Chưa bao giờ nền thi ca ở các miền quê phát triển lan tỏa mạnh mẽ như hiện thời. Nó có sức lan tỏa như một dòng chảy. Có người gọi đó là dòng chảy văn chương. Trong dòng chảy văn chương ấy có sự góp mặt của các thi nhân thi sỹ câu lạc bộ thơ Lục bátThái Bình. Mười lăm năm tiếng thơ thao thức, vang vọng trên một vùng quê lúa. Nhưng tiếng thơ đâu có dừng lại, mà hồn thơ hóa thành những áng mây thơ bay đi tỏa khắp bốn phương trời. Mở đầu tập thơ Lục bát ra mắt nhân kỷ niệm 15 năm CLB nhà thơ Lương Hữu, bằng những vần thơ đa cảm sâu nặng với quê hương, ông đã ví quê hương nơi các thi nhân sống và viết có một vẻ đẹp kỳ diệu. Vẻ đẹp của vầng trăng “Thái Bình ở phía trăng lên” là tên một bài thơ của Lương Hữu. Ôi, quê hương là nơi trăng lên, đẹp lắm, nên mới có hình ảnh đẹp lẫn trong những câu thơ của anh:
“Mênh mông biển, mênh mông đồng
Câu thơ như tự trong lòng trào ra
Trào ra ngôn ngữ để các nhà thơ cấu tứ nên những vần điệu, những áng thơ hay sâu sắc và đa nghĩa, đa tình. Sự trào ra ấy chính là cảm xúc của nhà thơ. Cảm xúc được nén đọng, rồi trào dâng mới thành tập thơ này.
Tuy nhiên bên cạnh nhiều bài thơ “Ánh vàng lấp lánh” cũng còn không ít những hạt bụi đan xen, làm cho độc giả khi đọc có phần hẫng hụt, nuối tiếc. Hẫng bụt bởi không ít câu thơ thật thà, vô hồn, nông nổi. Bởi tác giả bê nguyên mẫu cuộc sống vào thơ, không nhào nặn sáng tạo, không thổi hồn vào chữ. Nhưng đọc kỹ tổng thế tập thơ vẫn có được nụ cười và nước mắt. Nụ cười và nước mắt chảy ra từ những trang thơ hay, những trang thơ đượm màu nghệ thuật. Đó là chủ thể nghệ thuật thơ lắng đọng trong tập lục bát 15 năm. Với hơn 200 bài thơ được chọn lọc, cấu thành trong tập sách là hơi thở, là tiếng lòng thao thức, nghĩ suy, trăn trở, đau đáu của gần 100 tác giả yêu mê văn học mà đến với thi ca, để cùng giao duyên trên những trang sách đúng nghĩa như tác giả Nguyễn Hữu An đã viết:
Văn chương chữ nghĩa say mê
Giầu sang trí thức hồn về với thơ.
Họ về với thơ bởi bản tính của văn thơ thời nào cũng đẹp nên con người luôn mê say sáng tạo cái đẹp để vĩnh cửu cái đẹp. Những tác giả có mặt trong tập thơ cũng luôn khao khát mang cái đẹp chân, thiện, mỹ gửi vào trang thơ, dâng tặng cho độc giả quê hương mình. Họ sáng tác trong hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng chung một tư tưởng thẩm mỹ giống nhau. Nghĩa là họ cùng tìm kiếm, cùng làm duyên con chữ, để thông qua những vần thơ sáng tạo của mình, dâng tặng cuộc đời. Dâng tặng những thông điệp tinh túy nhất mà mình gửi gắm:
Vô thường trong cõi nhân gian
Sống đời lương thiện, chớ toan hại người.
Đó là thông điệp thơ của tác giả Phạm Thế Anh thể hiện trong bài thơ “Yêu thương”. Đi tìm cái đẹp trong thơ Lục bát để suy ngẫm và cảm nhận, tác giả Ngân Hậu viết:
Tâm hồn thi sỹ ngẩn ngơ
Chắp câu lục bát họa thơ lên chiều.
