bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 27
Trong ngày: 674
Trong tuần: 1387
Lượt truy cập: 774511

CÁI THỚT SƠN SON

CÁI THỚT SƠN SON

            TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI

                                                                                        nh_v_thin_khi_1       

 

 

           


Những ngày nghỉ hè ở làng Điềm, tôi vẫn  duy trì thói quen thức dậy lúc mặt trời chưa mọc như mấy năm ở ký túc xá sinh viên. Mỗi sáng tôi thích thú chạy một vòng từ nhà chú tôi, qua cổng làng, qua cánh đồng thơm ngát hương lúa trổ đòng rồi dẫm đôi bàn chân trần lên mặt cỏ bờ đê mát rượi. Mặt sông Nguồn phẳng lặng dường như còn mơ màng dưới tấm chăn sương mòng mọng màu sữa loãng. Tiết trời đang độ vào thu, quang cảnh làng quê từa tựa bức tranh thuỷ mạc nét bút mảnh mai. Gợi buồn. Sau mấy phút hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành, tôi chầm chậm quay về, lần nào cũng gặp một ông già người làng, hơi điên điên nhưng rất hiền, lặng lẽ đứng xo vai cạnh gốc đa bên ngoài cổng hậu. Mặt ông luôn hướng phía bờ sông. Bữa nay có thêm chiếc taxi mầu vàng đậu gần đấy. Cạnh ông già, tôi nhận ra bà Việt kiều đã đến chào chú tôi hôm trước đang ôm ghì hai vai ông nức nở: Tha lỗi cho em, tha lỗi cho em. Chỉ vì em mà anh tàn tạ cả một đời người. Thấy tôi thình lình xuất hiện, bà dúi vội vào túi ngực ông một chiếc phong bì, nói thêm: Anh nhận lấy để cháu gái có thêm chút chăm nom anh lúc tuổi già. Rồi bà bước vội lên chiếc xe đang mở cửa chờ. Chiếc xe lao vút về phía bờ sông phả mùi khen khét vào bầu không khí thoang thoảng mùi sương và mùi hoa dại. Chiếc Taxi vừa khuất bóng, ông già hờ hững rút chiếc phong bì màu hồng ném tung lên trời, toé ra một nắm tiền giấy xanh xanh lả tả rơi xuống cỏ. Hình như ông chẳng có cảm xúc gì, cứ bình thản như sự việc lúc nãy chưa hề xẩy ra. Vài hôm trước, đã một lần tôi dừng lại phác ra vài cử chỉ làm quen, nhưng ông lặng thinh. Sớm nay, tôi cố ý đứng ngay trước mặt, ông vẫn đứng như ông phỗng nhe hai hàm răng cửa còn nguyên vẹn cười không thành tiếng, lòng bàn tay nọ xoa nhè nhẹ lưng bàn tay kia một lúc, rồi đổi tay trên xuống dưới, lại xoa xoa cùng nhịp điệu ấy. Động tác không sai lệch. Hôm nào cũng giống hôm nào. Chỉ khi nào trời nổi gió, thì bộ râu xùm xoà  trắng xoá không cắt tỉa của ông bay loã xoã như cỏ rối quanh khuôn mặt hốc hác tiều tụy già trước tuổi. Còn đôi mắt thì chẳng bao giờ khác đi vẻ vô hồn lạnh giá. Sáng nay khác với mọi lần, tôi nắm khuỷu tay dắt ông đi, ông im lặng bước theo. Tới cổng nhà em gái ông, tôi gọi: Bà Thắm, bà Thắm. Không ngờ ông cúi người đưa cả hai bàn tay chụp lấy vai tôi rồi thốt lên mấy lời nhẹ như gió thoảng: Cảm ơn cháu. Tôi với cha cháu xưa là bạn thân nhau lắm.

Ông già ấy tên là Thơ Hiên, con trai độc nhất của cụ lý Cỏn. Cụ Lý đã mất cách nay lâu lắm rồi. Còn bà già Việt kiều ấy là cô Vẽ con gái ông Khán Sơn, sau đổi thành cô Hồng Vóc. Từ mối quan hệ éo le của hai người, mấy mươi năm trước đã sinh ra bao nhiêu thù oán, quá đỗi độc ác, quá đỗi thương tâm. Đến nay vẫn còn hằn sâu trong ký ức mấy thế hệ người làng Điềm.

