CÓ BÀI THƠ,
SAU 63 NĂM, ĐỌC LẠI
ĐƯỜNG VĂN
BÙI MINH QUỐC
Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi
Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng
Ôi miền Tây! Ở dưới xuôi, sao nghe nói, ngại ngùng
Mà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháy.
Cái Tuổi hai mươi, khi hướng đời đã thấy
thì xa xôi biết mấy cũng lên đường.
Sống ở Thủ đô mà dạ để mười phương
Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn.
Đây miền Tây, núi rừng giang tay đón
Những con người sung sướng nhất trần gian
Là được lên đây, đem sức lực căng tràn
Với sứ mệnh vinh quang: vỡ đất.
Cùng đi với chúng tôi:
Có người chiến sĩ Điện Biên năm nào đã mất
một cánh tay săn chắc nơi đây.
Năm trước, các anh lên miền Tây
Xách súng băng băng những đêm ngày đuổi giặc
Vượt đỉnh tai mèo, chân luyện thành chân sắt
Và trong lòng rần rật lửa hăng say
Trên ngực anh lấp lánh, hôm nay,
Tấm huân chương kiêu hãnh!.
Chúng tôi sinh sau các anh mấy ngàn trận đánh
Nay lớn lên, kháng chiến đã qua rồi.
Nắng dịu hoà bình tắm táp tuổi hai mươi
Say sưa hưởng những mùa vui ngắt trái
Nghe, hôm nay, chiến công anh kể lại
Tưởng mình nghe thần thoại giữa chiêm bao
Và lòng trai sôi sục khát khao
Muốn trở lại những năm nào đánh giặc
Ồ… anh nhỉ! ý nghĩ sao mà ngây thơ thật!
Vì con người không thể ngược thời gian
Và hôm nay, theo tiếng gọi quê hương
Chúng tôi đi viết trang thần thoại mới.
Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi
Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng...
Lên miền Tây, ta làm bạn núi rừng
Lại đi trên những con đưòng máu cha đã đổ,
Qua những ngôi sao, trên nấm mồ xanh cỏ,
Nghe gió rừng tưởng khúc Tiến quân ca,
Nghe âm vang cuồn cuộn thác sông Đà,
Tưởng giục giã tiếng kèn ta xung trận.
Đi chiến đấu là niềm vui bất tận
Là mặt trời toả nắng nhuộm đời xuân…
Kìa, ngang đèo lơ lửng vạt mây bay,
Thốt ngoảnh lại: núi ngàn đầy trước mặt.
Đã xa rồi, cánh đồng xanh tít tắp
Xa phố phường tấp nập bước người chen
Cũng xa rồi, đôi mắt biếc cô em
Thầm trách móc: ngày về, sao chẳng hẹn?
Đừng trách nhé! Chỉ mong mùa xuân đến
Tôi không về, nhưng em đến miền Tây
Làm đứa con yêu chung thuỷ với đất này
Vì nghĩa mẹ, sống ngày ngày chịu khó.
Dù nơi đây, chốn đèo heo hút gió
Dù ngỡ ngàng, nơi đất lạ người thưa
Dù muỗi rừng vắt núi, dù thiếu từng hạt muối, cọng dưa
Dù dãi dầu sớm nắng chiều mưa vất vả…
Thì nỗi nhớ miền xuôi, ta cũng ghìm đáy dạ
Cũng không rời đội ngũ bỏ về xuôi.
Ta gắn bó miền Tây cực nhọc đã bao đời
Đất giàu đẹp mà con người vẫn khổ.
Ta sẽ đến những vùng đất hoang chưa vỡ
Sẽ trồng lên bãi lúa, nương ngô
Cho Hát Lót, Mộc Châu ngô lúa căng bồ
Cho mường, bản thân yêu ấm no thừa thãi...
Ta sẽ đi vận động đồng bào Mèo xuống núi
Đi làm người thợ cày trên đất bãi Mường Thanh
Đi làm người thợ xây xây dựng những châu thành
Náo nức giữa rừng xanh Tây Bắc.
Tuổi xanh ta xanh mãi với rừng xanh xanh tốt
Chí lớn ta chót vót Hoàng Liên Sơn
Sức ta đi vùn vụt trước thời gian
Viết tiếp những trang thần thoại mới.
1958, BMQ.
