tha, đức nhân hậu đã vực đỡ “tôi” đứng dậy, đi tiếp. “Sông có khúc, người có lúc. Đừng bao giờ thối chí, nản lòng con ạ”. Lời mẹ năm nào vọng bên tai “tôi”. Cuối truyện là hình ảnh người mẹ nghèo khổ, thiếu đói nhưng đầy lòng nhân ái từ cõi khác hiện về. “Trưa nay, vẫn chỗ ấy, rạng rỡ như Phật Bà vụt hiện, má tôi giơ hai tay vẫy gọi. Tôi cuống quýt đập thùng xe xin dừng lại. Vẫn như hôm nào bà âu yếm ấp ủ tôi, hỏi: Con có nhớ lời má thủ thỉ cùng con buổi ấy không” và một cảnh tuyệt đẹp hiện lên, Khe Đon lung linh khoảng trời ngũ sắc, một ngã ba lung linh hoa cỏ.

Hình ảnh quê cha đất tổ, những con người cố hương kham khổ, yêu thương hiện về rõ nhất, sâu sắc nhất trên trang viết của tác giả. Các truyện “Phố Ninh cố sự”, “Chiều nay sương khói lên khơi”, “Ao Hậu”, “Hang Vàng”, “Chiếc đồng hồ cổ”, “Lá rụng về cội”, “Muôn nẻo đường về”… đều đằm nặng nghĩa tình ấy. Nhiều chi tiết ma mị nhưng lại rất đời. Tả, gặp, nói chuyện với người âm nếu không “mở nút” cuối mỗi chi tiết, mỗi đoạn thì độc giả lại cứ ngỡ là mình đang ở thời hiện tại vậy.

“Phố Ninh cố sự” là truyện ngắn được lấy tên cho cả tập sách. Câu chuyện xoay quanh nhân vật “gã” giấu con cái, ôm hũ tro cốt của vợ về Bắc giữa những ngày giáp Tết. Linh hồn vợ nói chuyện với mình, nói chuyện với những người thiên cổ cứ như chưa từng bị…chết vậy. “Gã” xuống tàu gặp rét đất Bắc, đã nói với vợ gã “Lâu lắm rồi, chúng mình đã quên cả mùa đông, giá buốt thế này bà có chịu được không? Tiếng vợ gã vo ve lẫn vào gió bấc: Đã sang cõi khác, ấm lạnh chả giống cõi người ông ạ”. Ôi! Sao mà gần gũi yêu thương đến thế này! Tình cảm vợ chồng, người dương kẻ âm, tình cảm cố hương, bản quán đọc lên mà muốn khóc. “Về đến đầu làng, tiện đường gã lặng lẽ đi thẳng ra khu mộ gia tộc. Đang cuối mùa đông, trời không ngớt mưa phùn rét mướt. Đường làng thưa thớt bóng người”. Một khung cảnh mùa đông đất Bắc thật điển hình. “Gã chạm cổng nhà lão Phách”, gặp lão ấy. Vợ gã (thực ra là dúm tro cốt trong chiếc bình sành trong ba lô của gã) lên tiếng: “Lão ấy chết lâu rồi. Đó là hồn ma không siêu thoát được đấy”. Rồi “Gã” gặp lại “giáo Hanh (tác giả vẽ ông giáo này bằng mấy câu rất ấn tượng) rồi hai người tâm sự quá nửa đêm mới “tạm dứt chuyện, đi nằm”.  “Gã lấy ba lô ủ vào trong chăn. Giáo Hanh nói đùa: Hàng lậu đấy à? Ở đây an ninh tốt, không sợ trộm đâu”. Hũ hài cốt vợ “gã” mà bạn cũ của gã, cái lão giáo Hanh đó đã chết từ lâu rồi lại tưởng là “hàng lậu” để nói với “gã” vậy.        Rồi chi tiết “chó tru lên những hồi dài u u xa vắng thả vào bóng trăng suông” để vợ chồng giáo Hanh thì thầm với nhau “như là đuổi ma đấy”. “Gã vỗ nhẹ ba lô: Bà ý tứ kẻo chó nó đánh hơi sủa hoài làm bà Hanh sợ”. Câu thành ngữ “nhấm nhẳn như chó cắn ma” được Vũ Thiện Khái gián tiếp sử dụng vào đúng chỗ, đúng lúc thật đắt giá. Và “Giáo Hanh lầm bầm: Cái thằng, già lọm khọm vẫn giữ tật cũ, đặt mình là lầu bầu nói mớ”. Viết tả như thế thì ai bảo là người âm, kẻ dương nữa? Ai còn phân biệt đâu là sự sống, cái chết nữa?