Có thể câu chuyện này khởi nguồn từ cái buổi làng Điềm có đám ăn khao của một phú ông mua được cái hàm Cửu phẩm. Ông ta mổ bò đãi quan viên hàng tổng. Theo lệ, anh khán Mới có bổn phận phục địch phần dao thớt, cỗ bàn. Trong bữa ăn hôm ấy, tự dưng ông lý Cỏn nổi hứng lè nhè gọi: Ê… Khán Mới! Chạy đâu kiếm ít bông Thiên lý về xào lòng bò mày. Phi thiên lý lòng bò bất thành đại tiệc các cụ ạ. Sau tiếng dạ thật to, khán Mới cun cút chạy đi. Lát sau, anh ta lật đật bưng nửa rổ bông Thiên lý hoe vàng chạy vào bếp. Chưa ra tay nổi lửa xào nấu, Khán Mới đã ngả người ngã uỵch. Chỉ kịp giơ mu bàn tay nổi lên một chấm đỏ bầm, méo xệch miệng ú ớ: Có con gì mổ nghe đau nhói. Rồi cấm khẩu. Cụ lang Hiềm trong đám thực khách bỏ đũa chạy đến cầm bàn tay khán Mới xem kỹ, lắc đầu: Bị rắn lục leo giàn thiên lý cắn rồi. Nọc độc chạy vào tim rồi.Vô phương cứu chữa. Lúc ấy anh khán Mới đã xanh xám mặt mày, hai mép đùn ra hai cục bọt hồng hồng.

Khán Mới tức tưởi chết rồi, Đụng việc làng, cánh lý dịch đâm ra lúng túng như gà vướng tóc. Riêng cái việc vác mõ đi rao khắp hang cùng ngõ hẻm: Chiềng quan viên làng nước… Quan trên sức về (hay cụ chánh, cụ phó truyền rằng) ngày mai mỗi nhà phải… đã chẳng thể cắt cử được ai thay khán Mới. Sai vợ khán Mới thì càng hỏng việc, bởi cái con mẹ nửa người nửa ngợm vụng về ba năm hai việc ấy, đến tấm chiếu giữa cửa đình cũng không biết giải cho thẳng thắn. Đừng nói việc tay dao tay thớt mổ lợn, chia phần. Thằng con thị còn cởi truồng ỉa trịn đầu hè thì biết làm gì. Lý Cỏn đã ép mấy tuần đinh thay khán Mới, anh nào cũng lắc đầu ngoay ngoảy, thà vác tù và thổi tí đu duới mưa gió đồng không mông quạnh còn hơn chịu tiếng làm thằng khán mõ. Xưa nay khán mõ vốn bị coi là hạng người không bằng cục đất dưới chân trâu, chân chó. Đã mang phận khán mõ, đình đám nào cũng chỉ ngồi một chiếu ngoài sân, ăn riêng một mâm, chẳng ai thèm chung chạ với. Đừng nói con cái họ, không kiếm được kẻ cùng cảnh thì khó lòng lấy được vợ, được chồng. Cha chết rồi, con cháu may mắn thoát kiếp mõ cũng vẫn là loài mõ khán. Định kiến nặng nề vậy nên đã mấy tháng nay, mỗi lần có lệnh quan sức về, cánh kỳ hào làng Điềm như đứng ngồi trên đống lửa.

Vừa may tinh mơ sớm ấy, trên đường làng Điềm xuất hiện một người đàn ông luống tuổi, quần áo nâu bạc vá víu chằng đụp, tay cắp chiếc thúng sơn son đã bạc màu, tay dắt thằng con trai chừng mươi tuổi. Thằng con trai dắt tay đứa con gái chừng bẩy, tám tuổi. Áng chừng họ là ba bố con một nhà đang trên đường lếch thếch kiếm ăn. Sau khi lễ phép hỏi thăm đường đến cổng nhà ông lý Cỏn, ông bố rụt rè gõ cổng. Được vời vào đứng trước hiên nhà, người bố gãi đầu gãi tai bẩm cụ lý cho làm chân rao mõ. Gãi đúng chỗ ngứa, Lý Cỏn ưng thuận liền. Hỏi tên, ông ta ậm à chưa kịp thưa, Lý Cỏn đã buông một câu: Anh cắp chiếc thúng sơn son, trong đựng cái thớt sơn son, cả  cái cán con dao móng  cũng sơn son nốt, độc đáo đấy. Thôi thì ta cho anh cái tên khán Sơn vậy. Còn hai đứa trẻ, bố Sơn, tất con trai là Phết, con gái là Vẽ. Đẹp đẽ cả nhà. Khán Sơn chỉ còn biết lập cập dạ dạ xin lĩnh ý cụ Lý.

