bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 20
Trong ngày: 190
Trong tuần: 1120
Lượt truy cập: 795406

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (3)

Đan Thành

Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng
Trần Thủ Độ gồm thâu quyền bính

  

      Năm Kiến Gia thứ mười ba (Quý Mùi-1223), thế quân của Nguyễn Nộn càng mạnh. Phía Đông, Đoàn Thượng cũng chiếm hết châu Hồng, châu Đằng. Trần Tự Khánh biết thế nhưng không làm sao được. Tháng mười hai, Tự Khánh ốm nặng, cho mời nội thị phán thủ Trần Thừa đến dặn:
- Em không thể cùng anh lo việc thiên hạ nữa. Nay họ Trần ta đã ở ngôi cao tột đỉnh trong triều. Đó là phúc lớn của tổ tông, nhưng chốn quan trường đầy những chông gai, không khéo sẽ thành đại hoạ, mong anh cẩn trọng.
Lại dặn Trần Thủ Độ:
- Chú là người vừa có tài, vừa có sức. Tương lai họ Trần nhà ta ắt phải nhờ tay chú lo liệu cả. Hiềm cái, chú chẳng được học hành, khi nắm quyền lớn cần phải tìm người kiến thức trợ giúp mới được.
Thủ Độ hỏi:
- Đỗ Kính Tu có là người kiến thức không ?
Tự Khánh bảo:
- Đỗ thái phó tuy tài cao, học rộng, thông kinh, bác sử, nhưng quá gò mình vào lễ nghĩa mà kém quyền biến, như vậy chưa thể coi là người kiến thức.
Thủ Độ lại hỏi:
- Phan Lân, Vương Lê có phải là người kiến thức không ?
Tự Khánh bảo:
- Phan, Vương hai người ấy trung dũng có thừa nhưng chỉ giỏi việc quân tình chứ việc trị nước chăn dân thì hai ông ấy không thể làm được nên cũng không coi là người kiến thức.
Thủ Độ hỏi tiếp:
- Đỗ Nguyên Bá bên Nguyễn Nộn thế nào ?
Tự Khánh thở dài mà rằng:
- Ta có biết Đỗ Nguyên Bá. Tiếc thay người ấy có tài nhưng đoản mệnh.
Thủ Độ định hỏi nữa nhưng Tự Khánh đã đi rồi.
Vua Lý Huệ Tông truy phong cho Trần Tự Khánh làm Kiến Quốc Đại Vương; phong Trần Thừa làm phụ quốc thái uý, vào chầu không phải xưng tên; phong Phùng Tá Chu làm thái phó. Một mình chỉ huy sứ Trần Thủ Độ quản lĩnh các quân điện tiền hộ vệ trong ngoài cấm đình1.
Trần Thừa bàn với Trần Thủ Độ:
- Nay nhà vua tuy bệnh có thuyên giảm nhưng vẫn không thể trông coi việc triều chính. Dân tình đói khổ. Giặc cướp khắp nơi. Bọn Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng không chịu quy phục. Khi lâm chung, chú hai có dặn phải tìm người kiến thức giúp đỡ nhưng không nói rõ là ai. Vậy chú nghĩ thế nào ?
Thủ Độ nói:
- Em nghe nói có ông Kiều Hoàng Minh, hậu duệ đời thứ mười hai của Kiều Tam Chế2, là người học rộng, tài cao nhưng không ra làm quan, nay đến ẩn dật ở Sài sơn, hái thuốc, luyện đan, hay cứu người nên được dân vùng đó coi như vị tiên, thường gọi là Kiều chân nhân. Đỗ Nguyên Bá biết là người tài, mấy tháng trước đã đến mời ra giúp Nguyễn Nộn nhưng bị chối từ.
Trần Thừa bảo:
- Vậy ta cũng nên đến xem sự thể thế nào.
Thủ Độ nói:
- Để chọn ngày tốt, em sẽ đi ngay.
Trần Thừa bảo:
- Chú chuẩn bị lễ vật. Ba ngày nữa là ngày đại cát, nên đi.
Thủ Độ về sắm lễ vật, trai giới ba ngày, bỏ võ phục, mặc áo đại trào, đem theo một tiểu đồng hầu cận và ba người vệ sĩ, sáng sớm mở cửa Tây thành, cưỡi ngựa nhằm hướng Sài Sơn thẳng tiến. Mặt trời lên khỏi ngọn tre, năm thầy trò vào đến đất Sài Sơn. Qua một khoảng rừng thưa, thấy hiện ra dãy núi đá cao chất ngất. Dưới chân núi, thấp thoáng mấy nếp nhà tranh của sơn dân. Thủ Độ cho người hỏi thăm. Sơn dân chỉ đường đi tiếp vào trong. Năm thầy trò dắt ngựa đi sâu vào núi. Chỉ thấy:
Tầng tầng đá dựng
Lớp lớp cây dày.
Bên trên, lá chen kín lá
Phía dưới, dây quấn khít dây.
Vài chú chim giọng cất véo von
Dăm cô bướm cánh xoè rực rỡ.
Hoa thơm chờ ong tới
Quả ngọt đợi khỉ sang.
Đầu ngọn núi lộ ra một khoảng trời, mây trắng vờn chỏm đá lấp lánh tựa thấy bóng kim ô.
Giữa cánh rừng giấu kín  mấy lòng khe, nước xanh xiết bờ rêu nhập nhoà như hiện hình ngọc thỏ.
Càng đi sâu vào rừng, khí trời càng trong lành, yên ả. Trần Thủ Độ bảo mấy người tuỳ tùng:
- Quang cảnh nơi này đẹp đẽ u tịch, hẳn nào chẳng có bậc thần tiên đến ở. Ta thường quen việc chinh chiến, không ngờ lại có một nơi thanh bình thế này.