Tình nghĩa vợ chồng, cha con trong truyện Vũ Thiện Khái còn ám ảnh bạn đọc qua các truyện trong tập, nhất là truyện “Chiều nay sương khói lên khơi”. Bà Bình biết mình không qua khỏi đã khéo léo, tế nhị gần xa dặn con, dặn chồng rất chu đáo, tỉ mỉ. Đọc những lời dặn ấy ta càng hiểu bà thương chồng, hiểu chồng đến nhường nào. Dặn con chăm sóc bố từ bộ quân phục lúc đại lễ đến cái tính tiết kiệm, lười tắm, nóng như lửa của chồng. “À, còn điều này nữa, bố mày tính nóng như lửa. Dạo này mười phần chỉ còn một vài thôi. Nhớ đừng bao giờ cãi lời bố đấy. Bố nói không đúng cũng cứ im lặng kẻo bố con tức giận, huyết áp lên cao thì khổ lắm”. Chẳng những chu đáo với chồng con bà Bình còn chu đáo với họ mạc nhà chồng. Chi tiết bà dặn chồng ngày giỗ ông bà cha mẹ hai bên, cả ngày giỗ cô trung úy bạn của chồng nữa mới cảm động biết bao. Tâm nguyện cuối cùng của bà: “Tôi nhớ quê cha đất tổ vô cùng ông ạ. Muốn về thăm cố hương lần nữa mà đau yếu thế này, sợ ngả bệnh ở ngoài ấy thì khổ cả nhà”. Chao ôi! Xót xa thương cảm làm sao! Và rồi “Ông vỗ lưng bà nhè nhẹ thay cho lời hứa hẹn”. Cứ thế bà đi trên tay ông theo “vợ chồng em trung úy” đang đợi trên ngọn cây bằng lăng rực rỡ.

