Nguyễn Sản
MỘT CHÚT TÌNH QUÊ
(Đôi dòng về anh Nguyễn Công Hồng, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Giấy VN)
Quê hương là gì hở mẹ/ Mà cô giáo bảo phải yêu?/ Quê hương là gì hở mẹ/ Ai đi xa cũng nhớ nhiều?
Bất chợt một lúc nào đấy, con cháu với ánh mắt trong veo hỏi ta câu ấy, thay vì diễn giải dài dòng, có thể ta lại lấy ý thơ Nguyễn Trung Quân mà khơi gợi cháu con từ những hình ảnh hết sức cụ thể:
Quê hương là chùm khế ngọt/ Cho con trèo hái mỗi ngày/ Quê hương là đường đi học/ Con về rợp bướm vàng bay/ Quê hương là con diều biếc/ Tuổi thơ con thả trên đồng/ Quê hương là con đò nhỏ/ Êm đềm khua nước ven sông/ Quê hương là cầu tre nhỏ/ Mẹ về nón lá nghiêng che/ Quê hương là đêm trăng tỏ/ Hoa cau rụng trắng ngoài thềm…
Mỗi người chúng ta, nhất là người đang sinh sống và công tác xa quê, những hình ảnh thân thương ấy luôn có sức lay động, gợi nhớ nỗi niềm thao thiết cố hương.
Với Nguyễn Công Hồng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam - người con của thôn Đại Đồng, xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, giờ đang sinh sống với cộng đồng dân cư khu Bãi Thơi thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ - cùng với niềm say mê với công việc, gắn bó với nhà máy, là nỗi nhớ quê hương luôn canh cánh trong lòng. Xa quê đã lâu, nhưng những hình ảnh quen thuộc về cây đa, bến nước, cổng làng, màu áo nâu xồng dưới vành nón lá, đọi nước chè xanh giữa trưa hè oi ả…cùng chất giọng Bắc Trung Bộ luyến láy không thể lẫn với bất cứ miền nào, luôn theo anh trên mỗi bước đường mưu sinh, lập nghiệp.
Người đời vẫn nể phục sự học của dân Nghệ Tĩnh. Từ luỹ tre, mái rạ làng quê, năm 1967, chàng trai dòng họ Nguyễn Công ở Thạch Long khoác ba lô ra Hà Nội học đại học Bách khoa. Con đường tri thức rộng mở đã đưa anh đến những chân trời mới. Ra trường, anh được phân công về công tác tại Viện Thiết kế- Bộ Công nghiệp nhẹ. Sau mấy năm ở Thủ đô, khi công trường xây dựng Nhà máy Giấy Bãi Bằng mở ra trên vùng đất Phong Châu lịch sử, Nguyễn Công Hồng lại ngược trung du, tự nguyện gắn bó đời mình với sự phát triển của nhà máy, của ngành Giấy Việt Nam. Trong hành trình 37 năm từ khi tốt nghiệp đại học, ra công tác đến khi chuẩn bị nhận cuốn sổ hưu trí, anh đã có những bước đi vững chắc, tự khẳng định được năng lực và trình độ của mình trên con đường đã chọn.
Anh đã bao năm gắn bó với ngành Giấy, với Bãi Bằng, từ cán bộ kỹ thuật, đốc công, trưởng ngành đến phó quản đốc, quản đốc; từ giám đốc nhà máy đến Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam. Và, chính trên mảnh đất Phong Châu, tình yêu của anh với cô gái vùng lúa Lâm Thao đã đơm hoa kết trái. Người bạn đời tuổi Kỷ Hợi rất mực hiền thục đã “tặng” anh ba cô con gái và một cậu con trai. Con anh chị đã từng du học ở Úc, ở Hoa Kỳ. Con gái đều đã yên bề gia thất, chỉ còn cậu út đang nuôi khát vọng học trở thành Thạc sĩ khoa học trước khi tính chuyện trăm năm. Một gia đình như anh đang có là mơ ước của bao người.
