TẬP TRUYỆN NGẮN HAY CỦA KIỀU BÍCH HẬU
Đọc “Trời là ta ở tột cùng nhân bản”, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2021
Vũ Nho
Mười sáu truyện ngắn chụm cùng một đề tài trẻ tự kỉ và trầm cảm của Kiều Bích Hậu với hơn 300 trang in khổ cổ điển 13cm x 19cm là một tập truyện ngắn hay, để lại nhiều ấn tượng. Có người cho rằng cùng một đề tài như thế rất dễ gây nhàm cho người đọc. Sao Kiều Bích Hậu không chia sẻ, trộn thêm các đề tài khác? Thật ra, đây là một chủ ý của tác giả. Cùng một đề tài, nhưng không truyện nào na ná truyện nào. Mỗi truyện là một số phận, một cảnh ngộ. Truyện nào cũng gây tò mò, hấp dẫn cho người đọc. Phải tự tin lắm mới sắp xếp cuốn sách như vậy.
Mười sáu truyện ngắn viết về trẻ tự kỉ, trầm cảm của Kiều Bích Hậu bao gồm ba loại nhân vật chủ yếu. Tất nhiên, đầu tiên là những đứa trẻ tự kỉ. Tiếp sau đó là cha mẹ chúng, những người “bị tội giời đày” đã sinh ra chúng. Và thứ ba là những người thầy cô, huấn luyện viên, tình nguyện viên trong các Trung tâm nhận nuôi dưỡng và can thiệp để những đứa trẻ đó có thể tự mình phục vụ các nhu cầu và có thể hòa nhập trở lại đời sống bình thường.
Nhà văn không phải là bác sĩ chữa bệnh tự kỉ và trầm cảm, vì vậy, những dấu hiệu của bệnh tật và cách chữa trị đối với lũ trẻ không phải là điều được quan tâm và viết kĩ. Điều quan trọng nhất mà nhà văn hướng đến chính là số phận của những đứa trẻ và tấm lòng của cha mẹ chúng. Những đứa trẻ đó có khi là báu vật của gia đình, của dòng họ. Thế rồi bệnh tự kỉ, trầm cảm đã biến chúng thành gánh nặng của mẹ cha, của những người thân. Nếu là bệnh thông thường thì còn có thuốc chữa, còn có hy vọng khỏi bệnh. Còn tự kỉ và trầm cảm ư? Đó là thứ mà bác sĩ và nền y học hiện tại “chỉ giúp thuyên giảm chứ không thể chữa khỏi được bệnh. “Thế giới bó tay. Chúng tôi làm gì hơn được!”- Vị bác sĩ nhanh chóng kết luận trước cả núi câu hỏi mà Lan đau đớn đặt ra” (Vệt máu, trang 274). Chứng tự kỉ nhưng mỗi đứa trẻ lại có những “tật” riêng không giống nhau. Bé Cam thì thường “đập đầu vào bất cứ thứ gì khi xúc động mạnh, hoặc muốn đòi hỏi gì đó. Nó cũng đập vỡ tất cả những gì trước mặt. Nó thích nghe tiếng đồ bị vỡ, nhất là đồ sứ, thủy tinh. Ban đêm nó không bao giờ ngủ mà chỉ la hét. Nhà trường bình thường không nhận nó. Mẹ đẻ nó cũng không chấp nhận bệnh của nó…và bỏ đi…” ( Bí mật của chồng, trang 29). Còn Võ, một trẻ tự kỉ khác thì chỉ ăn toàn thịt và đánh mẹ tàn ác. “Mặt chị ( mẹ Võ) luôn tím bầm vì bị con đấm, tát. Cánh tay chị chi chít vết răng cắn của con” (Vượt qua, trang 58). Bé Minh, con chị Hà thì “cho đến năm bốn tuổi chỉ nằm, uống sữa rồi khóc la, chứ không biết đi, biết nói, biết ăn cơm như trẻ bình thường “ (Mũi tên đỏ vút bay, trang 79) Bé Tâm thì chứng tự kỉ làm cho bé kinh sợ người mẹ đẻ của mình “mỗi khi bé ngẩng mặt lên, nhìn mặt người phụ nữ ấy, bé thấy một khuôn mặt méo mó dị dạng và dữ tợn, đặc biệt là đôi mắt lồi to như hai cái bát úp lên mặt, nhìn như muốn nuốt chửng bé. Bé chỉ muốn chạy trốn” (Đêm dài ma ám, trang 105). Cu Bim lại là một kiểu khác. “Bim lên ba tuổi không biết nói, chỉ hét khi không vừa ý. Càng lớn nó càng có những cố tật kì dị, bạ cái gì cũng bẻ gãy. Ống nước bằng kim loại trong nhà tắm mà Bim cũng vặn gãy được. Và nó thường tấn công cu Bát, anh ruột nó bằng cái bút chì hoặc bút bi. Có lần nó đâm thủng lưng anh bằng cái bút bi” (Cái chết của một thiên thần, trang 131). “Liễu, thiếu nữ mười lăm tuổi bị tự kỉ, không biết nói, không biết đọc, không biết viết. Tuy tự kỉ nhưng thiếu nữ này rất hiền, hay cười mơ màng” (Khúc hoan ca của trình yêu, trang 118). Quẫy, con của một đại gia đá quý Yên Bái thì thích gây sự chú ý bằng cách leo vút lên cây cổ thụ như mèo rừng. Vắt vẻo trên cành cao, Quẫy hú hét như động dại. Khi vào Trường thì tiếp tục tự làm chảy máu để thu hút sự chú ý (Vệt máu, trang 271, 273).
