Cầm Sơn
CHÚNG TÔI LÀM CA KHÚC
Thực hiện kế hoạch của Đài Phát thanh Truyền hình Phú Thọ, đoàn làm phim về tác phẩm: ca khúc “Quê em Xuân Đài” nhạc Trịnh Hùng Khanh, lời thơ Cầm Sơn, trình bày: Nghệ sĩ ưu tú Hồng Tam của Đài PTTH Phú Thọ đã được trưng tập tại Trụ sở UBND xã Xuân Đài.
Mặc dù tại đỉnh dốc Hang Gió đang có công trường, gặp trời mưa đất bùn trơn lầy nhưng xe của các đoàn vẫn đến đầy đủ. Xe của Đài PTTH vào đến nơi tuy đã khá muộn nhưng nhà báo Quỳnh Hoa vẫn quyết định cho làm việc ngay. Đó là những đúp quay tại một nhà sàn với cảnh khói bếp lam chiều và cảnh các thiếu nữ biểu diễn tiết mục đâm đuống. Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Út Mười cũng tranh thủ chụp được mấy kiểu ảnh cho trâu ăn tại kho dự trữ rơm mùa đông của gia đình.
Buổi tối, đoàn được lãnh đạo xã gồm Bí thư Đảng ủy Hà Trần Hậu, Chủ tịch UBND Phùng Trọng Luận cùng nhiều cán bộ đầu ngành của xã tiếp cơm tại một nhà sàn nằm ngay cạnh bờ suối, trước mặt là nương ngô thoáng đãng cùng dòng suối trong to rộng, hiền hòa.
Sau khi dùng cơm tối, đoàn được hướng dẫn đến khu vực Trường Phổ thông Trung học cơ sở Xuân Đài để hòa nhập cùng buổi giao lưu đốt lửa trại. Tham dự còn có ông Nguyễn Xuân Thủy – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Truyền thông huyện Tân Sơn. Nhiều điệu múa của nhiều thành phần, lứa tuổi từ các bà trong hội Giáo chức đến các cháu học sinh trung học cơ sở được thể hiện mang đậm bản sắc dân tộc xứ Mường Tằn.
Về bối cảnh ra đời của ca khúc “Quê em Xuân Đài” có thể nói nó được gắn với chữ “Duyên” như câu ngạn ngữ: “Hữu duyên Thiên lý năng tương ngộ” mà cha ông ta nói. Một lần tôi về quê vợ xã Xuân Đài huyện Tân Sơn tỉnh Phú Thọ, cũng chỉ là tình cờ gặp nhau tại một quán ăn sáng, Phùng Trọng Luận - Chủ tịch UBND xã Xuân Đài nói với tôi là xã cần có một ca khúc viết về quê hương Xuân Đài. Thật là gãi đúng chỗ ngứa, việc này đối với tôi không khó vì trong nhóm bạn bè văn nghệ sĩ của tôi có khá nhiều nhạc sĩ thân quen. Tôi nhận lời sẽ giúp xã nhiệt tình với tư cách là con rể của quê hương.
Tôi nghĩ đến ông anh – Nhạc sĩ Trịnh Hùng Khanh, cách đây nửa thế kỷ, ông đã từng có chuyến đi cùng đoàn văn công Phú Thọ phục vụ miền núi ở Xuân Đài. Tôi đã cùng ông có chuyến công tác tại huyện Thanh Sơn và ông đã cho ra đời một ca khúc về huyện miền núi Thanh Sơn rất hay. Tôi bèn nhấc máy gọi nhờ ông phổ nhạc cho bài hát, không quên nhấn mạnh đây là quê vợ em để nhạc sĩ quan tâm và được lão nhạc sĩ vui vẻ nhận lời.
Tôi gửi ông phần lời ca tôi viết để ông cân nhắc giai điệu cho ca khúc. Ở đây, Tôi không có ý định làm thơ và tôi cũng không coi nó là một bài thơ mà chỉ chú tâm về âm vựng, tiết tấu của từ ngữ để làm sao cho khi đọc lên nó đã có nhạc ở bên trong nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho nhạc sĩ khi phổ nhạc.
Lúc ngồi trước máy tính để viết lời cho ca khúc, tôi nhớ lại những ngày cách đây vài chục năm khi đi theo người yêu mà bây giờ là bà hai đứa cháu nội, hai đứa cháu ngoại của tôi lần đầu tiên lên đất Xuân Đài. Bấy giờ cũng đã có đường rồi nhưng là đường đất, mùa nắng thì không sao chứ vào mùa mưa thì đường giống như thửa ruộng đang vào vụ cấy. Đặc biệt chỗ đỉnh dốc Hang Gió nơi giáp ranh giữa xã Xuân Đài với xã Minh Đài có một mạch nước quanh năm chảy từ sườn núi ra mặt đường. Chỗ này khi đi qua thì phải xách dép, sắn quần cao quá đầu gối rồi vác xe đạp lên vai lội qua. Nhưng bây giờ thì khác xa rồi, đường được mở rộng, hạ cấp dốc, dải nhựa bê tông asphalt, xe chạy mát máy vọt qua đỉnh dốc Hang Gió là sang đất Xuân Đài. Tôi liên tưởng hình ảnh từ cái ngày xa xưa ấy với bây giờ, và hình ảnh ấy được hiện ra trong tôi theo tuần tự thời gian của một vòng trái đất tự xoay.