Vậy là chỉ sau mấy phút thưa thưa bẩm bẩm, gia đình khán Sơn được nhận làm dân ngụ cư làng Điềm. Rẻo đất chó ỉa chừng gần sào ruộng sau mồ ông Đống cạnh con đường ra đồng vẫn bỏ hoang ở cuối làng, cụ lý sai tuần đinh dẫn Khán Sơn đến nhận làm nơi tá túc. Phải công nhận công việc rao mõ Khán Sơn mẫn cán hơn hẳn Khán Mới. Bất kể đêm hôm, dù mưa to gió lớn, hễ nghe ba tiếng trống phát ra từ điếm canh là Khán Sơn có mặt tức thì. Chỉ sau ít phút, tiếng rao cao vói rất đặc trưng của nhà mõ đã luồn lỏi khắp ngõ ngách làng Điềm. Công việc cỗ bàn giỗ chạp các nhà lý địch hay đình đám mổ gà, giết lợn cúng Thánh, ở đâu cũng có mặt cha con Khán Sơn cùng chiếc thúng sơn son, trong đó đựng hai món đồ nghề, cái thớt sơn son và con dao móng sắc lẻm cán sơn đỏ hỏn. Con lợn năm bẩy chục cân cũng chỉ một mình thằng Phết, nom bé con vậy mà đã đủ sức dùng hai tay đè cứng trên bệ cho bố thọc tiết trúng tim chết ngay tức khắc. Trong khi Khán Sơn cầm dao móng loang loáng như múa võ cạo lông, pha thịt nhanh như chớp, thằng Phết bưng rổ lòng nhanh nhẹn chạy ra bến sông, loáng cái đã bê về rổ ruột trắng bong, không vương vấn một chút mùi. Đến khi xong phần tế lễ, cha con Khán Sơn lại lĩnh việc chia xôi và thịt ra từng cỗ. Phải công nhận tay nghề Khán sơn không chê được chỗ nào. Theo lệ, quan viên hàng tổng, hàng giáp đã phân ra trên dưới thì hưởng lộc cũng nhiều ít theo thứ bậc. Đứng đầu hàng văn và hàng võ có mấy cụ được hưởng phần đầu con vật tế. Chia thủ lợn miếng nào cũng phải dính tí tai, tí mũi. Cỗ cụ nào thiếu tí ấy thì khán tác bị tạt tai liền. Đến chiếc đầu gà bé tí, chia năm, chia bẩy cũng phải có tí mỏ tí lưỡi các cụ mới vừa lòng. Khó vậy mà Khán Sơn cứ nhát một chém xuống đều tăm tắp chẳng sai một ly. Ấy vậy mà thi thoảng một vài miếng thịt ngon nhất vẫn bị nhảy từ mặt thớt sơn son rớt xuống đất. Hay là thi thoảng thái ra miếng nào chéo chéo ba cạnh, khán Sơn lại gõ thớt bảo con: Miếng ấy bẩn rồi, (hay) miếng này xấu quá, chớ để lẫn vào phần quan viên, ơ Phết. Được lời, thằng Phết cứ việc nhặt lên ném vào lòng chiếc thúng sơn son bên cạnh. Các cụ trông thấy hết. Nhưng ai lại hạ mình soi mói miếng thịt dính đất với thằng mõ. Một lần cụ quản Đĩnh đứng đầu hàng võ, ra mặt chửi khán Sơn thì mang tiếng ghen ăn với thằng mõ, bèn giở quẻ ngọt nhạt chửi ngầm: Khá khen cho tay dao thớt của anh điêu luyện, nhát nào ra nhát ấy. Thế đến anh là đời thứ mấy làm cái nghề này? Dạ bẩm cụ, đời thứ ba ạ. Dạ bẩm việc rao mõ hèn mọn đâu dám coi là nghề nghiệp ạ. Ờ, Ờ giỏi giỏi, dưng mà anh cũng đểu lắm đấy, cứ miếng nào to to, ngon ngon lại rơi xuống đất là sao? Dạ Bẩm cụ tại cái thớt nó nảy đấy ạ. Với lại mấy thứ dưới đất con không dám dâng lên quan ngài ạ. Xin các ngài tha tội. Nghe vậy cụ Quản chỉ còn biết vặc mấy tiếng tây bồi: Xà lù, mẹc, cái con mẹ nhà khán chúng mày. Các cụ được tiếng quan trên, nhưng phần cỗ cũng chỉ một tay xách nhẹ. Còn cha con Khán Sơn lễ mễ đội về chiếc thúng lưng lưng toàn những miếng ngon cùng những tảng xôi thừa thẽo to gấp mấy lần cỗ nhất. Các quan viên cỗ nhị, cỗ ba thì mười ông gộp lại cũng chẳng bằng.

