BÁN CON
TRUYỆN NGẮN CỦA PHẠM KHẮC MÃ
Lấy chồng 3 năm, Hơn sinh hai người con trai, Viên là em khỏe mạnh, bụ bẫm, Cảnh là anh. Cảnh sinh thiếu tháng, thời buổi khó khăn, thiếu từng bữa ăn, nên Cảnh còi cọc, ốm đau quặt quẹo liên miên. Cả gia đình 4 miệng ăn nương nhờ vào bàn tay chợ búa của Hơn, sau nạn đói là dịch tả tràn lan cả vùng quê nghèo bên triền đê sông Hồng. Nạn dịch không tha gia đình Hơn; chồng Hơn và đứa con đầu quặt quẹo, ngoài mớ lá mơ lông, với mấy búng lá cây truyền miệng theo kinh nghiệm của người dân ra thì người bệnh chẳng có thuốc thang gì, vì nhiều người mắc bệnh dịch, sau này lá mơ lông cũng không kiếm được. Chồng Hơn nói chẳng ra hơi, bé Cảnh khóc không thành tiếng, trong căn nhà ọp ẹp, mùi tanh, khăm khẳm bốc lên. Bé Viên hơn 3 tuổi cứ chạy nhảy, nô đùa, không biết nỗi đau buồn của mẹ. Nhìn chồng như xác chết, con lớn cựa quậy, tiền không có, trong làng, ngoài xã vẳng nghe tiếng khóc than người nọ, người kia, không ngày nào là không nghe tin người chết, người khỏe lẳng lặng mang người chết đi chôn, không quan tài, không kèn, không trống.
Nghe nói trên Chợ Rồng, những người khá giả sẵn sàng bỏ tiền ra mua những đứa trẻ khỏe mạnh về làm con nuôi. Hơn bế bé Viên lên Chợ Rồng, qua trao đổi ngắn gọn, bé Viên được người đàn ông bế đón. Cầm trong tay ba vạn tiền Đông Dương, Hơn lấy vạt áo lau hai hàng lệ, chiếc nón rách che sự đau đớn đến tột cùng của người mẹ bán con. Hơn chỉ được biết người mua bé Viên tên Hành làm nghề nón ở Thanh Hóa.
Có tiền, Hơn đi ngay ra hiệu thuốc mua 10 viên Ký ninh, ngậm quai nón tức tốc về nhà. Mấy viên Ký ninh không thể cứu được mạng chồng và con trai, chỉ 2 tháng sau chồng và con lần lượt ra đi, để lại cho người đàn bà nỗi đau không có gì so sánh được. Mất chồng, mất con, đứa con kháu khỉnh thì bán, Hơn như người mất hồn, vật vờ, không chợ búa, nước mắt đã cạn khô, người Hơn như cái xác ve. Nhưng vẫn phải sống, phải ăn, phải làm lụng.
Với bản lĩnh kiên quyết, Hơn đến ủy ban xã xin giấy Thông hành, quyết tâm đi tìm con. Như một người đi chợ, Hơn thủ món tiền gấp đôi số tiền mà Hơn đã nhận của ông Hành khi bán Viên cùng chiếc thúng và cái vỉ cói đậy thúng. Xác định đi bộ từ Nam Định vào Thanh Hóa tìm con. Ngày đi, đêm nghỉ nhờ các hàng quán ven đường và dò la địa chỉ làng làm nón ở Thanh Hóa cũng không mấy khó khăn.
Bà cụ hàng nước thấy Hơn dáng người buôn hàng chợ, đon đả mời vào uống nước, ăn trầu. Qua lời giao tiếp bà bán hàng, bà biết người phụ nữ không phải dân địa phương mà từ ngoài Bắc vào, chắc là đi tìm mối hàng gì đó, chỉ thấy có chiếc thúng không. Thấy bà hàng nước hiền dịu và bỏm bẻm nhai trầu, trong lúc không có khách nào, Hơn nghĩ qua bà hàng nước sẽ dò hỏi được nhiều thông tin, Hơn dịu dàng:
- Thưa bà, cho con xin bát nước ạ.
