bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 21
Trong ngày: 160
Trong tuần: 1113
Lượt truy cập: 794563

TRẦN TRỌNG GIÁ bình THƠ

THƠ VÀ LỜI BÌNH
Bài thơ: GIỌT SƯƠNG BÊN CỬA SỔ
Thơ: Nguyễn Văn Á
Lời bình: Trần Trọng Giá
anh_anh_gia
NHÀ VĂN TRẦN TRỌNG GIÁ

Chị âm thầm gấp lại mảnh khăn xô
Công việc cuối của người con gái
Khép hy vọng một thời đeo đuổi mãi
Làm niềm tin ảo tưởng của riêng mình
Năm mươi năm đâu phải vô tình
Trước cuộc đời khát vọng nhiều đến thế
Vẫn ao ước một lần thèm trái khế
Chưa quặn lòng-hạnh phúc được nâng niu
Nỗi thiết tha làm mẹ cứ thêm nhiều
Cánh cửa sổ như người khép, mở
Chị đã sống hút tầm thương nhớ
Về phương trời súng nổ phía anh đi
Một ngày kia chiếc nạng gỗ lầm lỳ
Điều đặn gõ vào nhịp đời của chị
Cái màn khói màu da cam quái dị
Cứ âm thầm gặm nhấm cuộc đời anh
Giọt sương chiều đã điểm sáng long lanh
Thả khao khát lên tuổi đời xế bóng
Đành gấp lại mảnh khăn lòng nghẹn đắng
Trong ngực đèn hy vọng cứ dần vơi
Vòm cây nào xào xạc gió không thôi
Lùa nghẹt thở cả căn phòng bé nhỏ
Chị im lặng ngắm nhìn qua cửa sổ
Hứng tơ trời buông đỏ thắm đầy tay.
Sóc Sơn, Hà Nội, mùa Đông 1985.
Lời bình của: TRẦN TRỌNG GIÁ
“Giọt Sương Bên Cửa Sổ” của tác giả Nguyễn Văn Á viết vào năm 1985, đúng 10 năm sau ngày đất nước thống nhất, còn đầy rẫy những khó khăn sau cuộc chiến. Đây không chỉ là một bài thơ, mà còn là một câu chuyện kể về tình yêu, sự hy sinh, và nỗi đau thăm thẳm của những con người sống trong thời kỳ khốc liệt của chiến tranh.Nguyễn Văn Á tâm sự với tôi, bài thơ anh viết là để dành tặng cho vợ chồng người lính, mà chồng là sỹ quan cấp cao trong quân đội-Trung tướng Phạm Văn T.
Với bút pháp trữ tình, bài thơ mở ra một không gian u buồn, nhưng lại chan chứa sự cao thượng của tình yêu và lòng hy sinh cao cả của những người vợ lính trong cuộc chiến đầy bi tráng và hào hùng của dân tộc.
Tôi may mắn được là người lính dưới quyền chỉ huy của Trung tướng Phạm Văn T, khi ông còn là tư lệnh Quân khu X (ông là người con của huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Có lẽ vì thế, khi đọc bài thơ “Giọt Sương Bên Cửa Sổ” của tác giả Nguyễn Văn Á, lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động.
Bài thơ kể về câu chuyện của đôi vợ chồng người lính, trở về từ chiến tranh, mang theo di chứng chất độc da cam và chị, người phụ nữ đã gắn bó cả cuộc đời với người lính mang theo những mất mát và hy vọng mòn mỏi. Họ yêu nhau, nhưng tình yêu đẹp đẽ ấy không thể sinh hoa kết trái, vì bóng tối của chiến tranh vẫn ám ảnh suốt cuộc đời.
Ngay từ khổ thơ đầu; hình ảnh người phụ nữ được nhắc đầu tiên trong bài thơ là biểu tượng của sự hy sinh âm thầm. Hành động “gấp lại mảnh khăn xô” gợi lên cảm giác khép lại một chương đời-chương đời của những hy vọng. Mảnh khăn xô, một hình ảnh đầy ẩn dụ, vừa mang ý nghĩa của sự day dứt chia ly, vừa là biểu tượng cho sự từ bỏ những giấc mơ được làm mẹ.
“Chị âm thầm gấp lại mảnh khăn xô
Công việc cuối cùng của người con gái”
Đằng sau sự im lặng ấy là cả một thế giới cảm xúc bị nén chặt. Khép lại những mong muốn, chị không chỉ từ bỏ giấc mơ làm mẹ, mà còn từ bỏ cả những kỳ vọng về một hạnh phúc giản dị trong đời. Gấp lại “mảnh khăn xô”, chị không chỉ khép lại một ước mơ riêng, mà còn là sự chấp nhận hy sinh cho tình yêu và người chồng của mình. Hình ảnh ấy chứa đựng nỗi đau và lòng bao dung nhân hậu của một người phụ nữ từng trải qua cuộc chiến. “
“Khép hy vọng một thời đeo đuổi mãi
Làm niềm tin ảo tưởng của riêng mình”.
Ở đây tác giả khéo lồng ghép hình ảnh “trái khế”, một biểu tượng cho hương vị cuộc đời, để nhấn mạnh nỗi thèm khát giản dị, hy vọng được làm mẹ, nhưng chiến tranh và chất độc da cam ngấm vào cơ thể người chồng đã tước đi niềm hạnh phúc thiêng liêng của chị.
“Năm mươi năm đâu phải chị vô tình
Trước cuộc đời khát vọng nhiều đến thế
