bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 23
Trong ngày: 672
Trong tuần: 1385
Lượt truy cập: 774506

BẾN TRẦN GIAN

BẾN TRẦN GIAN

               TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI

 nh_v_thin_khi_1

                                                                      

 

Làng Điềm có gia tộc Nguyễn Đoan cách vài đời lại sinh ra một vị đại khoa. Vào thời kỳ triều đình nhà Nguyễn sắp suy tàn, ngài Bảng Nhãn Nguyễn Đoan Thiết đương quan Ngự Sử chán nản xin cáo lão về sống ở quê nhà. Xem gia phả thì đến đời thứ sáu, ngành trưởng của ngài sinh được mỗi mình Ông Cả Thi. Cả Thi cũng hiếm hoi chỉ có một người con trai tên là Cả Thư nối dõi. Một đêm giông gió cách nay mấy chục năm Cả Thư biến mất.  Đôi dép cao su đứt quai và tấm áo cộc tay rách mướp Cả Thư để lại, sáng hôm sau người ta tìm thấy nằm phập phờ mớm nước dưới chân bậc đá bến Trần Gian. Từ bấy đến nay, mọi người dân làng Điềm vẫn đinh ninh cậu ta đã bị sông Nguồn cuốn ra biển Đông mất xác rồi

Anh Cả Thư mất tích năm ấy chính là cái ông Việt kiều vừa đột ngột xuất hiện ở làng Điềm cả tháng nay. Ông về làng Điềm trước tôi chừng mươi ngày. Một nửa người làng Điềm từng quen biết ông đều tỏ ra thương cảm, chen lẫn mừng rỡ. Một nửa kia, toàn bọn trẻ, thì tò mò lạ lẫm. Có cô, cậu không giấu vẻ thán phục từ bộ quần áo ông mặc cho đến đôi giày ông mang. Chúng háo hức truyền vào tai nhau: Hàng hiệu nổi tiếng không à, mỗi cái có giá xêm xêm tấn thóc đấy.

Tuy mới bước vào giai đoạn đổi mới được mấy năm, làng Điềm đã có vẻ nhạy bén hơn nhiều làng khác. Mặt tiền mấy ngôi nhà quay ra con đường cái đã lác đác  trưng lên mấy tấm biển hiệu kẻ vẽ bắt mắt. Quán bán nước, bán cà phê nhạc nhẽo ì xèo. Quán tạp hóa bày biện lộn xộn chứng tỏ chủ nhân nó đang thì tập sự cái công việc gọi là buôn bán. Mỗi chiều thằng Phương dẫn tôi vào một quán. Nó nói đùa: Để anh thẩm định làng mình đã hội nhập quốc tế tới trình độ cao đẳng hay đại học. Đến quán nào tôi cũng thấy nó quê quê, te tẻ làm sao ấy. Nhưng giữ ý chẳng nói ra. Bởi chúng đều na ná nhau từ mấy bộ bàn ghế bằng nhựa hóa học màu sắc sặc sỡ đến những chùm dây chăng thòng lòng trước cửa loe lóe bóng đèn điện chớp tắt xanh xanh đỏ đỏ.

Bữa nay anh em tôi ghé một quán nằm gần đầu cầu Bà Ngự. Cây cầu đá hiếm hoi còn sót lại sau cuộc cải tạo qui mô đường xá nông thôn, nhờ có ý kiến chỉ đạo bảo tồn di tích của vị giám đốc sở Văn Hóa tỉnh. Quán này có vài bàn trà trong góc khuất, dăm cụ đang ngồi lặng lẽ bên khay ấm chén giả cổ màu da lươn. Câu chuyện chỗ các cụ, cái tên Cả Thư được nhắc đến nhiều lần, nhưng chỉ rì rầm đủ lọt đến tai tôi câu được câu chăng. Đông nhất và ồn ào nhất vẫn là mấy đám thanh niên nam nữ. Chỗ dăm bẩy, chỗ vài ba người mặc những bộ đồ hàng Tầu in những hàng chữ Tây kiểu cách. Họ ngồi sát vai nhau uống nước ngọt, ít người gọi cà phê. Thằng Phương khẽ bảo tôi: Chú ý mà nghe, toàn bàn chuyện ông Cả Thư đấy. Mà cũng ly kỳ thật. Ông ta cứ như hồn ma đội mồ sống dậy. Tôi chú ý lắng nghe không sót một câu. Đứa tấm tắc: Ông ấy chính là đích tôn của dòng họ Nguyễn Đoan nổi tiếng của làng ta đấy. Đứa đầy vẻ thạo tin: Chuyến này ông ấy mang một bọc tiền về mua lại cả cánh bãi nổi để mở trang trại trồng hoa xuất khẩu. Nghe nói ở bên Tây ông Cả làm chủ một cánh đồng chuyên trồng toàn những loài hoa quí lắm, một bông giá những mấy Đô Mỹ. Bàn cạnh tôi, một thằng mặt mọc đầy mụn trứng cá thâm thâm, giơ cánh tay đen nhẻm đeo chiếc đồng hồ mạ vàng, xổ một tràng khoe khoang liến láu : Của bác trai tao cho đấy. Thụy Sĩ hẳn hoi nhá. Bác ấy đã bàn với bố tao xây lại khu mộ tổ, lại đòi đưa bà Thắm về nằm ở đấy. Bố tao không chịu, cả họ tao chẳng ai bằng lòng. Chúng mày biết không, bác ấy còn nhận chú Côi con bà Thắm là con mình nữa, bảo phải ghi tên chú ấy vào tộc phả. Kinh dị chưa.

Chuyện bà Thắm sống cô đơn ngoài bãi nổi ven sông Nguồn tôi đã nghe chú tôi kể ngọn ngành. Sau khi anh Côi, người con độc nhất của bà hy sinh trên mặt trận chống quân bành trướng xâm lược, chính quyền xã và các đoàn thể vận động bà về sống trong căn nhà tình nghĩa mới xây giữa làng Điềm cho dễ bề chăm sóc. Bà nhất định từ chối với lý do ở ngoài đó chờ Cả Thư một ngày nào đó sẽ nhất định trở về.

