bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 26
Trong ngày: 261
Trong tuần: 1511
Lượt truy cập: 775143

TIẾNG CƯỜI DÂN GIAN VỀ NHỮNG THÓI HƯ TẬT XẤU

TIẾNG CƯỜI TRONG THƠ DÂN GIAN VỀ NHỮNG THÓI HƯ, TẬT XẤU

                                             

                                                PGS. TS.Vũ Nho

 v_nho_nguyn_kh

Một trong những đặc tính của người Việt ta là hay cười, thích cười. Có người đã tổng kết  kiểu “tỉa” chữ là vui cười, khóc cười ( cười ra nước mắt); buồn ( cũng) cười – buồn cười; tức ( cũng) cười – tức cười. Nghĩa là cười mọi nơi mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ  từng viết:

          Ngồi buồn mà trách ông xanh

          Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười

Cười rất có ý  nghĩa trong đời sống. Chả thế mà có câu : “ Một nụ ( tiếng, trận) cười bằng mười thang thuốc bổ”. Cười để vui sống, để quên đi những vất vả, thiếu thốn, nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh đầy khó khăn. Nhưng cười cũng còn là một vũ khí để phê phán chế giễu những thói hư, tật xấu, những điều chướng tai, gai mắt, những nhân vật từ thằng Bờm nghèo khổ cho đến ông chủ, ông  xã trưởng, ông cai, ông quan. Và dĩ nhiên cả ông vua nữa, tiếng cười cũng chẳng tha. Từ “cười” trong tiếng Việt cũng vô cùng lắm màu, nhiều vẻ : cười nụ, cười ruồi, cười tủm, cười gằn, cười nhạt, cười mát, cười cợt, cười đểu, cười mủm mỉm, cười ha hả,  cười hơ hơ,  cười phớ lớ, cười bí hiểm, cười ngả cười nghiêng,  cười ngặt cười nghẽo, cười bò…

          Người Việt chúng ta có cả một kho ca dao cười, một rừng truyện cười ( tiếu lâm nghĩa là rừng cười), một xê ri truyện trạng  ( trạng Quỳnh, trạng Lợn). Thơ cười thì có từ ca dao, sau này có Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, Nguyễn Thiện Kế, Đồ Phồn, Tú Mỡ, Thợ Rèn…  Truyện  hoạt kê, truyện châm biếm có các tác giả Phạm Duy Tốn, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan,…Hồ Chí Minh trong các bài thơ của mình cũng có thơ hài hước và châm biếm, và trong Truyện và kí  viết bằng tiếng Pháp có nhiều truyện châm biếm…

          Bài viết nhỏ này chúng tôi chỉ muốn đề cập một khía cạnh  ấy là tiếng cười dân gian trong ca dao đối với thói hư, tật xấu.

          Chúng ta đều biết là thông thường, người ta chia cười thành hai mức độ. Mức thứ nhất là cười cho vui, cười những việc trớ trêu, tréo ngoe, buồn cười. Đó là tính chất hài hước trong cái cười. Mức thứ hai là cười chê, hàm ý chê bai, chế giễu, châm biếm và có khi cao nhất là đả kích. Đó là tiếng cười châm biếm.

          Ví dụ cười để cho vui:

          Ngồi buồn đốt một đống rơm

          Khói lên nghi ngút chẳng thơm tẹo nào

          Khói lên đến tận Thiên tào

          Ngọc Hoàng phán hỏi : đứa nào đốt rơm?

Ở đây chỉ là cười cho vui, chẳng phê ai, chẳng đả kích ai. Cái nhân vật Ngọc Hoàng vua của thiên đình cũng bị khói rơm làm cho  chú ý và đưa ra lời phán. Mà lời phán của Ngọc Hoàng cũng chả có gì ghê gớm, nó cũng tương tự như là câu hỏi thường của bất cứ người bình dân nào ở thôn quê. Thế là người nghe được một mẻ cười…vui.

          Rất nhiều những câu cười vui như thể.  Ví như câu ca dao sau:

          Lạy Trời, lạy Phật, lạy Vua

          Cho tôi sức khỏe, tôi xua con ruồi

Các đấng tối cao được người dân cầu khấn, nhưng ước vọng chỉ là sức khỏe, mà sức khỏe nào có nhiều nhặn chi? Chỉ đủ để “xua con ruồi” chứ chẳng phải để “cử đỉnh bạt sơn” hay để “ Xuống Đông Đông tĩnh , lên Đoài, Đoài yên”.

          Hay một lời than thở hài hài :

          Bực mình chẳng nói được ra

          Muốn đi ăn cỗ, chẳng ma nào mời

Nhưng trong ca dao cười có một số lượng khá lớn những bài ca dao châm biếm, phê phán. Ví dụ thói vũ phu, bạo lực trong gia đình của anh chồng trong hình ảnh con cò:

          Con cò là con cò quăm

           Mày hay đánh vợ mày nằm với ai

          Có đánh thì đánh sớm mai

          Chớ đánh buổi tối, chẳng ai cho nằm

Hoặc cũng là con cò, nhưng lại là hình ảnh của người phụ nữ với những tính nết xấu, ăn chực, ngủ ngáy, ăn quà :

          Con cò là con cò kì

          Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô

          Đêm nằm thì ngáy o o

          Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà

Thật ra thì việc ngủ ngáy có phải là nết xấu đâu, đó là do cơ địa mỗi người. Cả việc ăn quà cũng vậy. Nhưng thời ấy kinh tế eo hẹp, đời sống khó khăn, « ăn quà » cho riêng mình bị coi là xấu, là ích kỉ. Nhất là chưa đi đến chợ đã lo việc đó thì quả là đáng phê phán.

