TRỞ VỀ ĐẾ ĐÔ
Trần Trọng Giá
Có những chuyến đi trong đời được gắn với nghĩa vụ và trách nhiệm, nhưng còn có những chuyến đi lại là một hành trình trở về. Trở về một nơi không chỉ hiện hữu trong ký ức mà còn hằn sâu trong tâm khảm như một vết khắc thiêng liêng. Hành trình mà mỗi viên đá, mỗi dòng sông, mỗi bóng núi đều biết kể chuyện, mỗi dấu vết xưa đều là một mảnh tâm hồn chưa bao giờ tàn phai trong tâm thức của mỗi người.
Với tôi, Đế Đô – Hoa Lư chính là điểm khởi đầu của dòng máu chảy trong tim mình. Ninh Bình là nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, đã từng ra đi từ đó trong những năm tháng khói lửa chiến tranh. Và hôm nay, tôi trở về – không chỉ để tìm lại một thời tuổi trẻ, mà để gặp lại chính mình được sống trong trầm tích của lịch sử nơi đã từng làm nên vận mệnh giang sơn nước nhà.
Tôi trở về Đế Đô trong một buổi chiều lặng gió. Trời nhuộm vàng như một lời tiễn biệt mùa cũ, cánh đồng quê trải dài dưới ánh nắng nhạt, gợi lên ký ức xa xăm. Đây là nơi tôi từng nghe tiếng ru của mẹ bên hiên nhà mái lá. Là nơi mà người cha khắc khổ, trong những buổi tối chong đèn dầu, thường kể tôi nghe chuyện người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu phất cờ lau thuở ấu thơ. Cũng từ mảnh đất này, tôi cùng bao bạn bè năm ấy đã gác lại giấc mơ học trò để khoác ba lô ra trận, mong một ngày hòa bình, mong một ngày trở về không chỉ với tư cách một người con, mà như một người chứng ngộ, để hiểu thấu cái lõi cội nguồn của quê hương mình, dân tộc mình. Tôi trở về trong lặng lẽ và chiêm nghiệm tìm về dấu tích Đế Đô. Không chỉ là tìm lại một dấu tích rêu phong, mà là để lần theo bước chân của tiền nhân, những người đã lấy đất này làm nền móng dựng nên quốc gia Đại Cồ Việt đầu tiên.
Em hãy đi cùng tôi. Em sẽ thấy con sông Hoàng Long hiền hòa nhưng chất chứa bao lớp phù sa và thăng trầm lịch sử. Sẽ thấy những thửa ruộng xanh rợn sắc trời, thấy bóng núi Non Nước soi bóng bên dòng sông Đáy xanh trong. Ở đó, tổ tiên của tôi nằm lại, bình yên giữa lòng đất mẹ. Những người đã sống, đã chiến đấu và ngã xuống để đất này có thể là Đế Đô của một dân tộc đứng dậy từ khói lửa loạn lạc.
Đế Đô không là một thành quách nguy nga. Nó không sừng sững như những gì ta thường nghĩ. Nhưng trong tâm khảm người Việt, nơi đây là khởi nguyên của giấc mộng tự chủ. Chính tại vùng đất Hoa Lư này, cậu bé chăn trâu ngày nào đã dẹp loạn mười hai sứ quân, lập nên vương triều Đinh, đặt niên hiệu chính thức đầu tiên là Thái Bình – người đầu tiên xưng đế, mở đầu cho một giai đoạn huy hoàng trong lịch sử nước nhà. Những lớp đá dưới chân tôi giờ đây có thể đã mòn dấu vết, nhưng lịch sử thì không. Nó vẫn nằm đó, ẩn sâu trong từng vệt nắng, tiếng gió, nhịp thở của dòng sông. Khi đứng trước di sản này, tôi không thể không trăn trở: Làm sao để Đế Đô không chỉ là "di tích" mà thực sự là "ký ức sống"? Làm sao để thế hệ hôm nay hiểu rằng, nơi này từng chứng kiến cuộc lên ngôi của một dân tộc?
