ĐI TÌM THỜI GIAN ĐÃ MẤT
(Ấn tượng về Khói đỏ, tiểu thuyết của Cầm Sơn,
Nxb Thanh niên, 2019)
NHÀ VĂN BÙI VIỆT THẮNG
1.Trong bản thảo lần đầu sau chuyến đi thực tế Bình Phước tháng 7-2018, tiểu thuyết có nhan đề Khoảng trời Nghĩa Đức. Nhà văn Cầm Sơn có nhờ các bạn văn (trong đó có tôi) đọc góp ý. Cẩn thận hơn, ông còn tổ chức một chuyến về Hưng Yên (quê gốc), gặp gỡ các văn nghệ sỹ ở Hội VHNT tỉnh nhà, với thiện ý bản thảo được chính những người ở quê hương “bảo hành”. Là người có thể nói theo sát quá trình viết Khói đỏ, tôi muốn có đôi lời chia sẻ với đông đảo bạn đọc về cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Cầm Sơn. Nhan đề mới này khúc chiết hơn, đa nghĩa hơn và gợi liên tưởng nhiều hơn dẫu cho chúng ta đã đọc đến dòng cuối tác phẩm. Cũng cần nói thêm một ý, khi ra mắt bạn đọc, cấu trúc của Khói đỏ đã thay đổi nhiều so với bản thảo lần một. Tác giả đã viết thêm chừng 50 trang tạo nên sự đầy đặn của tiểu thuyết, quan trọng hơn thay đổi kết cấu tuyến tính thành dạng thức xen kẽ quá khứ và hiện tại trong câu chuyện được kể.
NHÀ VĂN CẦM SƠN
Đề từ: “Khói đỏ” là tác phẩm thay nén tâm nhang của tác giả - trân quý, thành kính tri ân các anh hùng liệt sỹ qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp và chống Mỹ trên mảnh đất quê hương Hưng Yên yêu dấu!” (Cầm Sơn). Ai biết nhân thân thì mới hiểu được chân tơ kẽ tóc lời Đề từ này của Khói đỏ, cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Cầm Sơn. Trong chuyến đi thực tế Bình Phước năm 2018 của đoàn nhà văn Việt Nam, tôi có mặt và được nghe câu chuyện nhà văn Cầm Sơn đi tìm cha có thật mười mươi, xúc động và là “bột”, là “cốt” để tác giả cấu trúc tác phẩm. Khói đỏ, nếu có thể nói, được viết nương tựa vào sự thật, nguyên mẫu người cha mà Cầm Sơn nếu có hồi ức lại thì cũng đôi khi không thật rõ ràng đường nét, dung nhan, thần thái, cá tính, vì ông mất sớm, lại nơi xứ người, trong thời tao loạn của chiến tranh, giặc giã. Nhưng nếu nhà văn chỉ ỷ lại, tựa vào sự thật mười mươi thì nghĩa của hai chữ tiểu thuyết sẽ giảm thiểu rất nhiều (tôi vẫn thích cách định nghĩa “tiểu thuyết là một câu chuyện bịa y như thật”). Bình thường người ta hay nói đến khói đen của đám cháy, hay khói trắng của các ống khói nhà máy. Khói đỏ là một biểu tượng kép. Đỏ biểu trưng cho cách mạng, máu đổ, hy sinh, màu cờ chiến thắng, cay đắng và ngọt ngào, vinh quang và khổ nạn. Khói đỏ là một tập hợp biểu tượng, trộn lẫn bi/ hùng, được/ mất, hủy diệt/ sinh thành.
Bạn đọc theo dõi câu chuyện được kể không chỉ biết thêm nhiều “chuyện” hay (có cả sự gây cấn, ly kỳ, hồi hộp của các cảnh như chuyện trinh thám), nhưng đằng sau các sự kiện là con người, là số phận, là kiếp người không ai giống ai. Cho nên không ngẫu nhiên mà phần III tiểu thuyết có tựa là “Phận người”. Những ngày hạnh phúc nhất của Thúy là được sống bên Ký Khải và họ có đứa con trai tên Nguyễn Xuân Hoàn. Nhưng rồi Ký Khải đột ngột mất tích (!?), khi con trai chưa đầy một tuổi. Thúy và con trai cùng mẹ con chị Hải sau hòa bình 1954 kéo nhau về quê. Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dứa, lại gặp Lê Khanh, tên có máu nhóm 4. Thúy lại phải tìm cách né tránh, bảo vệ mình, sau khi con trai đi bộ đội thì chị lên Sơn Tây sống mai danh ẩn tích. Nguyễn Xuân Hoàn vào chiến trường, chiến đấu và hi sinh anh dũng.
Tiểu thuyết Khói đỏ kết thúc bằng cảnh bà Thúy gặp gỡ mẹ con dì Nam Khải (người vợ chính thức thứ hai của Ký Khải, tức lê Đông). Tâm nguyện cả đời bà Thúy được đền đáp, thủ tục cho người yêu/ người chồng không hôn thú của mình đã hoàn thành: “Danh tính của Ký Khải hay còn gọi là Lê Đông đã được xác định. Đó là Liệt sỹ, Đại tá tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Xuân Khải, sinh năm 1922, nguyên quán thôn Nghĩa Đức, Xã Cựu Ước, huyện Mỹ Giang, tỉnh Hưng Hà. Ông còn được Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất” (tr. 291).
Hà Nội, tháng tri ân, 7-2019
TRONG CUỐN "BẠN VĂN LÁNG HẠ" NXB DÂN TRÍ 2023
Người gửi / điện thoại