bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 50
Trong ngày: 345
Trong tuần: 1135
Lượt truy cập: 773714

NGUYỄN BÍNH THI SĨ CỦA TÌNH YÊU

                         Nguyễn Bính thi sĩ của tình yêu
 
                                                Vũ Nho
 
vu_nho_iu
                      PGS.TS. Vũ Nho
 
Nhiều người đã viết, đã nói, đã khẳng định Nguyễn Bính là thi sĩ của tình quê, chân quê, hồn quê. “Khi nào anh cũng là người của các xứ đồng, của cái diều bay, của dây hoa lý, của mưa thưa, mưa bụi giữa mọi công ăn việc làm vất vả sương nắng. Bởi đấy là cốt lõi cuộc đời và tâm hồn thơ Nguyễn Bính” ( Tô Hoài – Nhà thơ của tình quê, chân quê, hồn quê). GS Hà Minh Đức viết cuốn sách “Nguyễn Bính thi sĩ của đồng quê”, TS Chu Văn Sơn trong “ Ba đỉnh cao thơ mới” coi thơ Nguyễn Bính là “Giọng điệu hồn quê” (*). Chúng tôi muốn nhìn Nguyễn Bính ở một góc độ khác. Đó là Nguyễn Bính thi sĩ - nhà thơ của tình yêu.
Không phải ngẫu nhiên mà sinh thời Nguyễn Bính được bạn đọc vô cùng  mến chuộng.  Theo hồi ức của nhà văn Tô Hoài, các cô gái thợ dệt Nghĩa Đô, không cô nào là không thuộc thơ “ Lỡ bước sang ngang”. Nguyễn Bính là thi sĩ của tình yêu vì nhà thơ đã viết rất nhiều về các mối tình. Tình của mình và tình của  thiên hạ. Không ai biết có bao nhiêu chị em đã “phải lòng” nhà thơ, đã thư từ qua lại “thề non hẹn biển” với chàng thi sĩ lãng tử. Nhưng có một sự thật là   những mối tình đó đều dang dở và để lại những vết thương lòng cho thi sĩ đa tình. Rồi chúng hiện hình thành những vần thơ thống thiết làm rung  động bao nhiêu trái tim yêu thời ấy. Nguyễn Bính vô cùng trân trọng những mối tình của đời mình. Có thể coi đó như là muôn vẻ ái tình như thi sĩ Lưu Trọng Lư từng diễn thuyết ở nhà Học hội Quy Nhơn “ cái tình say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gụi, cái tình xa xôi…cái tình trong gây phút, cái tình ngàn thu” (Thi nhân Việt Nam, nxb Văn Học, Hà Nội, 1988, tr. 11).  Chàng thi sĩ thành Nam đi đâu cũng khư khư bên mình “cái hộp sắt tây màu đỏ lựu – cái hộp đựng bánh bích quy”. Cái hộp đó là nơi cất những bức thư tình “ là bằng chứng sống về lời thề sông cạn đá mòn, có lúc dọa cắt tóc đi tu và uống thuốc phiện dấm thanh cho chết, nhưng cũng không người con gái nào yêu thơ rồi say mê nhà thơ đến đi theo không. Còn nhà thơ thì chẳng làm sao lo được tiền cưới, ở cái thời mà những thói tục phiền nhiễu và đồng tiền to hơn nghìn vạn lần tình cảm con người” ( Tô Hoài – bài đã dẫn). Nguyễn Bính viết về những phụ nữ trẻ.  “ Lỡ bước sang ngang” là thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ. Ở đó thể hiện những tình cảm kín đáo và ngang trái của một  người con gái có chồng, nhưng lại ôm mãi trong lòng mối tình đầu. Những câu thơ nói nỗi lòng của bao nhiêu chị em không cam chịu “Một duyên hai nợ âu đành phận” ( Tú Xương). Lời thơ thống thiết làm sao:
 Mười năm gối hận bên giường
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh
Mười năm đưa đám một mình
Đào sâu chôn  chặt mối tình đầu tiên.
Và đây nữa những thất vọng vì một tình yêu  đã chết vừa mới hồi sinh lại đau khổ, chia lìa:
Đã đành máu trở về tim
Nhưng khôn buộc nổi cánh chim giang hồ
Người đi xây dựng cơ đồ
Chị về trồng cỏ nấm mồ thanh xuân
Người đi khoác áo phong trần
Chị về may áo liệm dần nhớ thương
Đâu phải là ngẫu nhiên mà Nguyễn Bính là tác giả của nhiều bài thơ viết về các cô gái trẻ. Ít nhất có ba cô nổi tiếng trong thơ và cả trong nhạc  nữa. Ấy là “Cô lái đò”; “Cô hái mơ” và “Cô (Người) hàng xóm”. Mà dân Việt thời đó, ai chẳng đã một lần qua đò? Ai chẳng có  hàng xóm láng giềng không “Cách nhau một dậu mồng tơi xanh rờn” thì cũng gần gũi trong làng trong xóm “Đôi ta cùng ở một làng”. Sự “lỗi ước với tình quân” của cô lái đò “bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng sông”; sự im lặng không đáp một lời của cô hái mơ “Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng/ Rừng mơ hiu hắt là mơ rơi”; cái chết đột ngột của người hàng xóm “Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi” đã làm trái tim nhà thơ thổn thức để rồi  thành những bài thơ  bâng khuâng, da diết găm vào kí ức người đọc.
Cũng  giống như Hàn Mặc Tử,  các nhà nghiên cứu có thể phỏng đoán một phụ nữ cụ thể là Mộng Cầm hay Hoàng Cúc là nguồn cảm hứng để nhà thơ viết các bài thơ tình.  Nguyễn Bính cũng đã cho biết cô Oanh sông Nhuệ là  kết quả của tập “Tâm hồn tôi”, mối tình với  tác giả “Bức tranh quê” cho ra đời “ Hương cố nhân”, cô Tuyên là hình ảnh “ Người con gái ở lầu hoa”. Nhưng khác Hàn thi sĩ ở chỗ có nhiều em, nhiều cô vô danh đã làm thổn thức trái tim Nguyễn Bính. Chưa thấy ai viết “ Người hàng xóm” của Nguyễn Bính là ai. Cũng chẳng mấy ai  biết “ Người con gái ở lầu hoa” tên gì mà chàng thi sĩ đa tình  sợ hãi “ Tôi đi sợ cả lời tôi nói/ Sợ cả gần nàng, sợ cả yêu”. Và  một cô thôn nữ trẻ “ Nàng đẹp mà nàng lại có duyên/ Trai thôn thầm liếc/ liếc thầm khen” (Đôi khuyên bạc); một “ Cô gái nhà ai ở xóm Đông” cách hai bờ giếng mà “ như kẻ đầu sông, kẻ cuối sông” đã làm cho thi sĩ mất hồn “ Cho nên từ đấy tôi ngơ ngẩn/ Làm những bài thơ lạc cả đề” ( Nhặt nắng). Họ đều là những những cô gái trẻ không rõ tên tuổi. Có thể là một cô gái mắt nhung, Có thể là “em” là “nàng” như cách gọi phiếm chỉ ( Hồn anh như hoa cỏ may/ Một chiều cả gió  bám đầy áo em – Hoa cỏ may;  Nàng đi, Hà Nội buồn như chết - Một lần). Ngay cả cô gái có tên “ Nhi” trong bài thơ “Hoa và rượu” có lẽ cũng chỉ là một cái tên tượng trưng để nhà thơ  mơ giấc mơ tình ái:
Rượu cất kì ngon men ủ khéo
Say người thiên hạ lại say nhau
Chiều chiều hai đứa sang thăm chị
Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu
Người đọc thấy một Nguyễn Bính thất tình, đau khổ:
          Tôi giờ như một người tang tóc
          Chẳng dám cùng ai dệt mộng vàng
                          Thôi nàng ở lại
          Không, từ ân ái nhỡ nhàng
          Tình tôi than lạnh tro tàn làm sao
                             Người hàng xóm
Bức thư thơ gửi chị Trúc, chàng Nguyễn Bính xưng em và thú nhận:
          Mới nửa đời thôi em phải khóc
          Hai lần hai chuyện bước sang ngang
          Em đi mất tích một mùa xuân
          Đi để chôn vùi hận ái ân
                        Khăn hồng
Rồi thì yêu và ghen một  kiểu ghen lạ ghen lùng, ghen quay quắt ( Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi/ Thế nghĩa là yêu quá mất rồi):
          Tôi muốn những đêm đông giá lạnh
          Chiêm bao đừng lẫn quất bên cô
           Bằng không tôi muốn cô đừng gặp
           Một trẻ trai nào trong giấc mơ […]
          Chân cô in vết trên đường bụi
          Chẳng bước chân nào được giẫm lên
                                    Ghen
Rồi thì say sưa trong yêu đương:
          Yêu yêu yêu mãi thế này
          Tôi như một kẻ sa lầy trong yêu
Thi sĩ kêu gọi những  người si mê  người tình như mình:
          Chung nhau dựng một trường đình
          Thờ riêng một vị thần linh là Nàng
                             Lòng yêu đương
Rồi thì hờn dỗi, so sánh  sự  khác  biệt , sự  đối  lập  giữa  hai tâm hồn:
          Hồn tôi giếng ngọt trong veo
          Trăng thu trong vắt biển chiều trong xanh
          Hồn cô cát bụi kinh thành
          Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe
                               Tình tôi
          Lòng anh như biển sóng cồn
          Chứa muôn con nước nghìn con sông dài
          Lòng em như chiếc lá khoai
          Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu
                                Anh với em
 
