TRỞ LẠI BẢN DỊCH BÀI THƠ “MỘ” (CHIỀU TỐI)
CỦA HỒ CHÍ MINH
Vũ Nho
倦鳥歸林尋宿樹,
孤雲慢慢度天空。
山村少女磨包粟,
包粟磨完爐已烘。
Mộ
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không.
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
Dịch nghĩa
Chim mỏi về rừng tìm cây ngủ,
Chòm mây lẻ trôi lững lờ trên tầng không;
Thiếu nữ xóm núi xay ngô,
Ngô xay vừa xong, bếp lò đã nhóm.
Dịch thơ
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ gữa tầng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng
( Bản dịch của Nam Trân)
Tôi đã rất hứng thú và tâm đắc với bài viết của anh Hoàng Tuấn Công ( H.T.C), chỉ nói về chữ “hồng” trong bài thơ “Mộ” ( Chiều tối) của Hồ Chí Minh.
( Về chữ “hồng” trong bài thơ “Mộ” của Hồ Chí Minh -“Tuyển tập 10 năm 2000-2010 nghiên cứu phê bình văn nghệ Thanh Hóa” - NXB Văn Học-2011).
Nay nhân đọc bài viết của PGS.TS, nhà văn Hữu Đạt (H.Đ) : “Cần đổi mới cách dịch bài thơ “Chiều tối” trong Nhật kí trong tù” ( trong cuốn “ Hữu Đạt – Từ văn học kháng chiến đến văn học đổi mới – phê bình phong cách học” , Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021) tôi thấy cần trở lại bài dịch của Nam Trân và nhất là quan điểm của hai tác giả.
Tác giả Hoàng Tuấn Công, theo tôi đã có một phát hiện đặc biệt quan trọng mà từ trước tới nay, những người viết về bài thơ “Mộ” không chú ý đầy đủ. Và do chú ý không đầy đủ cho nên đã hiểu nhầm, dẫn đến suy diễn không chính xác khi diễn giải bài thơ.
“Do hiện tượng “đồng âm, dị nghĩa”, trong Hán tự có rất nhiều chữ “hồng”. Chữ hồng có bộ mịch nghĩa là mầu đỏ, mầu hồng, chữ hồng có bộ trùng nghĩa là cầu vồng, và chữ hồng có bộ hoả có nghĩa là đốt, sưởi ấm, hoặc nướng lên lửa cho chín, v.v... (Xem Tự điển Hán Việt-Thiều Chửu, Hán Việt từ điển-Đào Duy Anh và Từ điển Hán-Việt hiện đại của Vương Trúc Nhân-Lữ Thế Hoàng). Khi đọc nguyên tác chữ Hán của bài thơ “Mộ” chúng ta sẽ thấy rằng, chữ “hồng” (烘) trong câu cuối bài thơ “Mộ” có bộ hoả. Chữ “hồng” có bộ hoả, Bác dùng với nghĩa, đốt, nhóm lửa lên chứ không phải chữ “hồng” có bộ mịch (紅) là mầu hồng- sắc mầu của ngọn lửa “rực hồng”. Có nghĩa, chữ “hồng” (烘)Bác dùng trong câu thơ là một động từ ( đốt lên, nhóm lửa lên, sưởi ấm) chứ không phải chữ “hồng” (紅) tính từ (chỉ màu sắc lửa hồng). ( Dẫn từ bài của H.T.C)
Anh Hoàng Tuấn Công cho biết Thạc sĩ Vũ Thị Sao Chi (Sau là Tiến sĩ) chê bản dịch của Nam Trân, rằng dịch giả đã thêm chữ “tối” không có trong nguyên tác. Hoàng Tuấn Công bênh vực: “Nam Trân đã có ý thêm chữ “tối” vào câu thơ trước: “Cô em xóm núi xay ngô tối”. Có nghĩa, xay ngô chuẩn bị cho bữa cơm tối, không phải xay ngô khi trời (đã) tối”. Và anh phê phán : “Tất cả những bóng đêm Vũ Thị Sao Chi tưởng tượng ra như: “nét vẽ tương phản trên nền bóng đêm đen”, “hoang lạnh tối tăm”, “bóng tối bịt bùng của rừng núi đã được mở ra” đều thể hiện sự lạc lối bắt đầu từ chữ “hồng”. Vũ Thị Sao Chi quên rằng, bài thơ tả cảnh chiều tà, chiều muộn, gần tối chứ không phải trời đã tối”. ( Dẫn từ bài của H.T.C).
