MẤY CẢM NHẬN TIỂU THUYẾT NỮ SĨ THỜI GIÓ BỤI CỦA NHÀ VĂN LÊ PHƯƠNG LIÊN
Đọc Nữ sĩ thời gió bụi, tiểu thuyết dã sử của Lê Phương Liên, Nhà xuất bàn Phụ nữ Việt Nam, 2021
Vũ Nho
Nhà văn Lê Phương Liên được biết đến như một người chuyên viết cho thiếu nhi. Các tác phẩm của chị vì thế chăng mà chỉ là những tập truyện vừa, truyện ngắn, vì phù hợp với tuổi các em không cho phép đọc dài. Rồi bỗng nhiên với tuổi “xưa nay hiếm”, một cơ duyên đặc biệt đã thôi thúc nhà văn viết tiểu thuyết Lịch sử về cuộc đời nữ sĩ Hồng Hà Đoàn Thị Điểm. Chỉ sau cuộc dự hội làng và viếng mộ vợ chồng Hồng Hà nữ sĩ do ông Văn Hậu mời; và đặc biệt là sau khi đọc cuốn sách do nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh sưu tầm và giới thiệu gần đây. Có thể nói viết về cuộc đời Hồng Hà nữ sĩ là một thử thách không nhỏ đối với nhà văn. Vì sao? Bởi vì trước đó đã có tác phẩm “Hồng Hà nữ sĩ” do nhà nghiên cứu Đỗ Thị Hảo biên soạn được xuất bản năm 1986 với tư cách là truyện danh nhân. Về thơ văn của Hông Hà nữ sĩ đã có sách của PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh mới in năm 2018. Viết như thế nào để không trùng lặp với hai cuốn sách trên? Mặt khác, có khá nhiều những giải thoại, những câu đối, sự ứng đáp linh hoạt và tài tình của Hồng Hà nữ sĩ. Chọn lọc như thế nào đây để không biến tiểu thuyết thành một mớ câu đổi chữ Hán phải phiên âm, giải thích dài dòng, dễ làm nản lòng độc giả. Rồi những trước tác của Hồng Hà nữ sĩ, trong đó có bản dịch Chinh phụ ngâm thì đưa vào ra sao. Cả những truyện thần tiên trong “Truyền Kì tân phả” nữa. Ấy là chưa kể ngôn ngữ thời “gió bụi” Vua Lê chúa Trịnh trong nhà Đại quan ra sao, trong trường học thế nào. Kể cả việc ăn mặc của các ông bà nhà đại quan, các học trò ra sao. Và cả cách ăn mặc của Hồng Hà nữ sĩ nữa. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Lê Phương Liên kê cuốn sách tham khảo thứ 10 là cuốn “ Ngàn năm áo mũ ” (Lịch sử trang phục Việt Nam 1009 – 1945) do Trần Quang Đức biên soạn, nhà xuất bản Thế Giới, 2013. Tôi tin rằng khi miêu tả tấm áo tự may của Hồng Hà nữ sĩ, chắc chắn nhà văn có tham khảo sách này.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Hà trong bài viết “Tư liệu Hán Nôm về Tiến sĩ Nguyễn Kiều và nữ sĩ Đoàn Thị Điểm”, năm 2012 đã nhận định:
«Tiến sĩ Nguyễn Kiều và Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm là danh nhân nổi tiếng trong lịch sử văn học, văn hóa Việt Nam. Viết về các nhân vật lịch sử này có lẽ cần phải đầu tư nhiều công sức hơn nữa với những chuyên khảo dày dặn, công phu. Con đường làm quan, hành trình đi sứ của Nguyễn Kiều và các vấn đề về cuộc đời, tình duyên của hai nhân vật tài tử giai nhân nổi tiếng thế kỷ XVIII là những vấn đề hấp dẫn không chỉ đối với những người cầm bút thuộc giới văn chương mà còn hấp dẫn cho cả những người viết sử. Cuộc đời thực và cuộc đời văn chương, quá trình dấn thân chốn quan trường trong xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII và tình yêu giữa hai thi nhân được thể hiện như thế nào trong các tác phẩm của họ cần được khai thác tìm hiểu[…].Người đời biết đến các tác phẩm nổi tiếng của hai thi nhân nhưng cho đến nay vấn đề nghiên cứu về tiểu sử, hành trạng, các tác phẩm thơ văn vẫn còn một khoảng cách khá xa so với thực tế, chưa xứng với tầm vóc của một tác gia, với một gia tài không nhỏ của bậc tiền nhân để lại ».
