bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 12
Trong ngày: 173
Trong tuần: 1482
Lượt truy cập: 774956

TRƯỜNG CA VIẾT TRONG THỜI COVID VỀ ĐẠI DỊCH

TRƯỜNG CA VIẾT TRONG THỜI COVID VỀ ĐẠI DỊCH

      Đọc “Sự sống và lòng biết ơn” của Phạm Thị Phương Thảo, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2021

                                                            Vũ Nho

ba_phng_tho_tc

       Trên báo mạng, trên báo giấy, trên báo hình, báo nói  toàn thế giới những ngày qua tràn ngập những tin tức về Đại dich Covid, về số  ca nhiễm, ca chữa khỏi, ca tử vong,… về số lượng người được tiêm vacxin, sự khan hiếm vacxin,…Và cả cảnh báo nguy cơ dịch tái bùng phát.

Việt Nam cũng đã trải qua bốn lần dịch, mà lần gần nhất cực kì phức tạp và căng thẳng là khi Đại dịch lan rộng ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam.

Chúng ta đã trải qua những ngày tháng  cam go, những giờ phút căng thẳng khi một khu phố, một vùng dân cư, một khu công nghiệp hay cả một tỉnh,  trong tình trạng  giãn cách hoặc phong tỏa để chống dịch lây lan. Đã có bao nhiêu hình ảnh cảm động về những chiến sĩ áo trắng, những chiến sĩ áo xanh, áo vàng, và đồng bào khắp mọi miền căng mình chống dịch, đóng góp vào quỹ vacxin, nấu cơm miễn phí,  tổ chức các cây gạo phát không, các siêu thị không đồng . Khi hoạn nạn mới  biết rõ tình cảm đồng bào thật thiêng liêng, cảm động.

           Không ít các bản nhạc, các bài thơ, các câu chuyện ca ngợi những tấm gương dũng cảm “chống dịch như chồng giặc” đã xuất hiện  để chia sẻ, ngợi ca, cổ vũ và động viên nhau chiến thắng dịch bệnh.

           Trong khi  cả nước hướng về thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tiếp tục chiến đấu đầy lùi dịch bệnh covid dữ dằn với biến thể nguy hiểm Delta thì tập trường ca của nhà thơ Phạm  Thị Phương Thảo xuất hiện. Thật kịp thời và đúng lúc. Điều đáng quý ở tập trường ca này là nó được viết và hoàn thành trong những ngày chống dịch covid 19. Tác giả viết về những gì xung quanh con covid quái ác và cuộc chiến toàn nhân loại chống lại nó. Đây không phải là một biên niên sử về đại dịch covid. Mà là một bản  trường ca, bản xo nat   thấm đẫm chất trữ tình.

        Vẫn trong những ngày mà ở nhà là yêu nước, chúng tôi đi làm vì bạn; bạn hãy ở nhà vì chúng tôi; thực hiện nghiêm chỉnh 5K và tiêm chủng vacxin là yêu nước; tiếp xúc với bản trường ca này, người đọc sẽ được cùng tác giả theo dòng thời gian dịch bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc và những điềm bất thường của giao thừa năm Kỉ Hợi, chuyển qua năm Canh Tí, cho đến tận những ngày này của năm Tân Sửu (con số  ngày tháng ghi  ở  cuối khúc 44 là ngày 4 tháng 6 năm 2021). Thời gian đủ dài. Không gian đủ rộng, từ những địa điểm của Việt Nam, đến những nước châu Ấ, châu Âu, châu Mĩ, nơi covid hoành hành. Khác các bản trường ca cố điển thường có những sự kiện lịch sử lớn, các nhân vật anh hùng, bản trường ca này gồm  45 khúc thơ có nhan đề và một khúc vĩ thanh. Tất cả xoay quanh sự kiện đại dịch covid 19 và cảm nhận của nàng, một người phụ nữ thích vẽ, thích viết, thích đọc và suy ngẫm trong những ngày đại dịch. Nàng là nhân vật trung tâm khi trực tiếp khi gián tiếp, mà phần lớn là trực tiếp, có mặt trong tất cả 45 khúc thơ. Có thể nói 45 khúc thơ đó, không phải khúc nào cũng thành công như nhau, cũng gây ấn tượng  hoàn hảo. Nhưng nhìn chung, nằm trong một tổng thể, chúng liên quan, bồi đắp, bổ sung nhau, thậm chí làm giảm bớt những nhược điểm của nhau. Bệnh dịch  khắp nơi, nhưng sự sống bất chấp bệnh dịch vẫn sinh sôi.  Người ta tự cách li, nhưng vẫn đi chợ,  thay đổi thói quen, sống chậm, vẫn hy vọng, vẫn mộng mơ, vẫn  hát khúc Tự do và vẫn có “mùa sinh nở”. Đúng là “Sự sống chẳng bao giờ chán nản” (Xuân Diệu).