Đi vào một đoạn nữa, rừng mở ra. Trên khoảng đất vồng lên, rộng đến mấy mẫu, có một trang viên nhỏ, rào giậu sơ sài, đứng từ xa cũng có thể thấy hết được quang cảnh trang viên. Khi tới gần, trên cổng có một tấm biển lớn bằng gỗ rất chắc chắn nhưng không có chữ. Cánh cổng to dày không đóng. Nhìn qua cổng ấy vào trong là một sân đất rộng rồi đến ngôi nhà chính mái lá, vách nứa, cửa chắn bằng tấm liếp có mành mành che. Trần Thủ Độ cho buộc ngựa vào gốc cây, bảo mọi người đứng đợi. Lúc sau có một bé gái chừng tám chín tuổi ra mời khách. Thủ Độ hỏi:
- Đây có phải nhà Kiều chân nhân không cháu ?
Bé gái đáp:
- Vâng ạ! Kiều chân nhân là ông nội cháu.
Thủ Độ hỏi tiếp:
- Hôm nay ông cháu có nhà không?
Bé gái đáp:
- Ông cháu đang ngủ trong nhà ạ. Mời các bác vào.
Thủ Độ bảo bọn tuỳ tùng ở ngoài, chỉ cho một mình tiểu đồng đem lễ vật cùng theo bé gái vào. Khi mở bức mành mành, Thủ Độ thấy một ông già nhỏ bé, ngắn ngủn, có lẽ không cao quá bốn thước3 rưỡi, tóc bạc trắng búi củ hành, nằm dưới đất, gác hai chân trên chiếc chõng tre, đậy cuốn sách lên mặt mà ngủ, cốt cách nửa như tiên thánh nửa như kì nhân quái dị, chỉ hương thơm của các vị thuốc bay khắp nhà là dễ chịu. Để tỏ ra tôn trọng chủ nhà, Thủ Độ lui lại vài bước, đứng ngoài hè đợi bé gái vào đánh thức ông. Một lát bé gái bước ra, bảo:
- Ông cháu dậy rồi, mời bác vào.
Thủ Độ bước vào, trông vẻ mặt ông già, lại càng thất vọng. Ông gìa da đen, trán dô, má hóp, răng vổ, chỉ được đôi mắt sáng kéo lại. Thủ Độ chắp tay, lên tiếng:
- Kẻ phàm tục xin kính chào chân nhân.
Tuy nói vậy nhưng Thủ Độ lại nghĩ “ Chẳng biết là chân nhân hay quái nhân đây”. Kiều chân nhân cũng chắp tay cười nói:
- Không dám! Chẳng biết đại quan đến đây tìm chân nhân hay tìm quái nhân vậy?
Thủ Độ giật nảy mình, không hiểu vì sao ông già lại biết được ý nghĩ của mình, vội quỳ xuống làm lễ, nói:
- Tôi người trần mắt thịt, không được học hành, tính tình thô lỗ, có điều sơ suất, xin tiên lão thứ lỗi cho.
Kiều chân nhân vội đỡ Thủ Độ dậy, nói:
- Xin đại quan chớ đa lễ. Tôi hủ lậu, ở chốn rừng xanh núi đỏ. Chẳng hay có việc gì mà đại quan phải nhọc công tìm tới?
Nói rồi gọi người nhà pha trà. Lát sau có một thiếu niên bưng trà ra mời khách. Thủ Độ cầm chén trà trên tay, thấy hương thơm thoang thoảng, vừa dịu dàng thanh khiết như được chế ướp hết sức công phu, lại vừa như còn mùi ngai ngái tươi nguyên của những thứ lá cây quen quen là lạ. Khi nhấp vào môi, vị ngọt êm thấm nơi đầu lưỡi, làm Thủ Độ cảm thấy sảng khoái vô cùng nhưng vị ngọt nhanh chóng chuyển sang vị đắng. Cái thứ vị đắng cũng mơ hồ y như sự cảm nhận rất mơ hồ của vị ngọt ban đầu nhưng nó tồn tại không lâu đã lại biến thành vị ngọt rất đượm đà, làm Thủ Độ không thể nhận biết ra loại trà gì. Bất giác, Thủ Độ thốt lên:
- Ngon tuyệt! Dạ thưa cụ cho kẻ phàm này uống thứ trà gì mà ngon đến như vậy?
Kiều chân nhân nói:
- Chắc đại quan ở chốn kinh kì, không thiếu gì những thứ trà ngon. Đây chỉ là thứ lá cây thông thường có tên là đinh lăng mà bọn dân nghèo chúng tôi dùng ăn gỏi cá.
Thủ Độ ngồi chết lặng như một võ sĩ bị trúng đòn phủ đầu của đối phương. Vì thực ra khi còn ở quê đánh cá, Thủ Độ cũng hay dùng thứ lá này, bây giờ lại quên đi mất. Kiều chân nhân thong thả nói tiếp:
- Đinh lăng là thứ cây có thể làm tăng lực, trị độc, vị của nó tiền cam, hậu khổ, hậu cam cam, đắng mà không chối, ngọt mà không sắc khiến người ta dễ tiếp nhận.
Thủ Độ vái Kiều chân nhân một vái, nói:
- Đa tạ cụ đã có lòng chỉ giáo. Hôm nay còn chút việc, xin cụ dạy cho.
Thủ Độ bảo người hầu cận dâng mâm lễ vật. Kiều chân nhân không nhìn mâm lễ, chỉ nói:
- Những gì cần nói với ngài, tôi đã nói hết rồi.
Thủ Độ bối rối nói:
- Bỉ chức ngu muội, không hiểu được hết lý lẽ cao siêu, lại không có chữ nghĩa nên chẳng thể ghi chép, xin cụ chỉ bảo cặn kẽ để bỉ chức có thể nhập tâm ạ.
Kiều chân nhân nhìn thẳng vào mắt Trần Thủ Độ, hỏi:
- Đại quan còn điều chi chưa rõ?