Anh hãy qua Hang Gió/ về quê em Xuân Đài
Khi xe chạy trên đất Minh Đài, bạn nhìn thấy hai bên đường là những vạt đồi chè và nhà cửa, bạn cũng có thể phóng tầm mắt nhìn xa xa một chút mới là những đồi rừng xanh lam. Còn khi xe đã bon sang đất Xuân Đài thì bạn sẽ thấy rừng ở ngay sát hai bên đường, chỉ có rừng và rừng, xe của bạn sẽ chạy giữa ngàn xanh và mây mù trắng đục.
Suối quanh co chảy dài/ rừng lại rừng tít tắp/ núi thì cao mây thấp/ đường uốn lượn nhấp nhô
Về đến nơi cần đến vào khoảng thời gian bữa cơm trưa. Sau màn chào hỏi, chủ khách sẽ ngồi vào dùng bữa xung quanh một mâm cỗ bày trên lá chuối. Thức ăn thì có nhiều nhưng mâm cơm đãi khách của xứ Mường Tằn có những món ăn đặc sản như măng chua, xôi ngũ sắc, nấm ởi, rau vẹt, rau chuôi, rêu đá... Tôi đặc biệt nhớ là món rêu đá suối Thang. Rêu đá dưới suối thì suối nào ở rừng cũng có nhưng bây giờ các con suối không còn giữ được sự trong lành nữa nên rêu bị ô nhiễm, bị nhớt không ăn được. Duy chỉ có con suối Thang nước chảy ra từ lòng núi xóm Cón trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn là còn trong lành và rêu đá ở đây đã từng có câu trong dân gian vùng Mường Tằn ca ngợi là: “Ăn rêu đá suối Thang/ hơn cá ngang sông Bứa”. Ngoài ra rượu ngô cũng là một loại đặc sản, rượu ngô được nấu bằng men làm từ 12 thứ lá rừng, uống thấy nhẹ nhàng, ngọt mát, không bị sốc gắt, không bị đau đầu. Có vui uống hơi nhiều thì nó cũng chỉ làm ta lâng lâng, ngất ngây một chút để rồi chìm vào giấc ngủ nhẹ êm.
Mời anh bát rượu ngô/ ngồi quanh mâm cỗ lá/ có măng chua nấu cá/ có rêu đá suối Thang...
Buổi chiếu, chủ nhà sẽ đưa bạn đi thăm xóm thôn, làng bản, đồng ruộng, sông suối trên mảnh đất trung dũng, kiên cường đã từng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân thời kỳ chống Pháp. Bạn sẽ được thấy những cọn nước nhẫn nại cùng thời gian kẽo kẹt quay kéo nước từ suối lên tưới mát ruộng đồng. Thăm trường phổ thông cơ sở chuẩn Quốc gia để vui hát cùng các bạn nhỏ chủ nhân tương lai của xứ sở hoặc chiêm ngưỡng cây thị cổ ở xóm Vượng được công nhận là cây di sản Việt Nam. Nếu bạn qua thăm chợ Trung tâm cụm xã đúng vào ngày chợ phiên thì bạn sẽ mãn nhãn với sắc màu y phục của các cô gái thuộc các tộc người Mường, Dao, Mông, Thái đổ về chợ không phải chỉ để mua sắm mà phần nhiều để thăm thú, chơi tìm tình bạn. Và chắc chắn bạn sẽ được leo lên chín bậc cầu thang thăm các nhà sàn để hiểu thêm câu ngạn ngữ của người Mường: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui”. Bây giờ đời sống được nâng cao, không còn cảnh vác ống nước nữa mà nước đã được tự chảy về các bể chứa của từng nhà. Nhưng còn cơm đồ thì vẫn là một nét văn hóa không bị mất đi, chiếc ninh xôi vẫn được đặt trên bếp suốt cả ngày. Bạn sẽ được thấy hàng đàn trâu đen đặc dưới cánh đồng sau vụ gặt hoặc sẽ gặp chúng đi trên đường về bản với những chiếc mõ treo ở cổ lúc lắc khua vang hòa cùng nhịp chày đâm đuống rộn rã bản làng...
