bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 24
Trong ngày: 441
Trong tuần: 1560
Lượt truy cập: 775781

BA ÔNG TIẾN SĨ LÀM THƠ

Ba ông tiến sĩ làm thơ

 

(Đọc tập thơ “Tam ca” Nguyễn Trọng Hoàn, Vũ Nho, Trần Đăng Thao

NXB Hội Nhà văn 2007)

 

Nguyễn Thị Lan

ở họ có rất nhiều điểm tương đồng. Cả ba từng là thầy giáo dạy văn và sau này là tiến sĩ văn chương. Nguyễn Trọng Hoàn và Vũ Nho đều công tác tại Vụ giáo dục Trung học - Bộ giáo dục và Đào tạo. Còn Trần Đăng Thao làm việc tại báo Giáo dục và Thời đại. Họ đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đều yêu thơ đắm đuối. Với họ hạnh phúc là được làm thơ, đó là sự thoả mãn lớn nhất những mong muốn tự biểu hiện của bản thân họ.

Và đến hôm nay họ lại ngồi cùng nhau trong một “bữa tiệc” thơ. Nếu thơ là “điệu tâm hồn” của con người thì “Tam ca” là bản hòa âm của những “giai điệu tâm hồn” mà mỗi giai điệu đó ẩn chứa một thế giới nghệ thuật.

Trong ba ông tiến sĩ trước hết tôi muốn nói về Nguyễn Trọng Hoàn, bậc đàn em ít tuổi nhất và thơ anh cũng “trẻ” hơn cả. Có thể dùng chữ “đa cảm” cho thơ anh và con người anh. Anh là người đa cảm, dễ xúc động, dễ bị tổn thương. Thơ Nguyễn Trọng Hoàn nhạy cảm, thiên về cảm giác. Cảm quan của anh tinh tế, hồn nhiên, trong sáng. Tôi thích cái giọng lắng nhẹ, mênh mang trong thơ anh.

Thơ Nguyễn Trọng Hoàn khá đa dạng về đề tài. Như một cuốn nhật ký bằng thơ anh viết về những vùng đất mà anh đã từng đặt chân đến: Cà Mau, Đà Lạt, Tokyo, Paris,.. những mảnh đất đã “hoá tâm hồn” anh. Đây là khúc nhạc buồn dạo đầu trong bài thơ “Paris tạm biệt”.

Biết thế nào rồi cũng phải chia xa

vẫn hốt hoảng trước mơ hồ sợi gió

đã kịp gì đâu…thế mà vương nợ

một ánh chiều tơ mật rót bâng khuâng

Những câu thơ thảng thốt, bâng khuâng… Anh tạm biệt Paris như tạm biệt mối tình đầu của mình. Chỉ những người giàu tình cảm mới có những dòng thơ như thế.

Nguyễn Trọng Hoàn cũng hay viết về tình yêu, đó là thứ tình yêu trong sáng, trinh bạch của “cái thuở ban đầu” mà anh gọi là “một khung trời linh diệu hoang sơ”. Năm tháng qua đi, anh vẫn nhớ về “trong ký ức có một lần mười chín”; để mỗi lần nhớ lại anh lại thấy bâng khuâng:

Có một lần mưới chín ngất trên môi

Choáng váng nụ hôn, rã rời bỏng khát

Tình yêu ấy đẹp, ngát hương như bông sen nở giữa đầm. Là người đa cảm, dễ xúc động, dễ khóc, chàng thi sĩ ấy đã từng thương một giọt sương ban mai tan dưới bàn chân và anh:

…đã khóc trước dịu dàng ánh sáng

Sớm tinh mơ bước thật khẽ khàng

Sợ xé loãng làn hương bảng lảng

Muốn sang sông không dám gọi đò ngang!

(Khế ước)

Bài thơ “Khế ước” có thể coi là bức chân dung tự họa tâm hồn của Nguyễn Trọng Hoàn.

Thơ Nguyễn Trọng Hoàn Buồn và Đẹp. Anh đã có những câu thơ khá hay về tình yêu và đẹp về nỗi buồn. Hay nói cách khác đó là “Cái Đẹp mang bộ mặt Buồn”.

Nhưng những bài thơ hay nhất của Nguyễn Trọng Hoàn lại là những bài viết về tuổi thơ. Lúc đó thơ anh đưa người đọc đến một xứ sở khác, một xứ sở đầy chất thơ của những quá khứ, hoài niệm. Tuổi thơ ngây thơ, trong trắng, bình yên thanh thản đó là “vùng đất” để anh nhớ về, mơ về, nơi đó mang từ trường cảm xúc của anh.