*Chép theo Internet. 23/22/2024. Văn bản thơ đã được tác giả sửa lại. Ví dụ: Bỏ từ “một” trong câu:”Một tấm huân chương kiêu hãnh”; Bỏ 2 câu:”Ta sẽ đi khai những mỏ dầu, mỏ sắt/Và dựng lò đúc thép ở Điện Biên!”Đó là câu thơ thể hiện ước mơ lãng mạn, thiếu thực tế của tác giả trẻ. Khi ấy BMQ (18 tuổi, HS lớp 9 (11), trường câp 3 Chu Văn An, Hà Nội). Anh chỉ mới biết Điện Biên qua sách báo, phim ảnh. Nay, nhà thơ thay bằng câu:”Đi làm người thợ xây xây dựng những châu thành . Ý thơ vừa chung chung vừa cũ kỹ qua danh từ:“châu thành”. không thể dựng lò đúc thép ở Thái Nguyên. Vì 2 năm sau, khu gang thép Thái Nguyên mới được khởi dựng. Và hơn nữa, Thái Nguyện thuộc khu tự trị Việt Bắc chứ không thuộc khu tự trị Tây Bắc (Thái Mèo).*Câu thơ “Tuổi xanh ta xanh mãi với rừng xanh xanh tốt” được chính người cha của tác giả khen hay, bởi dùng tới 4 lần từ” xanh” mà ý không bị lặp. Đó là lời bình chính xác và tinh tế của một người đọc không chuyên, chưa phải là nhà bình thơ chuyên nghiệp. (Chú thích của ĐV khi đọc lại văn bản. (11/2024)
Lần đầu tiên được biết bài thơ “Lên miền Tây” của nhà thơ trẻ Bùi Minh Quốc là vào khoảng mùa thu năm 1962, khi lứa học trò chúng tôi bước vào năm học cuối cùng (lớp 7) cấp 2 (THCS) dưới mái trường phổ thông Đức Thắng, huyện Từ Liêm, Hà Nội (nay là THCS Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm), qua những lời giới thiệu rất hào hứng, nhiệt tình của thầy giáo dạy Văn – chủ nhiệm lớp 7B của chúng tôi, thầy Nguyễn Viết T. trong 1 tiết Giảng văn (hiện nay gọi là Đọc hiểu tác phẩm) đầu năm học. – Các anh chị có biết 2 câu thơ phải bình giảng trong đề thi tốt nghiệp năm vừa rồi xuất xứ như thế nào? – Đó là bài “Lên miền Tây” của Bùi Minh Quốc, in trong tập Phụ lục trích giảng văn học lớp 7 ạ! – Chúng tôi hào hứng đáp lời thầy. – Các anh thấy bài thơ ấy có hay không? hay ở chỗ nào? Hay nhất, theo các anh chị, là những câu thơ nào? Vì sao?... Thầy T từ tốn lau đôi mắt kính, vẻ tò mò, khuyến khích, tung ra một loạt câu hỏi tiếp theo đặng thử thách nhóm học sinh khá giỏi Văn mà thầy đang chủ tâm rèn luyện, bồi dưỡng. Chúng tôi chợt sững lại, loay hoay nghĩ ngợi, chưa ai dám giơ tay trả lời vì sợ thầy chê vội vàng, nông nổi. Im lặng hồi lâu, sau mới thấy bạn MP rụt rè đứng lên xin ý kiến: - Đó là bài thơ rất hay, đọc lên rất cuốn hút, sôi sục. Nhưng hay ở đâu thì hơi bị... khó nói ạ. Có lẽ ở toàn bài, từ câu đầu đến câu cuối. Còn hay cụ thể và sâu sắc như thế nào thì... chúng em đang chờ thầy giảng giải ạ. Riêng em, 6 câu đầu có lẽ là những câu thơ gây ấn tượng nhất với những người đọc trẻ như chúng em ạ. Rồi P. hắng giọng đọc một hơi, rất truyền cảm:
“Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi
Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng.
Ôi miền Tây, ở dưới xuôi sao nghe nói ngại ngùng
Mà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháy.
Cái tuổi hai mươi, khi hướng đời đã thấy
Thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường.”
