bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Cầm Sơn đã đưa videoclip này!

 

VŨ NHO 085 589 0003

NHÀ MẠNG THÔNG BÁO HỌ BỊ HACK NÊN ĐỂ XẢY RA SỰ CỐ ĐÁNG TIẾC ĐÓ!RẤT MONG CÁC TÁC GIẢ BỊ MẤT BÀI ĐĂNG THÔNG CẢM. TÍNH SƠ MỖI NGÀY TBT ĐĂNG 2 BÀI, CHÚNG TA MẤT NỬA THÁNG 5, NỬA THÁNG 7, TRỌNG VẸN THÁNG 6...

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 57
Trong ngày: 272
Trong tuần: 1353
Lượt truy cập: 665501

CHÙM CỎ ( TIẾP THEO VÀ HẾT)

pham_cong_tru


PHẠM CÔNG TRỨ

(TIẾP THEO VÀ HẾT)

Nhắm mắt lại là một làng, mở mắt ra lại là một làng khác, một nẻo quê khác. Nét xưa, nét nay cứ đứt nối, đan cài vào nhau, mờ chồng lên nhau, thay thế cho nhau. Đời sống hiện đại cùng cơn lốc đô thị hóa đang đặt làng Việt đứng trước những cơ hội và thách thức chưa từng có. Những mái bằng, mái tôn đỏ rực, nhọn hoắt, nhấp nhô thời ăn lên làm ra cứ vống lên, lấn dần những mái rạ, mái bổi (thân cây cói) xưa. Không gian của cây đa, giếng nước sân đình thuở nào đang ngày một thất thế, cứ co cụm dần lại như một kẻ biết mình “quá đát”: “Cây đa cổ thụ lút sâu/ Nhường cây cột điện đứng đầu làng ta”. Vâng, không cưỡng lại được thì đành chấp nhận, hòa đồng, thích nghi với thời cuộc để tồn tại, vượt lên, nếu không muốn thành kẻ tụt hậu và bị nhấn chìm. Thì chả đã có học giả sành chữ nghĩa, sau khi chiết tự đã bảo rằng chữ “Việt” trong hai chữ Việt Nam có nghĩa là “vượt” đấy thôi! Có người còn tán rằng “V” trong chữ “Việt” còn có nghĩa là chiến thắng (vichtory) nữa cơ (?).

Yêu làng, thiên quê, song đâu phải hắn một chiều cổ vũ cho tâm thế tù hãm, thiu mốc kiểu ta về ta tắm ao ta…, mãi bằng lòng với cái gia cảnh bần cố “nồi đồng, cối đá” xưa. Dòng đời là dòng sống, mà sống có nghĩa là thay đổi, sống cũng có nghĩa là khát vọng vượt lên. Ngồi uống nước vối, nước chè giữa làng mà biết chuyện thế giới, bàn chuyện thiên hạ phải là tư duy của người quê đương đại. Không chỉ nghe, chỉ bàn mà còn cơm đùm cơm gói, gió đưa đến tận nơi, xem tận mặt, sờ tận tay để yên tâm ra “bản ghi nhớ” hay đặt bút kết ước. Tiền độ nhật không Việt Nam đồng, mà là “ví điện tử đa tiện ích”. Công nghệ thông tin, số hóa, cùng với dịch vụ bay, đã giúp cho việc kết nối ấy. Số hóa, công nghệ ảo thoạt đầu có làm bối rối người quê, nhưng chẳng làm họ quá bất an cứ mãi “Ú ớ u ơ ngọn bút chì” như cụ Tú Thành Nam trong thời buổi thực dân hóa, cũng là Tây hóa lần trước. Tự tin nhập cuộc, chấp nhận trả giá để trưởng thành, vượt lên là tâm thế của dân Việt thời đổi mới hội nhập.

Tiến trình toàn cầu hóa cộng hưởng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng đã khiến thế giới phẳng hơn và đang trở thành ngôi làng toàn cầu, một cái chợ toàn cầu. Là một làng trong cái làng toàn cầu, một góc chợ trong cái chợ toàn cầu đó, làng Việt, chợ Việt, có những sản vật gì, giá trị gì khác lạ, mới mẻ góp vào? Như vậy, dù muốn hay không, lại đụng chạm đến cái gọi là hằng số văn hóa, bản sắc văn hóa, mà con dân Việt đương đại đang loay hoay tìm cách để độc sáng một “giấc mơ Việt”, thăng hoa một “tinh thần Việt”, trong lộ trình chấn hưng văn hóa Việt, dựng xây nền văn hiến Việt Nam.