Thủ Độ thấy trong đôi mắt của ông già như có một thứ ánh sáng lạ kỳ soi tỏ mọi ý nghĩ của mình, mới thành thực mở đầu câu chuyện:
- Thưa cụ, hiện nay đất nước ly loạn, dân tình cực khổ, nhà vua đau ốm không khỏi, việc chính sự hết sức rối ren, tôi thân giữ trọng trách mà kiến thức ít ỏi, không biết làm sao, xin cụ rộng lòng chỉ bày kế sách để hưng quốc an dân cho trăm họ được nhờ.
Kiều chân nhân nói chậm rãi:
- Từ thượng cổ đến nay có quốc gia nào trị rồi không loạn, có loạn rồi mới lại trị; có triều đại nào thịnh rồi không suy, suy rồi mới lại thịnh, cũng như cái vị lá này ngọt rồi đắng, đắng xong lại thấy ngọt. Có điều những bậc tể phụ phải biết điều tiết sao cho vị đắng ngọt ấy vừa phải, đừng gay gắt quá hoặc đừng bất cập là được. Đó chính là điều hoà âm dương chứ gì nữa. Nhân thân tiểu vũ trụ, con người có lúc ốm lúc khoẻ thì đất trời cũng phải có khi mưa khi nắng chứ. Nay nước đang loạn cũng như người đang ốm. Cái sự ốm ấy đã lâu ngày nên cơ thể suy nhược. Vậy mà các phe đảng đua nhau nổi lên làm cho muôn dân điêu đứng lầm than; nước nhà có khác nào người đã hư suy lại nhiễm thêm tà khí.
Đợi ông cụ nuốt xong miếng nước, Thủ Độ nói:
*
- Quốc tình hiện nay đúng là như vậy. Phía Bắc, Nguyễn Nộn bành trướng; phía Đông, Đoàn Thượng hoành hành, nếu không thống nhất giang sơn về một mối, không biết đất nước sẽ đi về đâu. Dám xin cụ kê cho toa thuốc.
Kiều chân nhân nói:
- Nguyễn, Đoàn hai người ấy tuy mạnh nhưng không có gì đáng sợ. Họ là thực chứng của căn bệnh. Còn sự rối ren của triều đình, sự tham bạo của quan lại, sự cùng cực của muôn dân, sự trống rỗng của quốc khố, sự mất lòng tin của trăm họ, sự nhu nhược của nhà vua cùng với trăm ngàn điều tệ hại khác nữa đó là hư chứng của căn bệnh. Phép chữa, thực chứng thì tả, hư chứng thì bổ. Chữa thực chứng tuy có đớn đau nhưng bao giờ cũng nhanh chóng hơn. Cái khó của ngài là ở phép bổ kia. Trong những cái khó đó, cái khó nhất là không làm sao trừ bỏ được bọn tham quan ô lại. Bọn này nếu không là hoàng thân quốc thích cũng con cháu công thần, chúng gian hiểm vô cùng, không những có bề trên che chở mà còn nhiều thủ đoạn xảo quyệt để giấu giếm hành tung, đâu có dễ gì tìm ra manh mối, mà ngay cả khi tìm ra manh mối liệu có xử được chúng hay không? Vậy là của dân cứ bị vơ vét mà không dám kêu, cơm lính cứ bị cắt xén mà không dám nói. Bách tính biết trông cậy vào đâu? Người trung lương bị hãm hại, bỏ rơi. Hỏi còn ai muốn hết lòng vì nước nữa đây? Nước có dân làm gốc, dân không tin, sao nước chẳng suy tàn. Nhà vua tự bịt mắt mình, lúc nào cũng muốn quần thần tung hô là thời thái bình thịnh trị.
Kiều chân nhân dừng lại nhấp một ngụm nước rồi tiếp:
- Nhưng trăm sự đều do ý giời. Giời làm ra thế! Muốn chữa khỏi bệnh chỉ có cách đổi giời.
Chính câu nói này của Kiều chân nhân như kéo Trần Thủ Độ ra khỏi cơn mê, ông ta kêu lên:
- Đổi giời!
Tiếng kêu nửa như kinh hãi của một tội đồ, nửa như sung sướng của kẻ tìm ra lối thoát ở cuối đường hầm. Từ đấy trong đầu Thủ Độ hình thành dần một kế hoạch đổi giời. Thủ Độ tiếp:
- Tuy nhà Lý đã quá mục ruỗng nhưng trong triều vẫn còn nhiều người trung thành, dẫu có muốn đổi giời phải đâu là dễ.
Kiều chân nhân cười khà khà, nói:
- Trung thành! Trung thành. Những kẻ đeo mỹ tự  ấy chẳng khác nào một mụ gái goá đang tuổi hồi xuân, nếu có người đàn ông khác chăm lo chu đáo, quên ngay chồng cũ thôi mà. Vả lại đã mưu cuộc đổi giời trong tay phải cầm chắc cây kiếm thép.
Thủ Độ hơi nhíu đôi lông mày, nói:
- Thế trăm họ lại đổ máu nữa ư?
Kiều chân nhân nói:
- Nhưng nếu không làm vậy máu trăm họ có ngừng chảy hay không? Từ thượng cổ tới nay có triều đại nào không tô vẽ cho cung điện của mình bằng máu. Có vị hoàng đế nào không đẽo gọt ngai vàng của mình bằng xương thịt muôn dân, sĩ tốt. Cái gì khi mới hình thành trong ý nghĩ cũng dịu ngọt, khi thực hiện mới gặp nhiều khổ đắng, công việc xong rồi lại thấy sung sướng ngọt ngào. Thế chả phải là tiền cam, hậu khổ, hậu cam cam đó sao?
Thủ Độ nói:
- Lão chân nhân dạy rất phải. Hôm nay bỉ chức đến đây là muốn mời lão chân nhân cùng về triều mưu cuộc đổi giời, mong lão chân nhân hãy vì trăm họ mà xuống núi cho.