Mấy chục năm trước, sau ngày Cả Thư mất tích, suốt mấy tháng chị Thắm thất thần chạy ngược, chạy xuôi hai bên bờ sông Nguồn, hễ nghe nói ở đâu có người nhân dạng giông giống Cả Thư chị đều lặn lội tìm đến. Nhưng đều rũ rượi thất vọng trở về. Chỉ đến khi cái bụng lùm lùm, chị mới chịu chiều chiều ngơ ngẩn ngồi quay mặt ra mặt sông nghe gió, nghe sóng thầm thì kể lể chuyện sông, chuyện đời cho tới tận canh khuya. Người ta gặng hỏi, thậm chí truy hỏi bố đứa bé sắp chào đời là ai, chị bình thản trả lời: Thần sông Nguồn, Cha nó là thần sông Nguồn đấy. Sau này thằng bé càng lớn, khuôn mặt lộ rõ hai rẻ xương cằm giang bạnh dưới hai mang tai, trông na ná khuôn mặt đặc trưng của những người đàn ông gia tộc Nguyễn Đoan. Nghi nghi bố nó chả lẽ lại là cậu Cả Thư? Nhưng mà năm ấy, cậu ấy mới mười sáu tuổi? Cho tới năm thằng bé đi học, phải làm giấy khai sinh, chị Thắm khai tên con theo họ mình: Lê văn Côi. Tên cha bỏ trống. Gái một con, lại là gái thuở thiếu thời đã từng khiến tên cai tổng Chinh bên kia sông chết mê chết mẩn, nay chị Thắm mỗi ngày một thêm tươi da thắm thịt, mỗi ngày một thêm vẻ đằm thắm dịu dàng. Bao nhiêu trai làng, bao nhiêu chân sào đò dọc đò ngang nghe tiếng, tìm đến gặp người, đều muốn ngỏ ý kết đôi. Nhưng lạ kỳ chị chẳng mảy may xúc động. Và lạ kỳ hơn, cho tới tuổi bước lên hàng lão, mái tóc bà Thắm vẫn dầy dặn mượt mà, vẫn thướt tha buông dài quét đất mớ sợi bạch kim óng ánh. Lại lạ kỳ hơn nữa, đôi mắt bà Thắm như chẳng có tuổi già, cứ long lanh, cứ trong văn vắt như cả đời chưa từng vắt ra hàng suối lệ.

Bây giờ, bà Thắm về cõi đã gần chục năm rồi.

Chuyện Ông Đoan Thư tôi đã nghe mấy ông bạn già rủ rỉ trao đổi với nhau ở nhà chú tôi chiều hôm qua. Ngồi vây quanh bàn nước trà, ông nào ông ấy đều y chang nhau bộ quân phục cũ sờn khoác trên người. Lại cũng từa tựa nhau vẻ mặt khắc khổ già nua  từng trải. Cái khác ở mỗi ông là tuổi tác. Nhưng hơn kém nhau cũng chỉ dăm năm trở lại. Tôi có cảm tưởng nếu một vị đứng lên trịnh trọng tuyên bố lý do thì những cuộc trà thuốc như thế này đã trở thành một hội nghị cựu chiến binh cấp phường, cấp xã nghiêm chỉnh chẳng chê vào đâu được. Câu chuyện của các ông kể cho nhau nghe, giọng điệu ai cũng biểu lộ rưng rưng cảm động, khiến tôi tin nó không một chút tô vẽ, nó rất thật. Ông già nhất có bộ râu dài trắng như cước mở đầu:

Hồi chín năm chống Pháp, tôi tham gia du kích xã thì ông Cả Thi bố của Cả Thư làm chánh hội tề cho giặc. Tôi nhớ một trận càn, lính Tây lôi mấy chị em xóm Trung ra sân đình hiếp tập thể, ông ấy lấy thế mình là xã trưởng từng đi lại chỗ quan Tây đồn  Xanh, chạy đến xì xồ mấy tiếng Tây bồi, bị thằng đội Tây rút súng lục bắn liền một phát. Rất may viên đạn chỉ xuyên thủng bàn tay, nhờ vậy mấy bà ấy chạy thóat nạn. Hai người em thúc bá của ông đang là nhân viên Phòng Nhì trên quận biết tin đánh xe zeep về đưa anh đi nhà thương kịp thời, nhưng sợi gân tay bị đứt không nối lại được, khiến hai ngón tay co quắp bất động và cái bàn tay ấy sau này luôn run lập bập, bữa ăn chẳng cầm nổi đôi đũa cái thìa. Khi hiệp định geneve ký kết, hai người em họ ấy lại về kéo ông đi nam, ông từ chối: Các chú đi đi, tôi ở lại chung sống hòa thuận với Việt Minh được mà. Chuyện này sau đấy ông kể riêng cho tôi nghe. Gần trăm mẫu ruộng cánh bãi Bồi, tiếng thì của nhà cụ Ngự, nhưng, chia cho mấy đời con cháu, Cả Thi tuy đích tôn cũng chỉ được hưởng hương hỏa vài mẫu thôi. Nhưng phải quản cả phần của mấy đứa em bỏ chạy vào nam, thành ra khi ta tiến hành cải cách ruộng đất, Cả Thi chịu mang tiếng sở hữu hơn hai chục mẫu tư điền. Bị qui là địa chủ, cộng với quá trình mấy năm làm xã trưởng hội tề tay sai cho giặc, chưa kịp đưa ra xét xử, ông ấy đã bị chết vì mắc bệnh tả ở nơi giam giữ. Năm 1954 bố tôi từ Việt Bắc được phái đi học mấy năm liền ở nước ngoài, mãi đến năm 1958 mới về nước. Ông cứ day dứt mãi, bảo rằng ông về sớm thì Cả Thi không mắc nỗi hàm oan tày đình này. Bởi chính ông giao cho Cả Thi nhận chân xã trưởng tề làm vỏ bọc để ngầm hoạt động cung cấp tin tức tình báo cho ta. Ngày quốc gia, đêm thờ ma kháng chiến khó lắm, bí mật lắm. Sự thực Cả Thi đã âm thầm cung cấp nhiều thông tin giá trị, nếu như không biết trước thì ta đã phải chịu nhiều tổn thất máu xương chẳng biết bao nhiêu. Cũng bởi việc cài cắm người của ta lặn vào hàng ngũ địch phải tuyệt đối bí mật nên chả có ai ngoài bố tôi được biết. Bởi vậy, trước làn sóng đấu tranh giai cấp như bão nổi ngày ấy, ông Cả Thi thanh minh ai tin.  May bố tôi còn sống, ông khẩn trương làm báo cáo trình lên cấp trên. Sau quá trình thẩm tra, chính quyền lúc ấy đã long trọng làm lễ minh oan và tuyên dương công trạng cho Cả Thi. Phần mộ của hai ông bà cũng được tổ chức dời về khu mộ Tổ họ Nguyễn Đoan ngay sau đấy. Việc sửa sai cho bản thân Cả Thi cũng chỉ làm được đến vậy. Bởi tìm đến thằng Cả Thư con ông để thực hiện chính sách đãi ngộ thì buồn thay, trước đấy vài tháng nó đã bị chết đuối mất xác chẳng biết nguyên cớ gì. Oan nghiệt vậy.

