Trong làng báo, lâu nay, Đỗ Doãn Hoàng nổi lên như một hiện tượng đặc biệt. Nhiều năm qua, anh đã khẳng định “đẳng cấp” của một cây bút Phóng sự - Điều tra xông xáo, luôn xuất hiện ở những điểm nóng, góc khuất của cuộc sống và liên tục đoạt được những giải thưởng cao ở cả trong nước và quốc tế. Ở Việt Nam, có thể kể đến các Giải A, Giải Báo chí Quốc gia; Giải A, Giải Báo chí toàn quốc về chống tham nhũng tiêu cực; 4 lần giải Nhất, Giải báo chí về Bảo vệ Môi trường và Thiên nhiên hoang dã…
Gần 30 năm làm nghề, đi khắp Việt Nam, khám phá nhiều quốc gia trên thế giới, tính đến năm 2024, Đỗ Doãn Hoàng không chỉ có hàng vạn bài báo mà còn xuất bản tới 32 cuốn sách đủ thể loại: bút ký, du ký, phóng sự, điều tra, ghi chép, truyện ngắn, truyện dài, tản mạn…
Đọc các tác phẩm của Đỗ Doãn Hoàng trong một hệ thống liền mạch, mới càng thấy rõ những đóng góp của anh cho đời sống báo chí nói riêng, cho xã hội nói chung. Qua đó, ta cũng thấy rõ hơn những giá trị đặc sắc của phóng sự Đỗ Doãn Hoàng. Trân trọng và thích thú, tôi đã cố gắng thử tìm cách giải mã những thành công của cây bút phóng sự - điều tra này.
Vẫn biết, để thành công trước hết phải có nhiệt huyết, tài năng. Và tài năng của con người đều có căn nguyên từ các yếu tố: bẩm sinh di truyền, ảnh hưởng của gia đình, quê hương và thời đại, sự tác động của giáo dục - mà quan trọng nhất chính là sự tự giáo dục của mỗi cá nhân. Nhưng ở từng trường hợp, độ đậm nhạt của các yếu tố không hề giống nhau.
Hiểu rằng, thành tựu của mỗi tác giả bao giờ cũng kết tinh ở những tác phẩm tiêu biểu nên tôi đã dừng lại khảo sát kỹ những phóng sự điều tra xuất sắc (đoạt giải Nhất và giải A ở các giải quốc gia, toàn quốc) làm thức động lương tri bạn đọc, có khả năng lan tỏa sâu rộng, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, góp phần làm nên tên tuổi của Đỗ Doãn Hoàng. Đó là những phóng sự điều tra về các vụ phá rừng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, vụ giải cứu hổ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, vụ triệt phá đường dây tàn sát rùa biển lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và thế giới, điều tra chống nạn săn bắn và mua bán động vật hoang dã trên thế giới (ở Lào, Campuchia, ở vùng Tam Giác Vàng và ở Châu Phi), các tuyến bài về chủ đề đề phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở Việt Nam…
Qua đọc và suy ngẫm, chúng tôi thấy, thành công của Đỗ Doãn Hoàng chủ yếu đến từ những nguyên nhân sau:
1/ Thứ nhất, Đỗ Doãn Hoàng đã có may mắn những năm tháng đầu đời được sống gắn bó máu thịt với ngọn núi Tổ của Việt Nam, núi Ba Vì - núi Tản Viên, nơi có Vườn Quốc gia Ba Vì (nay là huyện Ba Vì, TP Hà Nội), cũng là nơi Hoàng được sinh ra.