Chúng tôi nghe, lòng thầm cảm phục sự tinh nhạy, sâu sắc và mạnh dạn của cô bạn gầy khô mà giỏi giang, nhanh nhẹn. Thầy cười, khen: - Tốt! Lời bình xác đáng nhưng còn chung chung và cảm tính. Ai có ý gì khác?... Chúng tôi lại lặng im cắn bút, vì hình như chẳng ai thêm được ý gì mới. Thầy thong thả: - Rõ ràng đây là một trong những bài thơ hay, giàu ý nghĩa tư tưởng, chính trị, xã hội, có tác dụng giáo dục thanh thiếu niên rất kịp thời. Không phải ngẫu nhiên mà nó được Ban đề thi chọn trích làm văn liệu để thí sinh thử sức mình giảng bình, phân tích. Các em về đọc lại nhiều lần toàn bài, nhất là hai câu thơ trích trong đề thi; suy nghĩ kỹ, tập trung cảm hứng, viết thành một bài nghị luận văn học dài khoảng 500 – 600 từ để chúng ta cùng đọc và thảo luận trong buổi ngoại khóa văn học tuần sau. – Vâng ạ! Chúng tôi đồng thanh trả lời và tâm niệm sẽ cố hết sức mình cho bài nghị luận văn chương đầu đời ấy.
Nhưng tiếc thay, buổi ngoại khóa Văn học đặc biệt dự kiến đã không bao giờ xảy ra vì một lý do đột ngột đến sững sờ. Cuối tuần ấy, thầy giáo dạy môn Văn lớp chúng tôi được lệnh ngừng lên lớp, chuyển lên Phòng Giáo dục huyện, nhận một công việc khác.(?!)... Cả khối học trò lớp 7 năm ấy, nhất là nhóm gần chục đứa yêu Văn, trong đó có tôi, dường như bị hẫng hụt, thất vọng tràn trề, đến mức chẳng buồn đọc lại bản thảo bài viết tạm xong của mình nữa. Một thầy giáo dạy Văn khác trong trường được phân công dạy thay thầy T cho tới hết năm học. Đó là thầy TTX lùn, đen, giọng nói khô khan, nét mặt lạnh lùng. Thầy dạy Văn mà như dạy Sử, Địa, thậm chí như dạy các môn khoa học tự nhiên! Chúng tôi học môn Văn với thầy một cách gượng gạo, bị áp đặt và đánh giá khắt khe. Những tiết Giảng Văn buồn tẻ, nặng nề, chán ngán cứ thế trôi qua trong sự nhớ tiếc thầy Viết T vô hạn. Rồi cái bài văn bình giảng hai câu thơ “Lên miền Tây” dạo ấy cùng ít bản thảo bài Luận (Tập làm văn) khác cũng bị lãng quên vào dĩ vãng xa mở của một thời học trò cấp 2 trường làng với biết bao ngây thơ, vụng dại...
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những đứa học trò ngây thơ, hăm hở tuổi trăng tròn xưa, nay đã thành những ông bà lão U80 nửa cuối, mắt mờ, tóc bạc, bỗng tình cờ được đọc lại trên trang mạng internet bài thơ “Lên miền Tây”, kèm theo hồi ký về bài thơ này của chính tác giả U90 – nhà thơ Bùi Minh Quốc – Dương Hương Ly viết từ thành phố cao nguyên Đà Lạt. Bài thơ và bài viết bỗng làm dậy sóng trong tôi kỷ niệm bồi hồi về những tháng năm học trò, thầy cô, bạn bè, những cảm xúc văn chương tưởng chừng đã bị lấp vùi và xóa nhòa trong khói bụi thời gian dằng dặc hòa lẫn với nghĩ suy, thức nhận mới, những trải nghiệm thực tiễn qua bao nổi chìm hợp tan của cuộc đời mình về một trong những sáng tác thời thơ thơ, thời hoa niên sôi nổi, trong veo mà xiết bao nông nổi. Và từ một bài thơ ấy suy rộng ra cả một nền thơ, một giai đoạn thơ, một quan niệm thơ trữ tình Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX tới bây giờ.
Dưới đây, tôi ghi lại một cách tóm lược và chủ quan, những suy cảm, thức nhận của riêng mình, ngõ hầu chia sẻ với các bạn đồng môn trường Đông Ngạc, Xuân Đỉnh và những ai vẫn đang yêu thơ Việt nói chung, thơ Bùi Minh Quốc và “Lên miền Tây”, nói riêng.