Ông khác góp chuyện: Hồi còn bé tôi với Cả Thư cùng học trường làng. Nó to con nên có biệt hiệu Thư Voi. Chiều qua gặp nó, nhìn gương mặt dòng họ Nguyễn Đoan ai cũng có chung đặc điểm vuông vức hình chữ điền, tôi nhận ra nó ngay, hét lên: Thư Voi! Nó cũng nhận ra tôi, lắp bắp: Mừng quá… mừng quá may chúng mình còn sống cả. Giọng nghe như mếu.  Mang tiếng ở nước ngoài giầu có, nhưng tóc bạc hết rồi. Mặt mũi buồn so. Coi bộ nhiều chiều đau khổ.

Ông khác góp thêm: Ngày ấy, tổ du kích tôi được lệnh đột nhập bắt Cả Thi trói vào gốc cây đề đầu làng rồi găm giữa ngực y lời cành cáo của chính quyền cách mạng: Còn làm tay sai cho giặc sẽ tuyên án tử hình. Ông ấy sợ đái ướt đũng quần. Bàn tay tàn tật cứ lập bập va liên hồi vào bộ ngực lép kẹp. Sau này mới biết ta dựng màn kịch lừa bọn Tây. Hôm dự lễ minh oan chiêu tuyết cho ông ấy, mình thắp nén nhang buồn rơi nước mắt.

Tôi ngồi một góc lắng nghe không sót một lời. Đêm ấy tôi ghi chép được như vầy:

 Sông Nguồn hợp lưu với sông Vân tạo thành một ngã ba rộng mênh mông. Hằng năm, nước Sông Nguồn có mấy tháng mùa lũ đặc quánh phù sa đổ về cuồn cuộn, hợp lưu với dòng sông Vân tại ngã ba Độc Bộ.  Do phát nguyên tự dãy núi đá vôi nên nước sông Vân quanh năm trong suốt. Gặp dòng sông Vân chắn ngang, sông Nguồn chảy chậm lại, khối phù sa đỏ thắm lắng dần tạo thành một con bơn, qua nhiều năm bồi đắp, con bơn lớn thành bãi nổi. Mùa lũ bãi nổi săm sắp nước, năn lác mọc đầy, vịt trời, ngỗng trời bay về đẻ trứng sinh sôi, nguồn lợi nhiều vô kể. Hết lũ, bãi nổi được dầy thêm vài tấc đất mầu mỡ. Trồng rau, đậu, trồng dâu nuôi tằm không đâu tốt bằng. Cách nay khoảng vài trăm năm, một vị quan ngự sử dòng họ Nguyễn Đoan, người làng Điềm cáo lão hồi hưu. Được vua cấp vài chục mẫu quan điền, ngài nhường lại cho làng, chỉ xin được sở hữu và khai phá cái bãi nổi ngoài đê ấy. Đương thời ai cũng bảo ngài dại. Tới lúc bãi nổi lớn phình lên rộng dư trăm mẫu do tốc độ mỗi năm bồi lắng hàng vạn tấn phù sa tươi đỏ như son, con cháu mấy đời của ngài chia nhau khai khẩn, làm giầu nhanh như gió từ khoảnh đất mênh mông ấy, bàn dân thiên hạ mới ngẩn tò te thán phục con mắt ngài Ngự tinh đời. Phía cuối bãi nổi từ xưa đã có một bến sông. Vốn nó chỉ là cái bến được kè bằng mấy tấm đá xanh làm chỗ cho các nông phu tắm rửa giặt dũ trước khi trở về làng sau mỗi ngày làm lụng. Sau xẩy ra mấy chuyện oan khiên nghi nghi hoặc hoặc ở cái bến này, nó mới được lồng cái tên bến Trần Gian gợi nhiều thương cảm ấy. Chả biết năm nào, ngài Ngự đã cho trồng cạnh bến ấy một cây sung làm chỗ nghỉ ngơi tránh nắng. Đến đời ông Cả Thi, chắt thứ sáu của ngài, thì cây sung này đã thành cổ thụ, cành lá xum xuê mát rượi suốt mùa hè nóng nực. Bây giờ khách lạ nhìn vào thân cây mập mạp, lá cành bóng nhẫy xanh tươi chả ai bảo nó đã già dư trăm tuổi.