Không chỉ triều Đinh, nơi này còn gắn với vương triều Tiền Lê, với Lê Hoàn – người kế thừa và bảo vệ giang sơn trong thời khắc hiểm nguy nhất. Từ đây, ông chỉ huy quân dân Đại Cồ Việt đánh bại hai lần xâm lược của nhà Tống. Một vị tướng sinh từ dân, từng là Thập đạo tướng quân, mà tài thao lược được ghi nhận trong lịch sử cả phương Bắc. Ngày nay, đền thờ Lê Đại Hành nằm cách đền vua Đinh không xa, nơi những người làm thơ viết văn, những người nghiên cứu lịch sử luôn xúc động trước vẻ đẹp hài hòa giữa kiến trúc, điêu khắc dân gian và ý thức cộng đồng trong bảo tồn di sản.
Em hãy cùng tôi lần tìm dấu tích Đế Đô, để thấy một Việt Nam đã từng lẫm liệt biết bao. Không chỉ có Đinh Tiên Hoàng, mà còn có những vị vua, những người lính, những chí sĩ đã đi qua nơi đây và để lại dấu ấn của mình. Em biết không, cả vùng Tam Điệp từng dậy sóng một thời, khi đoàn quân áo vải của Hoàng đế Quang Trung hội quân tại đây, chuẩn bị cho chiến thắng thần tốc mùa xuân Kỷ Dậu. Đó là những ngày sục sôi khí thế. Những bước chân của nghĩa binh như còn vang vọng, những lá cờ đại nghĩa như vẫn phấp phới giữa lòng người hôm nay.
Nơi này không chỉ là chuyện kể trong sách vở, mà là một chuỗi hiện thực được ghi bằng máu và nước mắt. Từ Đinh Bộ Lĩnh đến Quang Trung, từ khởi nghiệp của một đế chế đến thời kháng chiến chống ngoại xâm, Đế Đô vẫn âm thầm giữ lấy cốt cách, vẫn là chứng nhân cho bao biến thiên thời cuộc. Và khi ta đứng giữa đất này, ngẩng nhìn trời cao, dường như có tiếng cha ông vọng lại. Lịch sử không khô cứng. Nó được tái hiện sống động trong các lễ hội hàng năm, trong nghi thức rước kiệu, tế lễ, trong tiếng trống chiêng, điệu hát chèo truyền thống. Chính những điều đó mới giữ cho Hoa Lư luôn là một bảo tàng sống động để bốn phương tìm về.
Xuống sông để nhớ nguồn, lên núi để ơn cội. Em à, mảnh đất Đế Đô quê anh không chỉ là một điểm đến du lịch. Nó là hành trình trở về. Là nơi để ta lắng lại, nghe tiếng thì thầm của tổ tiên, của non sông. Những bước chân của hôm nay như đang lần theo bước chân lịch sử. Trầm tích thời gian nơi đây không dễ hình dung, không dễ cảm nhận nếu không lắng lại lòng mình. Qua bao mùa nắng mưa, trăng khuyết lại tròn, mà cốt cách Hoa Lư – Đế Đô vẫn mãi mãi vững bền.
Tôi dắt em lên núi Non Nước – từng mang tên Dục Thúy Sơn trong sử cũ, được đặt bởi danh sĩ Trương Hán Siêu vào đời Trần, mang ý nghĩa là "con chim trả tắm mình bên dòng sông nước biếc". Đến động Hoa Lư em hãy cùng tôi đọc những câu thơ của Cao Bá Quát được khắc vào vách đá:
“Hỡi gió ồn ào! Hỡi mưa ầm ĩ!
Núi sông không đầy một vốc tay ta!”