Vẫn ao ước một lần thèm trái khế
Chưa quặn lòng-hạnh phúc được nâng niu”
Câu thơ như một lời biện hộ cho sự chịu đựng của chị. Chị không vô cảm trước những khát vọng bình dị của cuộc đời, đó là được làm mẹ, được sống trọn vẹn trong hạnh phúc gia đình. Nhưng bởi hậu quả chiến tranh không cho chị cơ hội ấy. Tình yêu của chị dành cho anh không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà còn là sự hy sinh cho một lý tưởng lớn hơn; lý tưởng của tình yêu và trách nhiệm trước lịch sử dân tộc.
Khổ thơ tiếp theo được tác giả “đào sâu” hơn vào nỗi khát khao làm mẹ của chị, một ước vọng giản dị nhưng không thể thực hiện được. Hình ảnh “chiếc nạng gỗ lầm lì” của người chồng trở thành nhịp điệu đơn diệu, u ám trong cuộc sống của cả hai. Những bước chân nặng nề ấy không chỉ là dấu vết chiến tranh để lại trên cơ thể, mà nó còn “gõ vào nhịp đời” lên tâm hồn chị. Nó càng làm cho chị quí trọng, yêu thương người chồng của mình.
Vẫn biết chất độc da cam, hậu quả tàn khốc của chiến tranh hiện lên như một “màn khói quái dị”. Người chồng, dù trở về từ chiến trường, đã không còn nguyên vẹn cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng chị-người vợ, không chỉ đồng hành cùng anh trong nỗi đau thể xác, mà còn gánh chịu cả những mất mát vô hình đó là nỗi khát khao làm mẹ, hy vọng có một gia đình trọn vẹn. Màn khói quái dị ấy không chỉ che mờ tương lai, mà còn bóp nghẹt hy vọng mà người lính biết chấp nhận sự hy sinh một lần nữa.
“Cái màn khói màu da cam quái dị
Cứ âm thầm gặm nhấm cuộc đời anh”
Hình ảnh “giọt sương” xuất hiện trong bài thơ là một điểm nhấn đầy tinh tế. Giọt sương nhỏ bé và mong manh là biểu tượng của những hy vọng ít ỏi còn sót lại trong cuộc đời chị.Nhưng giọt sương ấy là “điểm sáng long lanh” trong khoảng khắc chiều tà, như chính tuổi đời của chị dần dần tắt đi cùng những ước mơ chưa trọn vẹn.
“Giọt sương chiều đã điểm sáng long lanh
Thả khao khát lên tuổi đời xế bóng”
Giọt sương không chỉ là biểu tượng của hy vọng, mà còn là hình ảnh của sự chịu đựng. Nó tồn tại ngắn ngủi, dễ tan biến, nhưng vẫn lặng lẽ hiện diện, như cách chị sống qua những năm tháng đầy thương cảm.
Cánh cửa sổ trong bài thơ vừa là không gian vật lý, vừa là không gian tâm hồn. Qua khung cửa ấy, chị nhìn ngắm sự chuyển động của vạn vật đang hiện hữu, nhưng cũng là nơi để chị soi chiếu lại những cảm xúc và ký ức của mình.
“Chị im lặng ngắm nhìn qua cửa sổ
Hứng tơ trời buông đỏ thắm đầy tay”
Khung cửa sổ là nơi nối liền thực tại và quá khứ, nơi chị lặng lẽ nhớ về anh và những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt. Hình ảnh “tơ trời buông đỏ” gợi lên một vẻ đẹp mong manh, nhưng lại nhuốm màu chia ly và tiếc nuối.
“Giọt Sương Bên Cửa Sổ” của Nguyễn Văn Á là bài thơ kể về nỗi đau, nhưng không bi luỵ. Người phụ nữ trong bài thơ đã hoá giải nỗi đau của mình thành sự cao thượng, chấp nhận hy sinh vì tình yêu và trách nhiệm. Sự im lặng của chị là biểu tượng cho sự kiên nhẫn, là sức mạnh nội tâm và sự vững vàng trước những biến cố của cuộc đời.
“Đành gấp lại mảnh khăn lòng nghẹn đắng
Trong ngực đèn hy vọng cứ dần vơi”
Có thể nói, bài thơ “Giọt Sương Bên Cửa Sổ” của Nguyễn Văn Á là một câu chuyện được kể bằng thơ theo lối viết tự do, đầy cảm xúc, chứa đựng những hình ảnh giàu biểu tượng và ý nghĩa. Qua câu chuyện nặng tình của vợ chồng người lính, Nguyễn Văn Á không chỉ kể về những mất mát cá nhân, mà còn mở ra một bức tranh lớn hơn về sự hy sinh thầm lặng và hậu quả tàn khốc của chiến tranh của cả một dân tộc. Giữa nỗi đau và mất mát, tình yêu và hy vọng vẫn toả sáng như những giọt sương mong manh, nhưng long lanh trên khung cửa sổ đời người.
Linh Đàm ngày đầu năm 2025 (sau 40 năm bài thơ này ra đời)
Nhà Văn: Trần Trọng Giá
ruong_thang_co_gai
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)