Ông Cả Thi bị Tây bắn què tay năm ông sáu chục tuổi. Bà Cả, vợ ông bị bệnh suy tim mỗi ngày mỗi nặng. Tuy nhà không nghèo, nhưng gặp thời buổi chiến tranh ác liệt không có điều kiện chạy chữa. Thành thử bà đành cam chịu vậy, suốt ngày ngồi nhướng cổ thở khò khè. Có người khuyên nên cho bà Cả ra sống ngoài me sông Nguồn, ở đấy không khí thoáng đãng mát mẻ có lợi cho người bệnh. Ông Cả Thi cho cất một căn nhà ba gian dưới bóng cây sung, chỗ bây giờ dân giã gọi bến Trần Gian. Từ đấy vợ chồng ông và thằng Cả Thư con trai độc nhất của ông bà chuyển đến ở trong căn nhà ấy. Cơ ngơi trong làng gồm một tòa nhà ngói và dãy nhà phụ ông giao cho anh phó cối trông nom.

Chả ai biết anh phó cối tên gì. Chỉ nghe một lần anh ta chỉ tay sang bên kia sông Nguồn, chỗ rặng tre mờ mờ nhô lên ngọn tháp nhà thờ trắng lóng lánh, bảo rằng làng tôi ở sau làng đấy. Quanh năm anh quanh quẩn mấy làng bên này, vai quẩy đôi bồ đầy nhóc mấy vành dăm cối gỗ nhãn đỏ au, một đầu đòn gánh treo lủng lẳng cây cưa mẻ răng, bước đi thất thểu, cách đều mấy bước lại chúm cái miệng chẳng còn chiếc răng nào cất lời rao: Cối ơ… Cối ơ giọng cao voi vói. Trông anh ta điệu bộ đứng đi lụt cụt vậy, nhưng những chiếc cối anh ta đóng thì cực tốt. Trăm hạt thóc xay ra trăm hạt gạo lành lặn. Một thúng thóc xay rồi, sàng xẩy may còn một vụm hạt thóc sống. Mến tay nghề của Cối Ơ, ông Cả Thi cho lưu lại nhà mình mỗi khi anh ta thất nghiệp. Lâu dần ông coi như tôi tớ tin cẩn trong nhà. Chẳng hiểu sao, ngay ông Cả Thi cũng chẳng cần biết anh phó cối ấy lai lịch ra sao, tên họ là gì. Cứ Cối Ơ, Cối Ơ mà gọi. Đến khi anh ta được chỉ định làm chủ nhiệm nông hội làng, vẫn cứ là anh chủ nhiệm Cối Ơ không ai gọi anh tên khác.   

Trước ngày hòa bình 1954 chừng khoảng dăm năm, làng Chiêu Đức bên kia sông Nguồn đối diện với làng Điềm bị kìm kẹp dưới quyền cai tổng Chinh. Cai Chinh khét tiếng tàn bạo. Vợ Cai Chinh còn chuyên quyền nanh ác hơn chồng. Làng Điềm bên này nhờ danh tiếng gia tộc Nguyễn Đoan nên Cai Chinh khôg dám mò sang tác oai tác quái. Một sáng sớm nghe nhiều tiếng la hét chêm mấy tiếng súng nổ, ông Cả Thi choàng dậy. Mở hé hai cánh cửa, ông trông thấy bờ sông bên kia một toán người lố nhố huơ huơ những cây đuốc cháy phừng phừng. Lắng tai ông nghe nhiều tiếng thét: Không kẻ nào được cứu, trái lệnh bắn bỏ. Định thần, ông nhận ra, giữa làn sương mù mịt dâng đầy mặt sông, lơ lửng chiếc bè chuối, trên đó một người con gái đầu tóc rũ rượi bị cột chặt vào cây sào ngồi ở giữa bè. Gặp dòng nước quẩn, chiếc bè cứ trôi vòng vòng vào sát bến Trần Gian rồi lại vòng ra giữa sông Nguồn. Hiểu ra sự tình, ông nghi con vợ Cai Chinh lại thả bè trôi sông một mạng người thị cho là tình địch của mình đây. Chuyện này từng xẩy ra mấy lần rồi. Vùng này hiện đang bị giặc Tây tạm chiếm, chúng lo đối phó với bộ đội chưa xong, sức đâu quản được sự lộng hành của mấy thằng tề dõng. Nghĩ vậy, ông Cả Thi vào nhà lấy chiếc tù và thổi tí đu đu mấy hồi báo động. Mấy phút sau, vài chục tuần đinh và bảo an quân có mặt. Ông cho vài tuần đinh bơi ra dìu chiếc bè chuối tấp vào bờ. Toán người bên kia biết uy nhà Nguyễn Đoan, chỉ bắn vài phát chỉ thiên rồi giải tán.

Người con gái tội nghiệp ấy khai mình tên Thắm. Bị mụ vợ cai tổng Chinh nghi chị dan díu với chồng mụ, cho người bắt thả trôi sông. Năm ấy chị mười tám tuổi và thằng Cả Thư chưa đầy mười tuổi. Bà Cả Thi thương cảnh ngộ chị Thắm, bàn với chồng giữ chị Thắm làm người giúp việc nhà. Ông Cả Thi đánh tiếng với nhà cai tổng Chinh nếu không để chị Thắm yên ổn sẽ báo quan trên bắt bỏ tù. Bên ấy im re. Về làng cũ thì chẳng thể nào sống nổi, chị Thắm từ đấy yên phận ở lại chăm sóc bà Cả Thi và chăm lo việc bếp núc cho nhà ông Cả. Vài năm sau, thấy chị Thắm thật thà, chăm chỉ, nhu mì, lại thương cảnh anh Cối Ơ cầu bơ cầu bất, ngoài ba chục tuổi đầu, đóng cối thuê mòn răng ăn cơm thiên hạ vẫn chẳng có mảnh đất cắm dùi, ông bà Cả ngỏ ý gây dựng cho anh ta và chị Thắm nên duyên chồng vợ. Hỉ sự thu xếp xong xuôi, ông bà cho vợ chồng họ ở tạm mấy gian nhà ngang trong làng trước đây vẫn dùng làm nơi chứa thóc. Chưa nói ra, nhưng ông bà Cả đã ngầm ý sẽ cho vợ chồng họ vài sào ruộng và làm cho căn nhà nho nhỏ trên bãi Nổi ven sông.