Bà hàng nước rót một bát nước chè xanh, bà nhìn thấy cô gái đứng tuổi nhưng có nhiều nét duyên mặn mòi, hàm răng đều được nhuộm đen như hai hàng hạt na sắp xếp có trật tự trong làn môi vương vấn màu trầu không, bà nói:
- Mời chị ăn trầu, tôi chỉ lấy tiền nước, trầu thì tôi mời.
Vừa nói bà đưa cơi trầu còn khoảng hơn chục miếng trầu đã têm và quả cau cắt dở, tiện tay bà véo thuốc lào rồi dùng hai ngón tay vê tròn, di lên hàm răng đen đã bị ố vàng lởm chởm. Qua câu chuyện bà hàng nước biết Hơn đi tìm chuộc con.
Hơn buồn lắm, có lẽ Viên không được ông Hành mang về nuôi nấng ở làng Kim Giao này, và cái làng nghề nón này không phải là địa chỉ để Hơn tìm. Mặt trời đã khuất, bóng đêm đã lan tỏa lên vùng quê. Biết cần phải nghỉ lại qua đêm để mai dò hỏi và đi tiếp. Hơn đưa bà hàng nước 5 hào (nếu ở chợ thì 5 hào Hơn có thể mua được 5 đấu gạo). Hơn nói với bà hàng nước.
- Thưa cụ, mai con còn phải đi tiếp, trời tối rồi, cụ ở đây có ai không? Cụ nấu cơm cho con ăn tối và cho con ngả lưng ở cái chõng này qua đêm được không ạ?
- Ồ được thôi.
Bà cầm ngay 5 hào đút và thắt lưng, với bà 5 hào bà phải kiếm mấy ngày mới được, bà nói:
- Có phúc có phận, con ạ! Ở hiền rồi sẽ gặp lành, ta mong con cầu được ước thấy, điều lành Phật mang đến, điều dữ Phật mang đi. Ngủ đi một giấc mai chắc sẽ tìm được cái ông Hành nào đấy.
Sáng sớm quán bà hàng nước đã có tiếng gọi cửa:
- Bà bán cho ông Bất bánh thuốc lào, lúc nào tiện ông qua trả tiền sau.
Là khách quen, bà hàng nước lấy ra bánh thuốc lào gói trong lớp lá chuối khô đưa cho người thanh niên, vừa cười vừa nói: “sáng sớm đã bán chịu”. Người thanh niên cầm bánh thuốc lào đi như chạy ra khỏi quán. Như có điều gì bất chợt bà hàng nước gọi dật thanh niên lại: “này …này… quay lại bà hỏi”.
Bà hàng nước kéo tay người thanh niên lại và hỏi: “cháu là người ăn người làm nhà ông Bất khá lâu, có biết bạn buôn của ông Bất có ai tên Hành cùng ngang tuổi ông Bất không?”
Một tay cầm bánh thuốc lào, một tay vỗ trán… sau mấy giây suy nghĩ cậu hướng về bà lão: “bà muốn mua lụa về may quần áo đẹp à? Đấy là ông Hành bán lụa, hay đi cùng đoàn bán nón của ông Bất, nhà ông ý ở làng Nội Khê”.
Nghe người thanh niên nói chuyện với bà hàng nước mà ruột gan Hơn như mở cờ, chẳng cần biết mình là ai, Hơn chạy ra gần hai người:
- Làng Nội Khê ở đâu, cách đây có xa không?
… Tới Nội Khê. mặt trời đứng bóng, hình dáng của Hơn chỉ còn là cái bóng của vành nón tròn xoe di chuyển trên con đường cát nóng. Nhà ông Hành có chiếc sân dài rộng căng phơi các dải vải trắng toát, gió thổi các tấm vải vang lên những tiếng “phần phật…” không theo giai điệu nào cả.
Không một bóng người qua hại, nhìn qua khe cổng, Hơn nhận ra Viên. Viên không còn vận bộ quần áo nâu, áo cổ tròn như hôm mẹ trao cho ông Hành, ngoài chiếc áo Viên còn đeo chiếc vòng vàng, qua ánh nắng, chiếc vòng phản chiếu lấp lánh. Hơn cất tiếng gọi “Viên! Viên ơi!” nhưng cậu bé chạy hút vào nhà.
