bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 25
Trong ngày: 85
Trong tuần: 1278
Lượt truy cập: 648824

LẶNG LẼ MIỆT MÀI KIẾM TÌM CÁI ĐẸP

LẶNG LẼ  MIỆT MÀI KIẾM TÌM CÁI ĐẸP
Tập thơ Đường mưa của Nghiêm Huyền Vũ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020
 
                                  Vũ Nho
 
ba_ng_ma
           Đường mưa là tập sách thứ 10 của nhà báo, nhà thơ Nghiêm Huyền Vũ. Là người tốt nghiệp  Đại học tổng hợp về Vật lí ở Liên Xô cũ, từng tham gia quân ngũ và làm biên tập của nhà xuất bản liên quan đến chữ nghĩa, nhà chuyên môn Vật Lí và người lính trong Nghiêm Huyền Vũ lại  có duyên gắn bó với văn chương, đặc biệt là thơ.
          Tập thơ này  ra mắt bạn đọc khi nhà thơ đã vào tuổi thất thập, lứa tuổi “ xưa nay hiếm” theo ý thơ Đỗ Phủ. Có một số bài thơ không ghi năm tháng ở cuối bài, còn những bài ghi năm tháng thì gần đây nhất là tháng 10 năm 2019, và sớm nhất cũng là 1987. Như vậy  không kể những bài không ghi năm tháng có thể sớm hơn hoặc muộn hơn, ít nhất các bài trong tập này in dấu thời gian khoảng 32 năm. Một khoảng thời gian khá dài có nhiều biến động của đời sống riêng tư mỗi người cũng như đời sống chung của toàn  xã hội.
         Thế nhưng có thể thấy những dấu vết biến động đó khá mờ, phải chăng vì người thơ không có ý ghi chép chi tiết và kĩ lưỡng? Phải chăng vì đó không phải là điều người thơ lấy làm mục tiêu? Phải chăng người thơ còn đang trên đường mải miết kiếm tìm:
                   tôi vẫn đi tìm em không gặp
                   lòng đăm đăm con đường trước mặt
                   chiều trăng non hiển hiện cuối chân trời…[…]
                   tôi vẫn đi tìm em không gặp
                   tháng Giêng rét đài, tháng Hai rét lộc
                   con mắt nhìn xanh biếc trăng non…
                                  (Tháng Hai trăng non)
Dễ dàng thấy rằng em ở đây chỉ là biểu tượng cho cái đẹp của cuộc sống mà nhà thơ theo đuổi. Tất nhiên, em có thể là một thiếu nữ cụ thể đã để lại những kỉ niệm, những khát vọng tình yêu, tuổi trẻ:
          Xin được sống những phút giây say đắm
          tự hòa tan ta giữa mọi người
          xin được hát những lời bão tố
          dù một lần dù chỉ một lần thôi
              (Không đề về một đêm nhạc)
    Em là sông La quê hương mà người thơ không ngần ngại “đánh đắm thuyền mình anh chẳng tiếc/ thêm một lần đắm đuối sông La” ( Đắm đuối sông La). Em là người bạn nhảy trong “vũ hội hào hùng âm nhạc thiên nhiên”:
                   Em nồng nàn quấn bước bên anh
                    trong thác lũ âm thanh lộng lẫy
                    bước ta đi đắm say trên sàn nhảy
                   bước ta đi đầy khát vọng giữa đời
                   (Điệu nhảy)
Em trong con mắt đa tình, si mê cái đẹp là nét đẹp lộng lẫy:
                   tóc tràn chảy ngập xuống hai vai
                   em giấu mặt trời sau vành nón
                  sông đổ nghiêng xanh một tiếng cười.
                   (Anh về một thoáng với La Giang)
Em hưa hẹn đầy mộng mơ:
                   (Em sẽ giữ hương mùa trong ngực áo
                   Trao  cho anh đúng dịp thu rằm…)
                                      (Hoa sữa giữa hè)
 Em gìn giữ mùa hương, em đi trong hương hay tự em tỏa hương như câu thơ của Bích Khê “nàng là hương hay nhan sắc lên hương”:
                   Em đi trong ánh mưa hoa
                   ướt chăng tóc biếc chỉ là làn hương
                  (Xin em bước thật nhẹ nhàng)
                   Tháng Giêng
                    bờ vai trần
                   trĩu nặng bầu trời
                   huệ trắng
                   Hương thơm gương mặt em
                   đánh đắm anh
                   suốt tuần trăng…
                              (Tuần trăng mật)       
    Em là thánh đường, là ngọn nến. Về điều này thì không phải là mới. Nhiều nhà thơ theo “giáo phái tình yêu” còn nâng em lên  thành Chúa, thành vị thánh để mình thờ phụng (Ví như Nguyễn Bính - Chung nhau dựng một trường đình/ Thờ riêng một vị thần linh là Nàng - Lòng yêu đương; ví  như Duy Khoát – Tình yêu tôn giáo của thơ/ Mà em là Chúa, anh thờ trong tim – Tôn giáo của thơ). Nhưng với Nghiêm Huyền Vũ, em vẫn có vẻ linh thiêng riêng, vừa lớn lao thiêng liêng, vừa bé nhỏ gần gũi:
                    Thánh đường không thắp đèn
                   mỗi người đốt cây nến của mình
                    tự soi những ngày đã qua
                    những ngày sắp đến […]
                    Em là cây nến của tôi
                    thánh đường của tôi…
                               (Thánh đường)
         Nghiêm Huyền Vũ kiếm tìm các vẻ đẹp từ em,  có khi từ những  nụ cười bạn bè sáng tạo:
                           Bầu bạn gặp nhau chiếu trải xuống sàn
                           Khoe câu thơ viết trên gác xép
                           Bát canh sấu trên mâm cơm khách
                           Nụ cười nào cũng lấm tấm mồ hôi
                                          (Hà Nội của tôi)
                          