            Có thơ văn xuôi, thơ tự do, thơ lục bát, lục bát trình bày khác khuôn khổ sáu tám,  thơ bốn chữ, thơ năm chữ, thơ sáu chữ,… Thật uyển chuyển và mềm mại. Một số bài thơ trong trường ca này nếu đứng độc lập là những bài thơ khá hay Ví dụ như Kiếp lá,  Những cánh hoa mở đêm,  Mình hẹn nhau về núi,  Gọi bình minh, Lối cỏ,...  

          Những câu thơ da diết mà ấn tượng:

          Đêm qua

          Cả đồng hoa rì rầm ngợp thở

          Chiếc kèn hoa âm thầm xa xót

          Nở trắng nỗi đau chết chóc tháng Tư, nở trắng nỗi niềm người

          Cánh đồng hoa u buồn vang ngân bản nhạc gió

          Không cần ai nghe, không nhạc trưởng và chẳng cần nhạc công

          Tháng Tư loa kèn trắng

          Bừng sáng cả cánh đồng

                   ( Khúc 15 Hoa tháng Tư cất giọng, trang 63)

Mong ước và hiện thực  một đời ai trong “Kiếp lá”:

          Rồi một ngày chợt muốn mình thành cỏ

          Hồn nhiên xanh! Tua tủa nắng bên đời

          Bỗng một ngày đời dâng cho kiếp lá

          Xào xạc đau, khắc khoải, thảng thốt rơi

                   (Khúc 19 Nghệ sĩ và khoảng lặng, trang 86)

Những câu thơ dịu dàng, ngọt ngào  như lời hát ru đánh thức con trẻ:

          Bi à! Bi ơi/ Gió luồn khe cửa/

          Nắng đã lên rồi/ Mặt trời ngáp ngủ

          Thức dậy đi thôi/ Bi à! Bi ơi

          Có ông mặt trời/ Nhòm cửa đến chơi

                       (Khúc 26 Với cấc bé trong mùa covid, trang 118)

Những  câu thơ về vẻ đẹp của Hà Nội  mùa hạnh phúc:

          Từng hàng xích lô lượn quanh phố cổ

          Chở mùa ăn hỏi trai đẹp gái xinh

          Thiếu nữ hà Thành dịu dàng xuống phố

          Tha thướt gót chiều, áo nắng lung linh

                                 (  Khúc 33 Mùa sinh nở, trang 150)

Không thể dẫn hết  ra những câu thơ đẹp lấp lánh làm tăng chất thơ, chất trữ trình cho bản trường ca.

Đó là điều khác biệt so với bản trường ca “Tiếng vọng nơi cửa sông” của chính tác giả, xuất bản năm 2019.

          Có thể nói Phạm Thị Phương Thảo cũng đã tự đánh giá về thơ mình và khả năng của mình trong khúc thứ 16:

           “ Nàng thích viết những câu thơ văn xuôi hơn là văn vần! Có lẽ câu thơ văn xuôi mới chuyển tải được hết cả mớ suy nghĩ dồn dập đang trải dài như nước chảy của nàng.

          Nàng thích kể câu chuyện của mình theo một cách riêng. Những câu chuyện dung dị, đủ cả vui buồn cùng đau đớn. Chúng có vẻ phù hợp với lối tư duy, cách kể chuyện dài của nàng.

          Nàng chợt phát hiện ra rằng bằng cách ấy, nàng phù hợp với lối viết trường ca” ( trang 69).