Nhà văn Vũ Thiện Khái ở Tây Ninh

“Ao Hậu” là một chuyện ám ảnh về mối tình của một cô gái con nhà “thành phần” với nhân vật “tôi” diện bần cố nông xưa. Ao Hậu “nguyên thủy nó là hương hỏa của một cụ bà tuyệt tự. Cụ đã hiến cho nhà chùa để hàng năm các vị sư lo cúng giỗ cho cụ. Gọi là giỗ hậu. Nên mới có tên là ao Hậu”. Từ cái ao này, nhiều câu chuyện ly kỳ, cả chuyện tình nữa được dân làng hay chính tác giả thêu dệt nên. “Tôi”, thằng Lừng cùng yêu Hạnh. Hạnh không thích thằng Lừng mà yêu thầm “tôi”. Tuy nhiên, “tôi” và Hạnh ở hai thành phần giai cấp khác nhau. Rồi một đêm cả hai “Nắm tay nhau lao vào cơn lốc heo may lạnh buốt xiết vào da thịt”. “Tôi gồng mình chắn gió cho em. Hai bàn tay em bấu chặt cánh tay tôi”. Và “mơ hồ một bên cánh tay tôi, cồm cộm một cục tròn tròn bằng nửa trái chanh mềm mềm, âm ấm. Từ chỗ ấy, một luống điện nóng rực truyền sang da thịt tôi, chạy dọc sống lưng tôi, êm ái chạy lên đỉnh đầu”. Rồi đom đóm đã làm em sợ, ôm chặt lấy “tôi”. “Em nín thở thì thào: Anh ơi, em sợ!”. Cái câu thì thào run rẩy ấy nào ngờ đã “rên xiết trong cõi lòng tôi đến tận cuối cuộc đời”. Chú của “tôi” là cán bộ đã tìm cách tách họ ra bằng việc cho “tôi” đi học “lớp đào tạo đặc biệt” để đi thoát ly sau này. Hôm trước lên đường, hai người bí mật gặp nhau “trong bụi mấy cây móc dại mọc chen giữa bờ tre ao Hậu”. Hai người run rẩy ngồi bên nhau không nói được câu nào mạch lạc. “Tôi” hứa “học xong anh sẽ trở về”. Người con gái thì nức nở: “Anh ơi!… Em sợ, em sợ lắm!”. Câu nói này được tác giả lặp đi lặ lại ba lần trong hai cảnh huống khác nhau và đã mãi ám ảnh độc giả. Đặc biệt, đoạn nhật ký của em ở cuối truyện cho ta thấy rõ kết cục một cuộc tình thì đúng là rơi nước mắt. Đây có phải là thủ pháp nghệ thuật, một lối viết đầy sáng tạo, cao tay của tác giả? Người con gái đã gửi gấm niềm yêu thương của mình trong cuốn nhật ký để quyên sinh sau khi bị ép gả. Cái chết của cô lặp lại y như một một mối tình xưa khi cụ Lý quyết ngăn con trai mình lấy cô gái con nhà cùng đinh mõ làng để anh ta tự vẫn, treo cổ trên ngọn tre ở ao Hậu. Khi “tôi” về làng, anh trai cô gái đã kể lại cho “tôi”: “Cái ngọn tre ao Hậu vít cong, thả nó vào đúng chỗ chúng mày thường bí mật gặp nhau ngày ấy. Tối ấy nó đi, nó mặc tấm áo lụa màu tím Huế. Nó gửi tao cuốn sổ tay này. Nhắn rằng sau này trao cho mày”. Một câu chuyện tình bi thương đầy ám ảnh. Chỉ vì phân chia giai cấp, cổ hủ “thành phần” mà tình yêu của bao thế hệ phải chia lìa, đau đớn. Đọc những dòng nhật ký của cô gái, nước mắt tôi lã chã rơi. Ngọn bút phù thủy của Vũ Thiện Khái đã làm tôi mê hoặc.

Cùng với các nhân vật quê hương, Vũ Thiện Khái còn dành nhiều trang viết trong một số truyện về tình nghĩa đồng đội. Đó là “Bụi hoa trinh nữ”, là “Hồn đất”, là “Khoảnh khắc giữa mưa bom”… Vẫn thủ pháp “ma ám”, những câu văn ma mị, Vũ Thiện Khái tưng tửng kể những câu chuyện tình mà khi ta khi nghe xong, đọc xong chỉ biết xót thương, nuối tiếc cùng nhân vật. Tác giả phải ghìm lòng đau của mình lắm, sống chết cùng nhân vật lắm mới viết được như thế. Chuyện tình yêu của cô thanh niên xung phong tên Huệ với Tùng “đúp đùm đụp” có bố làm trợ lý cho một vị tướng. Anh chàng này “nếu để thi cử đằng thẳng” thì “đạp vỏ chuối” nhưng bố hắn đã tìm cách cho con nhập ngũ để được lấy bằng phổ thông đặc cách rồi vào đến tuyến lửa sẽ gọi quay lại đi nước ngoài học. Đúng quy trình. Không ai nói vào đâu được. Huệ ngây thơ xung phong vào tuyến lửa cùng chàng. Khi Tùng quay ra, nàng cũng không hề nghi ngờ gì mà vẫn yêu chàng tha thiết cho tới khi mình hy sinh. Tùng lấy con ông Vụ trưởng và thăng tiến vù vù. Huệ gửi hàng chục lá thư cho bà vợ của “tôi” nhân vật đã nói rõ điều đó. Yêu thương chung thủy, tự hào chiến đấu, Huệ mãi là đóa hoa trinh nữ ở chiến trường. Tác giả đã gặp Huệ, trò chuyện với Huệ. “Trong mắt tôi, những đóa hoa trinh nữ bỗng nhiên lập lòe phập phồng những giọt máu tươi ròng”. Đêm đến, tiếng các chiến sĩ nữ tắm suối đùa rỡn như hiện trước mắt tác giả. Vũ Thiện Khái bật câu hỏi Huệ: “Sao lâu nay không nghỉ phép về thăm nhà? Giọng em chùng xuống: Chưa tới phên đổi gác, mà em cũng chẳng hiểu sao đơn vị lâu nay chẳng truyền đạt mệnh lệnh gì. Ở vùng biên giới này bỏ gác một giờ cũng không được anh à”. Trời ơi! Chung thủy với tình yêu, với Tổ quốc đến thế là cùng! Huệ vẫn như đang còn sống, vẫn hết lòng với nhiệm vụ và trách nhiệm của người lính. Tác giả thể hiện điều này thật cao tay. Đoạn văn tả cảnh sông Vàm Cỏ “hênh hênh nắng”, tả đêm chiến khu “bát ngát những dòng trăng đặc sệt, vàng óng chảy từ ngọn cây, từ kẽ lá ào ạt đổ xuống lòng con suối Đa Ha” thì đúng là như thơ. Bà vợ của “tôi” cũng đồng ý với “tôi” không nói cho Huệ biết chuyện thằng Tùng sợ Huệ bị tổn thương thêm, u uất thêm, tội tình thêm. Cứ để em mãi là hoa trinh nữ tin yêu mãi vào những điều tốt đẹp của cuộc sống. Tuy vậy, tác giả cuối truyện đã cảnh tỉnh những người đang sống hôm nay rằng: “Nhưng mà bọn người trần mắt thịt chúng ta làm sao mà giấu diếm được mọi sự đời trước những linh hồn từng là những con người đáng kính, từng mang những tên tuổi cao quý vừa mới đây thôi, sạch sẽ vụt bay khỏi thế gian này”. Kết chuyện thật ám ảnh, day dứt.