Tình người, tình đất trung du đã đùm bọc , nuôi dưỡng tâm hồn cùng những khát vọng của Nguyễn Công Hồng. Cho đến giờ, đã chẵn 42 năm xa quê Thạch Long, nhưng ký ức tuổi thơ, tình yêu đầu đời vẫn luôn tươi rói trong lòng, cho anh nguồn cảm xúc, sự thăng hoa mãnh liệt. Ở tuổi lục tuần, khi “về lại chốn xưa” - nơi cắt rốn chôn rau, lòng anh bâng khuâng đến khó tả: Anh đã về lại chốn xưa/ Về với dòng sông thuở nhỏ/ Đâu rồi tóc em vờn gió/ Hoa bầu ngửa nón chờ ai./ Anh mừng về lại chốn xưa/ Biết em thành bà nội, ngoại/ Bao năm biển trời xa ngái/ Hoa bầu nở trắng vườn quê.
Và, như lá rụng về cội, nước trở lại nguồn, anh tự nhủ với lòng mình: Anh còn về lại chốn xưa/ Tắm mát trên sông thuở nhỏ/ Đời anh cánh buồm lộng gió/ Mà hồn neo đậu bến quê… Con người đang ở đất Phong Châu, nhưng anh vẫn dành một góc riêng tâm hồn, tình cảm cho miền quê “gió Lào, cát trắng” thân thường bên đường số 1.
Trong một dịp tình cờ có được số điện thoại ông Lê Đăng Liệu đang sở hữu, tôi đã trò chuyện với ông Chủ tịch UBND xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Nói về những người con của quê hương thành danh khắp mọi miền đất nước, ông Liệu có nhắc nhiều đến Nguyễn Công Hồng và những việc anh đã đóng góp cho đất mẹ, quê cha; trong đó có hoạt động khuyến học. Trò chuyện với Nguyễn Công Hồng, khi tôi gợi chuyện này, anh bảo: - Thạch Long còn nghèo lắm! Vài việc nhỏ tôi đã làm chỉ mong giúp trường quê có thêm điều kiện để dạy tốt, học tốt, để các cháu có bước đi xa hơn trong tương lai, trở thành người có ích cho đất nước.
Đời người là một hành trình không mệt mỏi. Trong hành trình ấy, mỗi người đều có những khoảng lặng trong công việc, trong suy tư và coi đó như một cách để nghỉ ngơi, thư giãn. Với mỗi khoảng lặng ấy, Nguyễn Công Hồng tự tạo cho mình những xúc cảm dạt dào, thăng hoa và chuyển hóa nó thành các sáng tác văn, thơ, câu đối, kịch, chuyện vui…, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho chính mình, cho những người thợ giấy Bãi Bằng. Chuyến tàu thời gian công tác phục vụ Đảng, phục vụ sự phát triển của ngành Giấy Việt Nam đang đưa anh về ga cuối, để chuyển tiếp sang con đường khác - con đường của người đã hoàn thành nghĩa vụ lao động của mình với xã hội, có quyền nghỉ ngơi, không còn những vướng bận công việc. Dù vậy, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, những người mẫn tiệp anh chẳng thể nghỉ ngơi theo đúng nghĩa của từ này. Sự học, sự hiểu biết cả về tri thức lẫn thực tiễn của anh về công nghệ giấy sau quá trình 34 năm gắn bó với đất Phong Châu, sau 27 năm gắn bó với giấy Bãi Bằng - kể từ khi nhà máy chính thức đi vào sản xuất- sẽ vẫn còn cần thiết lắm cho đời.
Tôi đã đọc những trang viết của kỹ sư Nguyễn Công Hồng, trong đó có cả bài văn ai khóc mẹ - cụ cố Sáu của anh; tôi đã nghe chính những người công nhân các phân xưởng, nhà máy kể về người “thuyền trưởng” của mình để càng thêm trân trọng những “khoảng lặng” trong tâm hồn người con của cả hai quê: Thạch Long và Phong Châu…
N.S