Người tấu khúc nhạc hồn quê([1])
TS. BÙI NHƯ HẢI
Tôi đã từng đọc khá nhiều thơ của thi sĩ Nguyễn Văn Đắc in rải rác trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Tôi rất thích những bài thơ của anh, vì nó mang hương vị của quê hương, đất nước, tình thương yêu đối với mẹ cha, bạn bè, cũng như chính mình qua chất giọng mộc mạc, giản dị, chân thành nhưng lại giàu tính hiện thực, đậm đà triết luận, đáng để bạn đọc suy ngẫm, trăn trở về cuộc đời, về chính mình. Tôi rất yêu quý, cùng đồng cảm, sẻ chia với thi sĩ Nguyễn Văn Đắc trên hành trình sáng tạo thi ca. Vì thế, tôi viết lên đôi điều cảm nhận để bạn đọc gần xa hiểu thêm về “vũ trụ” thơ cũng như con người nhà thơ Nguyễn Văn Đắc qua tập thơ Cái rốn.
Nhà thơ Nguyễn Văn Đắc sinh ra và lớn lên tại một vùng quê chiêm trũng Hải Tân, Hải lăng, Quảng Trị. Chốn quê ấy, nằm cạnh con sông huyền thoại Ô Lâu - nơi quanh năm thường xuyên xảy ra những trận hạn hán, lũ lụt đã cuốn trôi phăng đi bao cánh đồng mùa màng mất mát, những thửa vườn xác xơ, tiêu điều, nên người dân nơi đây quanh năm rất vất vả và khổ cực. Thấu thị được những nỗi cực khổ, cần lao của người dân quê mình, Nguyễn Văn Đắc đã giành trọn vẹn tình cảm chân thành của mình để viết lên những vần thơ về con người và cuộc sống nơi đây một cách chân thành và thao thiết:
Ai cũng có một quê hương
Nơi chôn nhau cắt rốn
Từ thuở mới lọt lòng đỏ hỏn
Ai cũng có một phần máu thịt để lại nơi đây
Không nơi đâu sâu nặng hơn nơi nầy
(Cái rốn)
Mỗi chúng ta, ai cũng có nơi chốn sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Trong đó, có người sống và gắn bó với quê hương đến khi trở về với đất mẹ nhưng cũng có người vì miếng cơm manh áo, mà rời xa quê để đến nơi đất khách quê người lập nghiệp. Nguyễn Văn Đắc là trường hợp thứ hai, sinh ra và lớn lên tại làng quê của mình, nhưng đến khi lập gia đình, thì lại vào tận miền Tây để làm ăn, lập nghiệp. Những năm tháng sống xa quê hương, người thân, anh không lúc nào nguôi nhớ về chốn quê của mình. Dẫu quê hương còn nghèo khổ, quanh năm mưa nắng, lũ lụt triền miên, nhưng người dân quê người thơ vẫn sống trọn cùng thiên nhiên và vui buồn cùng đất trời:
Khi hạn hán, khi mưa dầm
Khi nước lớn, khi nước rong
Nước rong mẹ còng lưng tát nước
Nước lớn lụt về mẹ xuôi ngược lo toan
Những cơn bão táp thiên nhiên, sóng đời cơ cực của người dân quê đã kết tinh thành những vần thơ đầy tha thiết, mặn xót biết dường nào!
Trên nền chung, làng quê cạnh dòng sông Ô Lâu tình sử, Nguyễn Văn Đắc như bao nhà thơ khác, cũng viết về những người thân. Điều không cũ cũng không mới, nhưng vẫn cứ riêng khác khi gắn hình ảnh dòng sông với cuộc đời sinh thành của mẹ:
Khi mẹ sinh con ra đã có dòng sông
Dòng sông ấy cũng đã chảy qua đời mẹ
Tháng năm dài con sông dâu bể
Nắng dãi mưa dầm đời mẹ gian truân
Từng gánh nước oằn vai, lưng còng vai nặng
Trún cho con ngụm nước quê mình
Tắm cho con khí linh của Ô Lâu trường thủy
Dòng sông Ô Lâu trường thủy đã tắm gội người thơ những khí linh nguồn cuội, nên sau bao nhiều năm lưu lạc, sinh sống nơi xứ người, Nguyễn Văn Đắc vẫn không pha loãng giọng nói chat, mặn của một vùng đất khi trời nắng thì lại chang chang, khi trời mưa thì sùi sụt. Dẫu ở đâu, đi đâu, làm gì, anh vẫn giữ nguyên chất thuần nông của một người nhà quê, nên lời thơ vẫn mênh mang khúc sông trăng giữa hai bờ sâu nặng nghĩa tình quanh đời. Dòng sông Ô Lâu đã mang trọn tâm tình của nhà thơ, mà hòa tan vào vị mặn, ngọt của tình quê:
Lửng lờ con nước chảy ngang
Con cá bay nhảy rộn ràng mưa qua
Cá ơi ngọt nước canh cà
Quê hương ấm dịu mặn mà rau tương
Con trâu mẹp nước bên đường
Miệng cười nhai lại chút hương cỏ đồng
Ô Lâu sông của dòng sông
Dòng sông tuổi mẹ mặn nồng tình quê
(Dòng sông tuổi mẹ)
Những hình ảnh thân thương, gần gũi, quen thuộc của quê hương đều mang trọn tâm tình và hóa thân vào thơ anh một cách mộc mạc, giản dị.