Không chỉ hoài niệm về quá khứ, lấy quá khứ để nói hiện tại, Vũ Thiện Khái còn hướng ngòi bút từ tương lai trông về hiện tại, nhìn nhận ngay lại hiện tại. Truyện “Truyền thuyết Am linh Điểu” ông lấy thời điểm năm 2068 để nói về thời cách đó 80 năm. Những câu chuyện, con người ngày đó đã trở thành truyền thuyết cho lớp người đương đại. Cố Nội 106 tuổi đôi môi khô héo, hai hàm chỉ còn trơ lợi, nhớ nhớ quên quên, vậy mà khi nhận được tấm thiệp mời kỷ niệm 40 năm thành lập thị xã đã lại tỉnh như sáo. “Bất ngờ cố rành rọt cất lời, không phập phào, không nhầm lẫn, nói với tôi mà như nói với chính mình: Vậy là cái thị xã ấy đã có chiều dài lịch sử hơn tám chục năm rồi. Mau thật. Ngày ấy…”. Và câu chuyện ngày xưa của cụ Cố được tác giả viết nên được bắt đầu. Vợ chồng Tám Chim, lão đạo sĩ Cao Các cùng các cư dân ngày ấy hiện lên. Thuở sơ khai, tiền sử của thị trấn hiện lên. Các mối quan hệ, đối nhân xử thế, chuyện tình yêu trai gái của vương quốc Chim ngày đó hiện về. Nhiều chi tiết ma mị, mộng du, bí hiểm cuốn hút người đọc. Triết lý nhân sinh, lẽ sống ở đời khiến ai cũng ngấm và ngẫm ngợi. “Những chuyện của Cố Năm Hòe kể trong những lúc tâm thần tỉnh tỉnh mê mê đã trở thành truyền thuyết dân gian của vùng đất mà người có công khai phá thuở ban đầu”. Đến nỗi, nghe đồn khu rừng ổi vườn chim được bổ sung vào quần thể khu du lịch ven hồ Tha La mà điểm nhấn là ngôi Am linh điểu cùng ba bức tượng lão già Cao Các và vợ chồng Tám Chim. Sự tưởng tượng hư cấu của nhà văn thật tài tình.