Ông bà Cả chưa kịp thực hiện ý đồ ấy thì cuộc kháng chiến chín năm kết thúc thắng lợi. Hơn một năm sau thì mở ra phong trào phát động giảm tô cải cách. Ông Cả Thi bị qui thành phần Địa chủ cường hào gian ác. Anh Cối Ơ trở mặt tố địa chủ Thi đủ tội. Chị Thắm giận chồng tráo trở, bỏ ra ngoài bãi sống ở với mẹ con bà Cả. Anh Cối Ơ chửi vợ mất lập trường giai cấp, không giác ngộ cách mạng, u mê đi theo kẻ thù của nhân dân, liền tuyên bố bỏ vợ. Liền đấy anh ta về ở với một mụ nạ dòng cốt cán bần cố môi ăn trầu đỏ chóet, lẳng lơ nổi tiếng. Chả hiểu sao chưa đầy ba bữa, mụ ta thẳng tay đuổi Cối Ơ ra đường. Anh ta lại lủi thủi về sống trong căn nhà chứa thóc cũ .

Biết tin ông Cả gặp nạn lớn, bà Cả lên cơn đau tim rồi tắt thở. Những người anh em thúc bá họ Nguyễn Đoan sợ liên lụy chả ai dám giúp chôn cất. Một tay chị Thắm tẩm liệm bà bằng manh chiếu bà vẫn nằm dưỡng bệnh. Xa xóm, xa làng, chị Thắm và cậu Cả Thư đành đào huyệt chôn bà Cả ở chỗ gần nhà, đầu hướng ra sông, ý hai chị em cầu cho đêm ngày sóng sông Nguồn ru bà yên giấc.

Tôi đi bộ ra ngoài bãi Nổi với ý định được một lần ngồi trầm ngâm trên bậc đá bến Trần Gian ngắm cảnh sông Nguồn. Lúc này trời đã nửa chiều mùa hạ. Nắng đã nhạt, nhưng chân trời phía bờ đối diện, một quầng mây óng ả ráng mỡ gà hắt ánh vàng rực rỡ lênh láng mặt sông Nguồn. Dòng sông vắng lặng. Gió lặng. Và sóng sông cũng không cất tiếng rì rầm như mọi buổi chiều hiu buồn thường nhật. Tôi bước lên một vạt đất cao hơn mặt ruộng chừng mấy tấc. Chỗ ấy còn mấy gờ đất sứt mẻ quây xung quanh, tôi ngờ đó là dấu tích bốn bức tường căn nhà một thời gia đình ông Cả Thư trú ngụ. Bà Thắm là  người cuối cùng ra vào quạnh vắng chốn này với niềm hi vọng không chút mỏi mòn được một ngày giang tay mừng đón một người lưu lạc xa xăm quay về.      

- Đây chính là chỗ gia đình tội nghiệp của tôi đã phập phồng sống, phập phồng đùm bọc nhau trong những ngày gia biến tày đình cậu ạ. 

Mải quay mặt ra sông, tôi không biết ông Cả Thư đã đứng sau tôi tự lúc nào. Ông lên tiếng với tôi hay với Sông Nguồn, hay với làn gió hiu hiu mà tôi có cảm giác trong lòng nó vẫn luôn phảng phất lưu dấu mùi vị quá khứ rất đắng cay, mà cũng rất lung linh hạnh phúc của ông? Đây là lần đầu tôi gặp ông. Đối diện tôi một khuôn mặt mặt vuông vức chữ điền, một  vóc người cao lớn đặc trưng của gia tộc Nguyễn Đoan. Đây chính là người con của làng Điềm đã tha hương gần hết đời người, đã đi quá nửa vòng trái đất vẫn hằng khao khát ngày về để được chiều chiều lặng đứng cúi mái đầu hoa râm, thì thầm bao nông nỗi nổi chìm trước con sông Nguồn quê mẹ đó sao! Ông bảo ông cũng ngang ngang tuổi chú tôi. Thoáng chút ngạc nhiên, tôi kín đáo quan sát ông, mái đầu hớt cua, bờm tóc phía trước dài chừng vài phân tạo thành một vành bán nguyệt dầy dặn và cứng cáp. Với bộ đồ ông mặc rất phù hợp với phọoc người, chiếc quần zin xám bạc, chiếc áo thun đồng màu xám bạc bó sát vào cặp đùi và bộ ngực nở nang, y chang hình ảnh cả tuần nay tôi tưởng tượng về ông Cả. Tôi chưa kịp chào hỏi, ông đã chủ động nắm chặt bàn tay tôi, vồn vã: Hồi nhỏ cha cậu cũng hao hao như cậu bây giờ. Ngày ấy chúng tôi cùng học cụ giáo Huỳnh. Sau này ở Hà Lan, thấy cha cậu vài lần xuất hiện trên truyền hình với vai trò tùy viên quân sự đại sứ quán, tôi muốn tìm đến nhận người làng, nhưng rồi mặc cảm thân phận lại thôi. Tôi thưa: Cha tôi mới nghỉ hưu. Hiện gia đình đang ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông tiếp lời: Thế là cậu cũng như tôi, hai giọt hồng cầu tìm về tim mẹ. Chiều nay mát mẻ quá, ta cùng tắm nhá. Nuy thôi. Được tắm nuy giữa sông Nguồn là ao ước cả đời tôi đấy.