Đồng thời tác giả cũng kiếm tìm những vẻ đẹp  của thiên nhiên, đất nước.
        Một làn hoa sưa trắng trong nắng xanh:
                           Kể từ sưa nở trắng hoa
                          nắng xuân xanh mướt như là ánh trăng
                               (Xin em bước thật nhẹ nhàng…)
Một cánh đồng và người thiếu nữ :
                   Đồng cỏ vắng bạt ngàn hoa dại
                   Em chân trần một mình quay lại
                   Bồ công anh mờ bay lặng êm
                                         (Câu hát buồn)
Một bờ cây thắp ngàn ngọn nến tươi xanh:
                   Cây đằm thắm mùa thu lửa cháy
                   Thắp muôn ngàn ngọn nến tươi xanh
                                   (Thu – không đề)
Một vùng cửa sông hòa vào biển lớn:
                   Chiếc võng điều bao thuở đung đưa
                   Ru những miền quê lớn thành Đất Nước
                   Chảy dọc thời gian huy hoàng đổ nát
                   Nhuộm hồng một vùng biển khơi xa
                                 (Viết bên cửa Ba Lạt)
Một vùng non nước thác suối mây đá Sa Pa:
                   Em say không nhớ
                  đã qua mấy vòng đèo
                  đá đẫm ướt
                   mây nhòa suối
                   bay bay thác lụa trắng ngà
 
                  Em say không thấy
                  núi tươi non mưa sa
                  mơ màng giấc thơ trẻ
                  sà vào lòng mây
                   Sa Pa, Sa Pa…
                    (Đường mưa)
Có thể nói suốt cuộc đời, người thơ luôn khao khát hướng về phía trước, hướng về cái đẹp:
                    Chưa bao giờ chân trời thôi hư ảo
                   Chưa khi nào con đường bớt xa xăm
                                     (Lời độc thoại)
 Hơn một lần, anh biện minh cho khát vọng của mình:
                   Nỗi khát vọng vô hình nào có lỗi gì đâu
                                      (Hoa anh túc)
                    Trái tim anh khao khát trái tim em
                   anh đơn chiếc kiếm tìm nương tựa
                   anh khô cạn khát nguồn chan chứa
                   em đừng giữ anh bằng sự khôn ngoan
                                    (Khao khát)
Người thơ khao khát kiếm tìm cái đẹp, niềm vui, bất chấp những nỗi buồn đầy rẫy trong cuộc sống. Buồn “dâng trong mắt em” (Câu hát buồn), buồn “ngưng trong khúc hát buồn/ ánh sáng một ngày chưa kịp sống” (Ánh sáng một ngày). Thậm chí buồn sũng, buồn tràn ngập:
                    Phố vắng
                    mưa bốc khói
                    anh đi một mình
                    dấu chân chết đuối
                    ngay dưới gót giày
                   lòng như chiếc khăn sũng nước
                   không thể thấm thêm giọt buồn
                               (Giêng Hai ẩm ướt)
Nhưng nỗi buồn trong anh cũng được thanh lọc trở nên trong trẻo “Chỉ cao xanh như một nỗi buồn” (Trời thu).
Cuộc sống của người viết không phải là êm đềm, thuận buồm xuôi gió. Chỉ qua những nhắc nhớ thấp thoáng:
                   Con chợp mắt sau chặng đường lận đận
                   Có ngờ đâu mẹ lặn lội về thăm
                                       (Nước mắt)
Và cả khổ thơ này nữa:
                   Chiếc ly đời anh  không sinh ra để đong
                                                                               những gì cay đắng
                    nhưng cay đắng đầy lên anh đành uống để vơi đi
                   Năm tháng rất dài, không nhớ bao lần
                                                                           nâng lên ngang mặt
                    anh soi xem số phận  muốn nói gì
                                         (Tràn ly)
Một con người đã uống những cay đắng trong chiếc ly số phận đời mình,  vượt lên cay đắng để “giữ được niềm tin vào điều trong sạch/ biết Tổ Quốc và Tình Yêu có thật” ( Viết ở nghĩa trang). Con người ấy, hồn thơ trong trẻo ấy đáng được cảm mến và tôn trọng!
 
                                             Hà Nội, ngày 1 tháng 9 năm 2020
                                              
 
 
                          
 
 
 
         
 
                  
         
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)