Tiểu thuyết «Nữ sĩ thời gió bụi » của nhà văn Lê Phương Liên ra đời chính là đáp ứng lòng mong mỏi đó. Và sự thành công của nhà văn thể hiện ở việc sách được in nối bản ngay sau khi phát hành.
Đối với bất cứ một cuốn tiểu thuyết lịch sử nào, thì nhân vật là yếu tố quan trọng nhất làm nên sự thành bại của cuốn sách. Nhân vật có sinh động không, có hấp dẫn không, có đúng với hình dung của người đọc không. Và điều quan trọng là có điều gì mới mẻ được khám phá, được nhấn mạnh và làm rõ hay không. Với nhân vật Đoàn Thị Điểm, ngoài chuyện bà là người hay chữ, là người tài sắc, là tác giả của «Truyền kì tân phả », là dịch giả của áng thơ nổi tiếng «Chinh phụ ngâm» vốn được Đặng Trần Côn viết bằng chữ Hán, khi đọc tiểu thuyết này, bạn đọc biết thêm một Đoàn Thị Điểm «văn võ song toàn». Hồng Hà nữ sĩ đã học võ với Trần võ sư. Từng luyện tập «mai hoa quyền» với anh trai Đoàn Doãn Luân. Và từng gạt tên cướp ở bến đò Dã Viên làm cho kẻ cướp không cướp được túi, mà còn bị mất đà ngã lăn xuống bến sông.
Điều nổi bật nhất của nhân vật chính là ý thức về phẩm giá của mình. Mặc dù xinh đẹp, văn hay, chữ tốt, được cha nuôi là Lê Anh Tuấn có ý tiến cử làm cung phi cho nhà Chúa, nhưng Đoàn Thị Điểm đã kiên quyết khước từ. Thật độc đáo khi Lê Anh Tuấn nói rõ mục đích của mình, cứ tưởng cô con gái nuôi sẽ sung sướng quỳ xuống mà lạy tạ. Không ngờ cô con nuôi đã từ chối khéo léo. Và ông đã băn khoăn «Ta đã quá coi thường cha con nhà họ Đoàn này chăng ? Có lẽ chính ta mới là kẻ hồ đồ» (trang 35). Cô Điểm đã rời khỏi nhà cha nuôi, về quê sống cuộc sống bình dị. Cúng với cha và anh làm việc dạy học, làm thuốc, sống một cuộc sống thanh sạch của người có văn hóa, không chịu chen chân vào nơi ánh lấp lánh của ngai vàng phủ chúa mà cô ghê sợ như ánh máu người.
Sau lần từ chối vào phủ Chuá, lần thứ hai cô Điểm từ chối làm vợ của Bỉnh trung công, một vị Quốc thích - một người có thế lực lớn bấy giờ. Trong con mắt của người con gái họ Đoàn, ông này «gia cảnh nông mỏng lắm !» vì «phú quý đến do nhờ có người vào hầu hạ trong cung, không phải con nhà nòi có khoa bảng biết làm ăn căn cốt » (tr.95). Bỉnh trung công đến đón dâu, nhưng cô Điểm đã trốn ra ngoài. Bà mẹ bị mời lên dinh quan làm con tin. Nhưng cô Điểm kiên quyết không lên. Bỉnh trung công hiểu được sự kiên quyết của người phụ nữ, chỉ biết than thở với mẹ nàng: «Ái nữ của bà quả là người hiếm, phú quý không màng, nghèo hèn vẫn vui. Người con gái như thế tự xưng là Hồng Hà nữ sĩ cũng phải » (tr.108).