Tìm được hồn thơ để có bài lục bát hay, có ý thơ sâu lắng, làm kẻ sỹ phải “ngẩn ngơ” thì đáng yêu quá. Một vẻ đẹp vì cái đẹp cũng đẹp lắm chứ. Ngân Hậu thường có những kiểu sáng tác thơ như thế.
Qua tập thơ 15 năm này, tiếng lòng không chỉ vang vọng dưới bầu trời thi ca quê lúa, mà các tác giả trong tập sách còn viễn du trên khắp các miền quê hương đất nước qua những cảm tác của mình. Vang vọng tới nhiều lĩnh vực cuộc sống. Với hơn 200 bài thơ của gần một trăm tấm lòng hội tụ tình cảm, trí tuệ, hiến dâng cho quê hương, cho độc giả những bài thơ nặng lòng, ân nghĩa, những ý tứ da diết nỗi niềm về tình yêu cuộc sống, về quê hương đất nước, con người. Không ít tác giả còn đề cập tới đề tài chiến tranh cách mạng và hậu quả của cuộc chiến tranh. Bằng trách nhiệm với cuộc sống và tình yêu văn chương trong mỗi tâm hồn thi sỹ, các tác giả có mặt trong tập sách đã chắt ra những câu thơ lục bát đầy tính nhân văn, chan chứa nghĩa đời. Viết về chủ đề mẹ và quê hương được nhiều thi nhân cảm xúc. Tác giả Phạm Thị Dung từng nằm trong lòng mẹ chị viết:
Nhớ về cái thuở bé con
Trong vòng tay mẹ cuộn tròn – mẹ ơi
Tác giả Nguyễn Thị Thu Vui cảm nhận:
Lời ru của mẹ ngày xưa
Chắt chiu từng hạt nắng mưa dãi dầu.
Mẹ không chỉ là hình tượng của thi ca, mà còn là người mẹ thiêng liêng sinh thành ra các bậc thi nhân để họ viết thi ca. Mẹ thật là vĩ đại. Chúng tôi thật vui khi được đọc và ngẫm những câu thơ hay, tứ thơ không mới, nhưng lại ẩn chưa những hình ảnh gợi cảm làm thấu động lòng người. Nhà thơ Nguyễn Thọ Trúc nhiều năm chèo lái “con thuyền” lục bát, cả đời say thơ. Cái say trong con người thi sỹ đã thấm vào hồn thơ anh, để rồi trong một sự ngẫu hứng của bài thơ “Say” anh viết tặng người bạn thi nhân của mình bằng những câu thơ hay rất gợi:
Búp sen lướt nhẹ cung đàn
Tiếng tơ, tiếng trúc ngân vang bến đời
Nét hoa rạng rỡ nụ cười
Nàng thơ ơi! Cả đất trời nghiêng say.
Không chỉ tác giả Thọ Trúc say, các thi nhân say, mà thơ còn làm cả đất trời nghiêng say, viết thế mới hay chứ.
Tác giả Vũ Minh Hiến qua thi phẩm “Ngắm qua kẽ lá”, nhờ hình ảnh kẽ lá mà chị tìm được cuộc đời. Tìm bằng sự tưởng tượng qua những vần thơ vừa ảo, vừa thực. Những vần thơ giầu hình ảnh đẹp:
Lung linh mắt lá reo cười
Biếc xanh đọng lại một đời cỏ hoa
Bước người là nhịp tim ta
Ngắm qua kẽ lá biết là còn nhau
Thế mới biết kẽ lá kỳ diệu quá, nghĩa tình quá. Qua kẽ lá con mắt tìm được tâm hồn ánh mắt phía bên kia.
Đọc hai tác giả Thọ Trúc – Minh Hiến từ “Búp sen lướt nhẹ cung đàn, đến lung linh mắt lá cả ngàn câu thơ được xuất hiện trong tập thơ giúp ta cảm nhận tâm hồn các thi nhân quê lúa, không chỉ tài hoa trên thi đàn, mà tình cảm cõi người cũng thật lãng mạn đáng yêu. Thế cho nên đôi mắt thi nhân Minh Hiến chỉ ngắm qua kẽ lá cũng biết mình còn nhau.
