TRONG KHU VƯỜN THƠ…
(Tản mạn về Kiến Con, thơ của Nguyễn Tùng Minh, NXB Hội Nhà văn, 2017)
BÙI VIỆT THẮNG
- Một lần tao ngộ văn chương ai đó nói một ý, theo tôi là đáng quan tâm, viết cho trẻ thơ muốn hay, phải ở độ chín của ngòi bút. Vận vào trường hợp Nguyễn Tùng Minh, tôi thấy đúng. Năm nay ông bước vào tuổi sáu mươi. Đã lên ông lên bà. Đã sở hữu bốn tập thơ (Đèo Cón, Trăng Từng, Làng Bợ, Kiến Con). Tôi chỉ có cơ hội đọc được hai tập thơ ra mắt liền kề sau cùng của ông. Nhưng đã cảm nhận được một tâm hồn thơ trong veo, thánh thiện, đặc biệt qua tập thơ còn thơm mùi mực – Kiến Con. Người ta vẫn kêu ca về sự thiếu và yếu của văn học thiếu nhi hiện nay. Nguyên nhân thì rất nhiều. Nhưng cái căn cốt ai cũng biết, chỉ…một người không biết! Đó là tấm lòng của người viết. Tôi nghĩ, viết cho thiếu nhi, với nhà văn, là một sự tuẫn tiết nghề nghiệp. Tôi cứ bâng khuâng khi cầm cuốn sách thơ rất đẹp - Kiến Con - đẹp cả về nội dung và hình thức, mà tác giả Nguyễn Tùng Minh tặng nhân chuyến đi thực tế của đoàn nhà văn thuộc Ban Văn học Công nhân (Hội Nhà văn Việt Nam) đến miền rừng Thanh Sơn, Phú Thọ. Và cái ý niệm “Thơ là quà tặng” lại trỗi lên. Vâng! Thơ viết ra chỉ để tặng. Không hề ngẫu nhiên khi gần đây tôi quan tâm đọc các tác phẩm văn, thơ viết cho thiếu nhi. Vì tôi cũng lên chức ông đã hơn mười năm nay. Đọc để tìm sách cho cháu đọc. Ở phía Bắc vừa qua tôi tìm thấy những cuốn sách quý của các nhà văn Phạm Việt Long, Lê Hồng Thiện, Lê Phương Liên, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Đức Quang, Thùy Dương…Và bây giờ là Nguyễn Tùng Minh - một người thơ quê hương Đất Tổ.
- Về hình thức (sẽ có người đặt câu hỏi vì sao lại đặt ra vấn đề hình thức) Kiến Con là tác phẩm thơ - tranh (cũng như có loại truyện - tranh đang rất phổ biến, hút hồn trẻ nhỏ). Lâu nay trong đời sống chúng ta quá chú trọng hình thức (nhất là giới nữ), nhưng trong nghệ thuật ngôn từ thì hình thức đang ở cực đoan này hoặc khác. Một phái thì “si mê’ Hậu hiện đại, Hậu thực dân, Phân tâm học, Nữ quyền luận, Cấu trúc luận… mà thực tế chỉ rõ là, phái này “ăn sống nuốt tươi” lý thuyết ngoại nhập. Một phái thì mang tiếng “bảo thủ”, chỉ chăm chú tìm về cội nguồn truyền thống (đôi lúc họ mang tiếng là “hủ nho”). Nhưng xin thưa, không phải là hình thức thuần túy khi chúng tôi bàn về trường hợp Kiến Con nói riêng, rộng ra cho cả sáng tác văn chương, nói chung. Chúng ta hay tách bạch, rạch ròi giữa nội dung và hình thức. Theo phép biện chứng thì “hình thức chính là biểu hiện của nội dung và ngược lại”. Gần đây có một chuyên gia người Pháp đến Việt Nam và đang xây dựng một đề án khoa học: Viết một thiên lịch sử Việt Nam hiện đại bằng... âm thanh (Đài Truyền hình Việt Nam đã giới thiệu). Đúng là “ngạc nhiên chưa?!”. Năm mươi tư (54) bài thơ là năm mươi tư (54) bức tranh sinh động, đa hương sắc và đường nét, có cả mùi vị đời sống (không phải là 55 bài như trong Lời giới thiệu của Minh Châu in đầu sách). Không phải là minh họa thường tình như ở các báo, tạp chí khác mà chúng ta từng trải nghiệm. Tranh ở đây là chữ. Chữ ở đây là tranh. Hai trong một. Hồn cốt đan quyện, chan hòa, soi chiếu, nâng đỡ nhau, cùng phát lộ chủ đề tư tưởng, cùng bộc bạch tình cảm. Và cuối cùng nâng cao hiệu quả thẩm mỹ. Tôi thích những bài thơ - tranh như: Trâu lá mít (tr.26), Ếch học bài (tr. 40), Xe mo cau (tr,.45), Chơi hú hòa (tr.53), Mẹ phơi thóc (tr.65), Đây là những thơ - tranh - vẽ, thường sinh động hơn những thơ - tranh - ảnh (ví dụ Cái nắng, tr.68; Chơi với bóng mình, tr.58). Cũng rất tốt, theo