VÙNG MỎ VÀ NHỮNG NGƯỜI THỢ MỎ TRONG TRANG VIẾT VÕ HUY TÂM
Nhà văn Vũ Nho
Nhắc đến những cây bút văn xuôi vùng mỏ, bạn đọc có thể kể nhiều. Một danh sách khá dài. Tô Ngọc Hiến, Nguyễn Sơn Hà, Lý Biên Cương, Sỹ Hồng, Nam Ninh,Võ Khắc Nghiêm, Dương Hướng, Nguyễn Đức Huệ, Hoàng Văn Lương, Trần Tâm, Vũ Thảo Ngọc,… Nhưng dù có thể thiếu tên người này, người khác, nhưng không thể thiếu tên của nhà văn Võ Huy Tâm. Bởi trong khi người viết còn thưa vắng thì Võ Huy Tâm đã trình làng tiểu thuyết “Vùng mỏ”, một cuốn sách bề thế về đời sống công nhân. Tiện đây cũng có thể nêu một so sánh nho nhỏ.
Mỏ than ở nước ta được chính thức khai thác năm 1840 tại Đông Triều. Nhưng chỉ là khai thác lộ thiên có tính chất thủ công. Mãi đến 1888 mới thành lập mỏ Kế Bào ở Vân Đồn. Vậy là thợ mỏ có từ 1840.
Còn nhà máy tơ ở Nam Định thì năm 1898 mới được thành lập. Nghĩa là thợ máy tơ xuất hiện muộn hơn thợ mỏ những 58 năm.
Tuy nhiên, truyện ngắn đầu tiên viết về đời sống của người công nhân Việt Nam lại là truyện viết về thợ máy tơ ở Nam Định. Tác giả của truyện ngắn đầu tiên ấy chính là Nguyễn Bá Học với truyện ngắn “ Câu chuyện một tối của người tân hôn” đăng trên tạp chí Nam Phong năm 1921. Có lẽ tiểu thuyết “Vùng mỏ” của Võ Huy Tâm là cuốn sách văn chương đầu tiên viết về đời sống giai cấp công nhân.
( Cuối sách có dòng chữ viết xong ngày 30 thánh 1 năm 1951). Nếu so sánh về thời điểm ra đời thì muộn hơn truyện ngắn của Nguyễn Bá Học những 30 năm. Tuy vậy thể loại tiểu thuyết cho thấy thành công quan trọng của tác giả Võ Huy Tâm.
Chẳng những bề thế về thể loại, dung lượng, tác phẩm còn đoạt giải nhất truyện kí của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1952. Rồi trích đoạn của tiểu thuyết này được đưa vào sách giáo khoa “Trích giảng văn học”. (Tôi còn nhớ đã đọc cái đoạn công nhân mỏ đấu tranh và anh Tuấn ăn cơm thịt bò xào với đậu hòa loan). Sự nổi tiếng của “Vùng mỏ” vượt xa “ Câu chuyện một tối của người tân hôn”. Không chỉ có một “Vùng mỏ”, Võ Huy Tâm còn viết tiểu thuyết “Những người thợ mỏ” rất đồ sộ. Rồi tiểu thuyết “ Rượu chát” tuy không viết về công nhân mỏ, nhưng nhân vật chính vẫn là thợ, vẫn có gốc gác mỏ. Những truyện ngắn của Võ Huy Tâm phần nhiều cũng chỉ xoay quanh cuộc sống mỏ và thợ mỏ. Có thể nói Võ Huy Tâm một đời văn khơi nguồn và gắn bó với mạch văn vùng mỏ và những người thợ mỏ. Vị trí của ông trong văn học công nhân nói riêng và cả trong văn học Việt Nam nói chung là không ai có thể thay thế.
Nhà văn Võ Huy Tâm
Trước hết phải nói đến vùng mỏ và chân dung những thợ mỏ được nhà văn khắc họa rất sớm trong hai tiểu thuyết lớn là “ Vũng mỏ”, viết xong 1951, và
“ Những người thợ mỏ” viết trong vòng ba năm, từ 1956 đến 1958.