Những bậc cha mẹ của trẻ tự kỉ dù hoàn cảnh, địa vị xã hội khác nhau, nhưng đều hết lòng tìm cách chạy chữa. Họ vay mượn, thậm chí bán đồ đạc, làm thuê, làm mướn, có khi còn nghĩ đến cầm cố sổ đỏ để có tiền chạy chữa. Họ biết là giá chữa chạy cao ngất ngưởng vì việc trông coi những đứa trẻ nguy hiểm này không đơn giản. Bởi vậy, mà họ chấp nhận. Cô Vân, mẹ của Võ thuê cậu xe ôm trông con suốt cả ngày, nhưng chưa hết buổi sáng, cậu xe ôm đã “phá hợp đồng”. Cậu bị Võ đánh sưng vù má, bỏ của chạy lấy người, không nhận 500 ngàn tiền bồi dưỡng. Rồi chồng Vân bị tai nạn mất. Vân sốt nóng li bì. Nhưng chính tình thương con đã làm cho người mẹ đủ sức vượt qua thử thách ghê gớm. “Vượt qua, phải rồi, vì con, chị sẽ vượt qua, bằng cả trí óc, cả trái tim, cả nỗi đau lớn trong lòng…” (Vượt qua, trang 69). Một người mẹ khác tên là Hạt trong “Cất tiếng gọi trời” đã thể hiện nghị lực phi thường. Chị bị bệnh khớp, lại dầm mưa, toàn thân nhức buốt, nhưng vẫn cố ôm đứa con tự kỉ chạy trên đường đầy bùn nhão trơn nhãy. Lần thứ hai, chị đi xe máy nhưng xe đổ. Kiệt sức dựng được xe, song vì xe không nổ được, đành ôm con chạy dưới trời mưa cả một quãng đường dài. Một người mẹ khác, Thinh, chỉ là mẹ nuôi của bé Dứa thôi, biết con bị “tự kỉ do tổn thương não”, nhưng không đầu hàng số phận, cố tìm nơi chữa trị cho con “Chị bắt đầu hành trình không mệt mỏi đưa con đi chữa bệnh, điều trị. Chị bỏ việc ở công ti may, lê lết ôm con đi hết bệnh viện này tới trung tâm điều trị khác, cho đến khi cạn kiệt tiền để dành của chị, cạn kiệt tiền phòng thân lúc già của bà Thịnh…” ( Hai người mẹ, trang 143).
Những người thầy, người huấn luyện viên ở những nhà trường, Trung tâm, cũng được đề cập đến trong tập truyện này. Họ là những người có kiến thức, có niềm tin, và đặc biệt là có tấm lòng và trái tim nhân hậu. Họ đối mặt với những hiểm nguy do những “học viên” tự kỉ và trầm cảm gây ra khi chúng bột phát lên cơn mất kiểm soát. Họ biết rất rõ rằng “Những người khuyết tật trí tuệ như tụi trẻ tự kỉ kia, nếu điều trị không phù hợp hoặc không điều trị gì cả sẽ là gánh nặng cho xã hội. Nhưng còn những người khuyết tật tinh thần, khuyết tật nhân cách như Tùng, không những là gánh nặng, mà thậm chí gây nguy hiểm khôn lường cho xã hội” (trang 47).
