CẦN CHÚ THÍCH SÁCH GIÁO KHOA RÕ RÀNG CHO CÂU VĂN CỦA NGUYỄN TRÃI!
PGS.TS. VŨ NHO
BẢN BỔ SUNG ĐỂ ĐĂNG BÁO
Trước đây khi chúng tôi học “Bình Ngô Đại cáo” của Nguyễn Trãi, câu văn : “Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương…” (Tự Triệu, Đinh, Lí, Trần chi triệu tạo ngã quốc/ Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương).
Triệu được chú Thích là Triệu Vũ Đế, là kỉ nhà Triệu trong Đại Việt sử kí toàn thư.
Sau này không biết vì lí do gì mà người ta hoặc lờ đi không chú thích (Ngữ Văn 10, nâng cao tập 2 do Trần Đình Sử tổng chủ biên, Ngữ văn 10 tập 2 do Phan Trọng Luận tổng chủ biên – Nhà xuất bản Giáo Dục, 2007), hoặc coi đó là do Nguyễn Trãi nhầm như GS Bùi Văn Nguyên, hoặc là chú thích không mấy thân thiện với Triệu Đà như SGK Ngữ Văn Trung học cơ sở lớp 8 tập 2, của nhà xuất bản Giáo Dục, 2004, trang 68:
“(6) Đinh , Lí, Trần là những triều đại xây dựng nền độc lập của đất nước ta. Còn Triệu là chỉ triều đại của Triệu Đà, kẻ đã cướp nước Âu Lạc, nhưng sử sách trước đây có tài liệu coi đó là một triều đại của nước nhà.”
Theo suy đoán của chúng tôi, nhiều năm sách giáo khoa của chúng ta có đưa truyện Mị Châu Trọng Thủy với mục đích nói về sự ngây thơ, mất cảnh giác của nàng Mị Châu, dẫn đến việc bị tráo nỏ thần và An Dương Vương mất nước. Đó là bài học cảnh giác của cha con An Dương Vương đối với cha con Triệu Đà. Mặc nhiên, Triệu Đà bị coi là kẻ xâm lược. Nhà thơ Tố Hữu cũng viết trong bài thơ “Tâm sự”:
Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...
Hiển nhiên, Triệu Đà và Trọng Thủy bị coi là “giặc”, là kẻ xâm lược.
Nhưng sự thực Thục Phán An Dương Vương là người thế nào? Triệu Đà là người thế nào? Xin trích một đoạn trong bài viết của Vũ Bình Lục:
“ Hùng Vương nối nghiệp của Lạc Long chăm ban đức huệ, để vỗ yên dân, chuyên nghề làm ruộng, chăn tằm, chẳng có can qua chinh chiến, con cháu nối dòng đều gọi là Hùng Vương, phúc gồm 18 đời, năm rải hơn 2000 năm; buộc nút dây mà làm chính trị, dân không thói gian dối, có thể thấy được phong tục thuần hậu quê mùa vậy. Đến vua sau ( tức vua cuối cùng) đức kém, lười chính sự, bỏ việc vũ bị không sửa, ham mê tửu sắc làm vui, binh nước Thục đến thì quốc thống mất”…
Thế là Thục Phán, hậu duệ của nước Thục ( ở khoảng Tứ Xuyên Trung Quốc) đã đem quân xâm chiếm nước Văn Lang của Hùng Vương, rồi hợp nhất bộ tộc Tây Âu của ông ta với tộc Lạc Việt của Hùng Vương thành bộ tộc Âu Lạc, rồi lên làm vua, xưng là An Dương Vương. An Dương Vương ( Thục Phán) chuyển đô từ Bạch Hạc, Phú Thọ xuống Phong Khê, xây thành ốc Cổ Loa ( nay thuộc huyện Đông Anh thành phố Hà Nội). […]
Thục Phán là người nước Thục, chiếm nước Văn Lang của Vua Hùng, làm vua được 30 năm ( Theo Sử kí của Tư Mã Thiên), sau sinh ra lười biếng kiêu căng, sa đọa. An Dương Vương tin dùng những kẻ xấu, giết hại một số Lạc hầu, Lạc tướng, khiến vương triều suy yếu, bị Triệu Đà diệt. […]
Sử nước ta không có lời nào khen ngợi ông vua người nước Thục này.