Nhà văn cũng góp phần lí giải vì sao đường nhân duyên của Hồng Hà nữ sĩ trắc trở. Đó chính là tấm lòng chân thành, khả năng đảm lược của người con gái. Cha mất, anh cũng mất sớm. Cả nhà, mẹ già, chị dâu bệnh tật, hai cháu nhỏ, rồi cả cậu Chiêu Bẩy, em ruột của chị dâu đều tá túc dưới một mái nhà, cô Điểm vừa làm người dạy học, vừa làm thuốc, vừa làm trụ cột cho cả gia đình. Vì thế mà quên cả hạnh phúc của riêng mình. Mãi đến khi 37 tuổi mới nhận lời Tiến sĩ Nguyễn Kiều, là người tài hoa đã từng quen biết, đang cần có người giúp đỡ để an lòng đi sứ.
Ba trường đoạn sáng tạo đáng kể nhất của nhà văn Lê Phương Liên chính là đoạn mô tả các thương binh đến chữa trị ở nhà Tiến sĩ Nguyễn Kiều và cuộc dạ du (chơi đêm) trên hồ Tây của tài tử giai nhân. (Nữ sĩ Hồng Hà, chàng trai Lê Hữu Trác (sau này là thầy thuốc kiêm nhà văn bút danh Hải Thượng Lãn Ông) và Đặng Trần Côn, tác giả Chinh phụ ngâm viết bằng chữ Hán) và sau đó là cảnh khánh thành đình làng, trình diễn câu đối và bản dịch Chinh phụ ngâm. Cả ba trường đoạn đã để cho Hồng Hà nữ sĩ tận mắt chứng kiến và thấm thía cảnh đau thương của chiến tranh «Tiếng khóc của những người lính trẻ nghe đã thảm, tiếng khóc của những bà mẹ già, của những người vợ đến đón chồng con trở về lại còn sầu não hơn » (tr. 156). Và nữ sĩ đã thấy «tê tái buốt thấu tim» khi nhìn người mẹ già đi cạnh người lính trẻ bị thương chống gậy, cạnh người chị dâu bế đứa con nhỏ khi biết tin chồng vĩnh viễn không trở về. Đồng thời khi tiếp xúc trực tiếp với tác giả khúc ngâm bằng chữ Hán, Hồng Hà nữ sĩ cùng với Lê Hữu Trác, người đã từng chinh chiến đã nói về nỗi buồn trong khúc ngâm của Đặng Trần Côn. Thật là một cuộc mạn đàm tri kỉ, tri âm. Đặng Trần Côn mong muốn nữ sĩ dịch khúc ngâm của mình. Nói như Lê Hữu Trác thì «Tôi thiết nghĩ khúc ngâm của người chinh phụ thì do đàn bà con gái nói ra mới thật thấu đạt. May mắn thay, nữ nhân nước Nam ta có chị Điểm tôi hiểu được chữ Nho, hiểu Đường thi, biết các lẽ thâm sâu của Tứ thư, Ngũ kinh chắc là diễn được khúc ngâm hán tự của Đặng tiên sinh sang tiếng nôm ta thấu nghĩa hợp tình » (tr.180). Trường đoạn thứ ba cho thấy sức mạnh văn thơ của Hồng Hà nữ sĩ, đặc biệt là sự hào hứng đón nhận của mọi tầng lớp với trích đoạn Chinh phụ ngâm do chính Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Dực, con trai cả của Nguyễn Kiều cầm trống chầu. «Tiếng hát ngừng, tiếng đàn buông,, tiếng trống điểm âm cuối rồi tắt lặng, Cả ngôi đình im nhơ tờ »(tr. 215).