Võ Huy Tâm đã trực tiếp làm mỏ. Ông lại hoạt động bí mật trong vùng mỏ. Vì vậy mà ông thuộc vùng mỏ, thuộc những người thợ. Tác phẩm của Võ Huy Tâm cho thấy hai thời kì lịch sử của những người thợ mỏ. Thời kì mỏ thuộc chủ Tây, anh em thợ đấu tranh giành quyền sống và xây dựng tổ chức yêu nước (Vùng mỏ). Thời kì mỏ thuộc về ta, những người công nhân làm chủ, họ say sưa hoạt động phấn đấu để mỏ trở thành mỏ tiên tiến, góp phần làm giàu cho Tổ quốc. Những nhân vật quan trọng của hai tiểu thuyết như Tuấn, Min, Bảo, Den, cụ Thứ (Vùng mỏ), Vũ Quyết, Thụy, Dần, Sen, Cậy, ông Cừ, ông Cẩn, bác Đoan, chị Vị,... ( Những người thợ mỏ) là những chân dung sống động của những người làm mỏ mà một đời nhà văn Võ Huy Tâm gắn bó. Có thể nói, hai tiểu thuyết quan trọng của Võ Huy Tâm là biên niên sử bằng văn về cuộc sống, đấu tranh, xây dựng của những người thợ mỏ trong kháng chiến và trong hòa bình xây dựng. Đây là bảo tàng giúp cho các thế hệ bạn đọc hiểu được truyền thống của những người thợ mỏ kiên cường. Muốn biết cái nhà tồi tàn của nông dân thời phong kiến, người đọc xem nhà chị Dậu trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố. Muốn biết cuộc đời thợ mỏ khi họ còn làm cho chủ Pháp, hãy cứ tìm trong “Vùng mỏ”. Đây là gian nhà vợ chồng chị Le - một gia đình phu mỏ : “Vợ chồng chị có một chiếc phản ọp ẹp, gầm phản một cái vấu, một cái mai, một cái cuốc, một rổ bát, một ít muối, một cái hòm đã mọt. Trong hòm, một bên đựng gạo, cá trích và mắm tôm, một bên đựng quần áo. Dưới bếp có một cái bếp lò, một ít than, một cái móc lò, một cái cặp. Nhà rất nhiều muỗi, rệp, gián, thạch sùng” (Vùng mỏ, nxb Văn học 1971, trang 54). Còn đây là khu mỏ đã về tay những người công nhân, tuy còn muôn vàn khó khăn vì những ngày đầu nhưng đã rất khang trang: “Đèn trên tầng ngoài phố đã bật sáng. Suốt từ ga lên Đèo Nai, đèn chỗ cao chỗ thấp, chỗ ít, chỗ nhiều, trông như núi ánh sáng. Các nhà ở hai bên phố Hoàng Văn Thụ cũng mở hai cánh cửa, ánh sáng hắt thêm ra ngoài đường, nhà nào cũng có bức màn gió bằng vải hoa, cái quạt điện để bàn, trông như những nhà khá ở Hà Nội” ( Những người thợ mỏ - Trong Tác phẩm chọn lọc Võ Huy Tâm, nhà xuất bản Hội nhà Văn, 2008, trang 383).
Có thể nói, Võ Huy Tâm đã cho người đọc bình thường hình dung về mỏ và những người thợ mỏ qua những trang miêu tả hoạt động sản xuất và tâm tư, tình cảm của họ. Tầng, lò, lò cái, lò thượng, lò chợ, họng sáo, thìu, máng, đường rãnh, xe goòng, búa, choòng, đèn đất, phoi đất,… những từ chuyên môn của thợ mỏ : lò bẹp, xe cặm, cài chèn, kích nóc, tháo máng, đánh cột dặm… Những người làm mỏ và trông coi mỏ ngày xưa thì có xu-ba giăng, cai, xếp, chủ nhất, chủ nhì, tài, phu, trẻ em đi làm thì gọi là nhau : nhau đội than, nhặt đá, phất cờ ra hiệu cho đá lăn, cầm cần xe điện, bơm dầu vào xe goòng… (Vùng mỏ). Khi mỏ về ta thì họ là đốc công, giám đốc, tổ trưởng, thợ lò, thợ tầng, thợ xây, thợ điện, tài xế. Họ có tổ chức công đoàn,… ( Những người thợ mỏ). Có lẽ vì đã từng hoạt động bí mật vận động công nhân, làm công tác công đoàn rồi tham gia Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nên Võ Huy Tâm rất tâm huyết xây dựng nhân vật Vũ Quyết trong tác phẩm “Những người thợ mỏ”. Vũ Quyết có thể làm ở sở ben, nhưng anh tự nguyện làm thợ lò, làm thư kí công đoàn, nghĩ ra nhiều sáng kiến để hầm lò Tiền Tiến đạt vượt mức kế hoạch cuối năm. Vũ Quyết đã từng hoạt động trước ngày giải phóng, làm khỏe, giỏi việc, lại lắm tài lẻ, được những người già tin tưởng, nể trọng bạn trẻ yêu mến. Và Quyết còn được nhiều cô gái yêu trong đó có Nguồn, Cậy, Sa, Sen…Cái lí lịch tóm tắt của Vũ Quyết cũng cho thấy anh là người biết nhiều nghề, sành mỏ:
“ Tuy mới tí tuổi, mà Quyết đã làm qua đủ các nghề ở mỏ : cầm cần xe điện, làm xe không ở trục 27, chữa búa máy, làm tầng, làm ô tô, cho đến làm tài xế Ben chạy dầu ma dút. Quyết đã vào công đoàn bí mật, đến năm 1948 thì bị Pháp bắt. Khi hòa bình trở lại, anh được trao trả” ( Tác phẩm chọn lọc Võ Huy Tâm, đã dẫn, trang 277). Phải chăng vì say sưa chăm bẵm cho Vũ Quyết, như một thư kí công đoàn xuất sắc, như một nhân vật nổi bật; mặt khác chưa chú ý đến vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng? Thêm nữa, nhân vật đại diện cho Đảng mờ nhạt. Không những thế, tác giả lại tạo ra chi tiết anh em công nhân bàn tán, có ý phê bình thư chúc tết của khu ủy gửi anh em công nhân “ Có nêu chống tham ô, lãng phí quan liêu mà không nêu vấn đề dân chủ hóa sản xuất có chậm quá không?” (Sách đã dẫn, trang 785). Phải chăng những yếu tố đó khiến cho người ta cho rằng tác phẩm thiếu tính Đảng? Và “ Những người thợ mỏ” không được xem trọng? Chính người viết cũng bối rối, hoang mang. Đúng là một cách đánh giá ấu trĩ và phiến diện một thời.