Về nhà Triệu, cũng bài “ Đại Việt Thông Giám Tổng Luận” của Lê Tung nói trên ghi:
“ Triệu Vũ Đế nhân loạn nhà Tần, chiếm lấy đất Lĩnh Biểu, đóng đô ở Phiên Ngung (thuộc tỉnh Quảng Đông bây giờ - VBL), cùng với Hán Cao Tổ ( Lưu Bang – VBL) đều làm đế một phương, có lòng nhân thương dân, có mưu trí giữ nước, vũ công khiến Tam Tùng ( tên vua nước Thục ngày xưa, sau xưng là Thục Vương, dạy dân trồng dâu nuôi tằm) phải kinh sợ, văn giáo khiến Tượng Quận được chấn hưng, lấy thi thư mà biến đổi tục nước, lấy nhân nghĩa mà cố kết lòng người; dạy dân cấy trồng, nước giàu dân mạnh. Đến như các việc sai sứ ( sang nhà Hán –VBL) thì lời lẽ rất khiêm tốn, Nam Bắc giao hoan, thiên hạ vô sự, hưởng nước hơn trăm năm, đáng là bậc vua anh hùng tài lược. Văn Vương (con Trọng Thủy- VBL) là đích tôn của Vũ Đế, nối giữ nghiệp cũ, phàm các chế độ điển chương , hết thảy đều tuân theo phép cũ của vua trước; lấy nghĩa mà cảm nước láng giềng, đánh lui quân địch, giữ yên biên cương, cũng là bậc vua nối nghiệp giữ nền vậy”.
Triệu Đà, tức Triệu Vũ Đế ( 240 tr.cn - 137 tr.cn). Một số tài liệu cho rẳng tổ tiên là người Chân Định, Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây lại cho rằng Triệu Vũ Đế là người Việt cổ, tên là Nguyễn Cẩn, cháu nội vua Hùng Duệ Vương.
Do biến thiên thời thế, Nguyễn Cẩn sang Tần làm con nuôi hoạn quan Triệu Cao, trọng thần của Tần Thủy Hoàng nên mang họ Triệu. […]
Ông ấy nhân loạn nhà Tần mà chiếm lấy đất Lĩnh Biểu, tức bao gồm đất đai của người Bách Việt ( hàng trăm tộc Việt), thuộc phía nam núi Ngũ Lĩnh, xưa gọi là đất Lĩnh Ngoại ( Ngoài Ngũ Lĩnh), hay Lĩnh Nam ( phía nam dãy Ngũ Lĩnh) tức các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, chạy dài ra đến tận quần đảo Hải Nam thuộc Trung Quốc bây giờ.
Hàng trăm tộc Việt (Bách Việt) mà Triệu Vũ Đế lãnh đạo, trong đó có người Lạc Việt của nước ta bây giờ, gọi chung là nước Nam Việt. Triệu Đà lãnh đạo dân bách Việt chống nhau với nhà Hán, giữ vững nền độc lập, tồn tại hơn trăm năm. Các cụ ta xưa tôn vinh Triệu Vũ Đế là người dựng nước độc lập đầu tiên, tiếp nối các vua Hùng là có lí do lịch sử của nó”.
Chúng tôi hoàn toàn tán thành bài viết công phu của nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục “An Dương Vương và Triệu Vũ Đế nên thờ ai”, in trong cuốn “ Vừa đi vừa nghĩ”, Nxb Hội Nhà Văn, 2024, tr. 14.
Bài viết này nhà nghiên cứu đã đề cập đến nhiều vấn đề, nhưng khẳng định là Nguyễn Trãi không hề nhầm. Chính một số người Việt chúng ta mới nhầm lẫn. Triệu Vũ Đế tức Triệu Đà được viết trong “ Đại việt Sử kí toàn thư” , một bộ sử chính thống của nước ta. Ông có chính thất người Thái Bình, có đền thờ ở Thái Bình. Chính Triệu Đà đã tiêu diệt Thục Phán An Dương Vương. Sử sách và nhiều nhân vật nổi tiếng của ta ca người Triệu Vũ Đế, trong khi “Sử nước ta không có lời nào khen ngợi ông vua người nước Thục ( tức An Dương Vương – Vũ Nho chú) này”.