Kiều chân nhân cười, nói:
- Ấy là tôi cũng nói chuyện thế thôi, chứ tôi ở nơi sơn dã quen rồi, hơn nữa tuổi già, sức yếu đâu còn kham nổi viêc thiên hạ.
Thủ Độ nói:
- Tôi thường được nghe nói ông Khương Tử Nha hơn tám mươi tuổi mới làm tướng nhà Chu, lập nên kì tích, sao lão chân nhân đã vôi nhận là già?
Kiều chân nhân bảo:
- Tôi đâu dám so với Khương Tử Nha, nhưng ngài có thể là Chu Công Đáng.
Trần Thủ Độ lại nói:
- Anh hai tôi khi sắp qua đời có dặn phải tìm người kiến thức giúp đỡ, vậy thưa cụ như thế nào mới là người kiến thức?
Kiều chân nhân cười lớn, nói:
- Người kiến thức là người biết dùng kiến thức của cả trăm họ để mưu cái lợi cho trăm họ. Đại quan đi tìm kiến thức của một người sao bằng đi tìm kiến thức của muôn dân có hơn không?
*
Mùa xuân năm Kiến Gia thứ mười bốn (Giáp Thân-1224), bệnh tình của Huệ Tông đã thuyên giảm nhiều nhưng Trần Thủ Độ lấy cớ nhà vua vẫn còn ốm nên cho dọn vào ở trong một gian hậu cung. Quan ngự y là Chử Nhiệm Khai can rằng:
- Bệnh tình của hoàng thượng mười phần đã đỡ được bảy tám rồi, nên đi lại ra ngoài cho sảng khoái mới mau hồi phục chứ sao lại bắt hoàng thượng ở trong hậu cung như vậy?
Thủ Độ quắc mắt, quát:
- Nhà ngươi là ngự  y mà không thông y lí hay sao? Trong ngũ ố1 thì tâm ghét nhiệt. Ngươi vẫn nói bệnh của hoàng thượng là ở nội tâm, nay đã qua mùa xuân, tiết trời nóng bức, để hoàng thượng ra ngoài được không?
Chử Nhiệm Khai không dám nói gì, lắc đầu đi ra. Từ đấy Huệ Tông bị giam chặt nơi hậu cung, đêm ngày có lính hổ bôn thân tín của Trần Thủ Độ canh giữ, các triều thần không được bén mảng, chỉ có một thị nữ A Nhi ra vào đưa cơm nước hầu hạ. Một hôm nhà vua muốn ra vườn chơi. Bọn lính canh không cho đi, nói:
- Hoàng thượng điên dại thế này, đi ra ngoài nhỡ xảy ra chuyện gì, chúng tôi chết cả.
Huệ Tông rầu rĩ nói với thị nữ:
- Giá như  cứ điên thật lại hay, khốn nạn thay bây giờ ta không còn điên nữa mới khổ chứ.
Trần Thủ Độ từ khi giam chặt được nhà vua, thường lấy cớ có việc cơ mật cần bàn với hoàng hậu, ra vào nơi cung cấm mà không ai dám nói gì. Hoàng hậu Trần Thị Dung tuy yêu Thủ Độ nhưng vẫn cảm cái ơn Huệ Tông có lòng bao dung đối với mình nên bảo với Thủ Độ rằng:
- Chị nay là người của họ Lý, như đoá hoa đã tàn héo mất rồi. Thiếu gì người đẹp trong thiên hạ. Cậu quyến luyến tôi làm chi cho uổng một đời trai?
Thủ Độ nói:
- Chị quên lời nguyện ước bên bến sông nơi quê nhà năm xưa rồi hay sao? Nếu kiếp này không được sống cùng chị mới là uổng một đời trai.
Cuối cùng tình yêu tự nhiên đã thắng lòng biết ơn gượng ép. Từ đấy hai người thường tư thông với nhau ngay nơi cung cấm. Một  hôm  trong khi ân ái, Thủ Độ bảo Trần Thị Dung:
- Bệnh tình của Huệ Tông không thể chữa trị được, chẳng lẽ để triều đình không có vua mãi. Chi bằng ta nên lập vua mới.
Trần Thị Dung hỏi:
- Hoàng thượng không có con giai, cậu định lập ai đây. Vả lại lập vua mới tất phải phế truất vua cũ. Có phải vì tôi mà cậu muốn phế bỏ Huệ Tông hay không?
Câu hỏi bất ngờ của Trần Thị Dung làm Thủ Độ hơi chột dạ nhưng bản lĩnh của một vị tướng can trường đã giúp ông ta bình tĩnh lại ngay. Thủ Độ trả lời tự nhiên, không hề lúng túng.
- Không có con trai à! Vô nam tắc dụng nữ, việc chi phải lập người ngoài. Phế hay không phế, Huệ Tông cũng còn có ý nghĩa gì nữa đâu.
Hoàng hậu thở dài, giây lâu mới nói:
- Quyền bính ở trong tay cậu. Cậu muốn làm sao thì tuỳ, miễn đừng để đến mức mẹ con tôi không có chỗ dung thân là được.
Thủ Độ nói:
- Ơ kìa! Con chị làm vua, giang sơn này vẫn là của nhà chị, sao lại bảo không có chỗ dung thân? Vả nữa tình cảm của tôi đối với chị như thế nào? Chẳng lẽ tôi lại làm tổn hại chị hay sao?
*
Thấm thoắt đã đến tháng mười, rét sớm, Huệ Tông ở hậu cung một mình, chăn đệm sơ sài lạnh lắm, lại không có củi sưởi. Thị nữ A Nhi xin lĩnh thêm chăn cho vua. Thủ Độ bảo:
- Mới tháng mười, đã rét lắm đâu mà cần nhiều chăn chiếu.
