NGÀY GIỖ CHA
Tùng Lâm
Cha đi đã mấy mươi xuân
Nhớ thương nên thấy Cha gần cháu con
Xa Cha con ba tuổi tròn
Tình thâm phụ tử lòng con ơn Người
Thăm quê mỗi dịp Cha ơi
Người thân vẫn kể sinh thời của Cha
Trong Nam ngoài Bắc bôn ba
Cuối đời về với quê nhà, người thân
Bạn Cha nói đến nhiều lần
"Trông anh giống hệt như Ông ngày nào"
Con nghe xúc động, tự hào
Tinh Cha huyết mẹ dạt dào trong con
Cha dù đã khuất núi non
Tình Cha con vẫn mãi còn tươi xanh
Giỗ Cha nay giữa đô thành
Cháu con tụ hội cơm canh dâng Người
Nhớ Cha con viết mấy lời
Tri ân thành kính trọn đời công Cha!
Nguồn: tập thơ “Tiếng lòng” – NXB Văn học 2011
LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN
“TRI ÂN THÀNH KÍNH/ TRỌN ĐỜI CÔNG CHA”
Trong số những bài thơ viết về tình cảm của người con với đấng sinh thành, tôi rất ấn tượng với bài “Ngày giỗ Cha” của tác giả Tùng Lâm bởi ngôn từ dung dị nhưng tình cảm thương yêu, quý trọng đấng cha rất chân thực và sâu sắc.
Ngày giỗ - còn gọi “cát kỵ”, “kỵ nhật”, “huý nhật” - là buổi lễ kỷ niệm quan trọng trong tâm thức mọi người và trong văn hóa Việt. “Chính kỵ” là ngày qua đời của người thân hay tổ tiên, con cháu lấy làm ngày giỗ hằng năm. Lễ giỗ này, con cháu xa gần bận mấy cũng thường cố gắng tham dự. Nếu cúng trước ngày đó gọi là “tiền kỵ”, hay “giỗ đón”. Hiện nay không ít gia đình làm giỗ vào ngày nghỉ cuối tuần để con cháu về được đông đủ nhất. (Dẫu vậy, đúng ngày mất, gia đình vẫn thắp hương, sơ giản nhất là bát cơm, quả trứng). Cúng giỗ thể hiện tấm lòng thuỷ chung, thương nhớ người đã khuất, bày tỏ đạo hiếu đối với cha mẹ, tổ tiên. Nơi cúng giỗ là từ đường hoặc ngôi nhà người mất đã từng sống. Trong những điều kiện khác, con cháu có thể cúng ở nơi an cư vì người Việt vẫn quan niệm: con cháu ở đâu ông bà cha mẹ theo đấy. Bài thơ nói về việc tác giả làm giỗ dâng cúng cha“ngay giữa đô thành” và chọn thể thơ lục bát truyền thống để bày tỏ tấm lòng với người đã khuất: “Cha đi đã mấy mươi xuân/ Nhớ thương nên thấy cha gần cháu con/ Xa Cha con ba tuổi tròn/ Tình thâm phụ tử lòng con ơn Người”. Dù phụ thân của tác giả về thế giới bên kia đã rất lâu, năm người con mới “ba tuổi tròn” nhưng trái tim người con ấy vẫn thường trực nỗi thương nhớ cha, biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục. Không những vậy, người con có ý thức vun bồi tình cảm hiếu kính với ông cha tới lớp cháu con. Nghệ thuật đảo từ “phụ tử tình thâm” thành“tình thâm phụ tử” là sáng tạo, vừa đảm bảo vần với câu lục trước đó vừa thể hiện tình cha con sâu nặng. Người con ghi tâm khắc cốt công ơn cha mẹ cho mình được làm người. Tác giả đã từng có bài thơ “Về bên mẹ” đăng trên Tạp chí “Người yêu Thơ” số 31 năm 2016 - được Đoàn Bổng chắp cánh thành ca khúc cùng tên do ca sĩ Tuấn Dương thể hiện (Mẹ - nhạc sĩ Đoàn Bổng - youtu.be Vinh Nghiep) được nhiều người yêu thích. Vậy nên xa cách cha tuy đã hơn nửa thế kỷ nhưng chủ thể trữ tình vẫn thấy “cha gần cháu con”, nhất là mỗi dịp về thăm quê hương Thái Bình, được gặp những người bạn cũ của cha, nghe những lời nhận xét:“Trông anh giống hệt như Ông ngày nào”/ Con nghe xúc động, tự hào/ Tinh Cha huyết mẹ dạt dào trong con”. Người con cảm thấy phấn khởi và tự hào vì giống cha, là bản sao huyết thống của cha, một con người tháo vát, năng động từng “Trong Nam ngoài Bắc bôn ba” để đảm trách vai trò của người trụ cột gia đình. Cũng bởi luôn thương nhớ cha nên: “Cha dù đã khuất núi non/ Tình Cha con vẫn mãi còn tươi xanh”. Lối ngắt nhịp lẻ 3/5 trong câu thơ khiến người đọc thêm thú vị bởi sự khẳng định tình cha con bền chặt. Tình cảm thương nhớ ấy không phai mờ theo thời gian, vẫn xanh tươi như cây lá quanh vườn, như sự sống muôn nơi. Bốn câu cuối bài gửii thông điệp sâu sắc cho thế hệ con cháu: cúng giỗ người đã khuất còn là dịp để anh em con cháu có cơ hội giao lưu vui vẻ, hiểu nhau và đoàn kết hơn, hành xử tốt với nhau hơn, nhất là trong thời đại công nghệ và kinh tế thị trường đang chi phối, làm hao mòn tình cảm, đạo đức con người trong mọi lĩnh vực. Tác giả từ lâu đã lên ông, lên bà, vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng khi nói về cha, các chữ trong bài thơ đều viết hoa: Cha, Người, Ông, riêng từ “Cha”điệp nhiều lần thể hiện tấm lòng trân quý đấng sinh thành.“Tri ân thành kính trọn đời công Cha”câu thơ hàm súc đã cô đúc lại toàn bài. Thi phẩm đã khép lại nhưng thông điệp tác giả tự nhủ mình và muốn truyền tới bạn đọc là: “Có cha mẹ mới có mình/ Sống sao cho xứng nghĩa tình làm con”.
Người gửi / điện thoại