Một đặc điểm khá rõ của những người thợ trong “Vùng mỏ” và “Những người thợ mỏ” là họ có một quá khứ của thời làm cho Tây không ít thì nhiều. Họ từng đấu tranh với chủ, với Tây để gây dựng phong trào trong thợ mỏ. Đó là những cán bộ, công nhân được giác ngộ, có lí tưởng, hoạt động quên mình vì phong trào, vì quyền lợi và đời sống công nhân. Nhà văn có ý thức xây dựng nhiều “mẫu” người, nhiều hoàn cảnh xuất thân, nhiều dân tộc ( Kinh, Hoa, Sán dìu) để thấy được sự đoàn kết, gắn bó và tình cảm giai cấp của công nhân mỏ.
Trong “ Những người thợ mỏ” những đốc công như Ngoạch, công nhân như Quyết, cán bộ như Quỳ, Vị, Tiệp,… đều là “cách mạng cũ”, nghĩa là có tham gia kháng chiến. Các bác thợ nhiều tuổi như Khổn, Cẩn, Cừ, Đoan,… đều từng làm phu ở chế độ cũ, từng nếm đủ mọi khổ cực. Vì thế khi hòa bình, đều cố gắng hết lòng vì mỏ. Có lẽ vì “thuộc” những người thợ mỏ cũ hơn, nên những nhân vật này thường được viết nhiều, kể nhiều, và cũng có xương thịt, hơn là những nhân vật trẻ như Cậy, Sen, Dần, Thề.
Có thể nói, những người thợ mỏ trong tác phẩm của Võ Huy Tâm ( tiểu thuyết và truyện ngắn) là những thợ mỏ của kháng chiến và những năm hòa bình mới lập lại. Họ hăng hái hoạt động , gây dựng phog trào chống Pháp. Họ hăng hái xây dựng mỏ, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Họ hoàn toàn tin tưởng vào cấp trên, tin vào sức mạnh của giai cấp công nhân.
Sau này, những người thợ mỏ đứng trước những thử thách mới và điều kiện mới. Họ bắt tay vào cách mạng khoa học kĩ thuật, đổi mới cách khai thác và quản lí mỏ trong tác phẩm “Thời gian đang đợi” của Nguyễn Sơn Hà và các nhà văn khác. Họ làm mỏ thời đổi mới mở cửa, kinh tế thị trường trong các tác phẩm tiểu thuyết “Mảnh đời của Huệ” và “Huyết thống” của Võ Khắc Nghiêm và các nhà văn khác.
Nhà văn Trần Tâm viết về Võ Huy Tâm “ Nhiều lần, tôi đưa ông vào mỏ, leo tầng gọi là “đi thực tế” mong bù đắp phần thiếu hụt vốn sống ấy ( vốn sống của thợ mỏ hiện tại – VN thêm). Lãnh đạo thấy ông, người ta kính trọng. Công nhân thấy ông, người ta tôn trọng. Ông là con của lớp công nhân mỏ khổ đau lử lả, tăm tối, gian lao. Ông không là con của lớp công nhân mỏ hiện tại dù còn muôn vàn khó khăn đã đứng lên làm chủ cuộc đời mình. Họ kính trọng, tôn trọng ông, nhưng ông không còn hòa nhập với họ nữa. Vì thế, những tác phẩm ông viết về họ như : “Vỉa than lớn”, “Đi lên đi”…chỉ đủ tồn tại chứ không làm vẻ vang cho văn nghiệp ông” ( “Võ Huy Tâm, trầm tích một đời văn”, trong sách “ Tác phẩm chọn lọc Võ Huy Tâm” đã dẫn, trang 921).
Chúng tôi nghĩ rằng từ một người thợ, một người học vấn ban đầu thấp, Võ Huy Tâm đã phấn đấu trở thành một nhà văn quan trọng, có vốn sống dồi dào, có hiểu biết sâu sắc, mở đầu cho dòng văn học viết về mỏ và những người thợ mỏ, với một gia tài văn chương đồ sộ. Như thế cũng quá đủ làm cho nhà văn có địa vị vẻ vang trên văn đàn.
Hà Nội, tháng 9/2016
Người gửi / điện thoại