tôi, trong tập thơ Kiến Con, phần tranh - vẽ nhiều hơn, trội hơn tranh - ảnh. Tôi không rành về hội họa, nhưng trong mỹ cảm của mình nhận thấy màu sắc của tranh rực rỡ nhưng không chói gắt, giản dị nhưng không thô sơ, thông thoáng nhưng không rời rạc. Tỉ lệ giữa chữ và tranh (ảnh) cân đối hài hòa, không chồng lấn, xâm thực nhau. Có thể tác giả Nguyễn Tùng Minh có ý thức/hoặc không, nhưng riêng tôi thấy hiệu quả nhỡn tiền của cách làm thơ này. Nó đi vào lòng độc giả nhỏ tuổi một cách dễ dàng, nó neo giữ vững bền ý thơ, hình ảnh thơ không chỉ bằng câu chữ (đã đành), mà còn bằng cả ấn tượng của thị giác. Liệu có thể gọi đây là thơ – thị giác? Tại sao không?!
- Cái Đẹp là sự giản dị. Những áng thơ của tác giả Nguyễn Tùng Minh dâng tặng trẻ thơ thật giản dị, chân phương, chân thành. Tôi gọi đó là “thi pháp chân thành”. Một thế giới (tự nhiên và xã hội) gần gũi, sinh sắc mở ra trước mắt trẻ thơ. Tác giả, tôi dám chắc, là người rất biện chứng, luôn chú ý đến nguyên tắc của nhận thức là “từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng”. Ông không nói những điều xa xôi, không tưởng, thậm chí “xa xỉ” với trẻ thơ. Bắt đầu từ trong nhà (ông bà, cha mẹ, anh chị em và những đồ vật quen thuộc), rồi ra ngõ (làng xóm, người thân, cây cối), rồi đến trường lớp (cô giáo, bạn bè, sách vở), rồi lớn dần lên cùng xã hội (biển đảo, cương giới đất nước…). Đặc biệt thế giới trẻ thơ gắn với thế giới đồ vật và con vật. Ngày nay thì trẻ thơ gắn với đồ vật nhiều hơn con vật. Từ nhỏ các cháu đã làm quen với máy điện thoại di động, với máy chơi điện tử, với các bộ xếp hình hiện đại. Nhưng với con vật, cây cối - một phần quan trọng của tự nhiên - thì rõ ràng còn ít. Tác giả Nguyễn Tùng Minh đã tình nguyện bổ sung vào bộ sưu tập của trẻ nhỏ những vần thơ, như là những trò chơi mới (trong đó thế giới tự nhiên được ưu tiên). Hãy đọc nhan đề những bài thơ sẽ thấy rõ nỗ lực của tác giả: Ông mặt trời, Cún con, Đom đom chúa, Đàn gà con, Kiến con, Mèo lười, Gà mẹ đếm con, Tập hiệu lệnh, Chuồn chuồn kim, Ếch học bài, Con trâu, Bê con, Cá cờ đi học…Những hiện tượng thiên nhiên phong phú cũng được “thơ hóa” khiến cho tâm hồn trẻ thơ rộng mở tiếp nhận như là những gì gần gũi, thân quen nhất. Đó là Mặt trời lười, Mây, Vầng trăng của bé, Vườn nhà ông, Nắng vui trung thu, Cái nắng, Vườn cây cảnh, Cọn nước, …Những trò chơi dân gian vốn tưởng như xa vời với trẻ nhỏ thời hiện đại đã được tác giả “kéo gần” lại, khiến các em như thể là người trong cuộc. Đó là Nu na nu nống, Chơi kéo co, Xe mo cau, Đêm trung thu, Múa rối, Bé chơi, Trâu lá mít, Chơi với bóng mình, Chơi hú hòa…Những trò chơi hiện đại được phổ biến trên giải rộng như Xem xiếc, Xếp đồ chơi, Chơi thể thao, Ru búp bê, Bé chơi, Tập vẽ…cũng được dân gian hóa, dân dã hóa. Với trẻ thơ thì phương pháp “học mà chơi chơi mà học” là rất quan trọng. Lâu nay phương pháp giáo dục có tính “nhồi nhét” của chúng ta đã khiến trẻ nhỏ bị đánh cắp tuổi thơ. Ông bà, bố mẹ, anh chị, người lớn quá kỳ vọng (vì hiếu danh) vào con cháu nên ngộ nhận là học, học nữa, học mãi thì thành người…lớn. Trong khi quên mất rằng “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”! Tôi không biết tác giả Nguyễn Tùng Minh có qua trường lớp, bài bản Sư phạm hay không, nhưng thực tế làm thơ đã chứng minh ông là người rất Sư phạm, rất tâm lí, rất thực tiễn. Tác giả đóng vai “Ông” khi viết thơ cho trẻ nhỏ. Hơn thế đóng vai người bạn đường tâm giao với trẻ thơ (cùng chơi, cùng học, cùng ngủ và cùng …tưởng tượng). Không biết tôi nhận xét có đúng không?!