          Thấm đẫm trong bản trường ca này là nỗi lo lắng, bất an trước dịch bệnh lan tràn.  Là sự căm giận đối với  những kẻ ích kỉ vô tình hay cố ý để dịch Covid tràn lan gây đau thương, chết chóc cho toàn nhân loại. “Một cuộc chơi của những kẻ vô nhân tính/ /Một âm mưu dã man thâm độc/ Kẻ giả trang vẫn đeo gương mặt mộc” ( Khúc 28). Là sự lên án đối với những kẻ tàn phá thiên nhiên gây nên trận Đại hồng thủy – lũ lụt miền Trung. Nơi ngập sâu nhất “Là ngập lụt lòng tham từ chính con người”. Là niềm  tin   tưởng vào các lực lượng áo trắng, áo xanh, áo vàng ( các thầy thuốc, các chiến sĩ biên phòng, các   chiến  sĩ bộ đội, các chiến sĩ công an), ngày đêm trên tuyến đầu;  và những người dân bình thường có tên gọi “Nhân Dân”. Là  lời kêu gọi “Thay đổi thói quen” ( Khúc 10), “Sống chậm lại” ( khúc 12), và dùng vacxin đặc hiệu là sự  lạc quan “Vacxin  mang tên lạc quan” ( khúc 24).

          Rất nhiều điều suy ngẫm có thể tìm thấy trong bản trường ca. Dù bạn có sẻ chia đồng ý hoàn toàn,  một nửa,  một phần hoặc không tán thành, cần thảo luận. Nhưng tác giả  đã  đưa ra  sau những trải nghiệm và suy ngẫm: “Thi sĩ – những ẩn dụ” ( khúc 18), “Nghệ sĩ và khoảng lặng” ( khúc 19);  Nghĩ về người trẻ tuổi và sự dấn thân ( khúc 37)…Đó là những suy nghĩ của cá nhân, rất riêng tư, mà tác giả có ý không đại diện cho ai, ngoài chính bản thân mình.

          Tác giả cũng  phê phán và lên án những hành động trái với thái độ nghiêm túc, đầy tinh thần quyết tâm của dân tộc “chống dịch như chống giặc” của những kẻ  thờ ơ hay lạc lõng. Nhưng hình như “Thật hổ thẹn trong khi xã hội chúng ta chưa thực hiện tốt 5K”  (tr. 204) là quá nương nhẹ. Lẽ ra cần có những lên án mạnh mẽ những kẻ trục lợi nhân đại dịch, nhưng kẻ khai báo gian dối,  những kẻ chỉ vì tiền mà tiếp tay cho người nước ngoài nhập cảnh bất hợp pháp, tá túc trái phép ở những khu tập thể, mang sẵn vi rút covid phát tán ra cộng đồng.

       Có cảm giác như khúc 45 là khúc được đặt tên cho trường ca “Sự sống và lòng biết ơn” viết chưa  được như ý muốn khái quát chủ đề của trường ca. May thay  các phần khác cũng đã  tràn đầy tinh thần ca ngợi sự sống và lòng biết ơn. “Kèn hoa! Dàn kèn hoa trắng muốt/ Thổi buốt mùa xuân 2020/ Vang ngân da diết khúc hát đau buồn của sự sống và lòng biết ơn” ( Khúc 15 Hoa tháng Tư cất giọng, trang 65).

        Phần vĩ thanh khái quát đã thể hiện niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc. Vâng,  “Ngày đẹp nhất là ngày thế giới quét sạch Corona vi rut” (khúc 44:  Ngày đẹp). Và hôm nay đây Dịch Covid vẫn đang phức tạp ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam,  nhưng “Sứ mệnh chiến thắng” (khúc 42) nhất định sẽ thành hiện thực.  Dù còn cam go và gian khổ nhưng “Niềm tin chiến thắng đại dịch Covid đang hiển hiện trên muôn vàn nụ cười trên dải đất Việt Nam” (Vĩ thanh).

          Cám ơn tác giả đã góp phần lan tỏa niềm tin đó  qua bản trường ca này khi chúng ta vẫn đang trong những ngày chống dịch!

                               Hà Nội 18 tháng 7 năm 2021

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)