Dùng phương pháp ẩn dụ, biến ảo thành hiện thực, biến nỗi buồn thành niềm vui của nhiều tác giả xuất hiện trong tập thơ đã đem lại hiệu ứng cao trong sáng tạo, làm nên cảm hứng thú vị khi đọc thơ. Tác giả Lại Văn Oanh qua “Những ngày vượt khó” kiếm tìm được những câu thơ hay rất gợi:
Cây vườn đang độ chồi non
Tiếng tà áo trắng véo von khúc ngày
Kim luồn mềm mại vòng tay
Dọt nghe tí tách rắc đầy bóng ai.
Cùng nhịp đập của tiếng thơ ẩn dụ: Kiểu Lại Văn Oanh “Dọt nghe tí tách rắc đầy bóng ai” tác giả Phạm Ngoan lại có cách nói riêng, cảm xúc đằm thắm hơn, tình hơn. Sau câu thơ “Vàng ươm muốn đậu xuống vành nón em” Phạm Ngoan viết tiếp bốn câu để giải tỏa nỗi niềm:
Ngoài kia người ấy đứng thèm
Hẹn ta muốn gặp, sánh kèm bên nhau
Thẹn thùng cái lướt dao cau
Mình đi phía trước…Đằng sau họ nhìn.
“Người ấy đứng thèm”. Không biết người ấy thèm gì, chỉ có thơ ca mới diễn tả được. Qua thơ của Phạm Ngoan người đọc ngẫm là họ “thèm nhau” họ muốn được yêu nhau. Nhờ thơ mà độc giả hiểu được phần nào bóng dáng của một mối tình thật đẹp. Một tình yêu thấp thoáng bên cánh thơ.
Viết tiếp những khúc tình đẹp như thế, tác giả Phạm Thục Chinh dồn nén hơn, gời gợi hơn. Chị lấy bài thơ “Giò Lan” của mình để làm duyên tả sự trinh trắng “chưa hề trổ bông” bằng những câu thơ chân thật mà rất gợi:
Giò lan ai chẻ làm hai
Nửa kia để lại, nửa ai mang về
Nửa này mải nhớ nửa kia
Nên hai nửa ấy, chưa hề trổ bông
Mượn Giò lan để nói một mối tình trắng trong khao khát, một cái tứ hay của Phạm Thục Chinh. Làm sao mà trổ bông được, khi mà nửa ở lại, nửa đi về, làm cho hai nửa càng thương, càng nhớ.
Nối tiếp dòng thơ trữ tình nhà thơ Phạm Luyến có bài “Nàng thơ trẻ - Lão thơ già”. Cái tên bài thơ thoáng nghe đã gợi một mối tình đậm màu hài hước. Vào bài, nét trữ tình thể hiện sâu sắc hơn, vui hơn:
Thơ buông chẳng ngại cái già
Cứ tươi hơn hớn bắt ta phải lòng
Đã phải lòng nhau, đê mê rồi thì nàng ở đâu, chàng cũng “mò tới”. Tới để ngắm cái thần thái của tình yêu, dẫu là yêu một phía. Những câu thơ “diễn tình” Phạm Luyến tả khéo léo. Dù nàng ẩn nơi cửa phật hay ở thánh đường ca chàng vẫn không buông nàng.
Nếu nàng là gái đường tu
Thì ta gõ mõ cửa chùa lân la
Nếu nàng mà hát thánh ca
Ta xin làm lão bộc già – Amen
Anh viết tưng tửng mà lại rất thơ, rất tình. Đọc nhiều người mê, viết thế mới thính.
Cảm nhận sự xuất xứ ra đời những vần thơ lục bát hay, tác giả Nguyễn Triệu Miện có cái nhìn đằm thắm, tinh tế dưới con mắt tài hoa của một thi sĩ. Triệu Miện phát hiện và cho rằng: Tâm hồn con người, cảnh quan thiên nhiên “Từ thân cây lúa, từ hồn làng quê, đến cánh diều bay bổng, đến ánh trăng bên thềm” là nguồn cảm hứng sáng tạo để các thi nhân làm nên “Một vườn” thơ lục bát có nét rất riêng trên quê lúa, tạo nên một nét đẹp văn hóa cũng rất riêng trên chiếu thơ lục bát Thái Bình.
