CÓ MỘT MIỀN THƯƠNG NHỚ…
Gới thiệu tập thơ Chiều nghiêng của Cần Vũ, NXB Hội Nhà Văn, 2022
PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho
Nhà thơ Cần Vũ
Có những người làm thơ và thành danh rất sớm. Lại có những người khi tuổi đã nhiều mới đến với thơ. Tôi không rõ khi trẻ tác giả Cần Vũ có làm thơ để trong sổ tay không. Nhưng gần đây chị cho in liền hai tập thơ Yêu thầm mắt ngọc ( 2019), Tình yêu màu nắng ( 2020). Bây giờ là tập thứ ba dày dặn có tên Chiều nghiêng. Điều khiến tôi và bạn đọc ngạc nhiên chính là những ngày tháng ghi dưới mỗi bài thơ. Sớm nhất là năm 2018 và muộn nhất là 2022. Chủ yếu được viết trong năm 2020 và 2021. Có vẻ như một số bài tác giả chưa ưng, cần sửa chữa cho hoàn thiện, và cũng có thể chưa thích hợp để công bố vào 2 tập đã in . Nhưng có thể thấy Chiều nghiêng không chỉ là thơ tình yêu. Một tập thơ nhiều chủ đề về tình bạn, tình thầy trò, tình quê, tình yêu, tình đồng nghiệp, tình đời,…
Điều dễ nhận thấy là một miền thương nhớ đã thức dậy, đã trào lên, đã khiến tác giả không thể không ghi lại cho mình, cho người thân, cho bạn bè và cho mọi người.
Trong các bài thơ thương nhớ đó, tác giả dành nhiều cho bè bạn K5 nơi Đồi Lốc ngày nào. Qua những vần thơ, bạn đọc biết được có những cô nàng Bo Bo duyên dáng, hiền lành, tinh nghịch và các chàng “Mì chính cánh”. Chuyện tình của họ thật hồn nhiên và trong sáng, chưa một lần dám ngỏ cùng nhau thành ra cứ “lệch pha” :
Có “Mì chính” người cùng quê thân thiết
Chủ nhật nào cũng ghé chỗ bạn tôi
Để Bo Bo tim rạo rực bồi hồi
Mà ánh mắt chàng hướng về nơi khác…
(Tâm sự của Bo Bo)
Bo Bo còn trẻ quá, còn “dại khờ ngơ ngác” không dám mạnh dạn; để bây giờ mới hối tiếc, mới khát khao “hội lớp” mong gặp lại người xưa.
“Còn nguyên vẹn những mặn mà trong tôi” là tình cảm tác giả dành cho các bạn nam nữ có tên ngộ nghĩnh Bo Bo, Mì Chính của K5 trong các bài thơ Áo tím thương, Giã biệt, Gió đổi mùa, Bên kia bờ ảo vọng, Tâm sự của Bo Bo, Một thời để nhớ, Đêm trắng, Trở lại với trường xưa,Trân quý…
Mang kí ức “miền thương nhớ” nên tác giả cảm thông với mối tình đẹp của nhà thơ, nhà báo Pháp với nhà văn Việt Nam. Cần Vũ đã viết hai bài thơ hay về để tài này là “Trọn đời yêu anh” và “Tình yêu diệu kì” :
Câu chuyện tình lãng mạn vượt thời gian
Và bất chấp không gian, xuyên lục địa
Có một tình yêu diệu kì như thế
Xúc động nghẹn ngào triệu triệu con tim
(Tình yêu diệu kì)
Như các nhà thơ khác, tác giả dành cho mẹ mình những vần thơ thân thương, mộc mạc nhất trong các bài thơ “Tìm về bóng mẹ”, “Thời khắc biệt ly”, “ Gọi mẹ trong mơ”, “Tiếng gọi bên sườn dốc”. Những câu thơ rưng rưng cảm động :
Một đời đội nắng cõng mưa
Giọt mồ hôi mặn, sớm trưa nhọc nhằn
Mẹ tôi gánh nặng vai oằn
Đậm nơi khóe mắt vết hằng chân chim
(Tìm về bóng mẹ)
Có thể thấy tâm hồn tác giả là một tâm hồn duy cảm, duy tình. Với các mối tình của những ngừời bạn, mối tình của những người vợ liệt sĩ, mối tình trong các tác phẩm văn chương, Cần Vũ đều xúc động và đồng cảm. Chỉ đọc tản văn của nữ sĩ Tâm Dung “Gió đưa cây cải”, Cần Vũ chuyển thành bài thơ “ Nỗi lòng hoa cải”. Bài thơ được nhạc sĩ Vũ Hường ( Bà Rịa – Vũng Tàu) phổ nhạc nên nhạc chắp cánh cho thơ, thơ nương theo giai điệu của nhạc càng vang xa…Chính Cần Vũ khi tham gia câu lạc bộ văn chương Thi nhân Miền Cổ Tích đã viết bài thơ “Miền Cổ Tích yêu thương” rồi tự phổ nhạc cho thơ mình, trình bày trong cuộc gặp gỡ 19 tháng 5 năm 2022 tại Bán đảo Linh Đàm và trên xe đi Cồn Đen được mọi người nhiệt liệt đón chào.
