Phố - cuộc sống của người lính sau thời kì bao cấp
TỐNG THỊ THANH
Chu Lai là nhà văn viết nhiều về chiến tranh. Bản thân ông là người lính, cầm bút trong màu áo lính. Trong số bốn cuốn sách Đinh Tị Books vừa cho phát hành của tác giả, Phố viết về cuộcsống của những người lính vừa bước ra khỏicuộc chiến tranh chưa lâu, đối diện trước cơm, áo, gạo tiền và đổi thay chóng mặt của cơ chế, đó là sự giằng co giữa tình yêu, tình đồng đội của những con người gắn liền với con phố NhàBinh.
Các nhân vật chính cần phải nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết là Nam, Lãm, Thảo, Bình, Hùng, Loan… Họ đều có các mối liên hệ mật thiết. Chú ý nhất họ vốn là đồng đội của nhau. Vợ chồng Nam – Thảo đều là bộ đội sau giai phóng. Nam vào Thảo yêu nhau khi cuộc chiến tranh chống Mĩ ác liệt nhất. Tình yêu nảy nở vào đêm mưa rừng. Tấm vải dù minh chứng cho tình yêu vẫn được vợ chồng Nam – Thảo gìn giữ. Tình yêu giữa một người lính và một người lính thật tự hào, trong sáng và lãng mạn. Hòa bình đến, khó khăn, thiếu thốn thời bao cấp chưa qua thì kinh tế thị trường ập tới. Từ chỗ cả gia đình ba người sống trong căn hộ tập thể nhỏ hẹp trên phố Nhà Binh, vợ chồng họ xây được căn nhà ba tầng bề thế, thiết kế hiện đại bậc nhất thủ đô lúc bấy giờ. Căn nhà, khối tài sản mà Thảo đem về theo dạng xuất khẩu lao động sang Đông Đức đáng lẽ đảm bảo để cuộc sống gia đình người lính sung túc, hạnh phúc, viên mãn. Tưởng tình yêu trải qua gian nan chiến tranh, tình vợ chồng “chia ngọt, sẻ bùi” thời kì đất nước còn đói khổ, cảnh nuôi con một mình của người đàn ông vắng vợ sẽ tràn ngập hạnh phúc khi Thảo trở về xinh đẹp, giàu có. Hôn nhân, tình yêu Thảo – Nam có dấu hiệu rạn nứt bởi khoảng trống không thể khỏa lấp nổi ở cả hai người. Qua năm tháng, Nam vẫn hồn nhiên, thô mộc như chàng trai mạnh mẽ, quyết đoán đi ra từ cánh rừng chiến tranh. Thảo hoàn toàn khác, rời bỏ bộ trang phục quân nhân, cô chính là người ngỏ ý sang trời Tây lập nghiệp, cuộc sống xa gia đình, xa đất nước, một thân ở xứ người, bên cạnh thùng hàng gửi về cho chồng, cho con, cô không tránh khỏi cạm bẫy. Cái tình yêu lúc bồng bột, đắm say, hừng hực của tuổi trẻ không níu kéo được mặn nồng, đầm ấm trong cuộc hôn nhân của Nam và Thảo.
Hết hạn ba năm quân ngũ, Lãm từ chối đi học sĩ quan, anh quyết tâm lấy cô gái ngoài thị xã gần đơn vị. Cuộc hôn nhân của Lãm, gia đình, đơn vị thậm chí cả Nam là người thủ trưởng của anh cũng phản đối. Kết thúc những ngày ăn cơm bộ đội, ngủ hầm, cầm súng, Lãm cùng cô vợ và đứa con sống cảnh “màn trời chiếu đất” ngay trên phố Nhà Binh. Cô vợ ngày ngày ra chợ làm thuê, lúc túng quẫn buộc phải bán cả mình. Lãm là người gia trưởng, độc đoán nhưng ngay thẳng, hết lòng vì vợ con. Anh trải qua nhiều công việc cuối cùng mới có được thành công. Lãm là tay đào đá quý, buôn lậu, buôn mía, buôn thuốc làovà thành ông chủ lò nấu đường. Cuộc đời giáp danh giữa cơ chế bao cấp và nền kinh tế thị trường đã quăng quật, tôi luyện Lãm. Xây dựng nhân vật, nhà văn cho thấy tâm hồn người lính, chất lính, tính cách người lính và cả sự trung thực ở người lính. Cơ cực Lãm vẫn nhất quyết không cầm tiền giúp đỡ của thủ trưởng Nam, khốn cùng cảnh đào đá quý Lãm gặp lại Tùng, buôn thuốc lào đường dài Lãm gặp được người cấp trên cũ… Lãm không thể bỏ qua cảnh Hùng và Thảo đi vào nhà nghỉ. Anh chính là người thiệt mạng để cứu Hùng dưới biển lên.
Cuốn tiểu thuyết cho ta bắt gặp nhân vật Bình. Bình xởi lởi, tốt tính, đa cảm. Bình viết kịch bản, làm phim. Anh có thể có nhiều người phụ nữ mến mộ nhưng như cách Loan nói, anh chưa phải là mẫu đàn ông mà cô ao ước. Mặc dù tình cảm giữa anh và Loan khá tốt song tình yêu dường như vẫn chưa gõ cửa trái tim họ. Kể từ vết thương của cuộc hôn nhân cũ, chưa có người đàn bà nào níu anh khỏi các dự án làm phim. Trở về, cái kết mà anh bắt gặp ở gia đình Nam, cái kết mà chị bán nước kiêm giảng viên đại học kể cho anh là cái kết mà anh là một nhân vật trong đó.
Phố Nhà Binh, con phố sinh sống của những người lính. Cơ chế mở ra, sinh hoạt tối thiểu của mỗi cá nhân bị co rút lại. Vợ chồng ông thủ trưởng trung đoàn phải mở quán cà phê, chị giảng viên phải mở quán nước, những con người ban đêm nằm bên góc phố khuya... Vài năm sau đó, nhà nhà mở quán, người người mở quán, băng rôn, biển hiệu đua chen, nhà cao tầng thay thế các căn hộ tập thể chật hẹp. Dư âm chiến tranh, dư âm thời bao cấp nhanh chóng qua đi, phố đã thay đổi nhưng vẫn mang tên phố Nhà Binh.
Viết về người lính, không phải về người lính trong cuộc chiến tranh. Chu Lai nhìn họ khi cái hào quang chiến thắng của dân tộc xa chưa lâu. Họ vẫn là người lính, không mất đi phẩm chất vốn có của người mặc quân phục. Nếu nói có lỗi thì chính là sự thay đổi đến chóng mặt của thời cuộc buộc con người phải quay cuồng trong những tính toán áo cơm thường nhật. Phố vẫn mang cái êm đềm, tổn thương lòng người giữa thời cuộc cũng là điều dễ hiểu.
Phố là một trong bộ bốn cuốn tiểu thuyết viết về người lính của nhà văn Chu Lai, ta không nghe tiếng bom, tiếng pháo nổ ầm ầm, ào ào trong cuốn sách mà nghe hơi thở mưu sinh, tiếng họ nói, họ thì thầm, trò chuyện, trao đổi, phản ánh, bắt chuyện… Phố là một lát cắt, điển hình hơn, cuốn sách viết về cuộc sống của người lính, những con người nơi phố Nhà Binh giữa thăng trầm, biến động không ngớt của cuộc đời.
Tống Thị Thanh
thôn Bắc Sơn, xã Hà Bắc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá
Sđt: 0353048643
Người gửi / điện thoại