- Nhưng nói gì thì nói, cuối cùng vẫn phải đi vào trọng tâm vấn đề - thơ. Nói đến thơ là phải nói đến cảm xúc, cấu tứ, nhịp điệu, giọng điệu và câu chữ (vì văn chương là nghệ thuật ngôn từ). Đọc Kiến Con, tôi thấy tác giả Nguyễn Tùng Minh đã thực sự cầu thị khi tìm con đường ngắn nhất đến với trẻ nhỏ bằng thơ. Vậy đó là con đường nào? Tôi nghĩ, đó là con đường của folklore. Năm mươi tư (54) bài thơ nhuốm đủ màu sắc của ca dao, đồng dao, đồng thoại, cổ tích, ngụ ngôn…Dù kể bằng cách nào, dù tả bằng cách nào, dù “bịa” đến đâu thì cuối cùng tác giả cũng chỉ chăm chú tới cái mục đích duy nhất - dẫn trẻ thơ vào vườn thơ, vào vương quốc của cái Đẹp (giống như cách nói của người Ý: “Mọi nẻo đường đều dẫn đến Roma”, còn người Pháp thì không thua kém: “Mọi nẻo đường đều dẫn đến Eiffel”). Đọc thơ Nguyễn Tùng Minh trong tập Kiến Con, thấy ông đã có ý thức lao động nghệ thuật/chữ nghĩa. Khác với viết theo nghĩa thông thường. Xin nêu một ví dụ. Bài thơ Mẹ em (tr. 34-35). Cấu tứ không có gì phát hiện (vẫn là nói về công lao sinh thành và nuôi dưỡng của Mẹ với con cái, vẫn là nói về đức tính hay lam hay làm, tần tảo sớm tối của Mẹ). Mấy câu thơ kết, theo cảm nhận của tôi, khiến bài thơ nặng trĩu tình cảm: “Mặt trời xuống núi/Màn đêm nhọ nhem/Mẹ về nón đội/Như vầng trăng lên”. Đó có thể là một đêm không trăng không sao, nên màn đêm mới nhọ nhem như vậy. Vậy mà khi Mẹ xuất hiện với vành nón trắng nghiêng nghiêng quen thuộc thì, bỗng nhiên trời đất như sáng bừng lên. Cái nón trắng bây giờ hiển hiện như một vầng trăng - sáng ngời, trong veo, thanh tịnh, gợi cảm, gần gũi, thân thương. Đối sánh hai gam màu sáng - tối, vốn là tuần hoàn tự nhiên, mà ra lòng người, tình người. Viết như vậy há chẳng phải là “ý tại ngôn ngoại” như một đặc trưng cố hữu của thi ca hay sao?!
Viết cho trẻ thơ câu chữ không thể dài dòng. Phải để cho trẻ thơ dễ đọc, dễ nhớ và từ đó yêu thích thơ. Câu chữ, vì thế phải ngắn gọn, tinh giản, có sức mạnh của sự bùng nổ (kiệm chữ, giàu ý). Thơ của Nguyễn Tùng Minh trong tập Kiến Con thường ngắn. Ông lựa chọn thể thơ 3 chữ (1 bài), 4 chữ (17 bài), 5 chữ (29 bài), 6 chữ (6 bài), phối hợp ngắn dài (1 bài). Đó là cách “đếm” có vẻ như rất thủ công của tôi. Viết ngắn là một nghệ thuật. Viết ngắn không phải là sự thiếu hụt ý tứ và ngôn từ. Một nhà văn lớn thế giới đã nói, đại ý, tôi không có thời gian để viết ngắn! Cái vốn folklore (đồng dao, đồng thoại, ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ, tiếu lâm, ngụ ngôn…) có thể giúp người sáng tác nhiều kinh nghiệm bổ ích trong sự viết. Một kinh nghiêm quý báu mà đa số các nhà văn trẻ ngày nay thường chối từ khi sáng tác.