Hình ảnh người thầy lãnh đạo Trung tâm hoặc trường có những con người như thầy Phan (trong Người lạ), thầy Tâm (trong Nghiệp quật), Tiến sĩ Quang (trong Cái chết của một thiên thần), cô Ngọc, cơ sở nội trú dạy “kĩ năng sinh tồn” (trong Mũi tên đỏ vút bay). Hiệu trưởng Phúc của trường “Thế gới cổ tích” (trong Cất tiếng gọi trời),…Còn biết bao những thầy giáo, huấn luyện viên chỉ xuất hiện thấp thoáng, nhưng ấn tượng khó quên. Đó là Chung, Tổng giám đốc của Trung tâm đào tạo kĩ năng mềm. “Chung từng bị học viên thình lình tấn công, gây thương tích nặng ở đầu, phải vào viện cấp cứu. Học viên này giả vờ tiến bộ, được thầy tin tưởng cho ra ngoài dự sự kiện, đã thừa cơ đánh thầy ngã ngất để bỏ trốn”. Đó là Thoan, một cô gái trẻ nhưng tình nguyện gắn với “Làng Hạnh phúc” bởi vì “khi ở bên các con, em cũng như các giáo dưỡng viên của ngôi làng, học được rất nhiều bài học cuộc sống” (trong Hai người mẹ). Đó còn là Hạt - mẹ của Đậu đũa, trẻ tự kỉ, ngoài việc nấu bếp, đã giúp các thầy cô huấn luyện các bé tự kỉ tập những bài đơn giản như xúc cơm, rửa mặt, tắm gội, lau nhà, đi xe đạp, chơi bóng. Và chị trở thành một cô giáo trong mắt các vị phụ huynh (trong Cất tiếng gọi trời).
Điều đáng nói ở đây là không phải trường hợp trẻ tự kỉ nào cũng có một kết thúc có hậu đẹp như mơ. Có bé trở thành ngôi sao, trở thành kỉ lục gia được ca tụng. Có bé đã khắc phục được những khiếm khuyết nặng nề, biết tự ăn cơm, biết nói, biết bỏ thói quen xấu gặm ngón tay. Nhưng cũng có bé đột ngột qua đời vì động kinh không cấp cứu kịp. Cũng có bé vĩnh viễn lìa bỏ cõi đời vì người mẹ lâm vào đường cùng, bế tắc. Cũng có bé chỉ mới hứa hẹn là sẽ khá hơn trong tương lai… Điều đó làm cho người đọc không khỏi băn khoăn, suy nghĩ. Bên cạnh đó, còn có cả những kẻ ích kỉ, cạnh tranh không lành mạnh, thuê người làm truyền thông, vu cáo, dèm pha, bới móc những khuyết điểm của Trường hay Trung tâm bạn. Điều này được phản ánh trong hai truyện “Biên bản đầu hàng” và “Sự thật của sự thật”. Chính vì vậy mà bạn đọc hiểu rõ hơn một thực tế cạnh tranh giữa những Trung tâm chân chính và những Trung tâm lợi dụng trẻ tự kỉ để moi tiền của các nhà hảo tâm, moi tiền của bố mẹ những đứa trẻ bất hạnh.
Trong tập truyện ngắn còn có 4 bài viết về tác giả Kiều Bích Hậu và tập truyện này. Đó là Lời đầu sách của Khuất Lệ Lan, tập trung phân tích truyện ngắn “Cất tiếng gọi trời”. Tiến sĩ Lê Đăng Hoan có bài viết “Cần một bầu trời đủ rộng”. Dịch giả Văn Minh Thiều với bài “Ấn tượng về tập truyện ngắn với đề tài tự kỉ”. Nhà văn Khánh Phương có bài “Sức hút của một đề tài khó”. Các bài viết này đều giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về giá trị của tập truyện, sự thành công của Kiều Bích Hậu với đề tài khó và hiếm người viết. (Theo tôi biết thì mới có tiểu thuyết “Dạ khúc” của Thu Lâm thành công với đề tài trẻ tự kỉ).
Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng đây là một tập truyện ngắn hay của Kiều Bích Hậu. Nhìn vào những giải thưởng mà tác giả được nhận, ngoài giải thưởng Tác phẩm Tuổi xanh, 4 giải thưởng danh giá khác của Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và Bộ tư lệnh Hải quân đều thuộc về thể loại truyện ngắn. Mười sáu truyện gọn gàng, với nhiều mảnh đời, nhiều gương mặt của trẻ tự kỉ, cha mẹ chúng và những thầy cô giáo, huấn luyện viên hiện lên thật sinh động. Ngôn ngữ truyện rất trong sáng, các sự việc diễn biến nhanh, kết thúc truyện nhiều bất ngờ. Đó là những thành công của cây bút truyện ngắn Kiều Bích Hậu. Điều cuối cùng là nhan đề tập truyện “Trời là ta ở tột cùng nhân bản”. Nhân vật chị Hạt kêu Trời khi khổ quá! Người Việt Nam mình khổ quá cũng kêu Trời để mong một sự an ủi, cứu giúp. Trời trừu tượng và rất xa! Nhà văn muốn nói với các vị cha mẹ các em không may tự kỉ và bạn đọc rộng rãi rằng “Trời Là Ta ở tột cùng nhân bản”. Chỉ có lòng thương yêu tột cùng mới có thể an ủi và cứu giúp được những mảnh đời khuyết tật mà thôi! Theo tôi, đây là một thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn mà nhà văn Kiều Bích Hậu gửi gắm trong tập truyện ngắn độc đáo, hấp dẫn này.
Hà Nội, ngày 7 tháng 6 năm 2021
Người gửi / điện thoại