bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 35
Trong ngày: 734
Trong tuần: 1425
Lượt truy cập: 774661

TRẦN THỊ TRÂM VIẾT VỀ MỘT NHÀ BÁO ( TIẾP)

TRẦN THỊ TRÂM...( TIẾP THEO VÀ HẾT)
 
Rõ ràng, sự gặp gỡ giữa văn chương và báo chí đã giúp phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng hấp dẫn hơn. Độ nhạy cảm của tâm hồn nghệ sĩ giúp anh phát hiện và thể hiện vấn đề tốt hơn. Dù rằng, hiện nay có một số người muốn tách văn ra khỏi báo. Theo họ: “Với chất văn chi phối không ít nhà báo cầm bút viết và đi quá đà”. Quan điểm này đúng với trường hợp những nhà báo non tay; họ chưa thấy được văn là người, văn là đẹp và tích hợp tinh hoa của các thể loại đang là xu hướng tất yếu của thời đại. Sự thật thì người có kiến thức văn chương viết một cái tin cũng hay hơn, rút một cái tít cũng hay hơn những người khác: ngắn gọn, giàu hình ảnh và rất gợi cảm (tôi thích các tên sách của Hoàng, như: Đi hoang qua miền hoa lệ, Dưới gầm trời lưu lạc, Tôi đã sống bằng trái tim người khác, Búi Thông thơ dại, Ở lại với ngàn sao...).
Đọc phóng sự Đỗ Doãn Hoàng ta không thấy chất văn chi phối theo hướng “bất lợi” nào, mà chỉ thấy chất văn làm cho báo của anh sang hơn, tính giáo dục cao hơn. Bởi bản chất nghệ thuật là sáng tạo, không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình, đồng thời nghệ thuật còn giúp bạn đọc khát khao hướng thiện.
Trong xã hội càng nhiều “chấm”, kỹ thuật, công nghệ phát triển như vũ bão, mà lãng quên giáo dục con người tu tâm dưỡng tính thì hậu quả sẽ khôn lường. Cách nay hàng trăm năm, người đồng hương núi Tản sông Đà (thi sĩ Tản Đà) của Hoàng trong Giấc mộng con, tập 1 đã sớm cảnh báo: “Sự văn minh tiến hóa bao nhiêu thì sự dã man cũng tiến hóa bấy nhiêu”.
Phát huy ưu thế của nghệ thuật ngôn từ, Hoàng không chỉ phát hiện ra những vấn đề nóng và hay, giải quyết vấn đề cao tay và hiệu quả, mà còn có cách thể hiện thật giàu cảm xúc: Penang - đảo Cau của Malaisia được ví như “Quả cau thiêm thiếp ủ trong mây mù voan trắng, lá trầu không ngăn ngắt xanh là đại dương bao la” (tr 142 DGTLL). Diễn tả về sự phức tạp của vụ án triệt hạ rừng nghiến cổ thụ “khủng” nhất Việt Nam ở huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, tác giả viết một cách thật hình tượng mà sinh động như chính cuộc sống đường rừng nơi ấy: “Tôi gọi đây là nghệ thuật bóc từng lớp cay đắng của sự thật ra như bóc một củ hành cay, càng bóc vào lớp trong thì càng dàn dụa nước mắt”(Phóng sự: Bóc từng lớp cửa sự thật để khối kẻ phải ngồi bóc lịch).
Tên các bài viết được Đỗ Doãn Hoàng chơi chữ rất khéo léo. Điều đó cho thấy: Đỗ Doãn Hoàng rất giàu chữ và tài hoa trong sử dụng chữ. Và phóng sự Đỗ Doãn Hoàng rất giàu chữ. Nhờ thế, anh có thể diễn đạt tinh tế, không hề trùng lặp từ. Chỉ một khái niệm điên trong một bài viết, anh dùng tới hàng chục từ khác nhau: rồ, hâm, dở, hấp, hấy, chập, chập mạch, ẩm IC, đứt dây thần kinh não, sinh nhầm thế kỷ …
Đồng thời Hoàng còn vận dụng rất linh hoạt thành ngữ, tục ngữ, các tổ hợp câu từ sinh động của đời sống dân gian. Ví dụ: Mắt thấy tay sờ, tứ tung ngũ hành, nguyên đai nguyên kiện, song kiếm hợp bích, độc nhất vô nhị, khen phò mã tốt áo, tay không bắt giặc, gà đẻ trứng vàng, mưa không đến ngọ - gió không qua mùi, cứu người như cứu hỏa, sông cạn đá mòn, gái một con trông mòn con mắt... Hóa thân vào phóng sự của anh, những chất liệu dân gian phát sáng, nhờ thế vấn đề được phản ánh thêm sâu sắc, hàm súc, sinh động, gần gũi và mang tính dân tộc cao, mang rõ hơi thở thời đại.
Mặt khác, nhà báo đầy chất văn Đỗ Doãn Hoàng còn mạnh dạn, tự tin sáng tạo không ít từ mới để làm giàu có thêm ngôn ngữ dân tộc: thơ ngộ, dễu dện, tì tằng, ngoang nguếch, te tởn, nhây nhẩy, chà chạt, rộng thuênh, ngun ngún, tít hút, thuồi luồi, hăm hia, tím rắt, cụ cựa, đi lón nhón, dốc dác, son sới, banh chành, ní nót, rinh rượp, vuỗi (trách nhiệm)...
Từ những phân tích trên cho thấy, Đỗ Doãn Hoàng, là một cây bút phóng sự có năng lực thiên phú. Với sự phấn đấu không ngừng, anh đã đạt được những thành tựu thật đáng trân trọng với những giá trị đặc sắc rất riêng. Thành công của anh, ngoài yếu tố bẩm sinh, ngoài mối quan hệ gắn bó với rừng, ngoài vốn kiến thức sâu rộng và khả năng biết phát huy sức mạnh của văn chương nghệ thuật, tôi còn nghĩ, đó là sản phẩm của một thái độ sống và viết nghiêm túc, với sự chuyên nghiệp cao độ - như những gì Hoàng hay “truyền bí kíp” khi giảng cho sinh viên báo chí và nhà báo trẻ khắp cả nước.
Với tôi, Đỗ Doãn Hoàng là một gương mặt sáng giá của nền báo chí Việt Nam hôm nay. Và nếu chọn một người Việt Nam hạnh phúc, tôi chọn Đỗ Doãn Hoàng - người đã làm được, và làm khá tốt những điều anh khao khát từ thuở ngồi trên ghế giảng đường. ( Bài đăng trên tạp chí NHÀ BÁO & CÔNG LUẬN , ngày 10/3/ 2024)
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)