Tóm lại, Nguyễn Trãi không hề nhầm khi coi Triệu Vũ Đế, nhà Triệu là triều đại của nước ta, chống lại nhà Hán. Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục đã khẳng định dứt khoát :
“ Triệu Đà tuy gốc ở Chân Định, sử nhà Hán chép thế là vì ông ấy là con nuôi Triệu Cao, nhưng cả đời ông ấy sống với người Việt, lấy vợ Việt, con cháu nối tiếp nhau sống theo phong tục tập quán, văn hóa Việt. Cho dù là ở Chân Định, đất Hán, nhưng Triệu Đà chính gốc người Việt, nước Văn Lang xưa”. Cũng trong bài viết đó, Vũ Bình Lục còn công phu sưu tầm đoạn đổi thoại của vua Trần với Trần Quốc Tuấn:
“ Khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) ốm nặng, vua Trần Anh Tông từ Thăng Long về thăm và hỏi rằng nếu chẳng may ngài mất đi, giặc phương Bắc lại sang lấn cướp thì kế sách giữ nước như thế nào. Hưng Đạo Vương nói rằng : “ Ngày xưa Triệu Vũ Đế dựng nước, vua Hán cho quân đánh thì nhân dân làm kế thanh dã (kế vườn không nhà trống –VBL) rồi đem đại quân từ Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường sa, dùng đoản binh úp đằng sau, đó là một thời”!
Như thế chẳng phải Hưng Đạo Đại Vương đã thừa nhận Triệu Vũ Đế ( Triệu Đà) là ông vua anh hùng, tài lược của nước ta đó sao?
Hãy xem đoạn ghi chép Triệu Vũ Đế tiếp sứ nhà Hán là Lục Giả :
“Khi sứ đến, Vua ngồi xổm mà tiếp Lục Giả. Giả nói : Vương vốn người Hán, họ hàng mồ mả đều ở nước Hán, nay lại làm trái tục nước mình, mà muốn chiếm cứ đất này để chống đối với nhà Hán, há không lầm sao?[…] Vua ra dáng sợ hãi đứng dậy nói rằng : Tôi ở đất này lâu ngày, quên mất cả lễ nghĩa? Nhân hỏi Giả rằng: Tôi với Tiêu Hà, Tào Tham ai hơn? Giả nói: Vương hơn chứ. Lại hỏi : Tôi với Hán đế ai hơn?[…] Vua cười và nói: Tôi lấy làm giận là không được nổi dậy ở bên ấy, biết đâu chẳng bằng nhà Hán. Giả ngồi yên lặng, sắc mặt tiu nghỉu” (Đại Việt Sử kí toàn thư, nxb Hồng Đức, 2020, trang 69, 70). Xem đó đủ biết Triệu Vũ Đế tự tin và tự tôn như thế nào!
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài diễn ca “ Lịch sử nước ta” cũng viết:
Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.
Kể năm hơn bốn ngàn năm,
Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà.
Hồng Bàng là tổ nước ta.
Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang. […]
Triệu Đà là vị hiền quân,
Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời.
Năm đời nhà Triệu gồm Vũ Đế ở ngôi 71 năm, Văn Vương ở ngôi 12 năm, Minh Vương ở ngôi 12 năm, Ai Vương ở ngôi 1 năm, Thuật Dương Vương ở ngôi 1 năm.
Cũng nên biết qua tên nước Nam Việt là của nhà Triệu. Sau này vua Gia Long cũng muốn đặt tên nước như thế.
“Năm 1802, sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh (vua Gia Long) phái 2 đoàn sứ giả sang Trung Quốc. Một đoàn do Thượng thư Bộ Hộ là Trịnh Hoài Đức làm chánh sứ, đem giao trả lại sách ấn mà triều Thanh phong cho nhà Tây Sơn. Đoàn kia do Thượng thư Bộ Binh là Lê Quang Định làm chánh sứ, xin phong vương cho Nguyễn Ánh và xin đặt quốc hiệu là Nam Việt.
Cũng năm 1802, nhà Thanh chuẩn danh xưng quốc hiệu nước ta là Việt Nam. Nhưng đến năm Gia Long thứ 3 (1804), sứ giả nhà Thanh là Tế Bá Sâm mới mang cáo sắc, quốc ấn đến Thăng Long để làm lễ phong vương cho Nguyễn Ánh”. (nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/quoc-hieu-viet-nam-co-tu-khi-nao-479253).
Rõ ràng có vẻ nhà Thanh không muốn tên nước ta là Nam Việt, một đất nước rộng lớn thời nhà Triệu gồm cả vùng đất Quảng Đông và Quảng Tây, nên họ công nhận quốc hiệu nhà Nguyễn là Việt Nam.
Như vậy không nghi ngờ gì nữa, cần phải chú thích rõ ràng câu văn của Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo”. Ghi rõ Triệu là Triệu Vũ Đế, người lập nhà Triệu với tên nước (quốc danh) Nam Việt chống lại nhà Hán.
Chấm dứt sự mơ hồ về nhà Triệu, trả lại danh dự cho người đứng đầu triều đại độc lập chống lại nhà Hán phương Bắc!
Hà Nội, 4 tháng 7 năm 2024
Người gửi / điện thoại