Tiểu thuyết cắt nghĩa vì sao bản dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm thành công. Và cũng chính ở cuộc gặp này, mọi người còn biết thêm một khả năng tuyệt vời của Hồng Hà nữ sĩ là hát quan họ Bắc Ninh và làm thơ ứng tác.
Tác giả còn để cho vợ chồng Tiến sĩ Nguyễn Kiều gặp mặt và giao tiếp với quận công Nguyễn Nghiễm, cha đẻ của đại thi hào Nguyễn Du. Và còn gặp , đối đáp với Trạng Quỳnh, một nhân vật đã đi vào giai thoại đối đáp với Đoàn Thị Điểm. Cũng cần nói rằng trong nhiều câu chuyện đối đáp được truyền tụng trong dân gian, nhà văn đã loại những câu có màu sắc không nhã, chỉ giữ lại mấy câu cho thấy tài «xuất đối» của Đoàn Thị Điểm, làm cho Trạng cũng phải bó tay. Mặt khác vế đối «Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang » vốn là một vế đối làm bó tay một nhân vật có thực là ông Vũ Diệm đỗ Hoàng Giáp định dạm hỏi nữ sĩ. Nhà văn đã đem vế đối này cho các học trò bàn tán, rồi để người ngổ ngáo nhất là Trần Minh Giám, vốn là kẻ cướp trên bến Dã Viên nói những lời ngang ngạnh với «sư phụ» là «cô đồ». Nhưng anh ta đã hoàn toàn bị thuyết phục trước danh xưng «Hồng Hà nữ sĩ». Đó là cách xử lí sáng tạo của nhà văn.
Có thể nói Hồng Hà nữ sĩ là một người tài sắc vẹn toàn, không chỉ giỏi thi ca thơ phú mà còn giỏi võ nghệ, không chỉ giỏi quản lí gia đình, mà còn giỏi công việc của cộng đồng làng xã, không chỉ giỏi vá may thêu thùa, mà còn giỏi cả làm thuốc, nấu ăn. Đó là một con người toàn vẹn, không tì vết. Quả thực trong sử sách và trong dã sử cũng như trong các truyện dân gian, Đoàn Thị Điểm là một người nữ sĩ được mọi người kính trọng.
Nhà văn Lê Phương Liên không dùng những thủ pháp huyền ảo, tâm linh, cũng không dùng những kiểu tiếp cận mới với đề tài Lịch sử. Nhà văn vẫn trung thành với lối viết tiểu thuyết lịch sử truyền thống, cổ điển. Người kể chuyện kể nhẩn nha ở ngôi thứ ba biết tuốt. Tuy vậy cái duyên kể, cùng với sự sắp đặt tình huống, lớp lang hợp lí, tạo cho câu chuyện một vẻ hấp dẫn riêng. Có thể nói là tác giả đã hoàn toàn thành công khi dựng lại nhân vật Hồng Hà nữ sĩ thời loạn lạc, chiến tranh. Nguyên cái tên gọi của tiểu thuyết đã thấy nhà văn có ý thức và dụng công. Nữ sĩ thời tao loạn, Nữ sĩ thời loạn lạc, Nữ sĩ thời chiến tranh, nhưng nhà văn đã cố ý chọn «thời gió bụi ». Bởi lẽ bản dịch Chinh phụ ngâm của Hồng Hà nữ sĩ có câu «Thưở trời đất nổi cơn gió bụi ».
Tiểu thuyết «Nữ sĩ thời gió bụi» thành công chứng tỏ rằng chỉ cần có tài, có tâm, có sự trân trọng với tiền nhân thì không cần phải quá quan tâm đến bút pháp, người viết vẫn có thể đạt được điều mình mong muốn, góp thêm vào kho tàng văn chương của đất nước một nhân vật văn học độc đáo !
Hà Nội, 14 tháng 7 năm 2021
Người gửi / điện thoại