Đêm ấy Huệ Tông bị lạnh, không sao ngủ được, ôm ngực ho rũ rượi. A Nhi thương vua, ôm ngài vào lòng ủ cho đỡ lạnh. Huệ Tông ứa hai hàng nước mắt bảo A Nhi:
- Ta có vợ, có con, có cả triều thần văn võ, vậy mà bị giam ở đây đã gần một năm, không ai lai vãng thăm hỏi. Bây giờ tình cảnh đã đến nước này cũng chỉ có một mình nhà ngươi ở bên cạnh. Nhà ngươi thật là một bầy tôi trung, tiếc rằng ta không thể làm gì cho ngươi được nữa. Ôi! Ta có ngờ đâu anh em thằng thuyền chài lại tàn ác thế này.
A Nhi không nói gì, chỉ ôm vua mà khóc. Hôm sau A Nhi đi lấy thức ăn sáng cho vua nhưng không được, liền giấu một miếng bánh của mình mang vào nhưng bị bọn lính canh khám lấy mất, cả nước uống cũng không cho. Huệ Tông phải nhịn đói, nhịn khát đến ngày thứ ba lả đi. A Nhi phải bế nhà vua vào lòng mà mớm ngước bọt, ngài mới tỉnh lại. Nước mắt A Nhi rơi ướt mặt nhà vua. Vừa lúc đó Trần Thủ Độ đến, nói:
- Bệnh tình hoàng thượng đã đến nước này, sao không lo việc lập tự?
Huệ Tông bảo:
- Nhà ngươi hãy cho ta uống nước đã rồi muốn nói gì hẵng nói.
Thủ Độ sai lính lấy nước đến nhưng không cho Huệ Tông uống ngay, rút trong tay áo ra hai tấm lụa vàng, nói:
- Thực ra việc lập tự, triều đình đã lo giúp nhà vua cả rồi. Ngài chỉ việc ký tên vào hai chiếu thư này, xong hẵng uống nước.
Huệ Tông cố lấy chút hơi tàn, nói như thét lên:
- Chiếu thư gì? Đưa nước đây cho ta đã!
Thủ Độ cười lớn, nói:
- Đây là một chiếu thư nhường ngôi cho công chúa Chiêu Thánh và một chiếu thư thoái vị của nhà vua. Nếu nhà vua không phê cũng chẳng còn nước đâu mà dâng nhà vua nữa.
Huệ Tông gục mặt xuống, miệng lẩm bẩm:
- Chẳng còn nước! Chẳng còn nước nữa rồi!
Trần Thủ Độ nói:
- Nhà vua dẫu không còn nước nhưng trăm họ còn nước, việc gì mà lo.
Lịch sử ghi rằng: Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1, tôn hiệu là Chiêu Hoàng.
Lý Chiêu Hoàng sinh tháng chín năm Mậu Dần (1218), đến tháng mười năm Giáp Thân (1224) lên ngôi, nếu tính tuổi đã bảy tuổi nhưng tính năm mới được sáu năm một tháng. Mọi việc trong ngoài đều do Trần Thủ Độ cắt đặt, phong Phùng Tá Chu làm thái phó. Nữ hoàng từ khi lên ngôi phải chịu nhiều lễ nghi phiền toái, có buổi thiết triều các quan bàn việc lâu quá, làm người tè cả ra long bào, lúc ngơi việc học hành cứ tha thẩn buồn bã một mình như người mất hồn. Một hôm Trần Thủ Độ vào thăm, nữ hoàng bảo:
- Cậu Độ ơi! Cháu chẳng muốn làm vua nữa đâu.
Thủ Độ nói:
- Bệ hạ sao lại nói vậy? Giang sơn này là của bệ hạ. Bệ hạ không làm vua thì ai giữ gìn xã tắc.
Nữ hoàng cười, nói:
- Xã tắc, xã tắc là cái gì? Cậu cứ giữ hộ cháu có được không?
Thủ Độ nói:
- Xã tắc của bệ hạ! Thần không giữ được.
Nữ hoàng hỏi:
- Xã tắc có nặng không mà cậu không giữ được?
Thủ Độ trả lời:
- Nặng lắm! Nặng lắm!
Nữ hoàng nói:
- Nặng thế cho ai giữ thì giữ! Cháu chả làm vua nữa, buồn lắm, chẳng ai chơi với cháu. Cháu còn phải đánh rải gianh.
Những câu nói ngây thơ của Lý Chiêu Hoàng đã gợi ý cho Trần Thủ Độ hoàn thiện bước thứ hai trong kế hoạch đổi giời. Ngay tối hôm đó Thủ Độ nói với thái hậu Trần Thị Dung:
- Tôi thấy hoàng thượng còn nhỏ tuổi mà phải chịu nhiều nghi lễ phiền hà ở chốn cung đình, thật là quá sức. Bọn nội nhân toàn là người nhớn, hoàng thượng chẳng có ai mà kết bạn chơi đùa, xem ra buồn bã lắm, sợ lâu ngày sinh bệnh cũng chưa biết chừng.
Thái hậu Trần Thị Dung hỏi:
- Cậu bảo phải làm sao bây giờ?
Thủ Độ nói:
- Có lẽ phải chọn một số nội nhân ít tuổi, con nhà gia thế để hoàng thượng có bạn.
Thái hậu bảo:
- Cậu xem thế nào có lợi thì làm. Chiêu Thánh bây giờ có khác gì con của cậu.