Như tâm sự của tác giả, “Lên miền Tây” được khơi nguồn cảm hứng từ cao trào Đảng và Nhà nước ta chủ trương vận động nhân dân các tỉnh đồng bằng miền Bắc, đặc biệt là tầng lớp thanh niên đi khai hoang, xây dựng kinh tế, văn hóa các tỉnh miền núi thuộc khu tự trị Tây Bắc (Thái Mèo). Nhưng cảm hứng trực tiếp xuất phát từ bài văn chính luận hào hùng, giàu chất thơ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (đăng trên báo Nhân dân). “Bài ca Tây Bắc” đã trở thành tiếng ca hào sảng, ngọn lửa nồng nàn thôi thúc, vẫy gọi các tầng lớp đồng bào miền xuôi (đặc biệt là thanh niên) sẵn sàng tạm xa mảnh đất quê hương lên miền Tây Bắc, góp phần cùng đồng bào các dân tộc biến núi rừng miền Tây hoang vu thành “Hòn ngọc ngày maicủa Tổ quốc”. Nếu “Bài ca Tây Bắc” là bản hùng ca kêu gọi bằng văn xuôi đầy cuốn hút thì “Lên miền Tây” như lời ứng đáp bằng thơ trẻ trung, tươi mới của thế hệ thanh niên những năm 60, thế kỷ 20 sẵn sàng phấn đấu dưới ngọn cờ Đoàn, theo lời Đảng gọi, đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Có lẽ từ những câu văn đầy cảm xúc, hình ảnh, nhịp điệu của Phạm Văn Đồng:
“Tây Bắc – mặt nước ta hướng về phía Tây. Ở đây, núi rừng trùng trùng điệp điệp, điệp điệp điệp trùng trùng, nước non non nước đẹp như tranh, mắt nhìn không chán.”
đã mê đắm tâm hồn gã thanh niên học sinh trường cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội) vưà tròn 18 tuổi cùng các bạn trong, ngoài trường, hừng hực tuôn trào thành bài ca “Lên miền Tây” trẻ trung, tuơi rói, bừng bừng khí thế tiến công cách mạng. Bài thơ lập tức hòa nhập với nhiều sáng tác văn nghệ Việt Nam hồi ấy:
Văn: Sông đà (Nguyễn Tuân), Bốn năm sau (Nguyễn Huy Tưởng), Mùa lạc (Nguyễn Khải);... Thơ: Bài ca xuân 61 (Tố Hữu), Cô gái Hưng Yên đi khai hoang Tây Bắc (Huy Cận), Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên), Nông trường cà phê (Tế Hanh)... Ca khúc: Anh đi khai phá miền Tây (Bửu Huyền), Bài ca người thợ rừng (Phạm Tuyên), Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu)...
Trong số đó, “Lên miền Tây” của Bùi Minh Quốc được đón nhận và hoan nghênh nhiệt liệt. Bởi đây là tác phẩm đầu tay, nhiệt hứng tươi ròng của một thanh niên Thủ đô đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Thấy đuợc tác dụng tuyên truyền, cổ vũ chính trị - xã hội to lớn của nó, bài thơ được chọn vào Tuyển tập thơ Việt Nam 1945 – 1960, được các nhà giáo dục đưa vào SGK (Phụ lục Văn tuyển lớp 7 PT) để dạy học trong nhà trường, trích làm văn liệu cho đề thi hết cấp... Vinh dự này thật quá sự mong đợi của tác giả. Bùi Minh Quốc trở thành nhà văn trẻ Việt Nam với bài thơ “Lên miền Tây” và truyện ngắn “Cô thợ nề” (in báo Văn Nghệ khoảng thời gian đó).
Với lứa trẻ chúng tôi, “Lên miền Tây” không chỉ là một bài thơ rất hay, được bạn đọc trẻ vô cùng yêu thích, chép vào sổ tay, học thuộc lòng, đọc lại, cùng thảo luận, phẩm bình với nhau không chán mà còn như một quyết tâm thư đặc biệt của thanh niên, học sinh dâng lên Đoàn, Đảng, Bác Hồ. Sức hấp dẫn, đồng cảm và truyền lan của bài thơ là rất tự nhiên không gì cưỡng nổi. Hơn nửa thế kỷ sau, đọc lại bài thơ, hồi tưởng lại vẫn còn thấy bồi hồi, rưng rưng nhớ về một thời Việt Nam, đất nước và con người, một thời thanh niên sôi nổi. Âu cũng là điều dễ hiểu và tất yếu. “Lên miền Tây” là con đẻ của thời đại Hồ Chí Minh, “đáng sống bao nhiêu một ngày vì cách mạng”, thời đại sinh ra thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam mang “Lá cờ Đoàn mọc giữa trái tim/Như giữa quê hương mặt trời mới mọc” (Lưu Trùng Dương).
Tóm lại, lý giải nguyên nhân tạo nên sức cuốn hút mãnh liệt; định vị, giá trị của “Lên miền Tây”; bài thơ được ca ngợi, đề cao đặc biệt trong mấy năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ 20, trước hết và chủ yếu chính là ở giá trị tư tưởng chính trị, xã hội, ý nghĩa thời sự, tuyên truyền, giáo dục kịp thời và hiệu quả của nó.