Cánh cổng vừa mở, Hơn theo những người phụ nữ làm thuê bước vào, cánh cổng đồng thời đóng lại, người mở cổng không phát hiện có thêm một người lạ trong đoàn, nhưng tới sân thì con chó đen “bốn mắt” lao vào gặm gấu quần Hơn, miệng sủa inh ỏi, Hơn ngồi sụp xuống lấy cái thúng che thân tự vệ. Lúc này mấy người đi làm thuê mới phát hiện có người lạ cùng vào, họ đang ngơ ngác không biết xử lí ra sao thì một chàng trai từ nhà tiến ra mắng con chó, ra lệnh cho nó lui và tiến lại phía Hơn:
- Chị này vô đây làm gì?
- Tôi muốn đi kiếm việc làm! Hơn đứng dậy khẽ đáp.
- Chị ở ngoài Bắc vô đây xin việc làm à, ai giới thiệu không mà tự ý đến đây?
- Dạ! Tôi muốn gặp ông chủ ạ!
Vì chưa gặp được ông Hành và con trai, nên buộc lòng Hơn tiếp tục nói lảng: “ở quê nghèo, đói, cứ đi tìm việc, qua đây thấy nhà giàu có, vải lụa phơi đầy sân, lại thấy có mấy người nói làm ở đây, nên tôi đánh liều vào, may ra xin được việc làm, trước là kiếm miếng ăn, nếu dành dụm được thì thêm thắt giúp nhà.
Hai người đang nói chuyện thì bà Hành đi qua. Chàng trai cúi đầu chào bà chủ với dáng điệu cung kính, biết là người trọng trách trong gia đình, Hơn cũng cúi đầu chào, giọng nhỏ nhẹ: “con chào bà ạ”. Bà Hành hướng về phía Hơn:
- Cô vô đây có việc gì? Nghe giọng nói thì chẳng hay cô ở ngoài bắc à?
- Nhìn dạng cô, tui nghĩ cô không phải là người đi tìm việc làm, cô đã từng trải việc buôn bán, chắc cũng nhẵn mặt hết chợ này, đến chợ kia, nhưng cũng chỉ buôn thúng, bán mẹt thôi. Chắc vào đây để tìm mối làm ăn hả? Chân tay kia làm sao nổi thúc hồ, giã bột như mấy người dân quê.
Đang say sưa giảng giải, nhận xét thì Viên ở trong buồng chạy ra, sà vào lòng bà Hành, giọng nũng nịu: “Mạ ơi mạ, mạ bảo anh Thanh cho con đi nhởi”, vừa níu tay bà Hành, Viên nhìn Hơn với đôi mắt dò hỏi.
Hơn như bị thắt từng khúc ruột, mới hơn một năm trời mà Viên đã coi người đàn bà khác như mẹ mình, hai hàng lệ tự nhiên ứa ra, mặc dù Hơn đã cố kìm nén, nhưng không thể để con mắt hướng đi hướng khác, Hơn nhìn Viên chăm chú, nếu không có sự kìm nén chắc chắn Hơn đã chạy ra ôm Viên vào lòng. Tất cả cử chỉ của Hơn không thể qua được mắt bà Hành, trong tâm bà đã hình dung ra người đối diện với và là mẹ của Ngọc (tên đã thay đổi khi Viên về nhà bà Hành). Bà đẩy Ngọc ra khỏi nhà, giọng đặc sánh quát vị quản gia:
- Người đâu, đưa cậu sang Nhà tổ, khi nào tao cho về mới được nghe chưa?
Viên bị đẩy ra một cách phũ phàng, khác với những cử chỉ âu yếm thường ngày của mạ, dù bị vị quản gia bế đi, nhưng mắt cậu bé vẫn hướng về Hơn, cậu đã thấy một cái gì đó thân quen, mà ở tuổi cậu chưa nhận thức đủ. Về phía Hơn, đã xác định vào được nơi mà mình cần vào, đã nhìn thấy con mình thì trước sau cũng phải làm được điều mình muốn làm.
Quay lại với Hơn, bà Hành với giọng thăm dò: “hình như cô quý cậu bé nhà tôi lắm thì phải, hay là có điều vì không vui trong những ngày đói kém, bệnh tật này với gia đình cô?”.