Sông Nguồn đã lùi xa chừng dăm chục mét. Nhưng vẫn còn con lạch sâu ăn thông với bến Trần gian. Chúng tôi như hai con cá bơi giữa sông Nguồn. Chưa tới mùa nước lũ nên lòng sông trong vắt tưởng nhìn thấu đáy. Một già một trẻ chúng tôi thỏa sức vẫy vùng. Chợt nhớ một lần bà tôi đã nói: Phải tìm về ngâm mình tắm táp giữa sông Nguồn cháu mới trở nên sạch sẽ và nên người cứng cáp đáng bậc nam nhi làng Điềm cháu ạ. Phải chăng đây chính là giây phút thiêng liêng ấy, giây phút Thần sông ban phép  tẩy rửa và trao truyền cho chúng tôi thêm nghị lực sống, nghị lực làm người tử tế.

Khi hai chúng tôi cùng bơi trở lại bến Trần Gian, ngồi đối diện nhau trên hai bậc đá xanh rêu, Ông Cả Thư trầm ngâm tâm sự: Có mấy chuyện cả làng Điềm chưa ai được biết, bây giờ tôi muốn bộc bạch cùng với cậu: Cái anh phó cối ấy, thực ra cũng là người rất đáng thương. Năm Cải cách ruộng đất, được dựng lên làm chủ nhiệm Nông Hội làng, không biết một chữ, chỉ giỏi một nghề đóng cối, ăn nói phập phào lập cập thì làm sao đảm đương được việc làng. Bởi vậy phó cối lại hoàn anh Cối Ơ. Con người ta nghĩ cũng kỳ, chắc nghĩ mình đã từng đứng đầu một đoàn thể, về làm dân lại lặc lè quẩy đôi bồ đóng cối thuê ăn cơm thiên hạ thì xấu hổ lắm, nên anh Cối Ơ ngày ngày la cà đây đó, bán luôn mấy gian nhà được chia quả thực lấy tiền rượu chè. Tới  lúc nhẵn túi  thì mò về van lạy chị Thắm cho ở ké. Vài tháng sau đổ bệnh lăn đùng ra chết. Hôm ấy chị Thắm bảo tôi: Dù là người thế nào thì khi sang thế giới khác cũng phải tẩy rửa cho anh ấy sạch sẽ một chút. Chị nhờ tôi phụ việc tắm táp lau chùi, thay cho anh phó bộ quần áo mới. Đến lúc ấy tôi mới biết anh ấy chẳng phải đàn ông, cũng chẳng phải đàn bà. Sau này chị Thắm thú thực với tôi, mấy năm làm vợ anh Cối Ơ, đêm đêm cực khổ thế nào. Đời người con gái hơ hớ xinh, chẳng thiếu trai làng vạm vỡ ước ao, mang tiếng có chồng bao năm, chị Thắm vẫn còn trinh trắng. Lát nữa tôi sẽ dẫn cậu đến thăm mộ chị Thắm. Đang ở cuối cánh bãi này thôi, từ hôm về làng, tôi đã ngồi một mình thầm khóc hàng giờ bên nấm đất đã bao năm nay ấp ủ con người xấu số, cả đời cam chịu nhiều đau đớn ấy.

Kể đến đây, ông làm một cử chỉ khoát nhẹ cánh tay tỏ ý khép lại những hồi ức đau lòng. Tôi chỉ biết tỏ ra tôn trọng những phút giây hồi tưởng của ông bằng cách cúi đầu im lặng. Cứ tưởng ông sẽ đứng lên xòe tay tạm biệt. Nhưng ông thoắt chỏ về phía gốc sung sau gáy tôi rồi trầm giọng: Cậu có thấy nó khác thường không? Nghe nói cậu học khoa Sinh, chắc cậu đã có ít nhiều để ý. Cây sung này do cụ Tổ tôi trồng đấy. Tuổi nó chắc chắn gấp hai lần tuổi các cụ cao niên nhất làng mình. Nó đã hứng chịu gần hai trăm năm vật vã bão giông, nắng hạn rồi. Cậu nhìn đi, từ gốc tới cành, tới xùm xòa tán lá không hề xuất hiện một chút dấu hiệu lão hóa nào. Từng phiến lá cứ như láng mỡ. Từng khoanh vỏ cây từ gốc tới ngọn không một chút xù xì, khúc nào cũng mịn màng, cũng mòng mọng tựa da thịt trẻ thơ bụ sữa. Đặc biệt, cậu thấy không, những chùm quả chen nhau quanh gốc, chiu chít trên cành kia, cái màu xanh của nó cứ biêng biếc như ngọc bích ấy, với chúng tôi nó là vưu vật của đất trời đã hào phóng ban cho trong những ngày đói kém. Sau ngày cha mẹ tôi qua đời, Trên bãi bồi này, chị Thắm và tôi chỉ còn ba sào ruộng. Năm hạn hán, năm sâu bệnh mất mùa, sản vật vắt ra từ đất, dù hai chị em tôi quần quật, cần cù vẫn chẳng thể nào no đủ. Những chùm sung tràn trề sữa trắng kia đã cho chúng tôi hồng da thắm thịt. Nghĩ thật khó hiểu, bữa ăn của chúng tôi, gạo thì phải chia ra dè xẻn, bù vào được thả sức ngốn hàng rổ quả sung xanh. Vậy mà chả thằng bạn học nào có chiều cao chạm dái tai tôi. Chưa kể chỉ một tay tôi có thể vật ngã lăn queo vài ba đứa. Còn chị Thắm thì mỗi ngày một đổi thay kỳ diệu. Đến độ đã âm ì lời đồn lan truyền suốt hai triền sông, ở bến Trần Gian có một nàng tiên nữ giáng trần. Khiến chị ấy phải khổ sở chống chọi với bao nhiêu tình huống dở cười dở khóc.