Cũng câu thơ dịch có chữ “xay ngô tối”, nhà ngôn ngữ học kiêm nhà văn Hữu Đạt lại khen Nam Trân : “Sự sáng tạo trong cách dịch của Nam Trân thể hiện rõ nhất ở sự khai thác mặt nghĩa hình tượng của bài thơ. Điều này bộc lộ ở việc ông mạnh dạn đưa từ “tối” vào câu thơ thứ ba, mặc dù trong nguyên tác không hề có từ này”. ( Dẫn từ bài của H.Đ).
Vậy là cả hai tác giả đều có ý khen dịch giả Nam Trân.
Bên cạnh đó, nhà văn Hữu Đạt băn khoăn với 4 chữ “sơn thôn thiếu nữ” được Nam Trân dịch thành “ cô em xóm núi”. Thật ra là anh chỉ băn khoăn với “thiếu nữ” (Hán Việt) dịch thành “cô em” (Thuần Việt). Theo tác giả thì “Thiếu nữ” là cách nói trang trọng, khách quan, khi chuyển thành “cô em” biểu thị thái độ “suồng sã, bông lơn”, không phù hợp với phong cách thơ Hồ Chí Minh. Thật ra, “cô em” , từ thuần Việt có chất khẩu ngữ, thân mật thì chính xác, nhưng “suồng sã, bông lơn” như anh Hữu Đạt viết thì tôi nghĩ hơi quá! Song tôi tán thành với cách anh dịch lại câu thơ này để khách quan, chính xác hơn:
Có cô xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng
Cả anh Hữu Đạt và anh Hoàng Tuấn Công đều bỏ qua chữ “than” mà cụ Nam Trân đã thêm vào. Nguyên tác “lô dĩ hồng” chỉ có nghĩa là lò đã đốt, lò đã nhóm. Mà nhóm bằng củi hay bằng lá khô, hoặc bằng thứ gì thì không rõ. Không có gì chắc là nhóm bằng than! Vậy là người dịch đã thêm chữ “than” vào để cho câu thơ thuận vần, cũng như đã thêm chữ “tối”.
Cũng nhân câu thơ dịch của anh Hữu Đạt, có thể chỉnh lại câu cuối và cả bài theo hai phương án sau:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Có cô xóm núi xay ngô tối
Xay hết, bếp lò đã nhóm xong
Hoặc:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng trên
Có cô xóm núi xay ngô tối
Xay hết, bếp lò đã nhóm lên
Vâng! Chính xác thì chính xác hơn thật đấy ( sát nguyên tác) , nhưng cảm thấy hình như bớt thơ hơn!
Dịch nói chung và đặc biệt là dịch thơ nói riêng, có nhiều khi không thể chuyển tải hết ý của nguyên tác. Có nhiều khi phải thêm từ ngữ cho rõ ý của nguyên tác. Có khi phải thay chữ trong nguyên tác ( trường hợp tầm túc thụ - thành tìm chốn ngủ - chữ thụ (cây) thay bằng chữ chốn). Đó là chuyện chúng ta thường thấy và đành phải chấp nhận. Cả hai người, anh Hoàng Tuấn Công và anh Hữu Đạt đều thừa nhận bản dịch của Nam Trân là bản dịch thành công hơn cả từ trước tới nay, và bản dịch đó được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh là thỏa đáng. Anh Hữu Đạt muốn thay “Cô em” bằng “Có cô” cho chính xác hơn.
Tuy vậy, chữ “rực hồng” trong bản dịch thành công đó của cụ Nam Trân đã gây hiểu lầm cho nhiều người, để họ nghĩ là lò than cháy rực, tỏa ánh sáng hồng. Nếu dùng bản dịch của cụ Nam Trân, tôi vẫn muốn đưa ý kiến của anh Hoàng Tuấn Công ghi chú vào dưới bản dịch của cụ để tránh hiểu lầm chữ “rực hồng” ở câu thơ dịch:
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng
Thiếu nữ xóm núi xay ngô,
Ngô xay xong, lò đã được nhóm lên.
“ Như trên đã nói, chữ “hồng” (烘) trong bài thơ này có nghĩa là đốt, nhóm lửa lên, sưởi ấm, không phải chữ “hồng” (紅) là ánh lửa sáng mầu hồng.” ( Dẫn từ bài của H.T.C).
Hà Nội, 16 tháng 10 năm 2021
Người gửi / điện thoại