Hôm ấy đội thúng xôi về tới nhà, thằng Phết ném phịch xuống đầu hè, đợi ông bố bỏm bẻm nhai miếng trầu lệu dệu bước tới giữa sân, nó xếch đôi mắt lác giằn dọng: Bỏ phứt cái làng thổ tả này, đi làm thuê ngoài tỉnh thôi bố. Chả mấy ngày bố không bị chửi, không phải cúi đầu bẩm bẩm báo báo. Nhục lắm. Khán Sơn có tí hơi men nhưng vẫn tỉnh táo: Mày im đi cho tao nhờ. Em gái mày còn nhỏ dại, không tiền không bạc, đi đâu? Nún nán mà sống con ạ.     

 Thường thì thu nhập hằng năm nhà Mõ trông vào hai vụ thu hoạch mùa màng của dân làng. Tới mùa, cha con Khán Sơn được phép ngày hai buổi quảy quang thúng tới từng chủ ruộng xin dăm gồi lúa. Lệ làng qui định vậy, nhưng lỡ anh mõ bốc thêm vài gồi lúa cũng chả ai đôi co với mõ. Nhờ vậy lương thực thu được, cha con Khán Sơn ăn cả năm không hết, bán đi cũng được tí tiền còm lận lưng. Tết đến, nhà nào trong làng Điềm cũng được Khán Sơn tới nhà, hai tay bưng chiếc bánh chưng với cơi giầu đến chúc gia chủ năm mới mạnh khoẻ, phát tài. Thành lệ rồi, chả nhà chủ nào nhận bánh của mõ, lại còn phải cho thêm chiếc bánh nhà mình, gọi là tí chút để cha con chú khán đem về ăn tết. Vậy là chiếc bánh chưng của khán quay đến nhà cuối cùng vẫn còn nguyên vẹn. Kết quả thằng Phết năm nào cũng lặc lè đội chiếc thúng sơn son đầy ự bánh chưng, năm nào phong đăng hòa cốc còn được đầy hai thúng. So với cái tết nhà nghèo, tết nhà khán Sơn ăn to hơn nhiều. Chả kể ngày tết, những ngày thường, cha con Khán Sơn cũng chưa bao giờ bị đói. Chỉ tội họ cứ phải giả vờ. Giả vờ mặc rách, giả vờ để nhà dột nát, giả vờ thấy cái gì cũng thèm. Nhà mõ mà sung túc hơn nhà dân thường thì khó bề yên thân. Nhờ ăn uống đầy đủ, Khán Sơn năm sáu chục tuổi rồi vẫn chẳng hom hem già lão, da thịt cứ đỏ au đẹp hơn hẳn các bô lão trong làng. Thằng Phết thì mỗi ngày mỗi lớn như thổi. Mỗi năm nó mỗi cao to nghễu nghện. Chỉ tội càng ra vẻ thanh niên, nó càng trở nên xấu xí. Từ cái miệng hô cá ngão đến đôi mắt lác, con nhìn đàng đông, con nhìn đàng tây, chả ai biết được nó nhìn vào đâu. Ai cũng bảo Khán Sơn biết thân phận nhũn nhặn vậy mà thằng con lòng trắng mắt cứ vằn lên những tia máu đỏ bầm như mắt quỷ. Mỗi lần gặp nó, cụ đồ Bích lại quay mặt thở dài.

Lai lịch nhà Khán Sơn mỗi người đồn mỗi vách. Nghe có lý hơn vẫn là chuyện vợ khán Sơn được trời cho dung nhan xinh đẹp khác thường. Đẹp đến nỗi viên cai tổng sở tại cầm lòng không được đã cưỡng hiếp chị ta mang thai. Uất ức, chị ta đã thắt cổ tự vẫn. Lo chân cất vợ xong, Khán Sơn nhẫn nhục dắt hai con trốn khỏi làng. Cứ trông vào đứa em gái thằng Phách bước lên tuổi dậy thì đẹp lồ lộ thì ai cũng phải tin lời đồn ấy là thật. Thuở ấy, hầu hết con gái làng Điềm lên tám chín tuổi đã được bà nội hay mẹ đẻ nhuộm cho hai hàm răng đen nhưng nhức. Riêng cái Vẽ chả có bà, có cô nào chỉ bảo, tới chừng mười tám đôi mươi hai hàm răng đều như hạt bắp vẫn còn trắng muốt như ngà như ngọc. Nhờ vậy, mỗi lần nó nở nụ cười cứ tuơi như hoa, làm ngẩn ngơ không ít gã trai làng mới lớn, Chả biết đến phấn son mà đôi má lúm đồng tiền cứ dậy hồng, đôi môi nó cứ mòng mọng như trái nhót. Vẻ đẹp trời cho ấy, có người nhận xét: Mấy trang quốc sắc tiến vua bên làng Diễm ngày xưa cũng chẳng ai bằng.