Trong bài “Câu thơ lục bát” Nguyễn Triệu Miện viết những câu thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng:
Từ cơn gió mát lao xao
Thành câu lục bát đến nao nao lòng
Để rồi:
Dù đi trăm nẻo ngàn phương
Câu thơ lục bát đậm hương quê mình.
Từ câu lạc bộ thơ Lục bát Thái Bình, dấu ấn thơ ngày càng sâu đậm, gương mặt tác giả những người gắn duyên với thơ lục bát ngày càng “khởi nghiệp” nhiều hơn, khởi sắc hơn. Chiếu thơ được mở rộng, tình người cao đẹp qua những vần thơ hay. Nhiều thi nhân, thi sỹ, bạn yêu thơ lục bát, coi chiếu thơ là nơi hội tụ niềm vui, là nơi giải tỏa sầu muộn, nơi tình cảm con người được nẩy sinh. Tác giả Lại Hữu Miễn cho rằng anh về với chiếu thơ, với câu lạc bộ lục bát để cùng:
Bút nghiên chia sẻ nỗi niềm
Lắng trong câu chữ tình duyên quê nhà
Hiền như hạt lúa trái cà
Đẹp như ngắm ánh trăng ngà đêm thu.
Sáng tạo ra những câu lục bát có hồn, đẹp như “Ngắm ánh trăng ngà đêm Thu” con người làm sao không xao xuyến, làm sao không duyên nợ với thi ca. Cái đẹp của thi ca làm duyên cho cái đẹp của tâm hồn con người. Ánh trăng tuổi thơ mãi mãi là hình tượng cuốn hút các nhà thơ.
Có một vị tướng là giáo sư quê ở làng Đông Hồ huyện Thái Thụy, hiện là chủ nhiệm câu lạc bộ Văn Sỹ Chùa Hà Hà Nội. Anh bảo cuộc đời anh đã rong ruổi cả trăm nẻo làng quê, nhưng khi về quê hương anh mới thấy trăng quê mình hiền hơn, sáng hơn. Trong chùm thơ trình làng trong tập sách này, bài thơ “Trăng quê” Bùi Quảng Bạ viết:
Lung linh vành vạnh giữa trời
Bao năm chú cuội vẫn ngồi gốc đa
Chăn trâu cắt cỏ đồng xa
Lúa vàng nhuộm chín trăng già trăng non
Ngắm vầng trăng quê lung linh, anh cảm nhận:
Trăng quê có tiếng ầu ơ
Bên nôi mẹ hát lúc chờ trăng lên.
Dâng hiến nghệ thuật từ các thi sỹ trong và ngoài câu lạc bộ, không chỉ tạo nên một vườn thơ hoa thơm trái ngọt, thu hút độc giả, câu lạc bộ thơ lục bát Thái Bình còn làm được một điều rất đỗi thiêng liêng. Phần đông các thi nhân câu lạc bộ không chỉ cảm tác cái đẹp về tình yêu cuộc sống mà còn dùng ngòi bút viết về nỗi đau trên cõi người. Nỗi đau từ cuộc chiến tranh Việt Nam, do quân đội Mỹ gây ra. Các văn sỹ, trí thức đã nhiệt thành hưởng ứng cuộc vận động sáng tác văn học thiện nguyện do Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh – Minh Chuyên cùng câu lạc bộ thơ lục bát Thái Bình tổ chức. Đã có hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm thơ và văn xuôi có mặt trong hơn 20 tập sách “Nỗi đau sau chiến tranh” đã xuất bản. Thay mặt Ban vận động sáng tác tôi xin ghi nhận và biết ơn các nhà văn, nhà thơ, các văn nghệ sỹ trong và ngoài nước đã dành trí tuệ, tâm lực viết về những anh hùng, liệt sỹ đã đổ máu, hy sinh vì Tổ quốc, vì cuộc sống hòa bình. Đó là một nghĩa cử cao đẹp của các thi nhân, thi hữu và những người luôn ủng hộ dòng văn chương về đề tài hậu chiến. Hiện diện trong tập sách này không ít thi sỹ viết thơ bằng nước mắt, viết trong nỗi hoài tưởng, nhớ thương. Viết để oán hận lên án những kẻ gây nên cái chết thời bình. Cái chết da cam, nỗi đau quằn quại, nỗi đau nhiều đời chưa hết. Nhiều tác giả viết để khóc mình, khóc bạn, khóc thương người không về. Tác giả Nguyễn Thị Hương viết:
Em về thăm bến không chồng
Thương bao cô gái má hồng phôi pha
Chờ người sém cả làn da
Bến còn đứng đợi, người xa chưa về.