Để sớm bằng anh bằng em, thời nay chúng ta có thể vay tiền, thuê chuyên gia làm công trình này, tòa tháp kia hoành tráng, bắt mắt. Song, rõ ràng không thể vay mượn một Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Trương Vĩnh Ký…Văn hóa Việt mang cốt cách và tâm hồn Việt, phải do người Việt chung tay tạo dựng lên.Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, mượn câu nói của người xưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra tầm quan trọng, cũng như sự công phu, kiên trì, bền bỉ trong chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo con người. Đồng thời, chỉ bằng một mệnh đề ngắn gọn“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Người.cũng như đã chỉ ra vai trò, lực đẩy của văn hóa trong suốt hành trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trước đây cũng như hôm nay và mai hậu. Đi xa hơn, có người còn bảo vì lợi ích nghìn năm thì phải “trồng cây văn hóa”, nếu vậy thì rõ thật là công trình kể xiết mấy mươi!

Hội nhập đâu chỉ đơn thuần một chiều là hướng ngoại, hội nhập còn là quay trở về phát hiện và nhận diện lại mình. Nhờ hội nhập, giao lưu mà cốt cách của dân tộc được phát hiện những yếu tố nội sinh được phát huy. “Vượt qua lũy tre làng” để kết nối với nhân quần rộng mở, tiếp nhận những giá trị mới mang tính phổ quát, mà vẫn giữ được bản sắc tốt đẹp của văn hoá cổ truyền; hội nhập mà không hòa tan, không đánh mất mình, đang là một thách đố làng Việt, cũng như bản lĩnh Việt Nam hôm nay.

Thiết nghĩ, chỉ khi “đưa phố về làng”  mà vẫn không phá bỏ không gian văn hóa truyền thống, người nông dân tham gia cuộc chơi và làm chủ luật chơi “phố trong làng”, “làng giữa phố”, “ly nông bất ly hương”, thì khi đó ta mới có những miền quê đáng sống như hằng trông đợi. Dù có hơi muộn mằn, song với những bước đi và kết quả ban đầu trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nằm trong chủ trương phát triển toàn diện “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) cùng với phương châm “lục dân” (dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng) đã hé rạng hy vọng, củng cố thêm niềm tin vào ngày mai.

Nhân đây, nhân danh người quê cũng xin được “khoe” rằng: Hải Hậu là một trong 5 huyện đầu tiên của cả nước hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới ngay từ năm 2015, là một trong 4 huyện điểm của cả nước xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu, và hiện đang phấn đấu để trở thành huyện “kiểu mẫu nâng cao” vào năm 2025. Hải Hậu là huyện đã từng 4 lần được nhận danh hiệu anh hùng, cả trong chiến đấu, lao động sản xuất, cũng như ở thời kỳ đổi mới. Ngôi trường cấp 3 nơi hắn từng học, nay là Trung học phổ thông Hải Hậu A, cũng nhận danh hiệu này thời đổi mới, năm 2010.

Thêm nữa, một vùng đất mới ven biển quen “ăn sóng nói gió” mà đã có tới 45 năm liền là đơn vị điển hình văn hoá cấp huyện của cả nước. Nơi đây  cũng là “lò ấp” của khá nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi, như nhà văn Nguyễn Thi, kịch gia Đào Hồng Cẩm, nhà “Nga học” Phạm Vĩnh Cư, nhà văn hóa học Ngô Đức Thịnh, nhà làm phim thời sự Trần Văn Thủy… Lứa nhà văn lớp sau, ngoài “trưởng lão” Vũ Quần Phương, cố nhà văn Nguyễn Ngọc Ký -“người có đôi bàn chân kỳ diệu”, còn là Mai Tiến Nghị, Trần Thế Tuyển, Bình Nguyên Trang, Lê Hà Ngân và người viết bài này.