Nhà Lý Cỏn đã mấy đời nối nhau gánh vác việc làng. Đến cai tổng, tri huyện cũng phải đôi phần vì nể. Bà lý Cỏn sinh cho nhà chồng một trai và một gái thì qua đời. Năm ấy lý Cỏn còn rất trẻ. Từ đấy ông ta không tục huyền, để dành công sức vào việc nuôi con và đôn đốc việc làng. Đứa con gái  út của ông bằng tuổi cái Vẽ nhà Khán Sơn. Sau này Lý Cỏn gả cho anh khoá Thắm con trai cụ đồ Bích. Thơ Hiên và khoá Thắm học với nhau cùng lớp. Tới năm hai người cùng lấy được tấm bằng Sơ học yếu lược thì lý Cỏn bảo con trai: Nhà ta không có mả khoa bảng, con học vậy đủ chữ làm được chân thơ ký hộ lại rồi. Thơ Hiên ngoan ngoãn nghe lời. Mấy tháng sau, hội đồng kỳ hào làng bầu con lý Cỏn giữ chân thơ ký. Cùng năm ấy, cụ đồ Bích bảo con trai: Nhà ta chỉ hơn người mớ chữ thánh hiền, con gắng học lên cao hơn nữa cho rạng mặt tổ tông. Vâng lời cha, khoá Thắm theo tiếp bậc Cao Đẳng tiểu học trên tỉnh. Lấy được tấm bằng Séc ti phi ca đâu được nửa tháng, đột nhiên có tin Khoá Thắm bị chết đuối mất xác trên ngọn sông Nguồn. Gia đình cụ Đồ làm đám ma gió cho vợ Khoá Thắm đội tang chồng.

Trong đám tuần đinh làng Điềm, lý Cỏn vừa ý nhất anh trương Thọt. Anh ta đi cà nhắc chân dài chân ngắn nhưng nhanh nhẹn thư thỏ và cái mũi rình mò thính nhậy còn hơn mũi cáo.  Ba chục tuổi đầu rồi tuần Thọt chẳng lấy được ai. Nghĩ bị gái làng chê mình bởi cặp giò cà thọt, anh ta cố dướng đi cho thăng bằng, nhưng mỗi bước ngúc ngắc càng thêm nhấp nhô lúc lắc khiến các cô quay đi cười rũ. Chắc mẩm con gái nhà Khán Sơn thân phận điếm mõ ai thèm lấy, trương Thọt mò tới xin làm rể. Chẳng dè khán Sơn rút con dao móng nhọn hoắt chặt một nhát vào cột nhà chửi: Con gái tao chịu chết già cũng không đến lượt mày. Cút. Miếng thịt dê đâu để rơi vào mõm chó. Từ đấy trương Thọt để bụng thâm thù khán Sơn. Mỗi đêm vác tù và đi tuần quanh làng, thế nào anh ta cũng đảo qua nhà Khán Sơn mấy vòng. Biết đâu tóm được thằng nào thì thọt chim chuột con Vẽ thì biết tay ông. Một đêm nghe tiếng động lạ sau mồ ông Đống, hắn luồn đến lắng nghe và nhận ra tiếng người trong mơ của mình: Em trông cậy cả vào anh đấy. Chuyện này lộ ra thì chết cả hai anh ơi. Tiếng Thơ Hiên con trai Lý Cỏn: Hãy tin anh. Khi nào lo được ít tiền lận lưng, hai mình cùng trốn vào Nam kỳ, ở đấy anh tin là sống được. Nghe mà tức toát mồ hôi. Cả đêm ấy trương Thọt cay cú không thể nào chợp mắt.

Ít lâu sau, làng Điềm lan truyền bài vè: Khán Sơn Lý Cỏn thông gia. Môn đăng hộ đối thật là đẹp thay. Hai nhà kết ngãi từ nay. Khán Sơn Lý Cỏn mặt mày như hoa. Lý Cỏn tím mặt hỏi trương Thọt: Sự này ra sao? Thọt thưa: Ông hỏi con mới dám nói, cậu nhà vẫn thường đi lại với con Vẻ ra chiều nồng thắm lắm ạ. Về nhà, Lý Cỏn hầm hầm quát con:  Mày nghe bài vè lếu láo rồi chứ, đúng vậy không? Thơ Hiên thưa: Dạ đúng vậy ạ. Vậy là vớ chiếc ba toong, Lý Cỏn vụt tới tấp vào đầu, vào cổ thơ Hiên rồi nhốt con vào buồng khóa trái cửa lại. Ngay chiều hôm ấy, Lý cỏn đánh trống sai tuần lôi cổ Khán Sơn đến sân nhà mình. Khán Sơn sợ dúm dó: Bẩm cụ, sự ấy con không hề biết. Lý Cỏn quát: Thằng này láo, đũa mốc đòi chòi mâm son. Ông thì ông đánh cho mày chừa cái thói ngông cuồng ấy đi. Được lệnh, trương Thọt đè xấp Khán Sơn xuống mặt sân vụt tới tấp bằng chiếc thước gỗ lim hắn thường cắp nách đi tuần. Đòn thù giáng xuống thì trăm khán Sơn cũng thành cám. Hậu quả là Khán Sơn bị vỡ khớp xương cổ tay, giữ được mạng sống, nhưng năm ngón tay thành tật, co rút không cầm được mõ, không cầm được con dao móng cán sơn son ấy nữa. Thẳng Phết phải thay chân bố. Bây giờ thì hắn là Khán Phết. Đêm đêm hắn nhẫn nhịn cất tiếng rao: Chiềng quan viên làng nước… Cả làng Điềm chỉ có cụ Đồ Bích tinh ý nhận ra cái giọng uất ức căm hờn trong những tiếng rao cất lên từ bóng tối ấy. Và mỗi lần trông thấy những tia máu vằn đỏ trong mắt hắn, cụ lại khe khẽ thở dài.