Trần Thủ Độ liền về chọn một số con em trong tôn tộc họ Trần còn nhỏ tuổi để đưa vào làm sắc dịch trong nội cung như: Lục hoả thị cung ngoại4, chi hậu, nội nhân thị nội5. Trong số đó có Trần Bất Cập là cháu gọi Thủ Độ bằng bác, làm cận thị thự lục cục chi hậu6, Trần Thiêm làm chi ứng cục, Trần Cảnh làm chính thủ7. Trần Cảnh cùng tuổi với nữ hoàng nhưng sinh trước ba tháng, mặt mũi khôi ngô xinh đẹp, thông minh dĩnh ngộ, tuy nhỏ tuổi mà học đâu nhớ đấy, ăn nói mực thước, đi đứng đường hoàng. Trần Cảnh thường đứng hầu bên ngoài, một hôm bưng nước vào cho nữ hoàng rửa nên được đứng hầu bên cạnh. Nữ hoàng thấy Trần Cảnh chỉ nhỉnh hơn mình một chút thích lắm, té nước đùa bỡn, lại truyền cho vào hầu bên trong để được chơi với nhau. Nữ hoàng thường đùa với Cảnh nhưng Cảnh không dám đùa lại chỉ giữ lễ nhún nhường. Được ít ngày, nữ hoàng đòi Trần Cảnh buổi đêm cũng phải vào chơi trò đuổi bóng rồi ném khăn trầu cho Cảnh, lại bắt Cảnh ngủ trong cung với mình. Trần Cảnh về nói lại với Trần Thủ Độ. Thủ Độ nói:
- Nếu thực như thế thì họ nhà ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây7?
Rồi Thủ Độ lại dặn:
- Lần sau hoàng thượng còn làm vậy, cháu cứ thế này… mà nói nhé. Hoàng thượng bảo sao về nói lại với chú, chớ để ai biết mà mang vạ đó.
Đúng là hôm khác, nữ hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh. Cảnh lạy rồi nói:
- Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh7.
Nữ hoàng cười, nói:
- Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn rồi đó7.
Trần Cảnh về nói với Thủ Độ. Thủ Độ sợ bị lộ chuyện mới đem cả gia quyến vào cung cấm, sai đóng cửa thành và cửa cung, cho người canh giữ, không để các quan vào chầu, loan báo rằng :“Bệ hạ đã có chồng rồi”. Các quan đều vâng lời xin chọn ngày vào chầu. Trần Thủ Độ không ngờ sự việc diễn ra trót lọt và êm thấm đến thế, liền vào nói với thái hậu Trần Thị Dung:
- Nhà vua phải lòng thằng Cảnh. Hai đứa đã trao khăn trầu cho nhau. Tôi công bố việc này với các quan, ai cũng lạy mừng cả rồi. Chị nghĩ thế nào?
Thái hậu nói:
- Chiêu Hoàng là con tôi, thằng Cảnh là cháu ruột tôi, việc đến như thế mà bây giờ cậu mới cho tôi biết! Thật tệ quá! Chúng nó còn bé cả, đã biết gì mà trao khăn mới trao túi.
Thủ Độ cười, bảo:
- Chị không nhớ chuyện của chúng mình ngày trước đó sao? Bọn trẻ bây giờ được nuôi dưỡng tử tế, chúng chóng khôn lắm, lại chả ranh mãnh bằng mấy chúng mình ấy chứ. Theo tôi, nên lo cho chúng càng nhanh càng tốt.
Thái hậu nói:
- Chả lo còn biết làm sao nữa!
Thủ Độ được lời, vui như mở cờ trong bụng, vội vã đi lo liệu cắt đặt công việc cưới hỏi cho nữ hoàng. Từ khi có chồng, nữ hoàng vui lắm, lại rất ra vẻ người nhớn, đi đâu cũng dắt chồng theo bên cạnh, tình cảm xem ra muôn phần nồng nàn. Được mấy ngày, Thủ Độ lại bảo Trần Cảnh phải làm thế này…, phải nói thế kia…
Một đêm, Trần Cảnh bảo nữ hoàng:
- Chúng mình là vợ chồng, cái gì cũng chơi chung, sao đằng ấy không cho mình làm vua chung với.
Nữ hoàng cười ngất, bảo:
- Làm vua thích cái nỗi gì, chỉ tổ phải nghe các ông già cãi nhau, chán chết. Đằng ấy thích làm vua thì vua nhường cho đấy.
Hôm sau, Trần Cảnh nói với Trần Thủ Độ. Buổi chiều, Thủ Độ vào cung tìm thái hậu Trần Thị Dung. Lúc ấy thái hậu đang xem thị nữ tỉa hoa ở vườn trước. Thủ Độ trông thấy bảo:
- Cái cây này cỗi mất rồi, hoa lá không còn đẹp nữa. Chị để tôi chọn giống mới thay vào.
Thái hậu không hiểu ý, vô tình trả lời:
- Mấy cây này trồng đã lâu, nghe nói từ thời Cao Tông đến nay không còn ra hoa được nữa, thay đi cũng phải nhưng tìm đâu ra giống tốt bây giờ.
Thủ Độ nói:
- Chỉ cần chị ưng thuận khắc có giống tốt ngay thôi.
Thái hậu bảo:
- Thế thì cậu cứ thay đi.
Thủ Độ lại đi gặp quan thái phó Phùng Tá Chu, bảo:
- Nhà vua muốn nhường ngôi cho chồng, thái hậu cũng đồng ý rồi, ông soạn chiếu đi.
Phùng Tá Chu tuy là thái phó nhà Lý nhưng thực ra trước nay vẫn làm việc dưới quyền họ Trần, trước đây thường được Trần Tự Khánh tin dùng giao cho nhiều trọng sự.Chunói:
- Việc soạn chiếu đâu có khó gì, chỉ sợ các quan phản đối.
Thủ Độ bảo:
- Ông cứ soạn đi, chuyện các quan tôi khắc lo được. Từ trước đến giờ có việc gì bàn ở triều đình mà không mỗi người mỗi ý.
Phùng Tá Chu sai người mài mực, trải lụa viết thoăn thoắt, một lúc đã xong,  đọc lại cho Thủ Độ nghe. Thủ Độ gật đầu khen, cầm tờ chiếu đi ra.