Nhưng lẽ nào một bài thơ trung bình, tầm thường, nhạt nhẽo, khô khan, hô hào kêu gọi suông, thậm chí được ghép nối bằng những khẩu hiệu tuyên truyền hô to gọi giật... lại ngẫu nhiên hay bởi một lý do nào đó ngoài văn học, được tâng lên, đôn cao đến thế!?... Vậy, đâu là những đóng góp nghệ thuật thơ ca thật sự đáng ghi nhận của Bùi Minh Quốc trong “Lên miền Tây”?
Nhan đề “Lên miền Tây”, theo tôi, gọn, gợi và hay. Bởi nó vừa khái quát vừa cụ thể, đủ sức nhấn mạnh thi đề; cũng có thể nói là sáng tạo thơ đầu tiên của Bùi Minh Quốc, nếu so với một số nhan đề (so sánh giả định tương đối) khác. Chẳng hạn: “Bài thơ lên Tây Bắc”, “Bài thơ Tây Bắc”: muốn nối tiếp “Bài ca Tây Bắc” của Phạm Văn Đồng; “Qua miền Tây Bắc” tên ca khúc của Nguyễn Thành). Hơn nữa, đề tài của bài thơ là hành động “lên” rồi ở lại đó chứ không phải đi qua, vượt qua, hành quân qua; “Miền Tây” (lạc chủ đề chính của bài thơ là cảm xúc và hành động “lên đường”, mặt khác, lại trùng với tên tiểu thuyết của Tô Hoài). “Lên Tây Bắc”: quá cụ thể, giảm sức gợi liên tưởng; trùng với tên một thơ của Tố Hữu (trong tập Việt Bắc). “Thanh niên Thủ đô Hà Nội lên khai hoang Tây Bắc”: bắt chước quá cụ thể nhan đề bài thơ Huy Cận, như tên bài báo đưa tin (đã dẫn ở phần trên); “Tiếng hát con tàu” (Chế Lan Viên) nghiêng về hình ảnh thuần tưởng tượng, suy tưởng, hình ảnh biểu tượng...
“Lên miền Tây” chọn thể thơ 8 chữ, thấp thoáng chen một số câu 7, 9,10 chữ (một trong những thể thơ đã trở thành quen thuộc, phổ biến từ phong trào Thơ Mới. Nhịp thơ xen kẽ chẵn, lẻ nhịp nhàng, rất thích hợp với sự kết nối hài hòa giữa tả cảnh, tả tình, kể chuyện và cả luận bàn, lý sự. Với cảm hứng nồng nhiệt, tràn trề, trào dâng liên tiếp, nối nhau như những đợt sóng xô bờ khiến nó có thể thành bài thơ dài hơi, thậm chí vươn lên tầm cỡ tráng ca với nhiệt hứng xã hội, lịch sử lớn mà vẫn chảy trôi cảm xúc, tâm tình lắng sâu, ấm áp.
Tuy nhiên, dẫu “Lên miền Tây” không có sự hợp thể một cách tự nhiên, linh hoạt và hiệu quả nhiều thể thơ dân tộc và hiện đại như các bài thơ trước đó như “Ta đi tới, Hoan hô chiến sỹ Điện Biên” (Tố Hữu), “Bên kia sông Đuống” (Hoàng Cầm) hay “Màu tím hoa sim” (Hữu Loan)... Bù lại,“Lên miền Tây” thu hút người đọc trẻ Việt Nam ở sự liền mạch, bởi bài thơ đơn thể nhưng rất giàu vần điệu (vần chân, vần lưng, vần bằng, vần trắc, vần liền, vần cách...) câu trên gọi câu dưới liên tục, liên hồi nên rất dễ nhớ, dễ thuộc. Bài thơ dài 73 câu, nhưng không gây cảm giác trùng lặp, nhàm chán mà dường như tất nhiên phải thế. Bởi mỗi đoạn thơ thể hiện vừa đủ một ý. Các ý lần lượt nối nhau phát triển, mở rộng, đào sâu, nâng cao tư tưởng chủ đề cốt lõi của thi đề: Tâm trạng khát khao và mơ ước của tuổi trẻ Việt Nam được lên miền Tây xây dựng CNXH để nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân miền núi Tây Bắc, góp phần thu hẹp khoảng cách với đồng bằng miền xuôi, với thành thị và Thủ đô. Nhờ đó, người đọc dễ nhận ra sức lôi cuốn, lan tỏa của “Lên miền Tây” là cái nhất khí quán hạ đặc biệt của nó. Nhất khí trong từng câu, từng đoạn tạo nên sự quán hạ của toàn bài. Từ câu đầu:“Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi” đến câu cuối: “Viết tiếp những trang thần thoại mới” là một dòng thác ngôn từ lấp lánh, dạt dào cảm hứng say mê, lâng lâng không dứt, tuôn chảy, reo hát không ngừng.