Câu thơ ấy, hừng hực chí khí, cũng đau đáu bi ai. Có người nói Cao Bá Quát là người không thích sự gò bó, khuôn mẫu, nhưng chính sự ngang tàng, khác biệt ấy mới làm nên con người ông – một thi sĩ biết nhìn vượt qua thời cuộc, vượt qua bức tường quyền lực để tìm thấy chân giá trị của lịch sử và con người. Câu thơ ấy không là lời than, mà là lời cảnh tỉnh, là tâm huyết của kẻ sĩ đau đáu với vận nước. Câu thơ của ông không chỉ là tâm tư, mà như tiếng vọng của sự can trường, bi tráng và khôn nguôi nỗi niềm trách nhiệm. Và khi nó được khắc lên đá núi Hoa Lư, nó không chỉ còn là của một người – mà là của cả một dân tộc.
Tôi và em, đứng trước dấu tích ngàn năm mà thấy mình nhỏ bé. Nhưng chính trong cái nhỏ bé ấy, ta thấy sự gắn kết. Vì chúng ta đến từ trái tim biết hát. Anh được sinh ra từ đất này, từ mong ước của những người đi trước, từ lòng yêu nước, từ sự hy sinh, từ dòng máu tổ tiên không bao giờ lãng quên cội nguồn.
Hôm nay tôi trở về Đế Đô. Muôn hoa đã nở trên lối cũ. Một sức sống mới đang đến rất gần. Tôi như thấy cả một Hạ Long đang neo trên cạn, một Hạ Long giữa núi rừng Ninh Bình đang hóa rồng, đang vươn mình giữa đất trời non nước. Và tôi biết, không chỉ có tôi, mà sẽ còn rất nhiều người trong cuộc đời này, trong những hành trình đi xa, sẽ có ngày trở về để thấy một Đế Đô không chỉ là đất, là đá, là di tích mà là linh hồn của muôn dân đất Việt.
Hãy cùng anh về tìm dấu tích Đế Đô…
Ninh Bình, 6/2025
T.T.G
-----------
TRỞ VỀ ĐẾ ĐÔ
Hãy cùng anh về tìm dấu tích Đế Đô
Những vương triều bí ẩn
Thủa ấu thơ, Đinh Bộ Lĩnh cùng các mục đồng cưỡi trâu phất cờ lau tập trận
Anh hùng không đợi tuổi
Đất Hoa Lư nuôi nấng cưu mang
Sông Đế khôn nguôi tiếng sóng.
Hãy cùng anh lần tìm dấu tích Đế Đô
Vạn Thắng Vương* một thủa
Dẹp nạn sứ quân thống nhất giang sơn
Đại Cồ Việt mình có tên từ đó
Đinh Tiên Hoàng- người xưng đế đầu tiên.
Hãy cùng anh lần tìm dấu tích Đế Đô
Một thời cả Tam Điệp thao thức
Đón Hoàng đế Quang Trung hội quân ra Bắc
Khí thế bừng bừng
Thăng Long mở hội mừng xuân.
Hãy cùng anh xuống sông nhớ nguồn, lên rừng ơn cội
Nhớ Đế Đô trầm tích với thời gian
Những bước chân lịch sử thăng trầm
Không dễ hình dung nổi
Qua nắng qua mưa… trăng khuyết lại rằm!
Hãy cùng anh lên núi Nước Non **
Tầm thơ Chu Thần ***
Những câu thơ tạc vào đá núi
Hỡi gió ồn ào! Hỡi mưa ầm ĩ
Núi sông không đầy một vốc tay ta****
Anh và em trở về Đế Đô ngàn năm
Hoa đào nở và mùa xuân đến
Gặp một Hạ Long neo trên cạn
Hoá rồng…
-------
*Tức Đinh Bộ Lĩnh
**Từng có tên cổ là “Dục Thuý Sơn”
***Tức Cao Bá Quát
****Lấy ý một câu thơ trong bài “Dục bàn thạch kính” của Cao Bá Quát.
Người gửi / điện thoại