Trên nẻo dặm đường của cuộc đời, Nguyễn Văn Đắc đã trải qua rất nhiều sóng gió, nên đã giúp cho anh có được nhiều vốn sống cũng như nhiều kỷ niệm để sau này chưng cất thành thơ khá cô đọng và giàu chất triết luận về cuộc sống, về cuộc đời. Chất triết luận trong thơ Nguyễn Văn Đắc không hề trộn lẫn với một ai. Chất triết luận luôn được phóng chiếu trên nhiều tầng liên tưởng, hấp dẫn và có sức khơi gợi, giàu tính nhân văn sâu sắc:
Từ ấy con mang rốn vào đời
Mang theo cả nỗi đau và niềm hạnh phúc
Có hạnh phúc nào lại không bắt đầu từ nỗi đau?
Và có nỗi đau thì niềm hạnh phúc mới diệu vợi
(Cái rốn)
Có những sự việc, hiện tượng rất đỗi đời thường, thậm chí là bình thường, nhưng qua thơ Nguyễn Văn Đắc đã nâng lên hành một tầm triết lý mới, giàu chất suy tưởng, khái quát ý nghĩa nhân sinh và nặng suy tư về thế thái, nhân tình. Hình ảnh cái trứng trong bài thơ Quả trứng là một dẫn dụ cụ thể để chứng minh sự “độc sáng” của nhà thơ Nguyễn Văn Đắc trong việc lựa chọn hình ảnh, biểu tượng nghệ thuật. Chính điều đó, đã giúp anh vượt qua những sáo mòn nhàm chán, để có một lối rẽ đi riêng cho mình, gây ấn tượng thẳm sâu nơi trái tim bạn đọc:
Có cái vỏ bọc mỏng manh
Rất dễ vỡ
Rơi thì vỡ
Bóp thì vỡ
Tất cả các kiểu vỡ ấy đều phá vỡ sự sống
Chỉ có một kiểu vỡ có sự sống:
Tự bung ra để hiện hữu một hình hài!
Có một điều bất hạnh
H5N1 có thể hiện hữu trong sự sống ấy.
Quả trứng tròn trĩnh bán thân
Đó là bụng mẹ loài người
Không có sự phá vỡ
Không có sự gián cách
Chỉ có hạnh phúc, tình yêu
và niềm kiêu hãnh!
Trong cuộc đời, Nguyễn Văn Đắc rong ruỗi rất nhiều qua những vùng đất, miền quê khác nhau. Sau một thời gian sinh sống ở vùng đất miền Tây, anh đã cùng vợ con trở về ngay chính chốn quê cùng mẹ cha, người thân như lời nguyện ước của cha mẹ. Trở về quê hương, Nguyễn Văn Đắc làm trong ngành xây dựng, nên có cơ hội để đi rất nhiều nơi ở mọi miền của đất nước. Những miền quê đã từng đi qua, từng một thời sinh sống và cả những người thân quen, chưa từng quen nhau cũng đều in dấu trong thơ. Một thủ đô Hà Nội đong đầy kỷ niệm của lần đầu tiên khi nhà thơ đến nơi đây:
Bởi một lẽ lần đầu ra Hà Nội
Nên ngại ngùng, bối rối mông lung
Cây cao xanh giữa phố xá điệp trùng
Người xe cộ như nối cùng một thể
Hà Nội xưa sao ta nghe quen thế
Dẫu đôi lần mới nghe em kể
Sáng Ba Đình trời ngập nắng thủy tinh
Chiều Hoàn Kiếm gió mơn làn sóng bạc
Đêm hoa đăng đêm ngập tràn sao sang
Sao trên trời sao ngự giữa trần gian
Ta mặc khải chiêm bao về xứ lạ
Phút xao lòng em bỗng hóa trong ta
(Hà Nội ký ức một ngày)
Một Tháng 6 trời Tây vang lên từ nơi tít tắp đại dương, vượt qua vạn dặm, bão tố, phong ba để thỏa chí đời trai, nâng cao trí lực, đức tài,...