Khoảng hai năm sau ngày anh phó cối mất, chị Thắm hai mươi bốn tuổi, tôi mười sáu tuổi. Chả hiểu thần lực nào phù trợ mà tôi lớn phổng như chàng trai mười tám, đôi mươi và chị Thắm trở lại mỡ màng tươi thắm thời gái dậy thì. Ngày hai bữa, cơm trắng thì ít, sung xanh thì nhiều, vậy mà hai chị em tôi da thịt cứ nhuận thắm, cứ phây phây cựa quậy trong manh quần tấm áo chẳng lấy gì lành lặn. Đêm đêm nghe tiếng cựa mình, tôi biết chị cũng trăn trở khó ngủ như tôi. Có lẽ chảy trong huyết quản chị em tôi lúc ấy không phải là máu, mà là những dòng sữa sung non phừng phừng phồn thực, nóng bỏng và rạo rực dục tình. Hằng đêm, hễ ngả mình xuống chiếu là chỗ tôi nằm hừng hực lửa lò than. Lòng dạ cứ bổi hổi bồi hồi thôi thức tôi dứt bỏ mọi ngại ngần lễ giáo để chồm về bên chị Thắm. Có thể cũng bởi tại ba gian nhà nhỏ của chúng tôi chả lúc nào tan loãng cái mùi hương sao xuyến nồng nàn luôn ngai ngái tỏa ra từ làn da, mái tóc, từ khắp tấm thân trinh nữ luôn ở bên tôi, đã đánh thức trong tôi bừng bừng bản năng thiên nhiên một thuở hồng hoang nguyên thủy. 

Cho tới một đêm rằm tháng bẩy, trời đang trăng sao vằng vặc, sông Nguồn bỗng nổi cơn dông. Gió mạnh bốc tung một mảng mái nhà che chỗ tôi nằm. Rồi mưa sầm sầm đổ nước. Tôi co mình ngồi chịu trận. Trong bóng đêm, chị Thắm cùng ngồi co ro chờ mưa tạnh với tôi. Mà mưa gió thì cứ điên cuồng thổi qua mái thủng hắt vào người chúng tôi lạnh buốt chẳng biết đến lúc nào..

Ngày ấy vải vóc hiếm và đắt lắm. Để may được một bộ đồ tầm tầm tính ra cũng phải dăm chục ký thóc. Nên mỗi người chúng tôi chỉ sắm được một bộ lành, để chị Thắm mặc lúc ra ngoài hay tôi xỏ vào đi học. Về nhà lại cởi ra xếp ở đầu giường giữ cho lâu rách. Để tiết kiệm, lúc ở nhà, hay đi ngủ, tôi thường xuyên cởi trần, chị Thắm khoác tạm tấm yếm vải che qua trước ngực. Đêm mưa ấy tưởng như không bao giờ ngừng. Tôi lạnh run, chị Thắm cũng lạnh run lập cập. Mỗi cơn chớp giật lóe vào nhà, cả một mảng lưng trần trắng ngần của chị Thắm hiện ra mồn một. Tôi bảo: Chị về chỗ chị chưa bị dột nghỉ đi. Chị bảo tôi: Chị ngồi đây, em lại đấy mà ngủ tạm. Chị em tôi cứ nhường nhau một chỗ nằm cho đến khi cả hai ướt sũng nước mưa, chị khẽ thở dài: Thôi đừng câu nệ nữa, chị em mình cùng đến đấy nghỉ tạm đêm nay không thì cảm lạnh.

Hai chị em tôi cùng đắp chung một tấm chăn mỏng chẳng đủ che cơn gió lạnh. Dần dần chúng tôi xích lại tìm hơi ấm của nhau tự lúc nào. Dần dần người tôi nóng rực và da chị Thắm cũng như cục than hồng. Dần dần tôi ôm riết chị tự lúc nào và dưới bàn tay tôi, làn da chị cứ run rẩy rung động từng cơn sóng nhỏ. Đột nhiên chị chồm dậy giáng cho tôi một cái tát nảy đom đóm mắt. Tiếp theo chị hổn hển thiết tha: Đừng vậy em ơi! Chúng mình là chị em mà…

Như chợt tỉnh cơn mê, tôi giật mình xấu hổ. Tự nghĩ ngày mai mình còn mặt mũi nào nhìn chị nữa. càng nghĩ càng tự trách mình, tôi khẽ lách mình chạy ra ngoài bóng tối. Lúc này cơn mưa vừa tạnh, vừng trăng xanh lạnh lẽo tròn vành vạnh treo giữa đỉnh trời. Nghĩ rằng mình nên chết quách cho rồi, tôi cởi quần đặt vào bậc đá rồi nhảy lên cây sung nhảy tùm xuống nước. Nhưng mà nước cứ đẩy tôi lên, tôi bơi vào bờ và trèo lên ngọn sung nghĩ thêm cách khác. Áng chừng lúc lâu không thấy tôi vào nhà, lại nghe một tiếng nhảy ùm, chị Thắm cho là tôi nghĩ quẩn, chạy ra bến sông. Thấy mặt sông vắng lặng, lại thấy chiếc quần tôi để lại, chị òa khóc rồi cuống quýt chạy tới chạy lui tìm kiếm. Quẫn trí, chị cởi yếm lội xuống bến sông  mò ngang mò dọc. Chẳng thấy gì, chị bò lên bậc đá ngồi rũ rượi vừa khóc vừa kể lể: Thư ơi! Em ơi sống lại đi. Em chết rồi, chị sống làm sao được. Bây giờ em sống lại, chị không giữ nữa đâu, muốn gì chị cũng chiều. Hoàn cảnh nào mà chị chửa trải qua, rồi cũng sống được hết em ơi. Thương chị quá, tôi nhẹ nhàng tụt xuống và không chút ngại ngùng ôm chầm ngang lưng chị. Mừng rỡ chả để ý gì tới hiện trạng cả hai cùng đang khoả thân nồng nỗng, chị ôm cứng lấy tôi. Thế là, ngay trên bậc đá bến Trần gian mát rượi, hai chúng tôi, lúc này chỉ còn là hai tấm thân nguyên sơ thanh xuân hôi hổi,mà vồ vập vào nhau, cứ vậy mà tan hòa vào nhau chẳng kể gì trời cao sông rộng. Cho tới khi tôi cảm thấy bụng dưới co thắt đẩy một luồng sinh lực âm ấm chạy sang người chị, cùng lúc chị cong người rên rỉ: Thư ơi, em lấy mất đời con gái của chị rồi, tôi mới chợt ngộ ra đời mình đã lật sang trang sách mới. 