Ưu điểm tiếp theo là năng lực liên tưởng, đặc biệt là tưởng tượng vừa trực tiếp, vừa chủ yếu là gián tiếp (qua sách báo, phim ảnh...) một cách phóng túng, phong phú, dồi dào của nhà thơ trẻ (chưa một lần đặt chân lên miền Tây Bắc). Vậy mà từ cảnh sắc thiên nhiên, hình sông thế núi, đến lịch sử văn hóa, con người... từ quá khứ tới hiện tại và cả những hình dung về Tây Bắc trong tương lai hòa bình, xây dựng đã hiện lên khá cụ thể, sinh động và đầy hứa hẹn.
Nếu hình ảnh thơ đầu tiên: “Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi/Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng” mở đầu và láy lại trong bài thơ không chỉ tạo hình một không gian nghệ thuật 3 chiều ấn tượng và thú vị. Chiều nghiêng (Nghiêng nghiêng), chiều cao dần lên (trèo dốc núi), chiều rộng (vời vợi nghìn trùng). Trong khoảng không gian ấy, có một chiếc xe ô tô đang chạy, đang bò quanh và lên cao dần qua đèo, qua núi. Hình ảnh vừa tĩnh (rừng núi, đèo dốc, con đường quanh co…vừa động: (chiếc xe đang chạy) như một biểu tượng ám ảnh về hiện thực cuộc sống vừa thể hiện tâm trạng háo hức, ngạc nhiên, lo lắng trước việc những người trẻ miền xuôi đang và sẽ dấn thân trên con đường rong ruổi ngược núi xuyên rừng Tây Bắc đầy gian nan, vất vả mà tuổi thanh niên tự nguyện tham gia thì những người anh hùng chiến sỹ Điện Biên đồng hành lên Tây Bắc là hình ảnh hoàn toàn trong tâm tưởng những người đi. Các anh sẽ cùng với chúng tôi lên miền Tây và ở lại đó lâu dài để xây dựng nông trường, lâm trường, công trường mới... Một chút hồi ức về chiến công chấn động địa cầu; cánh tay để lại nơi chiến trường, tấm huân chương lấp lánh, kiêu hãnh cài trên ngưực áo quân phục đã sờn thể hiện tấm lòng biết ơn, tâm nguyện tiếp nối truyền thống cha anh trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ. Bởi đường giải phóng mới đi một nửa, với những lòng trai sôi sục khát khao cống hiến và sẵn sàng hy sinh.
Từ láy “nghiêng nghiêng” cực gợi tả, gợi hình (Tôi chưa rõ người viết trẻ có chịu ảnh hưởng từ nhà thơ nổi tiếng Hoàng Cầm hình ảnh sông Đuống”nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” (Bên kia sông Đuống) hay không; nhưng theo tôi, về tính đa nghĩa và gợi tả liên tưởng, tưởng tượng lan tỏa mơ hồ thì hình ảnh thiên nhiên thiên tạo: dòng sông chảy nghiêng nghiêng trong thời gian mơ hồ, thú vị hơn nhiều, nếu đặt cạnh hình ảnh nhân tạo: xe chạy nghiêng nghiêng theo sườn núi cheo leo, vời vợi (trên cái nền thiên nhiên hùng vĩ, cũng mới chỉ giới hạn về không gian mà thôi).