Người đi xa do chiến tranh không bao giờ về, nên cái bến “con gái” ngày xưa hóa thành bến đợi, bến không chồng, để bao nỗi lòng khắc khoải chờ mong, không có lời thơ nào nói hết. Tác giả Trịnh Thị Tuyết Lan, qua thơ mình, chỉ biết thương người vì cuộc chiến tranh mà khuất bóng. Bài thơ “Nhớ anh” Tuyết Lan dãi bày nỗi niềm thủy chung, trọn tình, trọn nghĩa chồng vợ, để linh hồn anh nhẹ nhàng phiêu du về cõi tiên bồng. Chị viết:
Còn em giữ đạo cương thường
Chăm lo con, cháu tình thương đậm đà
Để anh yên nghỉ nơi xa
Non bồng chốn ấy cũng là quê hương.
Chia sẻ cùng những người chiến binh không còn nguyên vẹn, tác giả Trần Thanh Loan cảm tác bài thơ “Vết chân sau chiến tranh”. Chị mượn ý “ vết chân tròn trên cát” nhiều nhà thơ đã mô phỏng. Nhưng với đôi mắt quan sát của một thi nhân vốn đa sầu, đa cảm, Trần Thanh Loan vẫn chọn được những vần thơ mới sâu sắc và cảm động.
Đạn bom thù giặc rợp trời
Một chân vùi lại giữa nơi chiến hào
Để hôm nay:
Chiến tranh kết thúc lâu rồi
Chân còn tựa nạng bồi hồi thăm quê.
Tác giả Đoàn Anh Lộc qua thi phẩm “Bến đò tìm” mô tả tâm trạng người con gái quê hương tình nguyện đi phục vụ chiến trường. Bài thơ được Đoàn Anh Lộc khéo léo diễn tả như một câu chuyện thời chiến hấp dẫn, hồi hộp. Câu chuyện hai người gặp nhau mà không nhận ra nhau. Vì chiến tranh ư, hay vì nỗi lòng trắc ẩn? Bằng những câu thơ tài hoa, Đoàn Anh Lộc viết:
Nhớ lần qua bến đò tìm
Gặp em cùng chuyến ngồi liền bên nhau
Mơ màng nhìn quãng sông sâu
Mắt đăm đăm…Chẳng nói câu chuyện gì
Mắt đăm đăm mắt rồi cùng quay nhìn dòng sông. Hình như mắt và dòng sông cùng suy nghĩ. Bằng những câu thơ tiếp theo, vẫn dùng đôi mắt để tả thực, để gợi nhớ, Đoàn Anh Lộc dãi bày:
Xa nhau mới sáu mùa cau
Bỗng dưng gặp lại bên cầu Hiền Lương
Em đi phục vụ chiến trường
Mắt đăm đắm mắt, lòng vương tơ lòng.
Nối tiếp dòng thơ đề tài hậu chiến, xuất hiện trong tập sách có một tác giả là Trung tướng Vũ Thanh Hoa, người làng Thùy Vân huyện Thái Thụy. Vốn là một tướng võ, nhưng lại ẩn chứa trong tâm hồn anh cả một bầu trời thi ca. Anh đã sáng tác thành công nhiều tác phẩm thơ văn, vì thế có người ví anh là tướng võ kiêm tướng văn. Trong chùm thi phẩm có mặt trong tập sách này, Vũ Thanh Hoa với tư cách là tác giả khách mời. Nhiều tác giả viết ngợi ca về mẹ, Vũ Thanh Hoa lại viết về cha và cho rằng. Các mẹ đã sinh ra cả ngàn vạn anh bộ đội đi đánh giặc cứu nước, công sinh thành lớn lắm. Anh lý giải, nếu không có những người cha, không thể có cả ngàn vạn anh bộ đội lập công nơi trận tiền, công cha cũng lớn lắm. Thế là Vũ Thanh Hoa dã sáng tác bài thơ “Công cha” bằng những câu thơ ân tình giầu âm thanh, hình ảnh. Những ngôn từ được chắt ra từ tâm hồn của một vị tướng, của một kẻ sỹ. Vũ Thanh Hoa viết:
Cha tuy không đẻ ra ta
Nhưng không cha, chẳng có ta trên đời
Cha là khối thủy của trời
Hòa vào đất mẹ, cây đời đơm hoa.