Câu chữ cũng như giọng điệu phải phù hợp là điều kiện tối cần thiết khi viết cho trẻ nhỏ. Các em/cháu không thích và không hợp với giọng “lên gân”, hay “triết lý vặt”. Rất may mắn cho độc giả tí hon và cả có tuổi, khi đọc Kiến Con, thấy chan hòa một giọng thủ thỉ, tâm tình, chân thành, chia sẻ, tri âm tri kỷ. Nói cách khác là một giọng ấm cúng của Ông kể cho cháu nghe. Giọng của người thân nói với người thân. Tuy nhiên, Kiến Con tuy là tập thơ dẫu có nhiều thành công, vẫn còn đôi ba hạt sạn. Chẳng hạn, bài thơ Những em bé ở đảo: “Không đất nước nào như đất nước tôi/Những em bé lớn lên ở đảo/Đều thích khoác trên mình chiếc áo/Như chú hải quân tý hon…/Gặp các em những búp măng non/Tôi tìm thấy trong tâm hồn thơ trẻ/Tình yêu biển ngời lên mạnh mẽ/Trên trang phục các em vẫn mặc mỗi ngày/Ngắm bức tranh/các em vẽ hôm nay/Những con tầu/ra ngư trường đánh cá/ Cờ đỏ sao vàng/tung bay đẹp quá/Rất thân quen/mà bừng sáng đất trời” (tr.38). Tôi có cảm giác viết bài thơ này tác giả có vẻ như hơi “kiễng chân”, hơi “rướn” lên quá mức cần thiết (cả về ý tứ, câu chữ, hình ảnh). Lại nữa, phép so sánh là rất hữu hiệu khi tả cảnh, tả tình, tả người. Nhưng khi so sánh ông với…mèo, thì e chưa hợp tình, hợp lí, như trong bài thơ Mèo già hơn ông (tr.71). Có cái gì đó gai gai, ngậm ngùi, thương thương … người ông khi đọc (dẫu rằng tôi tuổi Mão!?). Hãy đọc lại bài thơ rất ngắn này để xem sự so sánh đã đắc dụng chưa: “Sao tóc ông lấm tấm/Sợi trắng lẫn sợi đen/Vì ông già rồi đấy/Tóc bạc theo thời gian/Thế con mèo khoang trắng/Nó cũng già như ông”. Thêm nữa bài thơ Văn tả ông (tr.73) cũng có cái hơi hướng tồi tội khi người ông hiện lên, dẫu là hiện thực nhưng se sắt quá: “Mặt ông dài thườn thượt/Lên tới tận đỉnh đầu/Bao nhiêu tóc mọc ngược/Ông lại gọi là râu/ Khi ông cười toàn lợi/Chẳng thấy răng ở đâu/Để bây giờ bị sâu…/ Má ông em tóp lại/Môi ngậm vào trong mồm/Nếp nhăn như gà bới/Giọng nói hơi ồm ồm/Ông hay ngắm ảnh cũ/Ngón tay gầy vân vê…”. Ấy là theo ý tôi. Cũng không có gì lạ, khi trong một tập thơ có đến 54 bài mà “chẻ sợi tóc làm tư”, tìm ra được vài “hạt sạn” nho nhỏ như thế. Âu cũng là thường tình. Vả chăng, cái Đẹp cũng không phải là một khái niệm luôn hoàn mĩ, tuyệt đối. Thậm chí có người còn cho rằng, đôi khi cái Đẹp lại là sự hao khuyết, thậm chí ngả nghiêng đôi chút nếu cần thiết, đâu cứ phải cân đối, hoàn chỉnh, trăm phần trăm (tháp nghiêng Pizza/Pisa, là một ví dụ). Nhưng mà thôi, nói như cổ nhân thì “đại đồng tiểu dị”. Đành lòng vậy cầm lòng vậy. Lại vẫn cổ nhân nói: “Có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ”. Xét cho cùng và công bằng thì, tập thơ Kiến Con của tác giả Nguyễn Tùng Minh có cả hoa, có cả nụ đấy chứ! Tôi nói thế, không biết có đúng?! Xin được tác giả và độc giả rộng lượng!
Hà Nội, tháng Hai, năm 2017