Pruxt - nhà văn Pháp, tác giả cuốn tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” cho rằng: “ký ức là một sức mạnh sáng tạo”; ông khẳng định “Những thiên đường thật là những thiên đường đã mất”. Với Nguyễn Trọng Hoàn “những thiên đường đã mất” có lẽ là tuổi thơ. Anh hay viết về tuổi thơ. Anh có cả một bài thơ để “kính gửi thế giới tuổi thơ”, bài “Khế ước”. Trong thế giới tuổi thơ của anh có khu vườn cổ tích, có người bà thân thiết, có một bến đò ngang, có những “người bạn” thân thiết: một chú chuồn chuồn, một lũ châu chấu áo mớ bảy, mớ ba…

Các hồi ức về tuổi thơ ấy làm tươi mát tâm hồn và là nguồn ánh sáng đem lại cho anh những khoái cảm tốt đẹp nhất. Tình yêu thương thuần khiết trẻ thơ như những tia nắng rực rỡ trong thơ Nguyễn Trọng Hoàn. Anh đã giữ cái nhìn trẻ thơ này trong suốt cuộc đời làm thơ của mình.

*   *

  *

Ông tiến sĩ thứ hai trong “Tam ca” là Vũ Nho.

Trước khi đến với thơ Vũ Nho là một nhà nghiên cứu phê bình được người đọc yêu mến. Trong lĩnh vực thơ, Vũ Nho viết không nhiều. Thơ không phải là sở trường của anh. Tuy vậy, thơ anh cũng có những nét riêng, có một vài bài, một số câu gây ấn tượng đẹp trong lòng người đọc. Trong “Tam ca” khác với hai thi hữu, Vũ Nho chỉ làm một đề tài duy nhất: thơ tình. Có thể dùng chữ “Đa tình” cho thơ anh và con người anh.

Vũ Nho đi nhiều. Lần giở thơ anh ta thấy dấu chân anh đặt đến khắp các miền của Tổ quốc từ Bắc vào Nam và suốt một dải miền Trung: Điện Biên, Thái Nguyên, Đà Lạt, Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sông Hậu… Có khi cụ thể hơn: một con đường Thùy Vân, một khách sạn Hoa Phượng Đỏ, một nhà hàng Ngọc Nguyên, một quán Hạ Long…Tất cả những địa danh đó đã đi vào thơ anh như những kỷ niệm, nhớ thương quyến luyến vô cùng.

Vũ Nho yêu những vùng đất mà anh đã đi qua và anh càng yêu những con người ở đó. Không phải ngẫu nhiên mà người thi sĩ đa tình ấy đi đến đâu là gửi lòng mình ở đấy.

ở Cần Thơ anh gửi lòng mình qua câu hát “Sao em nỡ vội lấy chồng”. Đến Thái Nguyên anh như sống trong mơ:

Mơ trong ta và ta trong mơ

Đi giữa thiên đường

Dành cho đôi lứa

Chẳng ao ước gì thêm nữa

Khi chúng mình in trong mắt nhau

                                  (Những gì ta yêu cho nhau)

Vùng đất Vũng Tàu anh thấy cái gì cũng “đặc biệt”: Trời, cát, sóng biển, rượu…bởi vì Vũng Tàu có “em”.

Đến thị xã Ninh Bình anh thấy “ngọt ngào thị xã” vì nơi đây người làm thơ có một mối tình say đắm:

Tay ấm trong tay

Mắt say trong mắt

Thị xã yêu đắm say ngất ngây

Nồng nàn trăng chín ngọt môi hôn

                                  (Ngọt ngào thị xã)

ở Sơn La, Vũ Nho say cảnh say người đến mức “quên về”.

Với anh, tình yêu nào cũng như “tình yêu thứ nhất” chỉ những người đa tình mới có những tình cảm như thế.

Đọc thơ tình của Vũ Nho tôi tự hỏi: những vùng đất đi qua, nhưng kỷ niệm thoáng qua sao cũng đủ Đẹp và Đắm say trong thơ anh? Phải chăng ở anh bao giờ cùng thường trực một tình yêu với con người và cuộc đời. Phải chăng trong anh bao giờ cũng tràn đầy một trữ lượng tình cảm dồi dào, mãnh liệt và trữ lượng tình cảm ấy anh dành cả cho thơ tình.