”Lên miền Tây” có đoạn thơ hầu như dệt bằng những hình ảnh, hành động, những việc mà các chàng trai lên miền Tây sẽ làm, bắt đầu với những từ, cụm từ: “Ta sẽ..., Ta sẽ đi...Ta sẽ đến..., sẽ trồng, sẽ khai, sẽ xây, sẽ dựng, sẽ làm, cho, cho, cho... Đó là lời hứa hẹn về khá nhiều dự định, kế hoạch... mong biến khao khát, ước mơ cháy bỏng trong tim thành bức tranh Tây Bắc tương lai ăm ắp,từ những phác thảo táo bạo, những hành động phi thường được tạo dựng bởi những chàng trai, cô gái trẻ trung, lãng mạn, lạc quan phơi phới, hết lòng tin tưởng vào ngày mai tươi sáng sẽ trở thành hiện thực cuộc sống trên mảnh đất vừa nguội tắt ngọn lửa chiến tranh. Tất nhiên, không ít tưởng tượng chủ quan của tuổi trẻ bồng bột tinh thần mà chưa từng được kinh qua trải nghiệm, thử thách trong thực tế trần trụi, muôn màu sẽ không tránh khỏi sự ào ạt, quá đà, thậm chí ít nhiều viển vông, bất khả thi hoặc phi thực tế. Nhưng có như thế, ta mới càng thấm thía lời khuyên của V. Lê nin vĩ đại: “Phải hành động và nên biết ước mơ!” Tin rằng“những trang thần thoại mới” nhất định sẽ được viết tiếp bởi những chàng trai, những cô gái yêu, với sức trẻ và đôi bàn tay có thể làm nên tất cả. Đó là cái kết mở của bài thơ trữ tình – tự sự kêu gọi lên đường.
Tôi đã từng yêu và cho tới nay vẫn yêu hai câu thơ suy tưởng, mang màu sắc nhận thức mới về tuổi trẻ và lý tưởng sống của thanh niên chúng ta thời ấy. Triết lý nhân sinh được đúc rút, vang lên một cách giản dị, hấp dẫn vì sự đơn giản của lập luận và kết luận rõ ràng, dứt khoát:
“Cái tuổi hai mươi, khi hướng đời đã thấy
Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường.”
Như âm vang đâu đây, đồng điệu với lời tự tình, độc thoại của Paven Carơsaghin trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”:
“Cái quý nhất của con người ta là cuộc sống. Mỗi người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho...”
Hay câu thơ Giang Nam hồi chống Mỹ: “Tuổi 19, áo chưa sờn đã chật/Bước vụng về nhưng rắn chắc, hăng say”.
Về tả cảnh thiên nhiên Tây Bắc, tôi thích 2 câu phảng phất Đường thi (không hẳn trong bài “Thục đạo nan khó như đường lên trời”):
“Kìa ngang trời lơ lửng vạt mây bay
Thốt ngoảnh lại, núi ngàn (ngăn?) đầy trước mặt”.
Hay 4 câu cuối bài:
“Tuổi xanh ta xanh mãi như rừng xanh xanh tốt
Chí lớn ta chót vót Hoàng Liên Sơn,
Sức ta đi vùn vụt cướp thời gian,
Viết tiếp những trang thần thoại mới”
Không hoàn toàn đồng tình với lời bình khá tinh tường, hữu lý của cụ thân sinh tác giả, (theo hồi ức của BMQ, ghi lại trên trang mạng Internet), rằng trong một câu thơ, dụng ý viết điệp 4 từ “xanh” mà vẫn không bị lặp ý thì đó là câu thơ hay, đáng nhớ: xanh 1, 3: tính từ, xanh 2, 4: động từ hóa. Tôi cho rằng việc sử dụng biện pháp điệp tu từ thường gặp đó trong sáng tạo thơ ca chưa có gì thật mới lạ, đột xuất. Cái hay của đoạn thơ ấy phải chăng là ở chỗ đã tạo ra cái kết đầy lạc quan, gieo niềm tự hào, tự tin vào tâm trí người đọc, tạo nên sự đồng cảm sâu, bền, hướng tới tương lai. Chính 2 từ láy: chót vót, vùn vụt hòa hợp với 4 từ điệp: xanh mới gây ra cộng hưởng, tạo nên sức mạnh, sức gợi khỏe khoắn và truyền lan xa rộng.