Nhìn thấy con khỏe mạnh, tâm trạng Hơn vững chãi hơn, cũng chẳng cần phải giấu giếm gì nữa, thân phận trước sau cũng phải trình, âu cũng là số phận. Hơn quyết định nói thật ý định của mình, trấn tĩnh nuốt nước trầu, vị trầu cay đã làm nên người phụ nữ mạnh mẽ hơn, cứng cỏi hơn:
- Thưa bà, chẳng hay ông nhà ta có nhà không ạ? Đúng như bà đã nói, con vào đây không phải kiếm việc làm và cũng không đi kiếm mối buôn bán gì đâu ạ.
- Vậy cô vô đây có chuyện gì mà hỏi ông nhà tui? Hay có nợ nần gì ngoài nớ?
- Thưa không ạ! Thưa bà, con chính là mẹ đẻ của cháu Viên vừa rồi đã được ông bà cưu mang đó ạ.
- Cái chi? Viên nào? Nhà tui làm gì có ai tên Viên?
- Dạ cháu vừa rồi mà bà đã cho đi đâu đó đấy ạ.
- Cô nói bậy bạ cái chi? Đó là thằng Ngọc con nhà tui, có giấy chứng sinh do chính quyền cấp hẳn hoi, sao lại là con cô được? Cố thấy đó, nếu là con ruột cô sao nó thấy cô mà không sà vào lòng mẹ nó?
- Dạ thưa! Khi con sa cơ lỡ vận, cháu nó mới hơn ba tuổi, được ông bà cưu mang, chiều chuộng, chăm sóc, và cũng đột ngột quá, cháu chưa nhận ra thôi bà ạ.
Như đoán được ý định của người phụ nữ lạ đột ngột xuất hiện trong nhà mình, bà Hành tỏ ý hăm dọa.
- Bay đâu! Dẫn người này ra xã, giao cho ủy ban, nói rằng có người lạ đến gây loạn ở nhà này.
Hướng về phía Hơn, bà Hành với giọng trịch thượng:
- Cô sẽ được người của chính quyền tiếp nhá, nếu như vào thời kỳ cũ thì tui gọi bọn trương tuần nó cho cô một trận ngay ở sân này, nhưng giờ đã có chính quyền mới, họ sẽ cho cô biết thế nào là phép công.
Hơn vẫn lễ độ, và tỏ ra cứng rắn hơn:
- Thưa bà, con vào đây cũng có đủ giấy tờ tùy thân, con không ngại tiếp xúc với người của chính quyền. Con nghĩ khi đã biết nhà ông bà ở đây, con con ở đây, nếu ông bà đuổi con khỏi nhà thì dăm bữa, nửa tháng con lại đến để gặp con con. Con thề rằng “trên có trời, dưới có đất, nếu thằng bé không phải là con đứt ruột đẻ ra thì con sẽ bị trời du, đất diệt”; Nếu người của chính quyền đến đây con sẽ đề nghị cắt máu hai mẹ con xem có cùng dòng máu không?
- Ái già! Cũng cứng cỏi nhỉ?, đợi xem cô đối đáp thế nào với người nhà nước nhé! Cô nói thằng bé là con cô, vậy sự tình cụ thể như thế nào?
- Thưa bà! Năm trước, nhà con gặp khó khăn, chồng ốm, đứa con đầu mắc dịch, không có tiền thuốc thang, trong lúc quẫn bách, có người mách bảo, con mang cháu Viên gửi gắm ông nhà, cầm mấy chục về để thuốc thang cho hai bố con. Hôm ấy là ngày mùng mười tháng chín ạ. Tại chợ Rồng Nam Định, con đưa cháu cho ông nhà, thương con, tủi phận con không giám nấn ná hỏi quê quán của ông bà, nay Đức Phật đã chỉ lối đưa đường để con đến trước cửa ông bà. Đội ơn ông bà đã cho con được nói chuyện, nếu ông nhà có mặt tại đây sẽ thấy lời con nói không sai đâu ạ.
- Vậy hả? Nếu tui tin lời cô, thì chắc giờ nhà vẫn khó khăn hả? muốn tìm đến nhà tui để mặc cả để trả thêm tiền à?