Mời anh thăm xóm làng/ mõ trâu khua ròn bản/ khói lam chiều bình thản/ trên mảnh đất anh hùng
Đêm về, thanh niên xóm bản tụ tập ngoài một bãi đất trống. Hôm nay tiếp khách quý sẽ có đốt lửa. Lửa đối với người miền núi là thần, là thánh, là bạn. Chính vì vậy mà cái bếp lửa trên ngôi nhà sàn của người Mường cháy quanh năm ngày tháng không bao giờ tắt. Khi đống lửa được đốt lên, bạn sẽ được nắm tay những cô gái, những chàng trai người Mường nhảy quanh đống lửa cùng hát vang những câu hát giang, hát ví và những bài ca đi cùng năm tháng...Biết đâu đấy, bạn lại bắt gặp một ánh mắt long lanh như có nước, như có lửa của một cô gái Mường nào đó hút hồn... giống như tôi, để rồi bị lạc về xứ sở Mường Tằn này tính đến bây giờ cũng đã bốn chục năm...
Đêm lửa trại bập bùng/ ai trao ai vòng bạc?/ để đi đâu cũng lạc / về quê em – Mường Tằn.
Nửa tháng sau, nhạc sĩ Trịnh Hùng Khanh thông báo với tôi là bản nhạc đã được phối âm, phối khí và thu âm, phần lời ca do ca sĩ Hồng Vân trình bày. Từ Hà Nội, tôi vội lên ngay Việt Trì tới nhà ông để lấy kết quả. Tôi cho chuyển tải ca khúc lên trang “Văn nghệ Công nhân online”. Anh chị em cán bộ và nhân dân ở Xuân Đài rất phấn khởi, ca khúc chỉ mới xuất hiện trong một ngày mà đã có hàng nghìn lượt người vào thăm trang. Riêng tôi, sau khi nghe nhiều lần thì lại cảm nhận thấy chưa ổn, chưa hài lòng bởi ca khúc chỉ có một lời ca hát đi hát lại đến ba lần. Nhận ra khiếm khuyết của mình, tôi gọi cho nhạc sĩ và đề nghị viết thêm lời cho ca khúc. Được nhạc sĩ đồng ý, tôi bắt tay ngay vào việc. Chỉ khi ngồi vào bàn viết mới thấy nó hóc. Hóa ra viết các lời lặp cho ca khúc thật là khó, nó đòi hỏi ca từ phải có âm tiết, thanh điệu trùng với ca từ của lời thứ nhất đồng thời lại phải phản ánh đúng thực trạng nội dung. Gò được cái nọ thì hỏng cái kia. Ngoài ra từ ngữ sử dụng cũng phải đảm bảo tính nghệ thuật của văn học chứ không thể dễ rãi. Chỉ có hai đoạn ngắn, mỗi đoạn 12 dòng với 60 từ thôi mà tôi phải mất mấy đêm nằm suy nghĩ. Cứ nghĩ được một từ là lại trở dậy sửa chữa, dập xóa, thay thế trên máy tính. Sửa đi, sửa lại, gọi cho nhạc sĩ trao đổi. Rồi cuối cùng thì hai đoạn lặp tiếp theo của ca khúc cũng được viết xong. Vì ca sĩ Hồng Vân đã trình bày một lần rôi, tôi nể không dám nhờ nữa bèn gọi cho nhạc sĩ Xuân Vinh nhờ ông tìm ca sĩ và thu âm giúp. Và thế là cũng lại do chữ Duyên mà tôi lại được gặp nghệ sĩ ưu tú Hồng Tam ở mãi tận Hòa Bình.
Tôi chỉ là người viết lời, đóng góp một phần rất nhỏ cho sự thành công của ca khúc mà đã thấy không dễ ràng gì. Ấy vậy mới thấm hiểu được công sức lao động, sáng tạo nghệ thuật của nhạc sĩ vất vả biết chừng nào. Thật đáng trân quý biết bao!
Sáng hôm sau, đoàn tiếp tục đến các địa điểm: Cây thị di sản xóm Vượng và khúc suối có nhiều cọn nước để tiếp tục ghi hình ảnh ca sĩ trình bày cùng cảnh sinh hoạt thường nhật của người dân xứ Mường Tằn thông qua các diễn viên không chuyên thể hiện. Mặc dù chuyến làm phim này vào đúng dịp mưa phùn gió bấc, đường xá lầy lội, đi lại khó khăn nhưng đoàn làm phim đã hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt vất vả lại chính là những người thường xuyên không có mặt trên khuôn hình. Chính vì vậy, đoạn video này không chỉ nhằm mục đích giới thiệu hình ảnh quê hương cảnh sắc và con người Xuân Đài. Nó còn muốn nhắn nhủ đến độc giả về những người thầm lặng, cặm cụi đứng phía sau khuôn hình làm việc hết mình để cống hiến cho độc giả những thước phim có chất lượng cao.
C.S