Chẳng những hoài niệm, nhớ nhung quê cha, đất tổ, những vùng miền chiến tranh đi qua, Vũ Thiện Khái còn dồn tâm huyết cho vùng đât mình đang sống. Bút pháp vẫn đan xen giữa thực và ảo, giữa xưa và nay, giữa truyền thống và hiện đại. Từ “Hun hút gió Khe Đon” đến “Truyền thuyết Am linh Điểu” hay “Bụi hoa trinh nữ”  như đã nói ở trên độc giả còn bắt gặp vùng đất mới của tác giả trong “Lai rai chuyện đời”, “Vết bớt truyền đời”. Vùng đất hoang vu rậm rạp, tít hút mù xa, ma thiêng nước độc được gọi là vùng “kinh tế mới” ấy thuở sơ khai biết bao nhọc nhằn, vất vả. Câu nói của một người vợ với nhân vật tôi “Về quê thôi anh” được nhắc đi nhắc lại mấy lần chứng tỏ vùng đó khó khăn thiếu thốn biết nhường nào. Vậy mà họ đã trụ vững. Từ những túp lều lụp xụp, tạm bợ đã thành ấp, thành xã rồi thành thị xã, thành phố. Để rồi cái lễ kỷ niệm ngày thành lập thị xã, thành phố ấy mới tưng bừng làm sao. Từ nơi ấy, bao câu chuyện được tác giả ghi chép lại, hư cấu lên thật sinh động, thật ý nghĩa. “Có truyền thuyết nào không hình thành từ hiện thực cuộc sống. Vắng bóng truyền thuyết, cõi nhân gian này tẻ lắm” (Truyền thuyết Am linh điểu – trang 255).

Tài năng nhà văn, không chỉ là thư ký của thời đại, Vũ Thiện Khái còn là người vẽ lên những huyền thoại bằng con chữ. Đọc ông, hình ảnh quê hương xưa và nay cứ hiện lên trong đầu một cách rờ rỡ. Vừa huyền ảo, lung linh vừa như cầm nắm được. Vật đổi sao dời nhưng tình người, tình quê và phông nền văn hóa thì còn lại mãi mãi. Đặc biệt, những đoạn tả cảnh của ông thì thật sống động và tinh tế. Lấy cảnh làm phông nền để chuyển tải câu chuyện. Không sa đà quá mức để thành tản văn, ông biết tiết chế cảm xúc để lấy đó mà nói cái khác (Bụi hoa trinh nữ, Truyền thuyết Am linh Điểu, Hun hút gió Khe Đon, Chiều nay sương khói lên khơi…). Vì thế, văn của ông chắt lọc, tinh tế; truyện của ông sâu sắc, nhiều ý tứ; chuyển tải nhiều thông điệp.

Chỉ điểm qua một số truyện trong tập cũng đủ thấy bút pháp của Vũ Thiện Khái thật tài tình. Hiện thực, quá khứ, tương lai đan vào nhau, tôn nhau lên, tầng tầng lớp lớp làm cho các truyện ngắn của ông vừa thực vừa ảo, vô cùng đặc sắc. Nếu như trong tập “Sông nguồn” còn một số truyện ngắn (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) còn mang tính ký sự, báo chí thì tập “Phố Ninh cố sự” này tác giả đã vượt lên hẳn chính mình. 17 truyện, truyện nào cũng chặt chẽ, sâu sắc, gửi gắm chuyển tải nhiều ẩn ý, thông điệp. Đặc biệt, phong cách viết của ông thì vừa hư ảo vừa hiện thực. Tả cảnh tả tình thì như thơ. Cốt truyện thì chặt chẽ, kín đáo, đọc đến đâu biết đến đó, rất nhiều chi tiết. Kết truyện thì bất ngờ và được đẩy lên thành triết lý cuộc sống khiến độc giả phải lặng người đi ngẫm ngợi.

Trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc, hoặc giữa dịp du xuân thăm thú quê hương, bầu bạn mà được đọc “Phố Ninh cố sự” thì thật hợp cảnh hợp tình, để mạch ngầm con chữ chảy mãi sông Nguồn cùng tác giả. Chúc mừng nhà văn Vũ Thiện Khái với đứa con tinh thần kháu khỉnh, bụ bẫm này và xin đón đợi những tác phẩm mới tiếp theo của ông. Kính chúc ông sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

ĐỖ XUÂN THU


In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)