Bản thảo viết xong cuối năm 1958, khi tác giả 18 tuổi, đang là học sinh THPT, được in lần đầu trên báo Văn Nghệ năm 1961,” Lên miền Tây” là một trong những sáng tác thơ đầu tay của cây bút trẻ nghiệp dư Hà Nội. Cho nên, bên cạnh những thành công nổi trội, những ấn tượng đẹp, khỏe, ngay lập tức được bạn đọc hào hứng tiếp nhận; đó đây vẫn cộm lên, lợn cợn một vài hạn chế đáng tiếc về nhận thức cuộc sống thực tế hay nghệ thuật thể hiện. Điều đó, càng trải qua thời gian càng trở nên rõ nét và cũng dễ giải thích nguyên nhân, khi ta đặt bài thơ vào thời điểm sáng tác lịch sử cụ thể của nó. Chính tác giả cũng đã dần dần, theo thời gian, nhận ra nhược điểm này, và ông đã tự biên tập, chỉnh sưả, thêm bớt một vàì câu chữ từng được bạn đọc góp ý, phê bình, nhằm nâng cao chất lượng những văn bản in lại sau này thêm phần chuẩn chỉ, hợp lý, nghệ thuật hơn so với bản in báo đầu tiên, (vốn đã từng hằn sâu vào trí nhớ của đông đảo bạn đọc yêu thơ BMQ). Một vài ví dụ:
- Cảm giác chung về sự trình bày, thể hiện cảm xúc, tâm trạng trữ tình cố sao cho đầy đủ, toàn diện và trực tiếp, muốn nói sao cho sâu sắc, tận bờ sát góc vấn đề khiến ý thơ chưa thật hàm súc, cô đọng, ngược lại gây ra cảm giác hơi dàn trải, tràn lan. Có thể lược bớt câu này, đoạn kia cho gọn, chặt.
- Có những câu diễn đạt ý thơ nhưng ngôn từ ít chất thơ mà tựa hồ như câu văn xuôi báo chí vụng về: “Ồ, ý nghĩ sao mà ngây thơ thật/Vì con người không thể ngược thời gian.”
- Một số từ ngữ, hình ảnh sử dụng đôi khi vẫn chưa thoát khỏi lối văn mòn sáo, rỗng nghĩa hoặc nghiã chung chung, chưa bật lên nét riêng đặc sắc, độc đáo của con người hay cảnh vật. Chẳng hạn: “Đi chiến đấu là niềm vui bất tận/Là mặt trời tỏa nắng nhuộm đời xuân”; Đã xa rồi đôi mắt biếc cô em/thầm trách móc: ngày về sao chẳng hẹn”, Cho “mường bản thân yêu ấm no thừa thãi” ...
- 2 câu thơ (trong bản in đầu tiên):
”Ta sẽ khai những mỏ dầu, mỏ sắt/Và dựng lò đúc thép ở Điện Biên”
nói lên ước mơ bay bổng, dự kiến táo bạo; nhưng mắc sai lầm ngây thơ về kiến thức kinh tế và địa lý của người viết. Cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên là mảnh đất rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, trồng cây lương thực hay trồng màu, hoặc chăn nuôi chứ hoàn toàn không phù hợp để làm mặt bằng khu công nghiệp, xây lò luyện kim gang thép. Nhận ra điều bất cập do thiếu hiểu biết thực tế cơ bản, BMQ đã thay bằng câu thơ khác tương hợp với hoàn cảnh địa lý hơn, nhưng lại vẫn dùng 1 từ cổ kính (đã bị lược bỏ trong thơ ca hiện đại từ lâu): “châu thành”. “Ta sẽ đi xây dựng những châu thành/Náo nức giữa rừng xanh Tây Bắc.”
***
Hơn 60 năm đã trôi qua, kể từ khi ”Lên miền Tây” có mặt trên thi đàn Việt. Rồi vào tuyển, vào SGK Ngữ văn. Nhà thơ Bùi Minh Quốc từng trải cuộc đời thăng trầm, phiêu bạt, (đã không lên miền Tây như trong thơ) mà vượt Trường Sơn vào chiến trường Trung Trung Bộ sống, chiến đấu và sáng tác vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau này, với bút danh Dương Hương Ly, ông đã rất thành công với những bài thơ nổi tiếng: “Mảnh đất nuôi ta thành dũng sỹ”,“Đất quê ta mênh mông”,“Bài thơ về hạnh phúc”,“Có khi nào”... Riêng “Lên miền Tây”, bài thơ một thời trẻ trung, ký ức xanh tươi một quãng đời viết, mang giá trị tư tưởng – nghệ thuật nhất định. Tôi tin rằng bài thơ đầu tay của Bùi Minh Quốc không những không bị lãng quên mà còn sống lâu cùng thời gian, trong tâm khảm người đọc, vang vọng tới hôm nay và ngày mai. Trước hết, bởi thi hứng trong trẻo, trẻ trung, lãng mạn bay bổng, chân thành và mãnh liệt tự thân cùng với sự đồng điệu, kết nối tâm hồn của các thế hệ trẻ Việt Nam từ nửa sau thế kỷ 20 tới nửa đầu thế kỷ 21./.
Người gửi / điện thoại