Với hồn thơ duy tình, duy cảm như thể, tác giả thấy Biển và Bờ, Ngày và Đêm như là cặp tình nhân yêu nhau “ Sát gần kề mà vời vợi cách xa” ( Biển và Bờ, Chuyện tình Ngày và Đêm). Cả đến đôi đũa tre cũng thành một cặp trong một bài thơ vui như là Truyện ngụ ngôn. Mới hay tác gia cũng là người hài hước:
Xuất thân từ lũy tre xanh
Trời se duyên thắm cho thành một đôi
Cỗ to mâm nhỏ cùng ngồi
Mà sao cứ thấy cuộc đời so le
Thời còn quấn quýt say mê
Mỗi khi khó gắp cười… hề… là xong
Lâu ngày cong lại càng cong
Nhiều phen gắp trượt, cõi lòng chẳng vui
Số trời dun dủi vậy thôi
Cong vênh mà vẫn cùng đôi một nhà
Thịt, rau, mắm muối, dưa , cà
Gắp lên trượt xuống la đà tình tre
( Chuyện tình của đũa tre) *
Chuyện rời ngôi nhà cũ thân thương bao gời chẳng xúc động vì “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bông hóa tâm hồn” ( Chế Lan Viên). Cần Vũ thì gọi “Nhà ơi” và thốt lên tâm sự:
Nhà ơi, nhớ lắm biết không
Nhớ từng ngóc ngách, căn phòng thân thương
Nhớ nơi kê tủ, kê giường
Nơi ngồi chải tóc soi gương một thời
Giờ thì xa cách đôi nơi
Tôi đi, nhà đến với người chủ sau
Thôi thì đã hết duyên nhau
Nâng niu tôi giữ chút màu thời gian
( Nhà ơi)
Thơ của Cần Vũ có một số bài dài, rất dài, một số bài ngắn. Thường thì những bài ngắn cấu tứ khá chặt chẽ, lời thơ kết đọng. Nhưng có bài dài cũng khá thú vị như bài “ Đêm trắng” viết về kỉ niệm lớp K5 và bài “Kiểm chứng tình yêu”. Bài thơ này mà với nội dung tương tự, nhà văn Nguyễn Hiếu viết truyện ngắn “Tình yêu FB” hàng chục trang. Tuy nhiên “ Kiểm chứng tình yêu” kết thúc bất ngờ kiểu khác là nàng đã nhờ người đóng giả mình, làm chàng vỡ mộng.
Có thể thấy sức viết của Cần Vũ khà dồi dào khi trong tập, chị viết nhiều về các chiến sĩ áo trắng với “Nụ cười xanh” chống covid (các bài Blouse trắng – yêu em, Nụ cười xanh, Thương em nhiều lắm, Cám ơn những nụ cười xanh, Cuộc chiến toàn cầu, Cuộc chiến với Covid, Quê tôi mùa dịch,…). Chị còn viết về những kỉ niệm bạn bè, về bóng đá Seagame, về những quan sát suy ngẫm lẽ đời, về thầy cô giáo cũ, về những người bạn FB, về câu chuyện của thương binh Ngô Hải Đảo, về Uông Bí mến yêu,...
Đây là tập thơ thứ ba, nên các bài đều khá suôn sẻ, câu từ trau chuốt, ý tứ mạch lạc, chặt chẽ. Phải chăng vì có làm nhạc nên chất nhạc trong thơ Cần Vũ khá đậm đà.
Xin chúc mừng Cần Vũ và trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Hà Nội, sau những ngày về biển Cồn Đen, Thái Bình.
--------
*) Chúng tôi có bài thơ của Phạm Đức Nhị gửi đăng trên trang Tác phẩm& Bạn đọc. Ngày đăng 4/6/2022 . Nội dung như sau:
PHẠM ĐỨC NHỊ
TÌNH ĐŨA TRE
Sinh ra từ bụi trúc
Khóm tre xanh bên đồi
Nhờ bàn tay, dao sắc
Cho chúng mình nên đôi.
Chỉ mộc mạc thế thôi
Mà thẳng ngay đầu cuối
Nếm đủ mùi đắng cay
Nhạt cơm rồi mặn muối.
Đôi ta không cưới hỏi
Mà chung thủy dài lâu
Loài người học tập mãi
Thế mà đã được đâu .
Bài thơ tác giả Phạm Đức Nhị không ghi ngày tháng viết. Bài thơ của Cần Vũ ghi ngày 31/5/2021. Nhưng nội dung cảm xúc khác hẳn nhau. Không thể coi là ai mượn của ai.
Người gửi / điện thoại