PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho
NGUYỄN SỸ BÌNH, THI SĨ DUY TÌNH
Chúng tôi viết như thế một phần vì xuất bản ba tập thơ, tác giả đều có chữ THƯƠNG trong nhan đề: Bốn mùa thương nhớ (2022), Còn lại yêu thương (2023) và giờ đây Thương chi lạ (2024). Mặt khác nội dung chính của cả ba tập thơ đều đậm đặc chủ đề tình yêu. Tình yêu quê hương, đất nước, yêu thiên nhiên, yêu công việc, và nhiều, rất nhiều bài về tình yêu lứa đôi.
Điều chủ yếu là nhà thơ có trái tim đa cảm, nhạy cảm, luôn luôn xúc động, khao khát yêu thương… “Tôi yêu từ bông hoa, từ con người, mảnh đất, từ thiên nhiên cây cỏ, từ quê hương tôi cho đến các vùng miền tôi đi qua trên đất nước này.” (Dẫn theo Trần Đăng Khoa “Thêm một người làm thơ là thêm một sự lương thiện”).
Thơ anh có nhiều hoa. Từ chùm phượng hồng đến bằng lăng tím, từ dàn hoa trước ngõ đến làn hương hoa sữa nồng nàn, từ cành hoa không tên run rẩy theo chiều gió trong ngày chính đông đến bông Xuyến Chi khi mùa Xuân về, từ hoa loa kèn tinh khôi tháng Tư đến hoa Cúc nở vàng ươm một dải sông Hồng, … Rồi Hướng Dương, Dã Quỳ, Tam Giác Mạch, Cải trắng…và ấn ượng nhất là “Mùa cải vàng” của quê hương. Tác giả yêu hoa, yêu phong cảnh quê hương, yêu ngôi làng thân thương. Tình yêu lớn đã cho anh một cái nhìn đậm chất hội họa, đậm chất thơ: Làng tôi ở như một chiếc thuyền trôi
Giữa màu xanh của mênh mông biển lúa
Gió thổi qua mặt đồng xanh như lụa
Bỗng dập dờn như sóng biển khơi xa
(Làng tôi)
Yêu quê, yêu đời, yêu cuộc sống, nên tác giả rất chú ý đến thời gian được tính bằng bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Bước luân chuyển của thời gian Xuân qua, Hạ tới; Hạ hết, Thu về; Thu qua, Đông tới; Đông tận, Xuân về. Mùa nào nhà thơ cũng quý, cũng yêu, dù là nắng cháy da mùa Hạ hay rét cắt thịt mùa Đông. Mùa đông đi qua chỉ là tạm xa thôi, dù mùa Đông “rét lạnh căm”, nhưng:
Sao thấy yêu mùa đông tha thiết
…
Lại da diết mong Đông trở lại
(Mùa Đông đã về)
Biểu hiện đặc trưng nhất, sâu sắc nhất của tinh thần duy tình ấy là tình cảm với bạn bè, với các vùng đất đi qua, với những người đã gặp. Và nhất là với những em gái Huế, với “ Cô gái xứ Đoài lưng ong”, với “người con gái dịu dàng” như dòng Cà Ty Phan Thiết, với “người con gái trong mơ”, với ”Em như lửa ấm”…
Tác giả tỏ ra là người si mê, hào phóng, mãnh liệt “dữ dội, cuồng điên, như thiêu thân lao vào lửa đêm” (Đốm lửa nhỏ)
Ta khờ khạo khi trao em tất cả
Tấm chân tình dâng hiến hết cho em
(Dại khờ)
- Anh yêu em có trời, đất biết
Trao cho em trao đến kiệt cùng
(Viết cho em)
- Yêu mến ai, yêu cả lối đi về
Trao đi hết chỉ yêu thương đọng lại
(Ngày đi qua)
- Quên đi hết một cuộc đời dâu bể
Giữ trong lòng duy nỗi nhớ về em
(Quên và nhớ)
Yêu rồi thì nhớ nhung, mong ngóng, chờ đợi khắc khoải, nôn nao, phải gọi lên thành tiếng:
Gọi trong cả cơn mê
Gọi bốn mùa thương nhớ
Gọi tình yêu một thở
Gọi chút tình hanh hao
(Gọi)
Yêu ai rồi thì “Nhớ mãi không quên” dù hai người đã đi về hai phía:
Muốn trốn đi, cảm xúc cứ tìm
Muốn quên đi, lại càng thương nhớ
Muốn bỏ đi, trái tim nhắc nhớ
Cuộc đời này…
…không thể quên em
(Không thể quên)
Thật đúng với bản chất duy tình!
Chắc bạn đọc sẽ hỏi Em là ai? Sao nhiều em thế? Đến tận năm 2024 vẫn khao khát gặp em, còn gia đình thì sao?...
Xin thưa, em có thể là một người cụ thể nào đó, nhưng cũng có thể là “người trong mơ”, cũng có thể là nàng thơ (sông Hồng Hà cũng là em đấy! – Bài Hồng Hà và tôi). Nhà thơ Nguyên Duy từng viết:
Xin chớ hỏi tại làm sao như vậy
Tôi vốn không rành mạch bao giờ
(Sông Thao)
Nhà thơ vốn không rành mạch, nên Em trong thơ Nguyễn Sỹ Bình cũng vậy thôi! Lại nhớ đến Đại tá nhà thơ Trần Trọng Giá, tuổi cao nhưng vẫn ngày ngày viết thơ tình, vẫn yêu say đắm mà bạn thơ gọi đó là tình chay! Nguyễn Sỹ Bình còn trẻ hơn nhiều, lại là người duy tình, nên chúng ta không phải lăn tăn!
Chỉ biết rằng người duy tình ấy chắc chắn là người lương thiện. Những mối tình thật và ảo trong thơ anh cũng chỉ càng làm đẹp thêm cho đời. Phải vậy chăng?
Vũng Tàu, 26/12/2024
V.N