Thơ Hiên bị giam trong buồng ba ngày liền, Lý Cỏn không cho ăn uống gì. Em gái anh bị trương Thọt canh ngặt không cho lai vãng, chỉ đứng xa xa nức nở: Anh ơi, anh còn sống không? Sang ngày thứ ba, Lý Cỏn mở cửa buồng, thấy con nằm mê man, người nóng hầm hập, hơi thở chỉ còn thoi thóp. Ông ta tá hỏa cho mời cụ lang Hiềm. Bắt mạch xong, cụ phán: Mạch chưa nguy, nhưng bị sang chấn vùng não nặng quá. Nguy cơ khó mà hồi phục. Lý Cỏn nhấc đầu con lên coi, thấy một vùng mái tóc sau gáy bê bết máu đã khô cứng. Từ đấy thơ Hiên mắc chứng tâm thần. Em gái đứng trước mặt cũng chả nhận ra. Suốt ngày anh ta khi cúi gằm đầu, khi ngửa mặt meo méo miệng cười không có tiếng. Đôi khi vừa cười vừa xoè bàn tay ngửa, bàn tay úp xoa xoa lên nhau đến nỗi da tay đõ nhỡn cũng chả biết đau.

Mấy năm ấy, làng Điềm đã nhốn nháo nhiều chuyện Việt Minh nổi lên chỗ nọ chỗ kia. Rồi một sớm cờ đỏ sao vàng phất phới khắp làng. Anh khoá Thắm xuất hiện dẫn đầu đoàn người đông đảo đi cướp phủ đường. Rồi anh Khoá về làng làm chủ tịch lâm thời, dân làng mới biết mưu cao của cụ đồ Bích cho con trai chết giả để bảo toàn cho cả gia đình. Cách mạng thành công rồi, Lý Cỏn giao nộp con triện, khán Phết thay đổi thân phận mõ khán, anh ta đổi tên là Khí Phách. Chiếc mõ gia truyền in đậm dấu ấn thân phận mõ, anh ta liệng ra giữa sông Nguồn. Bây giờ Khí Phách vác chiếc loa cuộn bằng sắt tây đi quanh làng phát thanh: Thông báo cho đồng bào rõ, Chính quyền xã bố cáo rằng… Có người làng hỏi xỏ: Thay cái mõ bằng cái loa hôm nào vậy? Liền bị Khí Phách chấn chỉnh liền: Giờ ông là thông tin tuyên truyền rồi nhá, Giọng điệu Việt gian phản động hả… Muốn đi tù hả… Hơn một năm sau đấy, quân Pháp nhảy dù tái chiếm một vùng rộng lớn trong đó có làng Điềm. Ông quản Đĩnh dựa thế Pháp đứng ra lập hội tề, được viên sếp đồn Xanh chỉ định làm chánh hội. Thị trấn Xanh nằm ở ngả ba sông Nguồn cách làng Điềm hơn cây số, giặc Pháp cho đóng một cái đồn. Viên sếp bốt là người Việt, nghe nói bố hắn bị chính quyền cách mạng xử bắn. Khí Phách không còn chân thông tin tuyên truyền, lại làm long toong cho chánh hội tề quản Đĩnh.  

