CUỐN TIỂU THUYẾT HAY VỀ HÒA HỢP DÂN TỘC SAU 50 NĂM ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT
Đọc “ Báu vật trời Nam bên kia thế giới” của Nguyễn Thị Anh Thư, Nxb Hội Nhà Văn, 2025
Vũ Nho
Với nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư, tôi đã từng khâm phục viết về tập truyện ngắn của chị. Đó là một trong ít nhà văn nữ mà tôi đánh giá cao về sức viết và sự tinh tế của tác phẩm. Cần nhắc lại ở đây những thành quả trước khi nhà văn công bố cuốn tiểu thuyết độc đáo, thú vị về sự hòa hợp sau chiến tranh của hai phía cuộc chiến.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm:
2 Giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1985 và 1987).
2 Giải thưởng của Đài Tiếng nói Việt Nam (năm 2002 và 2003), tôn vinh những tác phẩm có giá trị văn hóa và nghệ thuật cao.
1 Giải thưởng của Báo Phụ nữ Thủ đô (năm 2010), ghi nhận những đóng góp trong việc phản ánh đời sống và tâm tư của phụ nữ Việt Nam.
1 Giải Khuyến khích, 1 Giải C của Bộ Công An (năm 2022), đánh dấu sự ghi nhận của ngành công an đối với các tác phẩm văn học có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
***
Khi viết cuốn tiểu thuyết này, tác giả đã có bề dày sự nghiệp và sự trưởng thành của bút pháp. Dĩ nhiên, ai cũng biết trong văn chương, không nhất thiết cuốn sau hay hơn cuốn trước, vượt trội cuốn trước. Nhưng với nhà văn Anh Thư thì những ưu điểm của các cuốn đã viết đều bộc lộ đầy đủ và làm nên cái hay vượt trội của cuốn sách này.
Cuốn sách lấy cảm hứng từ một chi tiết có thật: năm 1983, hai người nước ngoài đã vượt biển vào Việt Nam để tìm kiếm kho báu trên đảo Hòn Tre, một sự kiện gây xôn xao và gợi mở những câu chuyện về bí ẩn lịch sử lẫn khát vọng khám phá những giá trị ẩn giấu của một quốc gia bên bờ biển.
Cứ ngỡ câu chuyện sẽ là cuộc tìm kho báu thường li kì, hấp dẫn thường gặp trong văn học Việt Nam và thế giới. Nhưng không phải vậy. Đấy chỉ là cảm hứng khơi nguồn sáng tạo. Nội dung cuốn sách là câu chuyện của những người Việt Nam ở hai phía cuộc chiến, là giai đoạn khó khăn, phức tạp khi chiến tranh kết thúc, đất nước bị bao vây, cấm vận, hàng loạt người “vượt biên” bỏ nước ra đi. Tác phẩm khắc họa sâu sắc hình ảnh những người cha như ông Mười, ông Ba, người mẹ, người vợ như bà Hạnh An mẹ Cát Bình, bà Lê Thị Diệu Mai mẹ của cô Út , những người con như Út, Cát Bình,… Họ là “báu vật” thực sự của dân tộc - với tình yêu thương, sự hy sinh và sức mạnh vượt qua mọi nghịch cảnh.
Đồng thời, cuốn sách cũng mở ra một thế giới tâm linh huyền bí, nơi những linh hồn tổ tiên và các thế lực siêu nhiên hiện diện, như một lời nhắc nhở về mối liên kết thiêng liêng giữa con người và cội nguồn.
Cái khó của nhà văn Việt Nam nói chung và Anh Thư nói riêng là viết về những người nước ngoài, những người thuộc nền văn hóa và tín ngưỡng khác, xa lạ với chúng ta. Nhưng Anh Thư đã vượt qua một các ngoạn mục. Hai nhân vật thanh niên là Mike và Robert, hai ông bố của hai gia đình có truyền thống khác nhau là Vandebilt và Tony. Rồi trường Đại học mà hai cậu theo học, làm quen nhau rồi cùng nhau đi tìm kho báu. Tất cả đều hợp lí và hấp dẫn.
Trong câu chuyện về người lính Mĩ và người lính Việt cộng cũng rất nhân văn. Em trai của bố Mike từng được Trần Hòa Bình, con trai của Đại tá Trần Hạnh không bắn khi bị thương nặng. Hòa Bình hi sinh. Ông chôn cất người lính này, vẽ sơ đồ nấm mộ và giữ bức thư người lính ấy gửi cha mình. Cả Mike và Robert đều tham gia cuộc tìm mộ cảm động đó. Đặc biệt họ tìm thấy hài cốt người lính Việt Nam Cộng hòa là Nguyễn Văn Yên cùng với hài cốt của Trần Hòa Bình. Chương 13 Nghĩa cử là chương xúc động về sự hòa hợp đân tộc.