- Dại thưa không ạ. Con xin thưa bà: con cắn cỏ con lạy ông bà cho con chuộc lại cháu Viên.
- A … hà. Vậy là cô đến đây để chuộc con? Tiền đâu mà chuộc, chồng chết, con cả chết, phải mang đứa con khỏe mạnh đi bán. Vậy gần đây đi bán thân hay sao mà có tiền chuộc… và biết bao nhiêu tiền mà chuộc?
- Thưa bà! Con muốn gặp ông nhà, con xin ông bà cho con một điều ân huệ. Ông bà chắc có đông con, nhiều cháu, phúc đức ông bà như trời cao biển rộng, đừng để mẹ con con xa cách, nếu ông bà cứ quyết không cho con chuộc cháu thì ông bà cho con làm tôi tớ trong nhà để mẹ con được ở bên nhau.
Từ lúc hai người đàn bà tranh luận, tiếng nói to của bà Hành, tiếng khóc của Hơn đã làm ông Hành tỉnh giấc.
Khi mang bé Viên về, ông cũng không được mẹ cháu nói tên của cháu, ông lấy họ ông, và quý nó như ngọc, vậy mới có tên Lê Thanh Ngọc, thực lòng ông cũng chưa trình báo chính quyền địa phương, vì một lẽ: Chính quyền phong kiến bị sụp đổ, sau cách mạng tháng Tam, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, có sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập chính quyền các cấp, nhưng do mới thành lập việc quản lý còn lỏng lẻo, chưa đâu vào đâu, ông định khi có điều kiện thuận lợi sẽ làm thủ tục khai sinh cho Lê Thanh Ngọc.
Nhìn thấy ông Hành bước qua cửa phòng ngủ ra, Hơn đang quỳ lạy bà Hành, đổi hướng về phía ông Hành
- Con lạy ông! Con đã làm ông thức giấc ạ, ông tha tội cho con.
Ông Hành hướng về phía vợ:
- Cùng là đàn bà với nhau, nếu bà rơi vào hoàn cảnh như o ấy, thì bà mới hiểu sự đau xót, của việc “bán con” để cứu người thân. Hình ảnh o ấy đưa thằng bé qua tay tôi, cầm nắm tiền cúi mặt, đi như chạy làm tôi cũng mủi lòng, âu cũng là làm phúc cho người có phận hèn, túng quẫn, o ấy lặn lội từ Nam Định vào đây, thân gái dặm trường, đáng lẽ ra đến bữa phải cùng ăn cơm với gia đình mới phải.
Hướng về Hơn, ông Hành mở giọng độ lượng:
- Còn o! Qua việc vừa rồi với bà nhà tui, vậy thì ý o như thế nào? Tui nghĩ o đã biết nhà tui rồi, con trai được nuôi dưỡng tử tế, o lại có nghề buôn bán hàng chợ, vậy cứ coi như ta là người nhà, cứ về ngoài nớ làm ăn, thi thoảng vào thăm con. Như vậy được cả đôi đường, nó vẫn là con đẻ của o, lớn lên vợ chồng tui lấy vợ cho nó, o cũng sánh vai.
- Con lạy ông bà! Ông cho phép con xin mở lời, con là người đàn bà khốn khổ, ba tháng mất cả chồng và đứa con lớn, có đứa con mạnh khỏe thì bán đi. Gia đình nhà chồng con đay nghiến, con sống không bằng chết. Con không thể sống côi cút một mình vò võ nhớ con, hẳn như anh nó trời cướp đi con phải chịu, còn như con con còn sống trên đời, dù ở chân trời, góc bể con cũng tìm ra và chuộc về có mẹ có con, rau cháo nuôi nhau. Vậy xin ông bà bớt chút phúc dầy cho con được chuộc lại con con, con xin đập đầu cúi lạy ơn nghĩa của ông bà.