Đọc Búi thông thơ dại ta thấy, từ nhỏ Hoàng đã lớn lên cùng rừng, đã hiểu, đã yêu rừng bằng một tình yêu vĩnh cửu và Hoàng đã trở thành một phần máu thịt của rừng. Và như Hoàng viết, “Nửa dòng máu mang màu diệp lục” (tên cuốn sách xuất bản năm 2024 của Hoàng). Bởi như một ân nhân, Mẹ Rừng không chỉ cung cấp cho gia đình cậu: cái ăn để sống, đồ dùng hàng ngày, thuốc quý chữa bệnh mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, dạy cậu bé những kỹ năng sống; đã chứng kiến mọi buồn vui, sướng khổ suốt thời niên thiếu… Và rừng đã góp phần quan trọng giúp Hoàng sớm trở thành một cậu bé cá tính, khỏe mạnh, thông minh, lanh lợi, ưa mạo hiểm, tính tình cương trực, trọng nghĩa, tâm hồn phóng khoáng, không sợ gian khổ, muốn làm gì là làm đến cùng, đặc biệt yêu rừng, yêu muông thú, thậm chí có thể hú hít gọi chim rừng...
Đây chính là những phẩm chất cần của một nhà báo dám dấn thân, là cơ sở để anh nhiệt huyết với đề tài bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, dám chống lại cái xấu, cái ác để bảo vệ công bằng xã hội.
Nhận thức là một quá trình. Khi đã được học hành, đã đi nhiều nơi, đã tận mắt nhìn thấy những nỗi kinh hoàng đau xót mà rừng phải gánh chịu, khi chứng kiến thiên nhiên bị tàn phá, cuộc sống an lành của cả cộng đồng bên bờ vực hiểm nguy, anh đã hành động, rồi tiếp tục kêu gọi ý thức được trách nhiệm với cộng đồng nhiều hơn nữa. Đỗ Doãn Hoàng không ngại nói về khát vọng phải làm gì để góp phần cứu rừng, cứu các loài thú hoang, trả lại màu xanh cho ngôi nhà chung trái đất, bảo vệ sự sống của con người. Nhất là khi cảm nhận được rằng trong mình có: “Nửa dòng máu mang màu diệp lục” thì niềm ân hận vì những hành vi tàn sát rừng và muông thú ngày thơ dại của mình và cộng đồng cứ lớn dần, rồi trở thành động lực thôi thúc anh phải điều tra, tố cáo, viết báo đích đáng nhất, để trả nợ rừng, dù biết báo chí là một nghề nghiệt ngã và vô cùng nguy hiểm - Nghề báo là nghề đi liền giữa ân và oán (một bài trả lời phỏng vấn của Đỗ Doãn Hoàng trên báo chí Việt Nam có tên như vậy).
Theo Hoàng: Không ai chụp ảnh được ký ức nhưng ký ức luôn hiện diện trở về và tác động vào suy nghĩ, hành vi của chúng ta. Vì thế, không có gì là lạ khi anh đủ bản lĩnh để đối đầu với mọi áp lực, dám dấn thân và có đủ tiềm lực để viết được những phóng sự xuất sắc, công phu và dài kỳ (có phóng sự tới 108 kỳ). Không phải ngẫu nhiên mà những phóng sự được giải cao (giải A và giải Nhất quốc gia) cả trong nước và quốc tế của Hoàng đều tập trung vào vấn đề bảo vệ môi trường, cứu thiên nhiên, cứu động vật hoang dã; và đặc biệt là bảo vệ các giá trị công bằng, nhân văn, các vấn đề thuộc về thân phận con người. Như Hoàng vẫn nói, anh “đứng về phe nước mắt” để hành động.
Rõ ràng, “căn cước văn hóa” được hình thành từ thuở ấu thơ không hiện hình định dạng ở tầng nông hay mặt ngoài mà thể hiện trong cách cảm, cách nghĩ, cách chọn đề tài và xử lý đề tài của Hoàng. Những năm tháng sống với rừng, với muôn loài muông thú đã tạo nên ở anh một kiểu tư duy, một sự so sánh, một trường liên tưởng rất riêng và cả những trăn trở thường trực trong anh cũng thế: “Đoàn tàu leo núi bò đi như thể một loài bò sát hoang dã của rừng nhiệt đới” (tr 144, cuốn“Dưới gầm trời lưu lạc” - DGTLL). (còn tiếp)