Xưa nay, thơ tình yêu là nơi dễ bộc lộ tâm hồn, tính cách của người viết. Bằng vào thơ tình, người đọc có thể cảm nhận ra tầm vóc tâm hồn của từng người. Với Vũ Nho yêu và thơ yêu luôn luôn đồng nhất. Anh là người làm thơ tình, viết thơ tình bằng chính cuộc đời riêng của mình. Và dù ở trạng thái tình cảm nào: hoặc niềm hoan lạc, hoặc nỗi nhớ nhung, hoăc một thoáng rung động bâng khuâng…thơ anh cũng làm cho người đọc xúc động bởi sự mãnh liệt, sôi nổi, trẻ trung; bởi sự chân thành, nồng ấm.

Xin viện dẫn một câu thơ trong bài “Mãi mãi”

Khi ta hát riêng tặng nhau và hòa chung giọng hát

Bài ở hai đầu nỗi nhớ chưa hay như thế bao giờ

Sẽ còn nhắc những cơn gió thơm vị biển

Thổi tóc em bay vào anh quyến luyến

Cả đến trong mơ cũng chưa mơ như thế bao giờ

Đây là một trong những câu thơ đẹp nhất của Vũ Nho trong “Tam ca”. Câu thơ chỉ kể, bút pháp không có gì mới, ngôn ngữ bình dị mộc mạc nhưng sao cứ ngân nga tha thiết trong lòng người đọc. Phải chăng bởi tình cảm chân thành, nồng nàn say đắm của người viết? Phải chăng trong câu thơ đó mang cả lòng biết ơn người đàn bà đã đem đến cho anh những phút giây hạnh phúc mà ngay “cả đến trong mơ” anh “cũng chưa mơ như thế bao giờ”?

Thơ tình của Vũ Nho đôn hậu, đa tình như con người Vũ Nho vậy.

*   *

  *

Ông tiến sĩ thứ ba trong “Tam ca” là Trần Đăng Thao.

ở ngoài đời Trần Đăng Thao đã gây cho bạn bè một ấn tượng mạnh về sức làm việc, ngoài việc điều hành tuần báo Giáo dục và Thời đại với tư cách là Tổng biên tập, anh còn dạy học, viết báo, dịch sách, viết nghiên cứu phê bình, đi nói chuyện với tư cách báo viên. Anh là một nhà hoạt động trên địa bàn văn hoá xã hội rộng rãi.

Bước sang lĩnh vực thơ anh đã ra mắt bạn đọc sáu tập thơ, ngoài ra còn in chung mười tám tập với các thi hữu.

Trong “Tam ca” Trần Đăng Thao góp mặt với mười tám bài chia đều cho ba mảng thơ: thơ chữ Hán, thơ tứ tuyệt và thơ tự do. Về đề tài, thơ Trần Đăng Thao thật đa diện. Anh viết về tình cảm quê hương, gia đình, bạn bè, thiên nhiên, con người, lịch sử. Dù viết về đề tài nào với thể loại nào cái “tôi” trữ tình của người làm thơ hiện ra vẫn nhất quán. Thơ anh như con người anh vậy phóng khoáng, chí tình chí nghĩa và uyên bác.

Trần Đăng Thao đi nhiều. Do công việc dạy học và báo chí đòi hỏi anh phải đi. Những nẻo đường của đất nước từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam, rồi đất nước Trung Hoa rộng mênh mông… đi đến đâu anh cũng gửi thơ mình ở đó.

Đây là đất Phật Yên Tử khi thi nhân “chống gậy vô thường” lên thăm

“….Hàng tùng nghìn tuổi vẫn chờ ta.

Mang mang mây núi, mang mang Phật,

Thăm thẳm hương trời, vô lượng hoa.

(Yên Tử)

Còn đây là một Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) với trời đất hùng vĩ, non nước đẹp tươi:

Trời tạo Bồng lai đệ nhất kì

Thanh, u, tĩnh, nhã cổ kim hy

Đất sinh kim, mộc, thuỷ, hỏa, thổ

Người ứng Đông, Tây, Nam, Bắc chi

(Cảm xúc khi qua Ngũ Hành Sơn)

Cảnh tráng lệ và tâm hồn con người làm thơ cũng phóng khoáng, bay bổng cùng với ngoại cảnh. Bài thơ man mác phong vị Đường Thi.