Viên đồn trưởng Xanh dăm bữa lại về làng Điềm bắt Quản Vĩnh phục dịch ăn uống, gái gú. Việc cỗ bàn quản Đĩnh giao cho Khí Phách. Khí Phách  bắt em gái đi theo hầu hạ nước nôi. Ông khán Sơn chảy nước mắt can ngăn cũng không được đã đau đớn thốt lên: Mày gây tai hoạ cho cả nhà mất thôi. Phách đáp: Bố một đời ngu, gặp cơ hội trả thù mà không tận dụng, ngồi thở than, có mà ôm kiếp mõ suốt đời. Viên sếp đồn để ý đến cô Vẽ. Hắn thì thầm gì với Khí Phách chả biết. Lần nọ Khí Phách bắt em gái đội một mâm đồ lễ của quản Đĩnh lên đồn. Từ đấy cô vẽ không còn con đường trở về làng nữa. Cô đã bất đắc dĩ lên ngôi bà đồn trưởng.

Được làm anh rể quan đồn trưởng, Khí Phách thì thọt ra vào đồn Xanh chẳng bị cản trở gì. Cô Vẽ mấy lần bắt gặp hắn thậm thụt nhỏ to với tên đồn trưởng, tưởng chỉ là những chuyện nhăng quậy gái gú giữa hai thằng đốn mạt. Chẳng ngờ, tờ mờ sáng một ngày gần tết rét mướt, ngôi nhà ông Lý Cỏn bị lính đồn Xanh vây kín. Chúng xộc vào  buồng lôi ông ra khỏi giường khi trên người ông giầy cộm áo bông áo kép. Thằng đội xếp tra khảo: Mày giấu Việt Minh nằm vùng ở đâu? Lý Cỏn rét run lập cập méo tiếng đáp:  Làm gì có Việt Minh trong nhà tôi. Xin các ông cứ việc lục soát. A! Thằng già này già họng. Lính đâu, đánh gẫy chân nó cho tao. Được lệnh, một nhát báng súng của thằng lính giỏi nghề tra tấn lia ngang đầu gối lý Cỏn. Ông già lập tức ngã khuỵu nằm vật xuống nền sân gạch. Đúng chỗ mấy năm trước Khán Sơn bị trương Thọt phang gẫy khuỷu tay nằm quằn quại không dám buông ra một lời bất kính. Trước khi ngất đi, lý Cỏn còn kịp nghe thằng Khán Phết ghé cái mồm cá ngão sát lỗ tai nói nhỏ: Biết vỡ khớp xương đau đớn thế nào chưa ông Lý Cỏn?  Một bọn lính khác dùng thuốn sắt sâm khắp mảnh vườn sau nhà. Chả khó khăn gì chúng đã đã tìm ra chiếc hầm bí mật dưới bụi tre gai rậm rạp. Từ dưới đáy hầm, chúng lôi lên mấy trái lưu đạn và mớ truyền đơn nhoè mực. Rất chóng vánh, chúng ném ông Lý Cỏn nằm cạnh cửa hầm rồi xả một tràng súng tiểu liên. Mỗi viên đan găm vào người ông làm bắn tung lên một miếng áo bông rách bươm bay loạn xạ trong khói súng. Ngôi nhà ông cũng bị chúng châm lửa thiêu trụi. May mắn thơ Hiên sáng ấy dậy sớm đi lêu nghêu ngoài bờ sông Nguồn, không thì cũng về với ông bà cùng ông lý Cỏn rồi. Ông Lý chết rồi, ông Khán Sơn phập phồng lo sợ cũng sinh bệnh rồi đi theo chân Lý Cỏn. Lo cho cha xong xuôi mồ yên mả đẹp, cô Vẽ chỉ mặt anh chửi: Anh gài bẫy cho thằng sếp bốt chiếm đoạt tôi, lại ám hại nhà ông lý Cỏn ra nông nỗi ấy, thứ mặt người dạ thú như anh tôi kinh tởm đến tận xương tận tuỷ.

Sắc đẹp của bà vợ quan sếp đồn Xanh được bọn lính suýt soa đồn thổi lên tận tai tên đại uý Tào quận trưởng. Tên này nổi tiếng háo sắc. Hắn mở tiệc, lệnh cho các sếp đồn phải đưa vợ con đến dự. Trông thấy vợ sếp đồn Xanh, hắn chết điếng người liếm môi nuốt nước bọt. Vậy là một đêm tối trời, quận Tào lệnh cho sếp đồn Xanh dẫn lính hành quân gấp đến toạ độ X nào đó. Kết quả toán lính bị phục kích chết không còn một mống. Viên đồn trưởng xác nát bấy chẳng nhận ra hình thù. Trận này, trong tổng kết chiến tranh, không có đơn vị bộ đội nào của ta nhận mình thực thi nhiệm vụ. Chỉ chưa đầy tuần sau, vợ tên đồn trưởng xấu số ấy tức cô Vẽ con khán Sơn đổi ngôi, trở thành phu nhân ngài đại uý quận Tào. Những chuyện nhộn nhạo này xẩy ra trước ngày đồn Xanh bị bộ đội ta san bằng. Quận Tào bỏ nhiệm sở dắt díu gia quyến chạy vào nam. Con gái ông Khán Sơn không còn là con Vẽ nữa, đã lột xác thành bà phu nhân Hồng Vóc đẹp lộng lẫy như hình tài tử xi nê in trên áp phích.