*
Những ngày cuối năm, dân kinh thành nhà nào cũng bận, nhà gia thế, quan lại lo mua sắm quà cáp dâng biếu quan trên; kẻ sĩ lo làm sao có được câu đối hay, bài thơ mới để đón xuân cùng bạn hữu; cánh thợ giầy, thợ ô, thợ hàng mã, thợ sơn kiệu lo sao làm gấp để kịp trả hàng. Các nhà buôn bán bày hàng la liệt, tiếng chào mời ời ợi khắp mọi nơi. Mấy bác dân cày ở các vùng lân cận cũng bán thóc, bán khoai để đi sắm tết. Những kẻ cùng đinh không còn mảnh vải che thân kéo về xin ăn. Đám binh lính tụ tập trong quán rượu toàn nói chuyện về quê ăn tết, không ai biết sắp xảy ra cái việc đổi giời.
Đêm mười một tháng chạp, gió bấc rít ràn rạt trên mái điện Thiên An, vài hạt mưa lất phất càng làm cho tiếng trống cầm canh khục lên như tiếng ho của ông già cảm lạnh. Dăm chú lính tứ sương8 co ro đứng gác cổng thành, thỉnh thoảng nghến lên ngóng người đổi phiên. Đền đài, cung thất như ngâm trong thứ ánh sáng đục lờ lờ của vầng trăng muộn bị mây che phủ. Đầu trống canh năm, quan điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ cùng quan thái phó Phùng Tá Chu mặc võ phục dẫn hai đạo quân hổ bôn9  đến, dàn thành hai hàng dọc theo mép sân điện. Một đội quân thánh dực được đưa vào đứng bên trong, sẵn sàng đợi lệnh. Lúc sau các quan lục tục kéo đến đông đủ, đứng cả ngoài sân. Bỗng trong điện vang lên tiếng viên thái giám:
- Hoàng thượng ngự triều. Truyền các quan vào lạy.
Các quan lần lượt tiến vào điện, tung hô vạn tuế rồi đứng thành hai ban văn võ. Nữ hoàng mặc long bào, ngồi trên sập báu gục xuống ngủ, miệng chảy dãi ra ngực áo thêu rồng. Một thị nữ phải đứng phía sau đỡ cho ngài khỏi lăn xuống đất. Quan thị độc Giang Định Hoá dõng dạc nói to lên rằng:
- Hoàng thượng có chiếu.
Tất cả các quan lớn nhỏ đều quì xuống nghe chiếu. Thị  nữ đứng sau phải vỗ nhẹ vào má nữ hoàng để đánh thức người dậy nhưng người chỉ hét lên:
- Đau bụng! Đau bụng! Đi ị, đi ị.
Thị nữ vội bế nữ hoàng ra phía sau. Thì ra nữ hoàng bị lạnh, người muốn đi ngoài. Lúc sau, thị nữ  ẵm nữ hoàng trở lại, người vẫn ngủ. Thủ Độ bảo Giang Định Hoá:
- Thôi! Cứ đọc đi.
Giang Định Hoá cao giọng đọc:
- “ Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy. Khốn nỗi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi. Kinh Thi có nói: Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay . Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thoả lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người đều biết”.
Thượng tướng Phan Lân định bước ra phản đối, tướng Vương Lê biết ý bấm kéo lại, thành ra quần thần có xôn xao một tí nhưng cuối cùng cũng không ai dám nói gì. Thủ Độ bảo:
- Làm lễ trao áo ngay đi.
Giang Định Hoá nói to:
- Hoàng thượng trao long bào.
Thị nữ vỗ nhẹ vào vai nữ hoàng, bảo:
- Chúa thượng! Chúa thượng! Cởi long bào ra.
Nữ hoàng còn đang ngái ngủ, ruỗi tay cho thị nữ cởi long bào, nói:
- ừ ! ừ ! Bắt mặc vào, lại bắt cởi ra.
Giang Định Hoá hô lên:
- Tân hoàng đế ngự triều.
Một viên thái giám dắt Trần Cảnh lên điện. Trần Cảnh vừa đi vừa dụi mắt, ngật ngưỡng bước vào, cùng ngồi lên sập báu, ngáp một cái rõ dài. Nữ hoàng đã cởi xong áo, cầm khoác lên người Trần Cảnh, bảo:
- Cảnh mặc áo này đẹp hơn vua.
Thị nữ vội kéo nữ hoàng lại, nói khẽ:
- Bây giờ Cảnh mới là vua.
Chiêu Hoàng hỏi:
- Thế từ nay vua không phải làm vua nữa à?
Thị nữ gật đầu. Chiêu Hoàng bảo:
- Thích nhỉ!
Giang Định Hoá bảo thị nữ bế Chiêu Hoàng vào rồi hô:
- Các quan lạy mừng tân hoàng đế!
Trăm quan đều quì lạy tung hô vạn tuế, dâng tôn hiệu là Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiếu Hoàng Đế, đổi niên hiêu là Kiến Trung năm thứ nhất. Giang Định Hoá đọc chiếu của vua mới, xưng là Thiên Hoàng, sau đổi là Văn Hoàng, đaị xá thiên hạ, phong Trần Thủ Độ là quốc thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai trị trong nước, toàn dân mở hội ba ngày. Thế là công cuộc đổi giời của Trần Thủ Độ đã hoàn toàn viên mãn. Vua bãi triều cho các quan đi xem hội. Mọi người ra khỏi điện Thiên An, trời đã rạng sáng, mặc dù còn nhiều mây và gió lạnh nhưng ai nấy nhìn tỏ mặt nhau. Trai gái trong thành Đại La kéo đi xem hội, nói cười ríu rít.
Thái hậu Trần Thị Dung ở trong cung Vĩnh An, đang sai bọn thị nữ sắp kiệu để đi xem hội thì Trần Thủ Độ tới, bảo:
- Giống cây tốt đã được thay rồi đấy. Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh rồi. Từ nay nó không phải làm vua nữa.