Đến Hậu Giang, vùng đất trù phú của miền Tây Nam Bộ, Trần Đăng Thao yêu say đắm cảnh và con người nơi đây. Tình yêu đó đã tuôn chảy thành những dòng thơ ca ngợi nhiệt thành:

Chưa ở đâu, gió đa tình đến thế

Chiều Hậu giang, xanh đến vô cùng

Chưa ở đâu, đất hào phóng thế

Những mắt xoài, ăm ắp nhớ nhung

Chưa ở đâu, đời đôn hậu thế

ơi Hậu Giang nhân nghĩa, thuỷ chung

(Chiều Hậu Giang)

Say cảnh, anh lại càng say người. Những cô gái “Dáng dịu dàng thon thả lưng ong” làm con tim thi nhân rung động.

Câu kết bài thơ “Chiều Hậu Giang” là lời rủ rê của chàng thi sĩ đa cảm, đa mang:

Em có theo anh về đất Bắc

Bến Ninh Kiều, có bấy nhiêu xa

“Chiều Hậu Giang” là một trong những bài thơ hay của đời thơ Trần Đăng Thao.

Trần Đăng Thao không phải là người hay rượu nhưng trong thơ anh hay nói đến uống rượu. Anh có cả một bài thơ chỉ nói về rượu, bài “Tửu”. Hình như khi rượu vào anh càng yêu con người hơn. Anh mượn rượu để giãi bày tình cảm với con người. Đến Hậu Giang anh “Nâng ly rượu nghĩa tình bầu bạn”. Về Thái Nguyên anh tha thiết mời mọc:

Bạn hãy cạn thêm ly rượu nữa

Thái Nguyên se lạnh, chớm Đông rồi

Mắt bạn dường như đang chớm lửa

Thắp kho tình nghĩa giữa tim tôi

(Uống rượu ở Thái Nguyên)

Khóc bạn là tiến sĩ Hà Bình Trị, trong vô vàn kỷ niệm anh nhớ: đầm ấm, sâu lắng, cháy bỏng nhớ thương:

Trong căn phòng nhỏ

Bạn cùng tôi, chén rượu sẻ chung

“Cánh buồm khuất bóng bể dâu

Mặc cơn mưa lệ, trắng cầu nhân gian”

Tình bạn với Trần Đăng Thao như một nhu cầu tất yếu của tâm hồn.

Trần Đăng Thao sống không thể thiếu bạn.

Đọc thơ Trần Đăng Thao tôi cứ nghĩ đến người Nam Bộ: giản dị trong tâm hồn, tình cảm trong sáng, tính cách hào phóng, coi trọng nghĩa tình.

Như trên đã nói trong “Tam ca” Trần Đăng Thao làm nhiều thể loại thơ nhưng có lẽ với thơ tứ tuyệt anh thành công hơn cả. Thơ tứ tuyệt của Trần Đăng Thao bút pháp khá thuần thục, anh biết phô diễn một cách kiềm chế, kiệm lời tiến tới độ hàm súc, cô đúc; có cả tính triết lý tiềm ẩn bên trong. Đây là mảng thơ có cốt cách riêng của Trần Đăng Thao. Thơ tứ tuyệt của anh có những bài hay như: Hoàng lan, Vô đề, Hồn thu, Dáng thu, Cúc.

Là một thầy giáo từng giảng dạy ở Trung Quốc, một dịch giả Hoa ngữ, Nga ngữ, Trần Đăng Thao làm nhiều thơ chữ Hán. Mảng thơ này như một “đặc sản” độc đáo của anh. ở Việt Nam, một nhà thơ tuổi ngũ tuần lại làm và xuất bản thơ chữ Hán như Trần Đăng Thao hình như không có. Thơ chữ Hán của Trần Đăng Thao cho ta thấy anh quả là một người uyên bác.

*   *

  *

Khi đang viết những dòng cuối cùng này tôi được biết Trần Đăng Thao, Vũ Nho đang cùng bạn bè gặp mặt đầu xuân. Chắc lúc này Trần Đăng Thao đang “nâng ly rượu nghĩa tình bầu bạn”, Vũ Nho và Nguyễn Trọng Hoàn đang đọc thơ. Cầu chúc cho các anh và những nàng Thơ của mình trẻ mãi, tươi tắn như mùa xuân. Xin gửi tới các anh những dòng thơ của Puskin như một lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp đầu xuân:

Cầu trời phù hộ! Bạn tôi ơi!

Trong mọi lo âu của cuộc đời

Tiệc tùng phóng túng tình thân hữu

Trong cả tình yêu đẹp tuyệt vời!”

 

Hải Dương, mồng 7 Tết Xuân Mậu Tí 2008

 vnp_hoi_hoa_xuan_ecopark_2019_1

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)