- ĐẦU NGƯỜI ĐÁ Ở BAYON - là bài thơ thứ nhất:
Từ đá nhô ra những đầu người
Nghìn năm mắt nhắm miệng không cười
Đá ơi có phải yêu nước quá
Nên bị chặt đầu đóng cọc phơi?
Bỏ mẹ, sao thơ hay thế chứ! Này nhé, 2 câu đầu chỉ là tả thực, 2 câu sau vẫn là hình ảnh tả thực ấy nhưng được liên tưởng với những - người - yêu - nước; lập tức cả 4 câu tứ tuyệt dựng nên một Tượng đài kỳ vĩ của các liệt sỹ đã hy sinh vì Nước! Các vị đã bất tử cùng Núi Sông hùng vĩ - là thế!
- Bài thứ hai: DÂY MƯỚP
Mẹ không còn nữa! Sân nhà mốc
Cổng ngõ rấp rào chẳng người qua
Vắt từ gốc nhãn sang gốc ổi
Dây mướp nghều ngào thắp chùm hoa
Thoạt đọc cả bài, thấy chẳng có gì lạ: thơ hình như chỉ tả cảnh hiu quạnh của một ngôi nhà văng Mẹ, khi người đã giã biệt gia đình, các con và xóm giềng...để về miền mây trắng. Song, ngay từ lần đọc đầu tiên, tôi đã thấy có cái gì nghèn nghẹn, ở hai từ "ngều ngào". Ừ thì, là hoa, hoa mướp đến thì thì phải nở! Đó là quay luật sinh học, của tạo hoá. Song, Cây mướp, Dây mướp nở hoa khi Mẹ đã không còn, đó lại là điểm bất thường của hoàn cảnh! Cho nên, Cây mướp thương mẹ mà cái sự "nở hoa" của mình đã trở thành "trái ky" thành "không nỡ" khi mà tình thương mẹ vẫn tràn đầy trong hoa, trong cây. Chính vì thế, hoa vẫn nở, phải nở - dẫn đến cái sự nở hoa mà Dây mướp nở "ngều ngào" như cố giữ cho thẳng thớm, cho mơn mởn xanh...mà không đặng! Chỉ có thể "nghều ngào" (từ láy, rất gần với những "thì thào", "nghẹn ngào" v.v...gợi sự thổn thức, tiếc thương! Văn hộc là thế, thơ là thế! Cứ còn cứ gào lên: Thương Mẹ lắm...thì nó không ra thơ mà cũng không ra gì cả! Nhà thơ NMK của chúng ta thật tài, cho chúng ta thưởng thức một bài thơ ý vị, chân thành về lòng thương mẹ!
Bài thứ 3: ĐÁY SÔNG NGHỊCH CÁT
Ầm ầm Sông Mã réo
Nước tung bờm ngựa bay
Ai ngờ có một ngày
Đáy sông ta nghịch cát
Cũng là tả cảnh/ dựng cảnh thực. Đọc cái hiểu ngay, hiểu hết. Song, hiểu rồi, phải ngẫm thêm. Ấy là, dòng Sông Mã (mùa mưa) khi nước đầy là thế, hung dữ, nguy hiểm biết dường nào! Song (vào mùa khô, nhất là những chu kỳ hạn hán) sông cạn trơ đáy, không chỉ tg mà mn, cả trẻ thơ có thể thản nhiên "nghịch cát" giữa lòng sông cạn trơ mà không sợ nguy hiểm. Ngẫm đến đây, chợt liên hệ: phải chăng dòng sông cũng như Cuộc Người - Đời người, lúc thế này, khi thế khác, do đó, ta không nên có một đinh kiến khi nhìn đời, nhìn người vì mọi sự đều có diễn tiến, có đổi thay, tàn lụi rồi cái mới sinh ra từ trong lòng cái cũ, cái lụi tàn ấy - có những đột biến không thể lường trước, khiến ta phải sửng sốt, choáng váng, không dám tin ở mắt mình...Nghĩ thêm một chút: Lòng Sông Mã phải trơ cạn đáy, không chỉ do quy luật 2 mùa Mưa - Nắng, mà còn do nạn phá rừng lấy gỗ do lòng tham vô độ của con người - của một nhóm người vô luân vô pháp - trường hợp này, thơ là lời cảnh báo để kịp cứu lấy trái Đất và chính bản thân con Người...
- Bài thứ 4 - Là Nỗi lòng của Thi nhân khi sự suy tư đã chín, Cảm xúc đã đầy để bật ra tứ thơ kinh thiên động địa - ấy là trong bài thơ ĐÊM:
Nửa đêm bất chợt lòng dậy sóng
Bút trên trang giấy sáng trăm dòng
Nỗi niềm cuồn cuộn rung ghềnh thác
Đêm xé hồn ta hoá cửa sông!
Ừ nhỉ! Tâm tưởng ("hồn") của thi nhân, đã hóa thành "cửa sông" cho dòng thác Ngôn từ đã trào ra thành Biển cả! Thì trước đó, Thi nhân đã phải nghiền ngẫm, sàng lọc, suy tư biết bao nhiêu vấn đề sự kiện! Cái lúc "hồn ta hoá cửa sông" ấy - của nhà thơ NMK, hoá ra lại trùng khớp với lúc "Cái cối xay trong đầu/ Xay tư duy mẻ cuối" của Mai - a- cốp - cxki, thy sỹ lớn của Nước Nga Xô - viết; có điều, mỗi nhà thơ dùng những cách, những hình tượng khác nhau để cùng đến đích sáng tạo của Thi Ca đích thực!
Ngẫu nhiên 4 bài thơ trong 300 bài tứ tuyệt - tập thơ SỢI TÓC của nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm, cho thấy bút lực của nhà thơ thật dồi dào, thật phong phú! (3 Bài ĐẦU NGƯỜI ĐÁ Ở BAYON và ĐÁY SÔNG NGHỊCH CÁT, ĐÊM mạch thơ đi hùng tráng, cuồn cuộn bao nhiêu, thì bài DÂY MƯỚP lại thầm thĩ, tinh tế mà quặn lòng bấy nhiêu). 4 bài thơ giở sách tình cờ, như một mũi khoan địa chất thăm dò, may mắn sao, gặp ngay Vỉa Thơ trữ lượng lớn, tình thơ sâu, ý thơ chặt và tầm khái quát thật cao. Xin mời mn hãy đọc và thẩm bình, khám phá thêm về tập thơ SỢI TÓC và về nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm yêu quý của chúng ta!