Cũng không thể bỏ qua mấy tên tuổi, sinh ra ở Hải Hậu rồi “theo vận nước nổi trôi”, mà dân ngoài Bắc ít được biết đến (vì lý lịch phức tạp), tiêu biểu như giáo sư, triết gia Lương Kim Định (xã Hải Vân), nhà báo, nhà thơ Mai Thảo (thị trấn Cồn), nhà nghiên cứu, phê bình văn học Thụy Khuê (xã Hải Đông). Hắn cứ bâng khuâng tự hỏi: không biết những con dân mang căn cước Hải Hậu ấy trên nẻo đường luân lạc, ở nơi xa xứ có khi nào họ hướng ký ức về “cố hương” nơi có khung trời tuổi thơ hoa bướm bình dị, nhưng đầy ắp dấu xưa như tâm trạng của kẻ sang ngang lỡ bước Nguyễn Bính:“Quê người đứng ngắm mây lưu lạc/ Bến cũ nằm nghe sóng lỡ làng”.

“Anh hùng”, “huyện điểm văn hóa”… dù không là tất cả, song thiết nghĩ những danh hiệu này cũng đã phần nào ghi nhận, biểu dương và cổ vũ cho sự nỗ lực vượt lên của một vùng đất thuần nông ven biển, như thương hiệu “gạo Hải Hậu”, “phở gia truyền Nam Định” do dân gian phong tặng. Khoe thế, song trong hắn lại thoáng đỏ mặt như tâm trạng của anh giáo Thứ trong tiểu thuyết “Sống mòn” khi đang trên chuyến tàu hỏa chạy loạn từ Hà Nội trở lại quê: “Nhưng y lại đỏ mặt ngay. Người ta chỉ được hưởng những cái gì mình đáng hưởng thôi. Y đã làm gì chưa?”! Vâng, hơn bảy mươi năm trước, ở thời thực dân phong kiến chưa có định hướng, cây bút tự do Nam Cao đã rút ruột viết thế. Ba mươi tư tuổi đời ông đã kịp để lại Chí Phèo, Lão Hạc, Giáo Thứ… một đại diện cho cái tận ác, một cho cái tận thiện và một nằm giữa thiện và ác, làm bất tử cái làng Vũ Đại - Đại Hoàng của ông. Hôm nay mang danh là một nhà thơ có thẻ hội viên, hắn đã làm gì để trả món nợ tinh thần với bề dầy 500 năm mở đất và truyền thống 135 năm thành lập, kiến tạo huyện nhà?

“Đường làng mười tám đôi mươi/ Có tôi trong số bao người ra đi/ Có người đi mãi không về…”. May mắn là hắn trong số người đã trở về rồi đi “dan díu với kinh thành” trở thành người của phố, một tiểu thị dân. Lần vào Trường Sơn là do thời cuộc đưa đẩy, lần về phố là tự thân. Cũng nhờ thời cuộc, bàn chân hắn đã đôi lần in dấu miền nọ xứ kia về địa lý, chiêm ngưỡng những tác phẩm nọ kia về nghệ thuật, thưởng thức những thứ này thứ khác về ẩm thực. Dân dã có, sang trọng cũng có, kỳ quái cổ quái cũng có, song với hắn, mùi mắm tôm, cá khô, vị nước mắm quê là quyến rũ nhất. Cơm quê là chắc bụng nhất. Gái quê (thôn nữ) là yên tâm nhất, đồng làng và biển quê hắn là đẹp nhất. Còn ai không thấy cái ngon của mắm tôm, mắm tép, cá khô, theo hắn, là đã phí nửa cuộc đời. Ai bảo gái quê nay cũng không yên tâm, thì không phải là lỗi ở họ. Những bãi tắm Quất Lâm hóa “Quất Luôn”, Thịnh Long thành “Thông Lòng” cũng đâu phải lỗi của biển.

Trong Từ điển Nhà văn Việt Nam hiện đại (2020) ở mục “Suy nghĩ về nghề văn” hắn đã bộc bạch: “Sinh ra và lớn lên tại một miền quê lúa nhưng lại lập nghiệp ở chốn đô thị, do vậy trong tôi thấm đẫm văn hóa làng và tập nhiễm văn hóa thị. Tương tự, trong thơ tôi có cả thôn dân lẫn thị dân. Và, Cỏ May, đóng vai là “nhân vật dân gian trữ tình”, vừa giăng mắc, móc nối, vừa trung gian hóa giải độ vênh giữa các đại diện cho hai vùng văn hóa đó trên lộ trình không thể gì cưỡng lại được về phía văn minh, hiện đại.