Thái hậu tái mặt đi, giây lâu mới nói:
- Thế là cậu lừa mẹ con tôi, cậu phế truất con tôi. Cậu làm cái điều khi quân phản chúa ấy được ư?
Nói xong, thái hậu bưng mặt khóc. Trần Thủ Độ nói:
- Nhà Lý đã quá suy tàn, có khác nào cái cây kia không thể ra hoa được nữa, không thay đi để trăm họ lầm than mãi hay sao?
Thái hậu nói rít lên trong tiếng nấc:
- Thôi! Cậu đừng nói dài lời, cậu đi đi. Tôi không muốn trông thấy cậu nữa.
Thủ Độ biết không thể nói cho thái hậu hiểu ngay được, cúi đầu bỏ ra ngoài cung, gặp Đỗ Kính Tu tóc tai rũ rượi gào khóc chạy đến chỉ vào mặt Thủ Độ mà mắng:
- Thằng giặc Thủ Độ lừa vua dối chúa kia. Tao không ngờ mày lại gian hùng đến thế. Tiên đế ơi, hôm nay thần quyết liều cái mạng già này với quân gian tặc đây.
Vừa nói, Đỗ Kính Tu vừa giơ cây gậy trúc nhằm đầu Thủ Độ giáng xuống. Thủ Độ không né tránh, cứ kệ cho Kính Tu phang mình túi bụi, tung cả khăn, rách cả áo. Đến khi ông già mệt quá không thể đánh tiếp được nữa, Thủ Độ mới gọi:
- Lính đâu.
Mấy anh lính hổ bôn xúm cả lại. Đỗ Kính Tu bảo:
- Mày cứ giết tao đi. Trời sẽ giết mày.
Thủ Độ bảo mấy anh lính:
- Các ngươi tìm cho ta cái kiệu lại đây để đưa lão thái phó về nghỉ.
Nói xong, Thủ Độ quay lại vái Đỗ Kính Tu một vái rồi đi về phíaNamthành xem hội.
Chiều hôm ấy viên quan coi cổng Tây thành đến báo với Trần Thủ Độ là lão tướng Phan Lân đã đem gia quyến bỏ đi rồi. Một lúc sau lại có người báo thượng thư Đỗ Anh Triệt thắt cổ tự tử ngay lúc ở triều về, không chịu làm tôi nhà Trần. Thủ Độ bùi ngùi, nói:
- Tiếc thay! Tiếc thay! Những người trung nghĩa thế mà ta không giữ được họ.
Từ đó đến sau tết nguyên đán vẫn còn người cáo quan bỏ đi. Thủ Độ tâu với vua mới:
- Nước không thể hai vua. Xin hoàng thượng định tước vị cho Chiêu Hoàng.
Vua xuống chiếu phong Chiêu Hoàng làm Hoàng hậu, gọi là Chiêu Thánh. Phong Trần Thủ Độ làm thái sư thống quốc hành quân vụ chinh thảo sự. Thủ Độ gồm thâu được toàn bộ quyền hành vào tay mình, liền đến nói với Huệ Tông nhà Lý:
- Vận nhà Lý đến nay đã hết. Thể theo lòng mong mỏi của trăm họ, Văn Hoàng đế đã lên ngôi, vậy thượng hoàng nhà Lý cũng nên biết điều mà xử sự cho phải lẽ chứ.
Huệ Tông nói:
- Mấy năm nay ta đã hiểu rõ tấm lòng tử tế của ông. Nay ông đã là thái sư đương triều, muốn làm gì ta chả được. Ta chỉ xin đến một ngôi chùa thanh tịnh, xuống tóc quy phật mà thôi.
Thủ Độ đồng ý cho Huệ Tông ra tu ở chùa Chân Giáo trong hoàng thành. Thị nữ A Nhi cầm tay nhà vua khóc nức nở, nói:
- Hoàng thượng ơi! Từ nay thiếp không được hầu hạ hoàng thượng nữa rồi.
Huệ Tông chỉ nhìn A Nhi, nước mắt tuôn xuống như mưa, không nói được câu gì, nghẹn ngào đi theo người lính dẫn đường.
Thủ Độ đang lo xếp đặt lại triều chính, có lính thám mã hoả tốc về báo việc Nguyễn Nộn đã mang quân vượt sông Thiên Đức, sắp tiến đánh kinh thành, vội vã vào triều triệu tập các quan bàn kế phá giặc.
Thật là:
                                         Đổi giời chưa kịp xem giời sáng
                                         Được nước còn lo giữ nước yên.
Mời bạn đọc tiếp chương sau xem Trần Thủ Độ chống nhau với Nguyễn Nộn thế nào.
------------   
1 Theo ĐVsktt.
2 Kiều Tam Chế: Tức Kiều Công Hãn, trong thời kì 12 sứ quân cát cứ (966-967), ông chiếm đất Phong châu, sau bị Đinh Bộ Lĩnh đánh bại.
3 Thước cổ có độ dài~ 0,333 m
4 Ngũ ố: Năm điều ghét là tâm ghét nhiệt, phế ghét hàn, can ghét phong, tỳ ghét thấp, thận ghét táo.
5Lục hoả thị cung ngoại: Sáu đội lính hầu ngoài cung (Theo ĐVsktt).
2Chi hậu, nội nhân thị nội: Các chức hầu ở bên trong (Theo ĐVsktt).
3 Cân thị thự lục cục chi hậu: Hầu cận bên cạnh nhà vua(Theo ĐVsktt).
4 Theo ĐVsktt .

1 Lính tứ sương: Quân coi bốn mặt thành.
2 Quân hổ hôn: Lính bảo vệ trong hoàng cung.
3 Quân thánh dực: Quân bảo vệ bên cạnh nhà vua.

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)