Tháng 6 bắc nhịp trời Tây
Qua ngàn vạn dặm đong đầy chí trai
Nâng cao trí lực đức tài
Vững vàng tay lái dặm dài vươn xa
Vượt qua bão tố phong ba
Thuyền về bến đợi hoan ca nhạc lòng
Một hành trình Trên đỉnh sa mù của rừng núi non xanh, hoang sơ, trùng trùng, điệp điệp:
Đèo cao núi cả non xanh
Nõn nà lá mọng vươn cành sắc xuân
Suối khe vách đá chập chùng
Nắng ùa răng rắc suối nguồn cạn khô
Và cả những lời tâm sự thủ thỉ, yêu thương của Nguyễn Văn Đắc đối với người vợ yêu quý, thủy chung, son sắt của mình:
Lăng Cô ta đến lần đầu
Cô Lăng ta đã bạc đầu với em
Lăng Cô sóng biển dịu êm
Cô Lăng ta sống êm đềm tháng năm
(Lăng Cô êm đềm)
Cũng như nhà thơ Nguyễn Văn Đắc nói với mẹ trong sự kính yêu, biết ơn vô hạn một cách chân tình, da diết và thẳm sâu vọng từ những con chữ giản đơn, chân mộc nhưng nặng tình mẫu tử:
Cái rốn lớn lên âm thầm lặng lẽ
Dấu ấn một đời lòng mẹ cắt ra
Chín tháng mười ngày ruột mẹ nối ruột con
Miếng dỡ miếng ngon mẹ cũng
nuôi con theo đường ấy
(Cái Rốn)
Hay những dòng thơ văn xuôi trong bài Mấy nhịp sầu thương viết về người cha đã khuất, thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn công lao to lớn như trời biển của nhà thơ Nguyễn Văn Đắc qua những ký ức, sự chiêm nghiệm giữa quá khứ và thực tại, giữa còn và mất, giữa cái có thể và điều không thể trong cõi đời này:
“Một sáng tin mơ của ngày đầu xuân năm ấy - cha mất rồi tin dữ ấy vang xa. Trong vạn dặm của cuộc đời ai cũng có những nỗi bi ai, và ngày ấy, mùa xuân ấy con đã vĩnh viễn xa cha,… Sỏi cát chơ vơ bên bờ biển hát, dã tràng xe cát biển mặn buồn trôi mà không chút gì thương tiếc. Những gì vun đúc hôm nay cho người thân, cho quê hương, có là công dã tràng xe cát? Xin cho sóng gió cuộc đời đừng là sóng gió của đại dương vô tình, xin cho tôi được giữ mãi mấy nhịp sầu thương và hãy trả lại yêu thương bên vị mặn cuộc đời”.
Đọc bài thơ văn xuôi này, độc giả sẽ nghiệm ra một điều, là đằng sau sự được/mất, hạnh phúc/khổ đau,… chính là sự ngộ ra bản thể, ngộ ra chính mình. Trong trạng thái thức tỉnh sau cơn khát tìm ấy, là rất quan trọng đối với mỗi con người. Bởi không một ai ngoài chính mình có thể làm sống lại những điều mơ ước, những điều khát khao cháy bỏng khôn nguôi. Những vần thơ chiêm nghiệm của Nguyễn Văn Đắc vì thế cũng rất thẳm sâu, da thiết biết dường nào:
Cuộc đời được mấy lần vui
Đã bao nhiêu bận bùi ngùi xót xa
Ta về ngắm bóng soi ta
Tuổi xuân một dạo tuổi già đến thay
Rượu nồng nhấp chén men say
Cuộc đời một chớp chau mày thoáng qua
(Chớp chau mày)
Dẫu biết rằng, thưởng thức và chiêm ngưỡng thơ là phụ thuộc vào thị hiếu của từng người, nhưng tôi cũng thiết nghĩ 39 bài thơ trong tập thơ Cái Rốn của Nguyễn Văn Đắc cũng đã góp phần chắp thêm đôi cánh cho vườn thơ đương đại giàu thêm hương sắc và làm cho ta sống cũng như yêu hơn, muốn sống hơn giữa cuộc đời đầy ý nghĩa, tươi đẹp này.
Quả thực, tập thơ Cái Rốn đã để lại trong lòng bạn đọc nhiều suy tư trĩu nặng. Sở dĩ nhà thơ Nguyễn Văn Đắc có được một mùa bội thu như thế, chính là nhờ sự sáng tạo nghệ thuật rất nghiêm túc, không biết mệt mỏi, cùng với lòng yêu đời đến cháy bỏng, yêu người đến tha thiết và yêu cái đẹp, cuộc sống đến cạn kiệt bởi một nỗi yêu thích, đam mê đến mãnh liệt của một tâm hồn đầy đa cảm, nặng nghĩa tình.
Nhà thơ Nguyễn Văn Đắc giờ đây tuổi đã gần thất thập, vì thế chẳng cầu mong gì ở lợi danh, nhưng với những thành quả đã đạt được và cả những vỉa tầng đang được khơi lộ, tôi hy vọng anh sẽ còn vững bước trên con đường sáng tác thi ca, mà tập thơ Cái Rốn chính là hoa trái đầu mùa với những bông hoa thơm ngát, những quả ngọt đầu mùa ấy sẽ đồng vọng từ tiếng nói tri âm, từ tình yêu người thơ là một cách để dâng tặng thi ca đến với cuộc đời, với bạn đọc.
Hải Thiện, tháng 1/2010
Tạp chí Cửa Việt, số 195/2010
([1]) Nhân đọc tập thơ Cái rốn của Nguyễn Văn Đắc, Nxb. Thuận Hóa, 2010.
Người gửi / điện thoại