Nhà văn đã không cho bạn đọc biết sớm lai lịch ông Ba trên đảo. Dần dần người ta mới biết ông được lệnh đi công tác. Tưởng hai năm sau Tổng tuyển cử, ông sẽ về. Nhưng mãi sau chiến thắng ông mới về. Người vợ của ông đã lấy chồng khác. Hai người vượt biên bị chết. Đứa con trai là Cát Bình không nhận cha, hận ông Ba bỏ mẹ con anh ta…
Rồi câu chuyện của chú Tư trôi dạt được ông Ba cứu giúp. Hóa ra ông Tư lại chính là thiếu tá Đinh Bá Nhất làm ở Phủ Đặc vụ của chính quyền Sài Gòn. Ông biết rõ vụ án Trần Minh Nghĩa, cha của Út, người cảm tình với Việt Cộng đã cứu giúp ông Mười. Ông Nghĩa chịu tiếng oan là bị Việt Cộng bắn chết,…
Một chi tiết đáng chú ý ở phẫn vĩ thanh, khi Út vào một tiệm phở nơi thành phố nhỏ của bang Virginia. Cuộc nói chuyện kì thị giữa một Việt kiều với vợ chồng vị chủ quán và Út cho thấy tinh thần hòa hợp dân tộc không dễ dàng, vẫn còn người cố chấp. Việc Luật sư ÚT biện hộ cho người lính Việt Nam Cộng hòa Lê Văn Chất với lời lẽ chí tình, chí lí rất đáng khâm phục…
Có thể nói là tinh thần hòa giải, hòa hợp , khép lại quá khứ không chỉ của người Việt với người Việt, mà cả người Việt với người Mĩ được thể hiện tinh tế, thuyết phục. Rất đáng ghi nhận.
Tiểu thuyết vừa có tính chất tương trưng, vừa có tính phiêu lưu mạo hiểm, vừa rất chân thực về những cuộc đời, những số phận của người Việt, người Mĩ trong chiến tranh. Kết hợp được nhiều chủ đề, gắn kết nhiều số phận, tác giả quả đã rất thành công trong việc khám phá “KHO BÁU TRỜI NAM” giới thiệu với bạn bè thế giới. Như lời của Robert nói với ông Mười : “Tuy chúng cháu chưa tìm được kho báu ấy, nhưng chúng cháu vẫn luôn cảm thấy may mắn khi được đặt chân lên đất nước Việt Nam này. Ở nơi này có những câu chuyện thật phi thường, cùng những con người thật phi thường. Chắc đây mới thực sự là một kho báu dành cho chúng cháu,” (tr. 248).
Nhà văn đã giới thiệu thiên nhiên Việt Nam, con người Việt Nam, văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam, ẩm thực Việt Nam với hai chàng thanh niên Anh và Mĩ. Và rộng ra là tất cả những người nước ngoài. Dẫu biết rằng mọi so sánh đều khập khiễng. Nhưng sao tôi cứ muốn so sánh tác phẩm văn chương này của Nguyễn Thị Anh Thư với tác phẩm video âm nhạc “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy hợp tác với nghệ sĩ hài Xuân Hinh và nhạc sĩ Tuấn Cry .
Phải nói rằng Nguyên Thị Anh Thư đã rất thành công khi phân tích tâm lí, khi miểu tả cảnh thiên nhiên hùng vĩ cũng như cảnh ghê sợ của cuồng phong trên biển hay dữ dội, khủng khiếp trong “Hang cướp biển”, trong “Đền thần”.
Tôi từng viết về tập truyên ngắn “Bản tình ca mê đắm” của Nguyễn Thị Anh Thư như sau: “Tuy không nhiều, nhưng tác giả có sử dụng thủ pháp “truyền kì” ở một số truyện. Có người sẽ bảo đó là “liêu trai” của Bồ Tùng Linh, hoặc xa hơn là “huyền ảo Mĩ la tinh”. Tôi thì cho rằng những thủ pháp, yếu tố đó đã có trong “ Việt điện U linh” của Lý Tế Xuyên, tác phẩm văn học viết đầu tiên của Việt Nam thế kỉ XIV, rồi trong truyện của Lê Thánh Tông. Đặc biệt là “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ”. ( Vũ Nho - Cây bút văn xuôi nữ tinh tế Nguyễn Thị Anh Thư- Nguồn https://clbvanchuong.com/nguyen-thi-anh-thu-cay-but-nu-tinh-te-bid2885.html). Trong tiểu thuyết này sự kì lạ kèm thêm yếu tố khoa học, tâm linh được sử dụng nhiều hơn. Từ “dãy số kì diệu của Thượng đế” trong cuốn sổ gia bảo của Robert về ngày tháng năm sinh, suy ra người thứ nhất là Robert, người thứ hai là Mike, người thứ ba là Út. Bộ ba đó kết hợp để tìm kho báu. Rồi những chữ viết tắt K’Than là đảo Cá Thần, núi N.L. là núi Ngự Long. Những dòng chữ bí hiểm trong tấm bản đồ, bài hát đồng dao của trẻ con mà cô Út thuộc,…Chiếc tù và mà Nhơn tặng Robert. Những lần rúc tù và theo các nốt nhạc,…Tất cả làm tăng sự li kì, huyền bí, hấp dẫn của câu chuyện
Không ít những trang cảm động khiến bạn đọc rưng rung hay người nhạy cảm thì tuôn rơi nước mắt,…
Có thể khẳng định đây là một cuốn tiểu thuyết hay của nhà văn Nguyễn Thị Anh Thư. Càng có ý nghĩa khi chúng ta kỉ niệm 50 thống nhất đất nước, hòa giải hòa hợp dân tộc!
Hà Nội, 28/3/2025
Người gửi / điện thoại