Ông Hành không có biểu hiện gì trên khuôn mặt phúc hậu. Gia đình ông đang làm ăn khấm khá, hay có thể nói là phát đạt, liệu ngày mai với chế độ mới có còn thuận cho việc buôn bán nữa không? Tai ông còn văng vẳng lời bài Quốc ca “vận nước đã đến rồi…” như vậy, Nước còn có vận, huống chi con người, có thể hôm nay thế này, mai đã là thế khác…ông tiến lại phía Hơn:
- Ý của o tui đã hiểu, sáng mai tui trả lời o.
***
Nhà ông Hành hôm nay cổng mở toang, chưa có người đến làm, Hơn là người bước vào cổng đầu tiên. Bước qua cổng với sự tự tin hơn hôm qua, con chó bốn mắt vẫn gầm gừ rồi sủa ông ổng mấy tiếng khi Hơn bước vào sân.
Từ trong nhà ông Hành biết Hơn đã đến, ông lên tiếng trước:
- Thế này o nhá! Ý tui thế này, thời thời thế thế chẳng biết thế nào, trời đất xoay chuyển, lúc nắng lúc mưa. Tui đồng ý để cho o đón thằng Ngọc về, hơn năm trời nó quen mùi mẹ nó (tay ông chỉ về phía bà Hành), ăn uống đầy đủ, chơi bời thoải mái, nay về với mẹ đẻ, cũng tội. Thôi thì con người đều có số cả, sống để phúc cho ngày mai. Năm ngoái tui đưa cô ba vạn, nay tui chỉ lấy hai vạn thôi, còn một vạn tui cho thằng Ngọc, cô thay vợ chồng tui chăm sóc cho nó, khi nó lớn lên hãy chỉ bảo cho nó sự việc này, nếu nó được dạy giỗ chu đáo nó sẽ biết đường ăn ở.
Bà Hành lấy vạt áo lau mắt, nhìn bà tội nghiệp, không còn hình ảnh chát chúa như hôm qua, bà vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa nấc từng cơn.
Hơn không nghĩ sự việc sau một đêm lại diễn ra quá thuận lợi đến vậy, ông bà Hành quả là người đức độ, người như vậy thì đúng là “phúc đẳng hà sa”, lòng vừa mừng, nhưng cảm xúc thật không khác bà Hành, nước mắt lại ứa ra, nghẹn ngào cất tiếng:
- Con đội ơn ông bà, ơn này con ghi lòng, tạc dạ, con sẽ dạy con con ăn ở có trước có sau, lòng biết ơn đối với ông bà sẽ theo con mãi mãi.
Trong lúc Hơn đang nói chuyện với ông bà Hành thì quản gia dắt bé Viên đến. Ôm con vào lòng, hơi ấm của tình máu mủ khiến đôi bần tay Hơn siết chặt hơn, như sợ mất con một lần nữa. Hơn nói với Viên: “con lạy ông bà đi”. Ngây ngô trước một đề nghị chưa làm bào giờ, bé Viên ngước nhìn mẹ: “ba mạ chứ”. Hơn buông tay bé Viên, ngồi sụp xuống sân, tay vái lạy ông bà Hành, thấy vậy bé Viên cũng làm theo. Hơn mở thắt lưng lấy túi tiền đưa gửi ông Hành năm vạn đồng. Ông Hành cầm tiền rồi chỉ nhận hai vạn, số tiền còn lại đưa cho Hơn, giọng trầm tĩnh:
- Người xưa nói: “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, tui không nghĩ rằng với số tiền tiền này o sẽ đủ để nuôi con o khôn lớn, nhưng đây cũng là món quà đầu đời hy vọng khó khăn không còn đến với hai mẹ con o nữa.
Hơn nhận lại số tiền, tay lại vái tiếp ông Hành, miệng không ngớt câu: “con đội ơn ông bà”. Ông Hành thấy mọi việc đã không còn gì để nói với nhau nữa, ông gọi quản gia:
- Nay có chuyến hàng ra Nam Định, chúng mi bớt lại ít hàng, cho hai mẹ con nhà ni quá giang nhé.
Ông đứng lên, móc từ túi ra chiếc vòng tay bằng bạc, tiến lại phía bé Viên, ông tra vào tay bé, giọng ngọt ngào: “đưa tay đây, ba xích cái tay này lại, để khi nào cũng nhớ tới ba mạ nuôi con nhé.
Tiết Vu Lan 2018
Người gửi / điện thoại