NHÀ NHIẾP ẢNH, NHÀ THƠ HOÀNG VĂN NĂM
LỜI TỰA CHO TẬP THƠ PHỐ ĐÊM COVID
PGS.TS.Nhà văn Vũ Nho
Thế giới và Việt Nam sẽ không bao giờ quên những ngày tháng mà dịch bệnh Covid hoành hành. Số ca nhiễm, số ca tử vong, vacxin tiêm cho mọi người. Những hi sinh của các thiên thần áo trắng. Những vất vả của các chiến sĩ áo xanh ( quân đội), áo vàng ( công an), áo nhiều màu sắc ( dân chúng). Những cây ATM gạo, những siêu thị không đồng, những suất cơm nấu cho ai khó khăn, đứt bữa. Những món tiền cứu trợ, những túi quà tặng, những hàng thiết yếu được đi chợ hộ cho cư dân thành phố Hồ Chí Minh, được đưa hàng ngày trên các phương tiện thông tin, báo, đài truyền thanh, truyền hình và báo mạng,…
Đã có những tác phẩm ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí, điện ảnh, các bài thơ, truyện ngắn, cả trường ca viết về đại dịch Covid 19 phản ánh tâm tư, nguyện vọng, mơ ước của người dân, ca ngợi sự hi sinh cứu người, chống dịch; nói lên niềm tin tưởng chúng ta sẽ vượt qua, sẽ chiến thắng đại dịch để trở về cuộc sống bình thường.
PHỐ ĐÊM COVID là tập thơ của tác giả Hoàng Văn Năm được viết trong nhưng ngày căng thẳng, bền bỉ vượt qua các đợt dịch bệnh Covid làm đảo lộn mọi sinh hoạt bình thường, làm khó khăn cho cuộc sống trong những ngày giãn cách, phong tỏa, thực hiện 5K…
Với một người bình thường, đương tự do đi lại, tự do thăm thú, tự do hò hẹn mà bỗng nhiên muốn ra đường phải có giấy, muốn đến đâu phải có lí do, muốn ra khỏi nhà để tập thể dục, vươn vai đỡ mỏi, tắm chút ánh nắng để có thêm vitamin D, tăng cường sức đề kháng chống Covid cũng không được vì tình hình dịch bệnh rất “căng”. Ai ở đâu ở yên đó. Cảm giác là bức bối, cuồng chân, ức chế. Nhưng với những người trẻ, nhất là những người đang yêu thì… nỗi bức xúc, ức chế còn tăng hơn rất nhiều lần. Bởi thế mà mấy chữ “Covid” cứ nhấp nhô, thập thò, chìm nổi giữa các dòng thơ, câu thơ, bài thơ như một nỗi ám ảnh, đau đớn, xót xa.
Những câu thơ về mùa thu óng ả, mộng mơ, vui vẻ có gió, có hoa, có hương, có giọng hát hàng cây:
Hàng cây bỗng hát vi vu
Heo may gió thổi như ru hồn người
Hoàng lan bung tỏa nụ cười
Hương thơm dịu nhẹ đất trời vào Thu
(Vào Thu)
Thì đồng hành với nó là những câu thơ nói về chốt kiểm soát, sự cách li, và liên lạc chỉ còn qua kết nối oai-fai (Wifi):
Ai đem Covid về đây
Để phải lập chốt, chăng dây ngăn nàng
Cách li, duyên thắm bẽ bàng
Ta về kết nối tơ vàng Oai-phai.
(Tơ vàng Wifi)
Covid ngăn lối đi về ( Lối về). Cô vid làm giấc mơ biển không tròn ( Giấc mơ Biển). Covid làm cho những đôi lứa hẹn thề phải “não nề chờ mong” ( Mãi đợi). Covid làm cho người buồn thấm thía “ Lòng bỗng đượm buồn covid bay” ( Buồn Covid). Covid buộc con người phải giãn cách, không được gần nhau, không được gặp nhau, làm tăng nỗi nhớ, nỗi xót đau:
Nỗi nhớ mỏi mòn ai có hay? ( Nhớ)
Nhìn sang thành phố mơ hoài ngày xanh ( Nghiêng chiều)
Con người trở nên cô đơn, chấp nhận sự cô đơn, dùng thơ san sẻ nỗi niềm:
Thôi thì chung bóng tự tình vần thơ
(Trăng phố mùa Covid)
Trà sen hương ngát dịu êm
Câu thơ sâu lắng uốn mềm… ngân nga
Trăng nay cũng có ấm trà
Cách li covid chỉ ta với Quỳnh
(Ngắm quỳnh thời covid)
Covid làm cho thành phố luôn sôi động ồn ào suốt ngày đêm, bỗng trở nên khác lạ. Khác lạ ban ngày ít xe, ít người, ít khói bụi, ít ô nhiễm không khí,… Khác lạ cả ban đêm khi “hàng cây, hè phố” cũng lặng lẽ, trầm ngâm. ( Phố đêm Covid).
Bệnh dịch, giãn cách, phong toả, khó khăn, nhưng mọi người vẫn kiên cường. Nhất là những chiến sĩ áo trắng:
Khẩu trang che cả nụ cười
Sáng lên ánh mắt rạng ngời niềm tin
( Nụ cười em gái quân y)
Và các chiến sĩ công an túc trực ngày đem:
Chốt kiểm soát đường Văn Tiến Dũng
“ Lá chắn xanh” chống dịch vững vàng
Công An ta đã sẵn sàng
(Tuổi trẻ công an Bắc Từ Liêm chống dịch)
Bên cạnh chủ đề chính chống dịch, nhà thơ còn cho thấy những tình cảm yêu đương đang nhen nhóm, đang bắt đầu một cách không bình thường:
Dại khờ em, dại khờ tôi
Nổi chìm trên bước đường đời trái ngang
( Chờ mong)
Một tình cảm mạnh mẽ , càng xa cách, càng mãnh liệt:
Tóc thề tha thướt hương bay
Hồn tôi chếnh choáng cơn say thu chiều
( Cơn say thu chiều)
Muốn dâng hiến, muốn gửi vào thơ, nhưng “ Bài thơ viết dở” khiến lúng túng, băn khoăn:
Muốn dâng hết những ngọt ngào
Bài thơ viết dở
Làm sao bây giờ?
( Bài thơ viết dở)
Viết “dở” có thể là viết chưa hết, viết chưa xong. Nhưng “dở” cũng khó thể là không hay, không đạt như ý muốn. Viết dở có thể mang cả hai nghĩa này chăng?
Dù thế nào thì đây cũng là một sự giãi bày chân thành của tác giả. Một khi người đọc đã có tình, đã có cảm mến , đã muốn đổng cảm, thì những điều “dở”, những điều chưa hay cũng dễ được cảm thông.
Tôi cũng vì cảm mến người trai đam mê nghệ thuật mà viết những lời tựa này. Biết rằng tác giả cón phải “thôi xao” nhiều nhiều nữa!
Hà Nội, những ngày giãn cách covid thoáng hơn
Tháng 10/2021
Người gửi / điện thoại