Rồi thì  mong nhớ, tương tư:
          Gió mưa là bệnh của trời
          Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
                             Tương tư
Nếu Tản Đà đa tình trước đây làm thơ “ Gửi người tình nhân không quen biết” thì Nguyễn Bính cũng “Viếng hồn trinh nữ” một thiếu nữ “ tuy không biết nhau” nhưng thi sĩ đã thấy mình và “tất cả/ Kinh thành Hà Nội chít khăn xô”.
          Mơ mộng, tỏ tình, thất tình, đau khổ,  tương tư,  hi vọng, thất vọng, ghen tuông,… tất cả các cung bậc yêu đương đều có thể tìm thấy trong thơ Nguyễn Bính. Vì thế có thể nói thi sĩ Nguyễn Bính cũng là thi sĩ của TÌNH YÊU.
                                               Hà Nội, tháng 4 năm 2018
 
--------
*) Hà Minh Đức - Nguyễn Bính thi sĩ của đồng quê, nhà xuất bản Giáo Dục, 1998. Chu Văn Sơn – Ba đỉnh cao thơ mới, nhà xuất bản  Giáo Dục, 2003.
Tô Hoài – Nhà thơ của tình quê, chân quê, hồn quê. Trong sách “Nguyễn Bính, thơ và đời”, nhà xuất bản Văn học, 1998.
                         
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)