Bài thơ “Nỗi đau sau chiến tranh” Vũ Thanh Hoa viết bằng sự cảm xúc tinh tế và sâu lắng. Câu thơ anh miêu tả tiếng khóc đau quá không thành tiếng khóc, chỉ có nước mắt trào tuôn nước mắt, rồi tứ thơ bật lên:
Đọc nỗi đau sau chiến tranh
Nỗi đau không khóc tuôn thành lệ rơi
Chỉ có trái tim quặn đau cùng nhân vật, tấm lòng thi sỹ đam mê và tâm huyết, Vũ Thanh Hoa mới có được bài thơ biến ảo khôn lường. Bài thơ kết nối từ tên những tác phẩm thời hậu chiến mà thành những vần thơ chân tình, cảm kích, những vần thơ làm xao xuyến lòng người. Anh viết:
“Vào chùa gặp lại” má đào
Một thời máu lửa, bom gào, đạn rơi
Từ máu lửa, nỗi đau chồng lên nỗi đau, lòng anh cũng quặn đau. Đau như thế mới thành những câu thơ hay nối tiếp, nỗi đau nối tiếp:
“Người trong chiếc cũi trần gian”
“Đứa con da thú” nỗi oan suốt đời
Nối đau làm cảm xúc tê dại, tâm hồn anh bị ám ảnh bởi những câu hỏi:
Còn nỗi đau nào đau hơn
Mẹ già khắc khoải hồn con nơi nào…
Ngòi bút không hàn gắn được vết thương, nhưng tâm hồn ngòi bút sẽ làm cho vết đau dịu bớt.
Chưa có dòng văn nào nói hết được những tình cảm, trách nhiệm của người cầm bút trước hiểm họa cuộc chiến tranh, trước thân phận cuộc đời và tình yêu quê hương, cuộc sống. Hiện diện trong tập sách còn nhiều tác giả thể hiện nỗi niềm thời cuộc qua những bài thơ ngập tràn cảm xúc như các thi sỹ Lại Quốc Biểu, Đỗ Thị Chung, Phạm Dũng, Nguyễn Thị Én, Phạm Thanh Hoa, Trương Công Hạnh, Nguyễn Minh Hiếu, Trần Xuân Hòa, Bùi Thị Kim, Thanh Hoàng, Vũ Minh Khính, Khúc Văn Lâm, Bùi Thúy Lụa, Lê Quý Linh, Đỗ Thị Nương, Nguyễn Văn Minh, Trần Thị Quýnh, Lê Phương Thảo, Đỗ Sung, Nguyễn Thị Tâm, Đoàn Đức Thịnh, Nguyễn Quang Toản, Trần Xuân Tụ, Đặng Thị Vân, Phạm Thị Vân, Phí Hồng Xuyền, Trịnh Thị Xim, Trịnh Toại.v.v…Tất cả đã làm nên gương mặt tập thơ giầu hình tượng ngôn ngữ, đa âm thanh sắc màu. Qua tập sách không ít dòng suy ngẫm ghi nhận “Thơ lục bát Thái Bình qua 15 năm đã vượt lên một tầm mới nghệ thuật thơ nổi trội, nội dung thể hiện nhân văn sâu sắc. Nét đẹp văn hóa trong thơ lục bát được thăng hoa, tiếng thơ âm vang chắc chắn sẽ còn lan tỏa”.
Nhà văn Minh Chuyên