          Bài ca dao sau đây đậm tính hài hước nhưng cũng có tính chất phê phán khá rõ nét :

          Lỗ mũi mười tám gánh lông

          Chồng yêu chồng bảo : tơ hồng trời cho

          Đêm nằm thì ngáy o o

          Chồng yêu chồng bảo : ngáy cho vui nhà

          Đi chợ thì hay ăn quà

          Chồng yêu chồng bảo : về nhà đỡ cơm

          Ăn rổi, ra ỉa đống rơm

          Chồng yêu, chồng bảo : gió đưa thơm vào nhà !

Cái sự phê phán ở đây là phê phán sự si mê mù quáng của anh chồng. Dù vợ xấu thế nào anh ta yêu, anh ta vẫn bênh vực, cho là tốt. Và đỉnh điểm là cái chất thải của chị vợ, anh ta vẫn coi là « thơm » thì phải nói là si mê « hết thuốc chữa » !

          Một bài ca dao khác phê  phán nhưng lại nói rất khéo là kể những nết « hay », những cái « giỏi » của nhân vật ông chú :

          Con cò lặn lội bờ ao

          Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng

          Chú tôi  hay tửu hay tăm

          Hay ăn, làm biếng, hay  nằm ngủ trưa

          Ngày thì ước những ngày mưa

          Đêm thì ước những đêm thừa trống canh !

Ông chú  hay rượu chè, hay ăn, hay ngủ trưa ( ngủ dậy muộn), hay ước ao nữa. Ước ngày mưa để khỏi phải đi làm, ước đêm thừa trống canh để ngủ cho đẫy mắt ! Liệu có cô yếm đào ( người ngoan, người đẹp) nào dám lấy một anh như là ông chú này không ? Chắc là không. Mượn cớ hỏi vợ cho chú, « khoe » những cái hay, cái giỏi của chú, nhưng kì thực là phô ra những thói hư, tật xấu của chú !

          Trong chuyện gia đình, cũng có bao nhiêu điều có thể  đem ra cười để mà phê phán, đặng giúp cho đối tượng có thể tiến bộ. Than thở về anh chồng lười cứ ru rú xó nhà, ca dao viết :

          Chồng người đi ngược về xuôi

          Chồng em ngồi bếp vuốt đuôi con mèo

Chế giễu sự kém cỏi lần khân của anh chồng thì đã có bài :

          Làm trai cho đáng nên trai

          Ăn cơm với vợ còn nài vét niêu

Cả vị quan chức, tướng tá của triều đình cũng bị ca dao chế giễu, làm thành trò cười :

         

Đồn rằng quan tướng có danh
Cưỡi ngựa một mình chẳng chịu vịn ai
Vua khen rằng ấy mới tài
Ban cho cái áo với hai đồng tiền
Đánh giặc thì chạy xung thiên
Xông vào trận tiền cởi khố giặc ra
Giặc sợ giặc chạy về nhà.
Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân!

Té ra bên cạnh các tướng có tên giỏi giang trận mạc, vẫn có tướng dỏm, mà cái tài duy nhất là : « Cưỡi ngựa một mình chẳng chịu vịn ai ». Dù thế, nhưng Vua lại khen, lại ban thưởng. Mà phần thưởng của Vua cũng nghèo nàn, ít ỏi : một cái áo, hai đồng tiền. Hài hước nhất là tài đánh giặc của tướng. Các tướng khác thì dùng đao, dùng kiếm, còn vị tướng này chỉ dùng một miếng võ hiểm là « cởi khố giặc ra ». Ấy thế mà làm cho giặc sợ, phải chạy. Thắng trận rồi, tướng gọi mẹ nhờ mổ gà khao quân. Tưởng là mổ lợn, mổ trâu, mổ bò mấy chục con, nhưng chỉ mổ gà thôi, đủ biết là quân của tướng đông đến chừng nào.

          Người bình dân dùng tiếng cười để chế giễu những thói hư, tật xấu, những nhân vật có thói hư, tật xấu hoặc bất tài trong xã hội. Một tiếng cười khỏe mạnh, sắc sảo. Các nhân vật hay hiện tượng bị chế giễu thường bộc lộ tất cả sự đáng cười. Ngôn ngữ gây cười rất bình dị, trong sáng. Cũng có đôi khi sử dụng yếu tố tục, nhưng gần giống như hiện tượng « đố tục, giảng thanh ». Cái tục đó sử dụng đúng lúc, đúng chỗ thật đắc địa. Cũng giống như tiếng chửi trong thơ. Chẳng hạn : Chém cha cái kiếp lấy chồng chung ! ( Hồ Xuân Hương) ;  Chém cha cái số hoa đào ( Nguyễn Du) ; Cha mẹ thói đời ăn ở bạc ! ( Tú Xương)...Nếu không đặt tiếng chửi vào đây, khó mà nói hết thái độ của tác giả với hiện tượng.

          Tất nhiên, không nên lầm lẫn việc sử dụng yếu tố tục trong ca dao cười hay truyện cười dân gian với sự sử dụng ngôn ngữ tục tĩu, chợ búa, phản cảm của các diễn viên diễn hài tục, vui nhảm bị phê phán trong thời gian gần đây. Một số diễn viên hài lạm dụng những kiểu gây cười nhạt nhẽo, thô thiển, chọc cười lấy được  khiến cho dân cư mạng phê phán chính là đã không biết khai thác các thủ pháp gây cười vô cùng phong phú mà tiền nhân đã sử dụng trong văn học dân gian và thành văn. Thế mới biết rằng nói giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc thì khá dễ, nhưng bằng việc làm cụ thể thì không hề dễ dàng.

                                                              Hà Nội, 28/11/2015

nh_my_mh

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)