Giữa chốn thị thành nhịp nhanh và dứt khoát, anh trai làng trong thơ tôi không khỏi cảm thấy chóng mặt, muốn tìm về chốn quê xưa nhưng đường thì ngút xa mà trời thì sập tối. Bơ vơ trong nỗi niềm nửa tỉnh nửa quê, lòng đầy phiền muộn và mặc cảm, anh ta chợt thấy ân hận mà nấc lên những tiếng bầu, tiếng nhị đầy xưa cũ và lắm khuất lấp”. Nguyễn Hiếu, một nhà tiểu thuyết khá vạm vỡ, thuộc loại bạo mồm bạo miệng, bình sinh đã từng có lần thử “ngửi” thơ hắn và phán rằngNghĩ gì cũng kĩ càng và luôn sợ thiếu thành trường hơi. Đọc thơ ông ngửi thấy mùi bùn, mùi mạ vùng chiêm trũng nhưng cũng chỉ thoảng qua”. Đúng thế! Nếu ai đó đọc hắn mà bảo rằng “thương nhớ đồng quê” chỉ là “thương nhớ ngày xưa”, “thương nhớ từ xa” thì cũng đâu có oan.

      Giã làng tuổi chớm biết buồn

Phần xác ở phố, phần hồn ở quê

      Phần tình chôn ở rệ đê

Ngày đi vẫn nhớ, ngày về chưa quên

Trong vòng xoáy điệp trùng của công nghiệp hóa, đô thị hóa, công nghệ hóa, số hóa, cùng bao nhiêu cái “hóa” khác, sự rung lắc, chao đảo của đất lề quê thói là không tránh khỏi. Cái gọi là “hương đồng gió nội” phần nào là tưởng tượng ra, níu giữ lại, chứ ngay vào đầu thế kỷ trước cụ Tú thành Nam đã chẳng“giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”, rồi anh trai làng Nguyễn Bính đã chẳng “van em em hãy giữ nguyên quê mùa” vào khoảng lưng chừng thế kỷ đó sao? Không giật mình như cụ Tú, cũng chẳng van giữ như chàng họ Nguyễn, song tâm trạng hắn cũng không khỏi chộn rộn, bất an “Xác mình hồn của người ta/ Cố hương cũng khác chi là tha hương”; “Có “mới” song chẳng thấy “tân”/ Vẫn “quê” nhưng liệu còn “chân” mà về”. Vâng, mất làng, lạc làng, thậm chí tha hương ngay trên chính quê hương mình, nó mới kinh khủng làm sao!

Ai đó bảo rằng “đại công nghiệp khai tử đồng quê, giết chết thơ ca”. Hắn cũng linh cảm thế, chỉ xin hiệu chỉnh một chút rằng, đại công nghiệp có bức tử nhiều làng quê song không giết chết thi ca mà là tính lãng mạn của thi ca. Những dòng thơ rơm cỏ này chẳng biết có đánh động được tâm thức của những ai đang còn đau đáu chuyện làng, trăn trở nỗi quê không? Những bông may không sắc hương lại mỏng mảnh, liệu rồi đây có đủ sức bám bíu chân người, níu giữ cảnh quê, hồn quê đang biến thiên, một đi không trở lại cùng những “người muôn năm cũ”? “Cái hồn xưa quý vô ngần”, như Hoài Thanh tròn 80 năm trước đã xác quyết trong Thi nhân Việt Nam chẳng biết rồi đây có còn ai nâng niu, trân trọng gìn giữ, cơi nới, nâng cấp nữa không?

“Loay hoay gỡ cỏ dọc đường/ Người ta rẽ lối thị trường từ lâu” là tâm thế hắn, “Trăng vàng đêm ấy bờ đê/ Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may” là chỉ dấu thơ hắn, cùng với một câu hỏi đang còn để lửng:

Đường làng là đường làng tôi

Đời cháu con vẫn trăng soi đường làng?

nhasangtacdailai

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)