Chả nhớ chúng tôi đưa nhau vào nhà thế nào. Chỉ nhớ nằm gọn trong vòng tay tôi chị nói: Bằng linh cảm đàn bà, chị biết trong chị vừa có cái gì. Rồi mai đây chúng mình sẽ phải đương đầu với hoàn cảnh mới khủng khiếp lắm đây. Nhưng mà thây kệ. Đã là số phận rồi em ơi. Cùng lắm mình bỏ làng mà đi đâu đó. Chị không tin trời cao đất rộng này không có chỗ cho mình dung thân. Nói xong câu ấy, chị ngả đầu lên ngực tôi thở đều đều, tin cẩn đi vào giấc ngủ ngon lành.

Đến giây phút này tôi mới thực sự ý thức rằng mình vừa từ giã tuổi thơ mười sáu. Trên vai mình từ đây là gánh nặng trách nhiệm của một đấng nam nhi làng Điềm. Đêm ấy tôi nghĩ mung lung lắm. Trốn đi đâu bây giờ khi chúng tôi không có một đồng. Len lén nghiêng mình, tôi khẽ trở dậy bước ra bến sông. Nghĩ mãi cũng chỉ thấy tối mờ tối mịt, tôi chạy gằn về phía thượng nguồn, bắt gặp một con thuyền lớn bị cơn giông vừa rồi hất lên cạn đang hì hụi tìm cách đẩy xuống mớm nước sâu. Tôi sấn vào giúp một tay, có sức trai muời bẩy bẻ gẫy sừng bò góp vào, chỉ lát sau con thuyền đã bồng bềnh chao lắc. Cả bọn chạy ào lên thuyền, tôi cũng vô thức lên theo. Khi hai cánh buồm đã kéo lên rồi họ mới phát hiện ra, tôi năn nỉ xin cho theo một chuyến với hi vọng mong manh tìm thấy miền đất hứa rồi về dắt chị Thắm đi theo.  Ông chủ thuyền miễn cưỡng bằng lòng. Chẳng ngờ con thuyền ấy ngay chuyến ấy, theo hành trình giao hàng cho một đảo xa, bất ngờ gặp bão. Thuyền đắm. Số phận các thuyền viên khác tôi chẳng biết ra sao. Tôi may mắn ôm được tấm ván, lênh đênh đến ngày thứ năm thì được một tầu Hà Lan cứu sống.

Chuyện dài lắm. Bữa nào tôi kể tiếp cậu nghe. Chắc cậu đã nghe đồn, đúng vậy, hiện tôi được thừa kế của bố mẹ nuôi người Hà Lan một trang trại trồng hoa. Công việc kinh doanh đang thời phát đạt. Vì nhiều lý do, bốn chục năm tôi mới về được làng mình. Không dám nói chuộc lỗi với những người đã khuất, hậu quả tôi gây ra cho nỗi đau của họ dẫu quì lạy ngàn lần không đủ. Tôi chỉ nguyện bước đầu xin được chính quyền cấp phép và xin được các chủ ruộng đồng ý góp đất của mình cùng tôi đầu tư xây dựng cánh đồng bãi bồi này thành một trang trại trồng hoa theo mô hình trại hoa của tôi bên ấy. Nguồn tài chính và kỹ thuật thì tôi và ê kíp kỹ sư của tôi dư sức đảm đương. Các đầu mối xuất khẩu tôi nắm trong tay, dự án thành công là chắc chắn. Biết đâu cả làng Điềm mình sẽ chuyển đổi truyền thống canh nông, Một làng Điềm mới sẽ hình thành cậu ạ. Tôi muốn mời cậu về đây cộng tác, cậu nghĩ sao?

Tôi nắm chặt bàn tay ấm nóng của ông ngầm tỏ ý tán thành. Trong tôi lúc này, hình ảnh cái bãi bồi này và cả làng Điềm đang hiện lên những nhà kính, những luống hoa tươi thắm đủ màu thơm ngát. Từ đây nó sẽ bay đến nhiều nước non xa lạ với danh nghĩa Hoa làng Điềm, made in vietnam. Trước khi chia tay, ông chỉ cây sung nói nhỏ: Tôi có linh cảm dòng nhựa luân chuyển trên mỗi huyết mạch cây sung này đang mang một bí mật trường xuân nào đấy. Trong lòng sông Nguồn, dưới lòng sâu thẳm mạch đất làng Điềm hình như tự cổ đã mang nhiều bí ẩn cội nguồn bất tử cậu ạ. Còn bí mật này nữa, tôi kể nốt cho cậu biết, Đó là trước hôm bố tôi mất mấy ngày, chị Thắm và tôi xin phép được vào thăm ông, tôi nói: Họ sắp đưa bố ra xét xử đấy. Con lo lắm. Ông ôm tôi vào lòng trấn an: Bố tin tưởng chính phủ cụ Hồ. Sẽ không sao đâu. Lúc này như trời bị  chút mây bao phủ thôi. Rồi sẽ hửng nắng trở lại thôi con ạ. Nói rồi ông cởi tấm áo va rơi may bằng dạ màu cứt ngựa trao cho tôi, dặn đem về hai mẹ con làm chăn đắp cho ấm. Tấm áo ấy, chúng tôi dùng làm khăn liệm mẹ tôi nửa tháng sau đó. Suy ngẫm suốt mấy chục năm chầy, tôi tin niềm tin cuối đời của cha tôi đã đúng. Cũng như tôi luôn tôn trọng những quyết định đúng đắn  trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của Người. 

        5/3/2016                                                                 

 vbnhuy

 

 

 

 

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)