Hiệp định Gieneve ký kết, trong đám dân làng Điềm hồ hởi đón bộ độ ta trở về, có anh Khí Phách len lỏi hàng đầu. Sau đấy chẳng biết bằng con đường nào, hắn được bầu làm chủ nhiệm Nông hội làng Điềm. Một tối hắn tổ chức hội nghị toàn thôn, chừng nửa chương trình, hắn báo cáo ra ngoài đi vệ sinh. Thoáng sau, hắn la thất thanh: Cháy nhà, có kẻ đốt nhà. Mọi người ùa ra như ong vỡ tổ. Hắn chỉ tay về phía bóng tôi: Có kẻ chạy lối này. Rồi dẫn đầu toán dân quân đuổi theo tới tận cổng nhà ông đồ Bích. Mở toang cánh cổng tre, hắn xộc vào giường thơ Hiên đang nằm chèo khoeo. Hắn sờ hai bàn chân Thơ Hiên nói: Lạnh toát, lại ướt nhẹp sương thế này, chính nó rồi. Chẳng để cho Cụ đồ Bích và vợ  anh khoá Thắm kịp phản ứng gì, hắn lôi tuột thơ Hiên ra trói gô vào gốc cau trước sân ngôi nhà vừa bị cháy xém một tí. Toán cứu hỏa tìm thấy mớ vải tẩm dầu dắt trên mái. Xem xét kỹ thì mớ bùi nhùi ấy chính là vạt áo thơ Hiên thường mặc. Việc này không có cụ đồ Bích chống gậy đi gọi Khoá Thắm đang công tác trên tỉnh về làng thì Thơ Hiên lại mắc hàm oan to. Nhân việc này, công an vào cuộc điều tra, Khí phách bị cách tuột chức vụ. Không bị tù nhờ chiếu cố hắn lý lịch ba đời làm mõ.

Bây giờ, tức mấy chục năm sau, thời xẩy ra những chuyện này, bà Hồng Vóc từ Mỹ về thăm làng Điềm. Cụ Đồ Bích mất lâu rồi. Thơ Hiên vẫn còn sống, chỉ có điều đã già rồi. nhưng vẫn ngơ ngẩn như xưa, vẫn nhe răng cười không thành tiếng, vẫn bàn tay nọ xoa bàn tay kia không biết mỏi, vẫn ở nhờ nhà em gái tức vợ anh khoá Thắm.  Anh khoá Thắm cũng nghỉ hưu rồi. Lúc rảnh rỗi, khoá Thắm ngồi bày bàn cờ đánh một mình. Đôi lần thơ Hiên đứng đối diện em rể mủm mỉm cười thốt lên đôi câu tỉnh táo hiếm hoi: Nước ấy chú đi sai rồi. Chỉ riêng khán Phết, tức anh Khí Phách dường như chẳng già đi. Hắn cứ dương con mắt nhìn đằng đông, con mắt nhìn đằng tây, chả ai biết chính xác hắn nhìn đâu, lòng trắng vẫn hằn rõ những tia máu đỏ, nhưng vẫn tinh ranh hơn mắt mèo hoang. Hôm em gái hắn bước vào căn nhà xưa do chính tay ông khán Phết dựng nên năm nào, căn nhà chỉ còn một chái đổ nghiêng nghiêng che vừa đủ chỗ Khán Phết kê một chiếc giường cá nhân. Hắn vẫn không lấy được vợ. Cô Vẽ vẫn chưa hết giận, vẫn hầm hầm chỉ mặt anh chửi: Anh là cái thằng khốn nạn nhất trong những thằng khốn nạn tôi gặp trong đời. Đã hại bố người ta chết đau chết đớn, lại còn âm mưu hại cả người con hiền lành ngơ ngẩn của người ta. Loài cầm thú cũng không tàn ác như vậy. Khán Phết vặc lại em: Mày ăn bơ thừa sữa cạn của sài lang đế quốc về phát ngôn phản động, ông thì đi báo công an gô cổ lại bây giờ. Cô em thách thức: Đi báo đi, để tôi còn có cơ hội nói với họ là anh và thằng sếp đồn Xanh cấu kết với nhau thế nào. Ném vào mặt anh câu ấy, cô Vẽ ngày xưa cun cút đi ngay, chưa kịp nghe thằng anh gọi với theo:

- Ơ… Mày đi luôn à, Không cho tao được dăm trăm Đô sao?

2/5/2016    

 

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)